Thực tế thì lớn hơn là ý tưởng

125

Thực tế thì lớn hơn là ý tưởng

wherepeteris.com, Mike Lewis, 2020-11-13

Thực tế thì lớn hơn là ý tưởng, Đức Phanxicô không ngừng nói lời này, và tôi nghĩ sự hiểu biết của ngài về điều này là điều làm cho ngài khác với các vị tiền nhiệm của ngài. Xin đừng hiểu lầm tôi – tôi yêu Đức Bênêđictô XVI và Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Tôi nghĩ hai vị là những người tài giỏi và thánh thiện mà tôi và Giáo hội mang ơn rất nhiều.

Nhưng tôi cũng nghĩ, những gì Đức Phanxicô đang dạy chúng ta thực sự là một thay đổi cụ thể so với những gì mà nhiều người công giáo ở thế hệ của tôi đã học, đặc biệt là những người trong chúng tôi lớn lên trong văn hóa công giáo bảo thủ ở Bắc Mỹ. Nó cũng khác rõ so với cách tiếp cận đức tin thường được các phương tiện truyền thông công giáo nổi tiếng như đài EWTNCông giáo Trả lời (Catholic Answers) giới thiệu. Cách tiếp cận của ngài ngầm phủ nhận quan điểm của nhiều linh mục và giám mục cấp cao, từ lâu họ được nền văn hóa này xem là chiến binh của chủ nghĩa chính thống và anh hùng của đức tin. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi thông điệp của Đức Phanxicô đã vấp phải sự phản kháng to lớn như vậy ngay từ bên trong Giáo hội. Tuy nhiên, việc thay đổi này là hoàn toàn quan trọng và cần thiết để đức tin công giáo trong việc truyền giáo có hy vọng, thậm chí thích ứng với một thế giới rộng lớn hơn trong tương lai. Chính vì vậy, bây giờ triều giáo hoàng của ngài là cần thiết cho thế giới đảo lộn chúng ta đang sống.

Bản báo cáo McCarrick, có khả năng sẽ không được làm – và gần như chắc chắn sẽ không bao giờ được công khai – bởi các vị tiền nhiệm của ngài, nói lên hình ảnh của một hệ thống cấp bậc của một Giáo hội thể chế (kể cả hai giáo hoàng), thường có một cái nhìn lý tưởng hóa về công giáo đối với thực trạng lạm dụng của các nhà lãnh đạo trong Giáo hội. Trong nhiều trường hợp, rõ ràng là các nhà lãnh đạo trong hàng giáo phẩm đã chọn cách nói dối để bảo vệ hình ảnh một Giáo hội được lý tưởng hóa trước công chúng, trong khi họ biết rõ Giáo hội đầy rẫy tai tiếng, tham nhũng và lạm dụng.

Tôi sẵn sàng chấp nhận lời giải thích cho rằng Đức Gioan-Phaolô II đã là miếng mồi ngon cho lời nói dối của những kẻ săn mồi như cựu hồng y Theodore McCarrick, như cố linh mục Marcel Maciel. Tôi có thể tin rằng trong thâm tâm, ngài nghĩ họ vô tội. Chắc chắn, ngài sẽ không bao giờ dung túng cho sự lạm dụng của họ. Nhưng, bản báo cáo cho biết, khi cựu hồng y McCarrick được đề nghị làm tổng giám mục giáo phận Washington, ba giám mục của bang New Jersey, những người biết chuyện cựu hồng y đã viết thư cho sứ thần về tình trạng của cựu hồng y McCarrick. Trong trường hợp này, Đức Gioan-Phaolô II đã đặt niềm tin vào các giáo sĩ hơn là tiếng kêu của dân Chúa. Đối với ngài, có vẻ các nhà lãnh đạo như cựu hồng y McCarrick, cố linh mục Maciel và hồng y Bernard Law – tất cả đều bảo vệ chủ nghĩa chính thống, họ mang lại cho Giáo hội nhiều ơn gọi linh mục, họ quyên góp được nhiều tiền – lớn hơn là thực tế về những bí mật đen tối mà họ đã che giấu và những cuộc đời vô tội mà họ đã hủy hoại. Đức Gioan-Phaolô II sẽ không vất vả lắm mới phát hiện ra sự thật ma quỷ của ai trong số những người này. Nhưng ngài đã không làm. Ngài  tin tưởng họ vì chức vụ và hình ảnh của họ phóng chiếu. Nói cách khác, ngài đã trở thành con mồi của chủ nghĩa giáo quyền.

Đức Phanxicô cũng không tránh được chủ nghĩa này. Mới đầu ngài tin tưởng cựu hồng y McCarrick (đến mức độ nào thì không rõ). Ngài đã tin tưởng vào người đã cho ngài biết về giám mục Barros ở Chi-Lê. Trong một số trường hợp, ngài tin tưởng nhiều vì ngài tin vào nhận định của những vị tiền nhiệm về những người này. Chúng ta nên nhớ, không phải ngài là người chịu trách nhiệm phong giám mục cho người này, người kia. Ngay cả những câu hỏi cũng chưa có câu trả lời trong việc ngài ủng hộ giám mục Gustavo Zanchetta, người Argentina đầu năm nay đã kín đáo trở lại làm việc cho Ngân hàng Vatican dù đã bị đình chỉ vì những cáo buộc về hành vi tình dục không phù hợp với các chủng sinh. Tương tự như vậy, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm cố hồng y Godfried Danneels vào Thượng hội đồng gia đình năm 2014 và 2015 dù đã có băng ghi âm hồng y xin một nạn nhân bị lạm dụng giữ im lặng.

Tuy nhiên, tôi nghĩ – và cuối cùng tôi cầu nguyện – kinh nghiệm của ngài qua vụ bê bối lạm dụng ở Chi-Lê là bước ngoặt của ngài. Có vẻ như ngài bắt đầu nhận ra, bất kỳ sự tin tưởng nào bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo quyền đều là một tin tưởng vô nghĩa. Đây không phải là bài học dễ dàng cho những người đã có nhiều năm hưởng lợi từ một hệ thống coi chủ nghĩa giáo quyền là điều hiển nhiên. Tạ ơn Chúa vì lòng dũng cảm của những nạn nhân sống sót như ông Juan Carlos Cruz, họ đã không dừng lại khi Giáo hội cố gắng bịt miệng họ. Ngày nay, để thuyết phục hệ thống cấp bậc tìm hiểu các sự thật gay go thường đòi hỏi sự quyết tâm và đôi khi là sự hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông chính thống.

Sau vụ Chi-Lê, dường như Đức Phanxicô đã nhận ra cần phải thay đổi cách tiếp cận của mình – và xem lại mình phải đặt niềm tin ở đâu. Nhưng điều quan trọng cần hiểu, đây là một phần trong cấu trình của ngài. Nơi mà các vị tiền nhiệm của ngài thường tiếp cận vấn đề bằng cách vẽ các đường thẳng dựa trên sự tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức khách quan (tuyệt đối không cho người ly dị tái hôn nhận bí tích; không có kết hiệp dân sự cho người đồng tính), thì ngài nhìn thực tế lộn xộn của cuộc sống hàng ngày để xem những cơ hội nào vẫn có thể khả thể. Như ngài đã viết trong lời xin lỗi vì những sai sót của mình ở Chi-Lê, “Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta không thể rơi vào trong cám dỗ để nói dông dài hay về những chuyện ‘chung chung’”. Nói cách khác, khi đối diện với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, những tổn thương sâu đậm, với chính sự hoán cải của chúng ta, của người anh em và của thế giới – không bao giờ được có những lời nói tẻ nhạt hay tái khẳng định những nguyên tắc chung, mà bằng những quyết định và hành động cụ thể và hữu hình đáp ứng từng thách thức riêng trước mắt chúng ta.

Đức Phanxicô đang cố gắng dạy chúng ta rằng khi chúng ta phản ứng với những vấn đề nghiêm trọng trong thế giới thực, chúng ta phải trung thực về những kỳ vọng, giới hạn, ấn tượng, thành kiến, dự đoán và lý tưởng của mình. Các ý tưởng thường bắt nguồn từ một tầm nhìn về sự hoàn hảo hoàn toàn không thực tế hoặc không thể đạt được. Khi thế giới quan của chúng ta chủ yếu được định hình bởi những ý tưởng hoàn toàn tách rời thực tế, chúng ta dễ dàng trở thành những người theo chủ nghĩa tư tưởng và chính thống. Điều quan trọng là chúng ta phải học cách “chân thành và thẳng thắn nhận ra bây giờ phản ứng nào là đúng nhất của Chúa, và làm sao chúng ta nhận ra đảm bảo đạo đức nào đó là điều mà chính Chúa đòi hỏi sự phức tạp cụ thể của các giới hạn này” (Tông huấn Niềm vui Yêu thươngAmoris Laetitia 303). Đời sống kitô  đích thực bắt nguồn từ việc đón nhận Tin Mừng và sau đó đi ra thế giới, áp dụng Tin Mừng tùy theo hoàn cảnh mà chúng ta nhận thấy.

Đức Phanxicô không “làm giảm giá trị” học thuyết công giáo hay Tin Mừng. Ngài chỉ đơn giản nhận ra, Chúa đang kêu gọi mỗi chúng ta đến gần Ngài hơn trong mọi khoảnh khắc của đời sống, dù chúng ta đang làm gì. Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể chúng ta là người giữ đạo hàng ngày hay người vô thần năng nổ. Dù chúng ta là nữ tu sĩ hay kẻ tội phạm cứng đầu, mỗi giây phút sống đều là cơ hội để chúng ta đi bước đầu tiên đến với Chúa.

Đây không phải là đi ngược với sự thật. Đức Phanxicô tin những gì Giáo hội dạy. Ngài thực hành, dù không hoàn hảo (tất cả chúng ta đều là kẻ có tội). Nhưng ngài tin vào việc xem xét từng tình huống riêng biệt của thực tế rối ren. Ngài xem mọi người đều được Chúa gọi và Chúa yêu thương. Nhưng mỗi người đều có con đường của riêng mình. Chúng ta phải có trí tuệ, sự kiên nhẫn và khả năng phân định thực tế: “Tôi bắt đầu từ đâu ở đây?” Đức Bênêđictô XVI cũng đã công nhận nguyên tắc này. Chúng ta nhớ lại, đã có một cuộc tranh cãi lớn khi ngài nói, một cô gái mại dâm sử dụng bao cao su vì đã lo cho khách hàng của mình có thể bị nhiễm sida, thì điều này có nghĩa, đây là “bước đầu tiên hướng về đạo đức, một trách nhiệm đầu tiên, trên con đường phục hồi nhận thức, rằng không phải mọi thứ đều được phép và người ta không thể làm bất cứ điều gì mình muốn”. Đường lối này đã tạo hoang mang lớn trong nền văn hóa công giáo bảo thủ, vốn chỉ quen xem luân lý theo thuật ngữ chung chung và áp dụng được. Nhưng cũng như Đức Phanxicô, giáo hoàng danh dự Bênêđictô đã suy nghĩ về hành trình đức tin của cá nhân trong tất cả sự đảo lộn và phức tạp của nó.

Nhiều năm trước, có thể các bạn cũng còn nhớ trong một phỏng vấn, khi phóng viên hỏi ngài: “Có bao nhiêu con đường đến với Chúa?”  Hồng y Joseph Ratzinger đã trả lời: “Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường. Vì ngay trong lãnh vực đức tin, con đường của mỗi người là con đường hoàn toàn cá nhân.” (Muối trên Quả đất). Tuy nhiên, dù Đức Bênêđictô XVI đã rõ ràng trong lãnh vực ý tưởng, đôi khi ngài cũng khó thực hiện trong thực tế. Chẳng hạn về một vài hành vi mang một biểu tượng to lớn và sâu đậm của ngài như dỡ bỏ lệnh dứt phép thông công bốn giám mục của Huynh đoàn Thánh Piô X (SSPX), cho phép các linh mục làm lễ theo truyền thống latinh, và về Bản quyền Anh giáo. Tất cả các quyết định này đều hướng đến vì lợi ích to lớn của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Tuy nhiên, ý nghĩa thực tế của mỗi quyết định này đã phản tác dụng theo nhiều cách. Ví dụ, việc dỡ bỏ dứt phép thông công đã phản tác dụng khi một trong các giám mục bị tiết lộ là người phủ nhận vụ Holocaust, diệt chủng người do thái. Trong khi đó, Huynh đoàn Thánh Piô X đã từ chối một thỏa thuận được Tòa Thánh đề nghị. Việc cho phép cử hành thánh lễ theo cách cũ dường như đã khuyến khích những người theo chủ nghĩa truyền thống cấp tiến trong những năm gần đây. Và mặc dù ở quy mô nhỏ, Bản quyền Anh giáo đã có những chia rẽ trong vụ tai tiếng và các linh mục bất đồng chính kiến.

Đừng hiểu sai ý tôi, tôi tuyệt đối tin chắc Đức Bênêđictô XVI chân thành, thánh thiện và có ý tốt. Nhưng dường như những cử chỉ của ngài, dù có ý nghĩa và giàu biểu tượng như ngài mong muốn lại thường thất bại dưới mắt giáo dân. Có lẽ không có ví dụ nào rõ ràng hơn ví dụ về đôi giày của các giáo hoàng. Đức Bênêđictô XVI đã làm sống lại truyền thống đi giày đỏ truyền thống (tượng trưng cho máu của các vị tử đạo) mà các giáo hoàng đã mang trong nhiều thế kỷ, trong khi Đức Gioan-Phaolô II thường đi giày nâu (ngài đi giày đỏ trong thời gian đầu và đôi giày đã được chôn với ngài). Đã một thời giới truyền thông ồn ào quanh lựa chọn thời trang này. Được mô tả trong các tiêu đề thế tục như “đôi dép hồng ngọc” hoặc “giáo hoàng mang giày Prada”, đã thành trò đùa hài hước củng cố quan niệm về một Giáo hội suy đồi và duy vật.

Đức Phanxicô có một cảm nhận tốt hơn dưới mắt nhiều người. Và đôi giày đen chỉnh hình của ngài tương phản với đôi giày đỏ của giáo hoàng (tượng trưng cho tử đạo) khác xa với thực tế của những gì mọi người nghĩ. Sự tương phản hiển nhiên và rõ ràng này đến mức tạp chí Esquire đã vinh danh Đức Phanxicô là “người đàn ông ăn mặc đẹp nhất năm 2013”. Đây là ví dụ hơi thú vị để thấy có một cái gì đó ở trọng tâm cái nhìn của Đức Phanxicô. Khía cạnh trong tầm nhìn này của ngài là điều làm cho ngài khác với kiểu người lãnh đạo Giáo hội mà nhiều người mong chờ.

Ngài giải thích ý tưởng này trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium, khi ngài viết: Trong phân định thường xuyên của mình, Giáo hội có thể thấy một số phong tục không liên quan trực tiếp đến trọng tâm Tin Mừng, ngay cả một số phong tục có nguồn gốc lịch sử sâu xa, không còn được hiểu và đánh giá đúng mức. Một số phong tục này có thể đẹp, nhưng chúng không còn được dùng để làm phương tiện loan báo Tin Mừng nữa. Chúng ta đừng ngại xem lại chúng (43).

Nguyên tắc này không chỉ đơn giản là bắt kịp thời đại trong phong tục, y phục và phong cách chúng ta. Đó là điều cần thiết cho sứ mệnh truyền giáo của chúng ta. Đó là sự công nhận trong hành trình đức tin của mỗi cá nhân và mỗi người chúng ta đến từ một thời, một không gian duy nhất, có lịch sử không giống với bất cứ lịch sử của ai. Và mỗi chúng ta phải được đồng hành với tốc độ riêng của mình. Trong đoạn sau, ngài nói tiếp, “Một bước nhỏ, giữa những giới hạn lớn lao của con người, có thể làm đẹp lòng Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài ổn định ngày này qua ngày khác mà không gặp khó khăn lớn. Mỗi người cần được sự an ủi và tình thương cứu độ của Chúa chạm đến, một tình thương huyền bí hoạt động trong mỗi người, vượt lên trên những lỗi lầm và thất bại của họ”.

Và đó là cách để hình dung những gì ngài đang gắng sức dạy chúng ta. Mỗi tội nhân (tất cả chúng ta) đều giống như căn bếp bừa bộn. Người nào bước vào nhà bếp này cũng đều nói: “Thật là hỗn độn! Bạn phải dọn dẹp nó!” Đúng. Tất cả chúng ta đều muốn có một nhà bếp sạch sẽ. Nhưng chúng ta bắt đầu làm sạch như thế nào đây? Rõ ràng là bạn không thể làm gì, nhưng đòi hỏi sự hoàn hảo ngay từ đầu  thì bạn không nên quên được thực tế của tình trạng. Phải thấy sự hợp lý. Phải bắt đầu từ đâu đó, và phải hiểu giới hạn của mình. Nhưng khi Đức Phanxicô đi vào căn bếp lộn xộn đó, ngài xắn tay áo, kéo xoong nồi ra khỏi bồn rửa và đặt chúng lên quầy, những người chỉ trích ngài bắt đầu la hét: “Những chiếc nồi này cần rửa sạch trong bồn rửa! Cha đã làm không đúng!” Bất cứ điều gì ngài làm đều quay ngược lại ngài, khoan dung hoặc thỏa hiệp. Và bảy năm sau triều giáo hoàng của ngài, những lời phàn nàn về mọi thứ ngài làm đã biến thành một loại giải trí chói tai và vô ích.

Điều này đưa chúng ta trở lại thách thức mà ngài đặt ra cho những người công giáo bảo thủ. Quá nhiều người trong chúng ta rơi vào suy nghĩ, Chúa mong đợi chúng ta có một cuộc sống bình dị hoàn hảo, không bị vấy bẩn. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết có rất nhiều áp lực trong giới công giáo “chính thống” để đưa ra điều này (dù đời sống chúng ta có thực sự hoàn hảo hay không). Dễ bị tổn thương, đấu tranh, nghi ngờ và trầm cảm được xem là yếu đuối. Trong loại văn hóa công giáo này, chúng ta không chỉ cảm thấy áp lực phải phóng chiếu một hình ảnh về lòng đạo đức và niềm tin (vì vậy chúng ta được coi là “thánh thiện”), nhưng chúng ta còn bị điều kiện hóa xem thường người khác khi họ không đồng ý tưởng với mình. Và để duy trì bề ngoài thánh thiện, những thứ như lạm dụng, bất trung, nghiện ngập, bệnh tâm thần, và tất cả các loại tội lỗi đều phải giấu kín và được cho phép phạm trong bóng tối. Trong khi đó, tính không khoan dung và phán xét trồi lên mặt. Thông điệp của Đức Phanxicô (dù ngài cố tình làm hay không), là dấu hiệu đáng chú ý cho cách tiếp cận này. Về cơ bản, ngài nói: “Chúng ta phải thừa nhận sự thật, thế giới này là một mớ hỗn độn và không có người công giáo nào hoàn hảo cả. Chúng ta sẽ làm việc với những gì chúng ta có và bao gồm tất cả mọi người.”

Nhiều người công giáo khó chấp nhận điều này. Họ muốn có một cuộc chiến văn hóa. Họ muốn vẽ những đường rõ ràng để họ có thể làm cho người khác phải chịu trách nhiệm. Họ muốn có một pháo đài vững chắc, nơi họ (người được bầu chọn) có thể trú ẩn và chiến đấu với những người bên ngoài bức tường. Họ đã làm việc gay go để trở thành người công giáo hoàn hảo đó trong một thời gian dài, và họ bực bội với suy nghĩ bị gán ghép chung với những người khác. Họ muốn Giáo hội là nơi tạo tôn kính và ổn định, được tạo thành từ những gia đình sùng đạo kiên trung, không bị tội lỗi và cám dỗ thế gian thống trị.

Nhưng đó là một ý tưởng. Đó không phải là thực tế. Đó không phải là điều của Giáo hội. Các thực tế thì to lớn hơn là ý tưởng

Đức Phanxicô đòi hỏi chúng ta làm việc trong trong thực tế, không nên tưởng tượng rằng chúng ta có thể áp đặt ý tưởng lên mọi người. Đáng buồn thay, nhiều người Công giáo không thể đảm đương được việc này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch