Jean-Yves Leloup: “Giận dữ là trạng thái tha hóa khi chúng ta không làm chủ chính mình”

252

Jean-Yves Leloup: “Giận dữ là trạng thái tha hóa khi chúng ta không làm chủ chính mình”

lavie.fr, Aurélie Godefroy, 2021-01-13

Linh mục chính thống giáo Jean-Yves Leloup, tiến sĩ triết học, tâm lý và thần học, nhà văn, trước là linh mục Dòng Đa Minh sau là linh mục chính thống giáo. Từ nửa thế kỷ nay, nhà hiền triết miệt mài nghiên cứu về các Giáo phụ sa mạc và suy gẫm về Kinh thánh và tu viện truyền thống chính thống giáo.

 

Tác giả của nhiều sách, bài dịch và bình luận, đặc biệt là các phúc âm kinh điển và ngụy thư, linh mục tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và vừa xuất bản Hối cải. Một cách mạng thầm lặng (Métanoïa. Une révolution silencieuse, nhà xuất bản Albin Michel).

Cùng nhau suy gẫm và hành động, trau dồi tâm tính dịu dàng để đưa chúng ta về với hiện tại, đó là lời khuyên của nhà văn chính thống Jean-Yves Leloup. Phỏng vấn.

Làm thế nào chúng ta có thể chuyển hóa bạo lực, suy thoái tinh thần để quay về với đời sống thiêng liêng?

Giáo sư Jean-Yves Leloup: Chúng ta phải bắt đầu với những gì làm chúng ta đau đớn nhất và tạo khó khăn nhất cho chúng ta – tức giận, buồn bã, hư ảo – và cố gắng xem điều gì ẩn giấu đàng sau đó. Hối cải là sự quay trở về này: chúng ta chỉ có thể thay đổi từ bên trong. Chúng ta phải nhận ra rằng, trên thực tế, đó không phải là những điều chúng ta biết, nhưng là kinh nghiệm của chúng ta về sự vật, nhận thức của chúng ta có về chúng mà chúng ta phải làm việc.

Làm thế nào để phân tích cuộc khủng hoảng này và những gì từ đó nổi lên cho thấy về mặt cảm xúc?

Đó là tìm trong bản thân mình những gì là tự do. Khi nói đến hối cải, là tiến thêm một bước nữa vượt ra ngoài cảm xúc. Chúng ta không được phủ nhận cũng không từ chối, không để mình bị dính hoặc cuốn hút vào đó. Điều quan trọng là chúng ta gắn kết lại với chính mình, tiếp xúc với một điểm tĩnh lặng, bình thản để từ đó chúng ta có thể nhìn lại mọi thứ. Thực hành thiền hay suy gẫm có thể giúp chúng ta nhớ lại bản thể nội tâm của mình. Đó là việc nhìn mọi thứ từ một khoảng không gian nội tâm lớn hơn, nơi cảm xúc ở đó, nhưng nó không chiếm hết không gian.

Thực hành thiền hay suy gẫm có thể giúp chúng ta nhớ lại bản thể nội tâm của chúng ta.

Trong quyển sách của giáo sư, giáo sư trích dẫn các Giáo phụ. Các Giáo phụ đề nghị những gì?

Bước đầu tiên là mở mắt, để nhìn đúng sự việc. Đó là điều họ gọi là chú ý có ý thức, nepsis. Ngày nay rất nhiều người nói đến “chánh niệm” nhưng nó không có gì mới. Sâu xa hơn, chúng ta có thể thực hành nhớ lại, anamnèsis, ghi nhớ: “Nguồn gốc của tất cả những cảm xúc này là gì?” Có rất nhiều phóng chiếu, nhiều ký ức về thời thơ ấu… Chúng ta đừng quên bản ngã của chúng ta là tổng thể của những ký ức mà chúng ta liên tục phóng chiếu lên tất cả những gì chúng ta gặp. Chúng ta cần nhận ra, đằng sau sự tức giận, nỗi buồn hiện tại, có thể ẩn chứa những tình huống tương tự khác nhau mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ. Theo các Giáo phụ, điều quan trọng là phải vượt ra ngoài những ký ức này, để không đồng nhất với chúng: “Tôi không phải chỉ như vậy. Trong tôi có một cái gì lớn hơn, thông minh hơn, rộng lớn hơn tôi, đặc biệt là đáng yêu hơn chính tôi.” Chúng ta không nên chỉ nhìn vào những tổn thương của mình, mà còn cả những gì đang diễn ra tốt đẹp với chúng ta, bởi vì chính từ những chuyện này, chúng ta mới có thể chữa lành. Đó là việc chăm sóc sức khỏe tốt, sức khỏe tuyệt vời còn được gọi là “sự hiện diện của Bản thân.” Đó cũng là của Đấng Kitô nội tâm, hay của trạng thái tỉnh thức luôn ở đó, về sự hiện diện của bình an và ánh sáng đang ở trong chúng ta. 

Cụ thể, làm thế nào để tiếp cận thực tế này?

Nó đi qua trong thinh lặng của tâm trí, không phán xét. Đó là việc chạm vào nơi này của chính mình, chủ nhân nội tâm chúng ta, để nhìn mọi thứ từ một quan điểm phi nhị nguyên. Chúng ta vượt ra khỏi tâm trí vốn hoạt động theo cách nhị phân để tìm lại bản thân trong sự thống nhất của thực tại, điều này giúp chúng ta tương đối hóa nỗi buồn, cơn giận của mình, đặt chúng vào vị trí của chúng, bằng cách cố gắng khơi dậy bình tâm, một sự hiện diện sống trong chúng ta và trong sự hiệp nhất với tất cả những gì tồn tại.

Đó là việc chăm sóc sức khỏe tốt, sức khỏe tuyệt vời còn được gọi là “sự hiện diện của Bản thân.”

Giáo sư nêu bật trong sách một phẩm chất chủ yếu: sự dịu dàng…

Sự dịu dàng là quan trọng, vì tức giận là trở thành tha hóa, vì chúng ta không làm chủ chính mình, không ở trong hành động mà ở trong thế phản ứng. Sư dịu dàng đưa chúng ta về với hiện tại, về mối quan hệ chú tâm với những gì đang có. Chúa Giêsu đã không nói, “Hãy học ở Ta sự thật và tình yêu” dù đó là những đức tính cao cả, nhưng hãy học ở Ta hiền hậu và khiêm nhường. Hiền hậu dịu dàng là tình yêu trong hành động. Chúng ta phải học cách hòa nhập hiền hậu dịu dàng này trong chúng ta, ở mọi cấp độ: Điều quan trọng là sống dịu dàng hơn, điều này không có nghĩa là sống chậm hơn. Hiền hậu dịu dàng là nâng cao sự vuốt ve: các giáo sĩ do thái nói, sách Talmud là sách để “vuốt ve.” Không phải là sách để chúng ta cố gắng tìm lý lẽ hoặc để tìm hiểu. Vuốt ve là cho phép người kia tồn tại và tự hiến mình, và như thế với các văn bản, kể cả Sách thánh, nó giúp chúng ta thức tỉnh. Khi chúng ta xem tin tức thời sự, chúng ta như bị tấn công vì chúng ta không có thì giờ để có độ lùi này, chúng ta nên nhìn mọi việc một cách nhẹ nhàng.

Các Giáo phụ sa mạc có thể giúp chúng ta như thế nào?

Họ đã sống trong cô độc, tất cả bạo lực trên thế giới, ở bên trong chính họ. Họ không tránh được những trạng thái tức giận, nổi loạn này. Để sống còn, chúng ta tìm ra phương pháp, meùtodos. Đây không phải là phủ nhận cái chết trong cuộc sống, nhưng chúng ta không chạy trốn nó. Chúng ta hãy quan sát cách chúng ta không thể thay đổi các sự kiện, nhưng thay đổi cách nhìn của chúng ta về chúng. Nói “nó là như vậy” giúp chúng ta chấp nhận để vượt qua mọi thứ. 

Làm sao để có thể thấm vào thực tế này?

Qua những gì tôi gọi là “thiền-hành động.” Ngày nay chỉ thiền định thôi là không đủ, cũng như chỉ hành động thôi cũng không đủ. Hành động phải được làm sáng tỏ bằng thiền định, im lặng, để thấy nó phong phú như thế nào. Tôi đã nhận ra, không có hành động nào đúng tự chính nó, tôi cũng không biết hành động có thể tự nó điều chỉnh. Mỗi tình huống là duy nhất, chúng ta phải tìm ra hành động phù hợp và cắm rễ nó ở nơi mà chúng ta gọi là trái tim. Bởi vì một cuộc sống không có ý nghĩa là một cuộc sống không có trung tâm. Thách thức trong những ngày sắp tới, với cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua, là luôn tập trung vào trái tim thông minh.

Đó là gì?

Đó là cảm nhận tình yêu không tách rời ánh sáng. Ngày nay người ta nói nhiều về con người bổ sung, tôi, tôi sẽ nói về một ý thức được bổ sung bởi tình yêu. Trên hết, chúng ta không được chống cái này và cái kia. Cùng nhau nắm giữ chân lý và tình yêu, cùng nhau thiền định và hành động: đây là hướng đi mà chúng ta phải đi. Hối cải, vượt ra ngoài suy nghĩ, đi vào ý thức có thể là ý thức của trái tim, và mang đến một cuộc sống tập trung nơi mọi thứ đều có ý nghĩa.

Không có hành động nào đúng tự chính nó, tôi cũng không biết hành động có thể tự nó điều chỉnh

Giáo sư thực hành như thế nào?

Hôm nay tôi cố gắng theo dõi hơi thở, theo dõi giọng nói của tôi bằng cách mang ý thức về ý thức của Chúa Kitô. Khi tôi viết, tôi chữa bệnh cho người nào, tôi cố gắng làm điều đó trong nhận thức về hơi thở này trong tôi, nó đang kêu cầu đến Chúa Cha. Ánh sáng không phải là tài sản riêng của người phật tử, tình yêu không phải là tài sản riêng của tín hữu kitô: ý thức có trong mỗi người. Chúng ta tạo thành một tổng số những tham dự tương đối và vô hạn với một bản thể tuyệt đối và mỗi người phải sống phần của mình. Chúng ta cảm thấy mình hạnh phúc khi chúng ta công bằng, khi chúng ta ngay hàng thẳng lối.

Việc thường xuyên đọc Sách thánh đã mang lại cho giáo sư điều gì?

Đây là điều làm cho tôi tiếp xúc với thông tin sáng tạo. Với tôi, có ba quyển sách tuyệt vời: thiên nhiên, Sách thánh và quả tim. Những gì thiên nhiên nói với tôi, tôi tìm thấy trong Sách thánh: Sách nói cho chúng ta biết chúng ta được yêu thương. Chúng ta phải vui vì cùng nhau tồn tại, thông qua các nghi thức, các buổi lễ. Vì trong những lúc khó khăn như lúc này, đòi hỏi phải có nhiều ý thức và tình yêu, quan tâm nhiều hơn đến sự hiện diện, cuộc sống, để chào đón và vuốt ve chiều kích ánh sáng này.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô, giáo hoàng nóng giận?