Robert Redeker: “Chúng ta đang trải qua một sự đảo ngược nhân chủng học chưa từng có”
lefigaro.fr, Robert Redeker, 2020-11-08
Robert Redeker. Minh họa của Fabien Clairefond
Triết gia Robert Redeker, tác giả quyển sách Sự biến đi của cái chết (L’Éclipse de la mort, nhà xuất bản DDB), một suy nghĩ mạnh về sự huyền bí của các cái chết trong xã hội chúng ta, ông đặt vấn đề về sự đảo lộn nhiệm vụ giữa các thế hệ do khủng hoảng sức khỏe gây ra.
Việc cách ly và hàng loạt lệnh cấm được đưa ra để đối phó với đại dịch Covid-19, bề ngoài có vẻ hợp lý, rộng lượng, nhân từ của một chủ nghĩa nhân đạo. Họ nói về điều hiển nhiên, về chính mình và về tự nhiên.
Trong ký ức nhân loại, truyền thống của chúng ta là: cha mẹ hy sinh cho con cái, như câu chúng ta thường nghe “cha mẹ hy sinh tất cả để cho con.” Xuyên suốt đường dài lịch sử. Nó có từ khi có con người, từ khi cái chết xuất hiện giữa cuộc sống để các thế hệ thay thế liên tục. Nhà sinh học François Jacob đã viết: “Cuộc sống là liên tục”: sự hy sinh của con người là cần thiết, là lẽ tự nhiên đối với sự liên tục của cuộc sống, qua nhiều thế hệ, vì “sự kế thừa không hề gián đoạn” này. Khuôn mẫu của sự trở thành, như triết gia Heraclite thời cổ đại đã nói, chúng ta không bao giờ tắm lại lần thứ hai cùng dòng sông. Và nó cũng có thể so sánh với nước ối, dòng nước nguyên sơ từ đó một tân sinh vật không ngừng xuất hiện.
Trong suốt cuộc đời mình, cha mẹ hy sinh bản thân để thế giới có thể tiếp tục sau họ, dòng sông cuộc sống trôi chảy không bị cản trở, để gia đình tự đổi mới và trường tồn, thịnh vượng, để các thế hệ sống, phát triển và hưng thịnh. Triết gia Alain đã viết: “Đứa trẻ là tác phẩm tiêu biểu”. Chúng ta có có cần phải nói về tính nhân học ở thì đã qua này không? Cha mẹ “hy sinh tất cả cho con”, họ đã làm việc, đã sống để hướng tới một tương lai mở ra vượt bên ngoài sự tồn tại của chính họ, họ biết, họ chỉ là một mắt xích xuyên suốt của một chuỗi, và căn tính của họ cũng như lý do sống của họ không phải giới hạn ở cá nhân của họ, nhưng còn ở dòng chảy liên tục này, trong gia đình này, trong cái tên này, trong dòng họ này. Đó là xác tín thiết thân của họ: điều quan trọng, đó là con cái. Đó là mệnh lệnh của họ, là kim chỉ nam cho sự tồn tại của họ: quan trọng là hậu duệ.
Đại dịch hiện nay cho chúng ta thấy một bộ mặt hoàn toàn khác của nhân loại so với minh triết này của tổ tiên. Để giữ gìn sự sống còn của những người lớn tuổi nhất, chúng ta quyết định dừng cuộc sống, giống như người sếp ga thổi còi để xe lửa ngừng, bấm nút “tạm dừng” để chận lại –không phải sự sống sinh học, tất nhiên, nhưng sự sống thực, sự sống con người. Chúng ta giảm sự sống của tất cả vào sự sống đơn giản sinh học này – đến mức giới hạn sự chung sống trong gia đình – “cuộc sống trần trụi” mà triết gia người Ý Giorgio Agamben đã là người đầu tiên đưa ra lý thuyết này. Người ta dựng đập lên dòng sông sự sống để nó ngừng chảy, vì lợi ích cho các thế hệ trẻ với một tốc độ khác với tốc độ của các thế hệ già nhất. Một cái nhìn nhân chủng học được đặt ra trong tình huống này cho thấy một sự đảo ngược về sức khỏe. Chúng ta viện đến sự sống, sự sống của những người lớn tuổi nhất, để ngăn cản sự sống, sự sống của những người trẻ hơn, vì kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngắn gọn, tập hợp các ràng buộc mới này, với mật độ của nó, với sự bành trướng và kéo dài của chúng tạo thành một khối chính trị chưa từng có, đó thực sự là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng vệ sinh.
Trên thực tế, ở đây chúng ta bắt gặp những chỉ thị mang tính cách chính trị, nhưng hóa ra lại có tính cách phá hoại – mà không đưa ra khía cạnh “hủy hoại sáng tạo” – về kinh tế, tâm lý và nhân chủng học, vì chúng tổ chức một sự biến động sâu đậm của sự tồn tại.
Cách mạng: sau này chúng ta sẽ không còn sống như trước đây nữa. Cách chúng ta sống với người khác sẽ biến đổi sâu đậm, chỉ vì người ta làm cho chúng ta trải nghiệm một kinh nghiệm vô nhân bản về nỗi sợ hãi người anh em, “sợ phân tử.” Cuộc cách mạng này mang hình thức của một sự kiện mà từ quá khứ văn minh – đời sống chung của chúng ta – bị xóa sổ nhân danh một cuộc sống mà chúng ta đã không còn xem đó là sự tiếp sức để chuẩn bị cho cuộc sống của các thế hệ sau. Nhân danh cuộc sống mà chúng ta giữ mục đích cho mình, như thể nó không có tính khách quan bên ngoài. Một cuộc sống tách rời khỏi bối cảnh sinh học, gia đình và xã hội của nó.
Sự đảo ngược nhân học và cuộc cách mạng chính trị: các thế hệ tích cực được lệnh phải hy sinh một loạt đủ chuyện, hy sinh sức sống (kinh tế, thể thao, các buổi biểu diễn, gặp gỡ bạn bè, đi ngắm phố phường, đi dạo trên đường phố), hy sinh thịnh vượng, hy sinh giao tiếp nhân loại (các mối quan hệ xã hội phải giảm đến mức tối thiểu), của gia đình, hy sinh cả những chuyến đi, sự sáng tạo, quán cà phê và nhà hàng, những quyền tự do cơ bản nhất (cho đến khi áp đặt lý do kỳ cục phải điền đơn xin “đi hóng mát một ngày một giờ”). Cha mẹ đã lên chức ông bà, dù không còn tương lai trước mặt, họ không còn ý định hy sinh cho con cái; ngược lại, bây giờ họ đòi hỏi con cái và đời sống nhân loại phải hy sinh cho họ.
Sự đảo ngược nhân học mang lại một cuộc cách mạng chính trị. Mọi thứ đang diễn ra như thể một phần của xã hội chúng ta không còn muốn có sự thay thế của các thế hệ. Triết gia Michel Foucault đã ghi nhận, đàng sau bệnh dịch hạch, “còn có một giấc mơ chính trị”: đó là “sự xâm nhập của quy định cho đến tận các chi tiết tế nhị nhất của sự tồn tại”. Giấc mơ này cũng làm xoay đầu các quyền lực hiện nay trong một cơn say kiêu căng. Việc quản lý cuộc khủng hoảng Covid-19 là kết quả của một thử nghiệm không tưởng, thử nghiệm của một chế độ chính trị cho phép mình có một mức độ tự do tối thiểu với lý do nguy hiểm vì bệnh tật. Cuộc cách mạng sức khỏe có thể biến xã hội thành phòng thí nghiệm cho nhân loại trong tương lai.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô: “Thế giới hậu-covid, mọi thứ phải được xem xét lại”