Tân Tổng giám mục Lyon, Olivier de Germay: “Người Công giáo có một kho tàng để truyền lại”

395

Tân Tổng giám mục Lyon, Olivier de Germay: “Người Công giáo có một kho tàng để truyền lại

fr.aleteia.org, Bérengère Dommaigné (Aleteia), Antoine Pasquier (Gia đình Công giáo) và Samuel Pruvot (Gia đình Công giáo), 2020-12-16

Chân dung Tổng Giám mục Olivier de Germay, giáo phận Lyon, người kế vị hồng y Barbarin.

Vài ngày trước ngày nhậm chức Tổng Giám mục Lyon, 20 tháng 12, Đức Giám mục Olivier de Germay có một cuộc phỏng vấn với trang Aleteia và Gia đình Công giáo. Ngài tâm sự về mong muốn ngài dành cho giáo phận, bắt đầu bằng việc để cho Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Giám mục Germay, 60 tuổi, giám mục hiện tại của giáo phận Ajaccio, ngày 20 tháng 12 ngài sẽ nhậm chức Tổng Giám mục giáo phận Lyon. Cựu vận động viên nhảy dù và linh mục từ 22 năm nay, chuyên gia về các vấn đề đạo đức sinh học, ngài được xem là “người của quản trị, về một giáo phận mà biết ít nhưng ngài mong khám phá với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần: “Tôi không đến với một chương trình chặt chẽ đã có sẵn. Tôi muốn lắng nghe mọi người nhưng nhất là Chúa Thánh Thần.”

Aleteia: Cha sẽ nhậm chức Tổng Giám mục giáo phận Lyon ngày 20 tháng 12. Vì sao cha chấp nhận một nhiệm vụ nổi bật như vậy?

Giám mục Olivier de Germay: Dưới mắt con người thì điều này nghe có vẻ điên rồ. Nhưng vào ngày chịu chức, tôi đã đặt đời mình trong tay Chúa. Tôi đã để Chúa hướng dẫn đời tôi, tôi sẵn sàng cho nhiệm vụ. Năm 2012, khi sứ thần nói với tôi, giáo hoàng bổ nhiệm tôi làm giám mục giáo phận Corse, tôi chấp nhận ngay. Năm nay, khi tôi gặp sứ thần, tôi cũng có tâm trạng như vậy. Nhưng tôi thú thật, tôi rất ngạc nhiên trước đề nghị của ngài, tôi phải mất 24 giờ để trả lời. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Các thử thách hay niềm vui lớn? Điều quan trọng là làm theo ý Chúa.

Khi trở thành người đứng đầu giáo dân Gô-lơ, đó là lịch sử và truyền thống mà cha sẽ kế thừa. Cha sẽ đi trên tiến trình nào?

Kitô giáo ở miền Gô-lơ rất lâu đời. Được đi trong truyền thống này là một vinh dự, đó cũng là một trách nhiệm làm cho tôi ngạc nhiên. Tôi cố gắng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi, Đấng làm cho mọi sự trở nên mới mẻ! Và cũng có thể nhờ Thánh Irenée mà giáo phận đặc biệt mừng kính năm nay.

Cha có biết Thánh Irenée và ngài truyền cảm hứng gì cho cha?

Tôi biết nhiều về Thánh Pothin và các vị tử đạo đầu tiên của giáo phận Lyon. Tôi thực sự đang khám phá cuộc đời của Thánh Irenée, đặc biệt là nhờ một cuốn truyện tranh! Cuộc chiến của ngài chống thuyết trực tri hóa ra bây giờ mang tính thời sự. Ngay cả ngày nay cũng có cám dỗ này vì chúng ta muốn giải thích mọi thứ bằng kiến thức đơn giản của con người. Đôi khi khoa học được xem là nguồn chân lý duy nhất, là kiến thức duy nhất đáng được tin cậy…

Giáo trưởng miền Gô-lơ có trách nhiệm tinh thần quốc gia. Cha đã nghĩ về chuyện này chưa?

Nó tạo áp lực cho tôi! (cười) Thành thật mà nói, đó chỉ là danh hiệu danh dự chứ không là gì khác. Ưu tiên của tôi sẽ là cống hiến hết mình cho giáo phận Lyon. Tôi cũng sẽ có trách nhiệm ở cấp tỉnh giáo hội. Phần còn lại, chúng ta sẽ xem..

Cha đã gặp hồng y Barbarin, tiền nhiệm của cha chưa?

Dĩ nhiên là tôi đã gặp. Ngài nói với tôi về niềm đam mê của giáo phận Lyon. Tôi thấy ngài đã cống hiến rất nhiều trong nhiệm vụ này. Chúng tôi nói chuyện về một số công việc đang tiến hành. Tôi rất ấn tượng về công việc năng động của giáo phận như mục vụ giới trẻ, các sáng kiến giúp người nghèo, sứ mệnh truyền bá phúc âm hóa, các cuộc thảo luận với Valpré, v.v. Rõ ràng chúng ta không nên chỉ nhìn hồng y Barbarin qua những vụ đau lòng đã xảy ra trong những năm gần đây, dù đó là một thực tế cần phải xem trọng.

Cha đến một giáo phận bị tổn thương vì vụ linh mục Preynat, cha sẽ làm gì để khôi phục lòng tin của tín hữu và linh mục?

Tôi đến với một tinh thần trung lập, đó là điểm chính. Những chuyện vừa qua đã gây chấn động, tai tiếng, đã làm nản lòng và làm chia rẽ. Từ một vài mối liên hệ tôi đã có, tôi muốn đi tới đàng trước. Chúng ta chắc chắn phải học những bài học về những gì đã xảy ra, tôi nghĩ trên tất cả là lắng nghe nạn nhân và tiếp tục làm các công việc phòng chống đã được thực hiện. Nhưng bây giờ phải tập trung lại vào Đấng Kitô và sứ mệnh. Giáo hội chỉ tồn tại để truyền giáo.

Tôi nghĩ ngày nay Giáo hội không nên thu mình vào việc kinh doanh quán xá hay “cứu bàn ghế.”

Đâu là các ưu tiên của cha cho giáo phận?

Tôi không đến với một chương trình chặt chẽ đã có sẵn. Tôi muốn lắng nghe và bỏ thì giờ ra để tìm hiểu. Lắng nghe giáo dân nhưng nhất là Chúa Thánh Thần. Tôi cảm nhận giáo phận này muốn tìm lại bình yên. Giám mục Dubost đã bắt đầu công việc rất tốt theo hướng này. Giáo hội ở Lyon rất đa dạng. Đó là điểm phong phú, nhưng điều cần thiết là mọi sự phải khớp nối và thống nhất để phục vụ một sứ mệnh chung. Chúng ta sẽ phải làm việc cho sự hiệp thông.

Nhiều giáo dân tích cực đang chờ cha. Những cam kết đầu tiên cha sẽ làm là gì?

Dần dần tôi sẽ gặp các giáo dân này, không chỉ ở vùng đô thị Lyon mà còn ở các giáo xứ nông thôn của giáo phận. Vào dịp Giáng sinh, tôi sẽ cử hành thánh lễ với hiệp hội Đức Bà của Người vô gia cư, ở nhà tù và ở nhà thờ chính tòa. Tất cả những nơi này là nơi truyền giáo. Tôi nghĩ Giáo hội ngày nay không nên thu mình vào việc kinh doanh quán xá hay “cứu bàn ghế.” Chúng ta không ở đây để quản lý việc đóng cửa nhà máy nhưng để loan báo Chúa Kitô đến cứu thế giới! Theo tôi, trong bối cảnh này, người công giáo dường như phải cho thấy một hình thức tự hào và một hình thức khiêm nhường. Lòng khiêm tốn vì người tín hữu kitô không thể tự cho mình là người dư thừa hay người cho bài học. Nhưng tự hào vì chúng ta có một kho báu để truyền lại. Công việc chúng ta phải phục vụ thế giới không chỉ giới hạn ở công việc nhân đạo, dĩ nhiên không loại trừ việc này, đó là việc loan báo Đấng có thể đáp ứng những mong chờ sâu xa nhất của toàn nhân loại! Trong thế giới một phần mất định hướng này, chúng ta có thể tự hào mình là tín hữu kitô, ít nhất, theo Thánh Phaolô, chúng ta đặt niềm tự hào của mình vào Thập giá của Chúa Kitô.

Chúng ta phải giúp những người đương thời hướng nội, thinh lặng, đi vào nội tâm để khám phá ở đó khát khao cho điều sung mãn của họ, khát khao Thiên Chúa của họ.

Nhưng làm sao để nói về Chúa Kitô với người đương thời của chúng ta?

Để loan báo Chúa Kitô, chúng ta phải đến với người đương thời trong ước muốn sâu xa của họ. Đức tin kitô cho chúng ta biết,  trong sâu thẳm tâm hồn con người đều có một nỗi khao khát Thiên Chúa. Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ phương pháp sư phạm của Chúa Kitô. Như khi Ngài gặp người phụ nữ Samaritan, chúng ta thấy cách Ngài vào tận sâu thẳm tâm hồn của bà, đi từ khát khao có nước – đó là điều hoàn toàn chính đáng – đến khát khao có nước hằng sống, nghĩa là khát khao Chúa. Nguy cơ là nếu chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng, chúng ta chỉ ở mức độ ham muốn bề ngoài của mình. Chúng ta phải giúp những người đương thời hướng nội, thinh lặng, đi vào nội tâm để khám phá ở đó khát khao cho điều sung mãn của họ, khát khao Thiên Chúa của họ. Khi đó việc loan báo Chúa Cứu Thế không còn là điều gì để nói, nó đã hòa vào mong chờ của họ. Theo Chúa Kitô, các tín hữu kitô đều phải là nhà giáo!

Đức Giám mục Olivier de Germay, Tổng Giám mục Lyon, người kế vị hồng y Barbarin.

Đây có phải là con đường của những người thực hành một hệ sinh thái toàn diện?

Sinh thái tự nó là quan trọng, Đức Giáo hoàng thường nhắc nhở chúng ta về điều này. Nó cũng là điểm gặp gỡ với những người khao khát một thế giới tốt đẹp hơn nhưng không nhất thiết phải chia sẻ cùng đức tin với chúng ta. Đó là nơi truyền giáo và điều quan trọng là người tín hữu kitô phải tham gia vào lĩnh vực này. Rõ ràng đối với điều này họ phải được đào tạo, vì mọi thứ đều không bình đẳng trong vũ trụ sinh thái…

Chính xác nỗi sợ của cha là gì?

Đó không phải là nỗi sợ hãi như một chuyện phải quan tâm. Có một số quan niệm về sinh thái học không tương thích với nhân học kitô giáo. Ngày nay người ta đặt lại vấn đề điều này, và chúng ta phải học hỏi để có thể đối thoại với người đương thời về chủ đề này. Một điểm lưu ý khác, với tư cách là giám mục, là đảm bảo sự cân bằng trong các cam kết của chúng ta. Đời sống người tín hữu kitô  có nhiều chiều kích cần được kết hợp với nhau. Dĩ nhiên là bình thường khi chúng ta cảm thấy mình thoải mái ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia, nhưng chúng ta không nên rơi vào một chiều, lại càng không được chỉ trích những người nhấn mạnh đến các khía cạnh khác của đời sống kitô. Như chúng ta biết, thách thức lớn trong Giáo hội là sự hiệp nhất; Thần Dữ không ngừng tìm cách chia rẽ chúng ta. Đôi khi nó làm mọi người nghĩ rằng, mỗi người tin theo cách của mình là cách duy nhất hợp lệ. Một số giáo dân nhạy cảm trong việc dấn thân giúp người nghèo, với người khác thì với phụng vụ, với giáo dục hay với việc đào tạo, v.v. Sự đa dạng là chính đáng miễn là nó phục vụ cho việc đào tạo lẫn nhau. Bất cứ ai sống đức tin của họ khác với tôi đều có thể là dấu chỉ: họ nhắc tôi, tôi có thể tôn trọng chiều kích này hoặc chiều kích kia trong đời sống kitô của tôi. Trong tất cả những điều này, chúng ta phải giữ cân bằng. Tôi nghĩ rằng đây là một phần trong sứ mệnh của giám mục.”

Không giống như các tôn giáo khác, chủ yếu của kitô giáo không phải trong việc giữ đạo, về cơ bản, kitô giáo là thần nghiệm.

Sự chia rẽ này chúng ta đã thấy trong thời gian cấm cử hành lễ trong thời gian đầu của giai đoạn cách ly thứ nhì này không?

Thật tiếc là đã có chia rẽ trong các vấn đề này. Ở đây, thêm một lần nữa, tiếp cận với đa dạng là điều hợp pháp. Nên đi biểu tình trước nhà thờ hay không? Điều này không chạm đến nền tảng đức tin của chúng ta. Riêng tôi, tôi vui mừng khi thấy các bạn trẻ có lòng khao khát Bí tích Thánh Thể. Trong khi bao nhiêu người bỏ lễ ngày chúa nhật! Do đó, phản ứng đầu tiên của tôi là tích cực. Nhưng có thể có nhiều cách để bảo vệ quyền tự do thờ phượng. Chúng ta không được chống đối mọi thứ. Khi trao đổi với những người rất “nổi loạn” chống các biện pháp của chính phủ, tôi xin họ quan tâm đến các hệ quả có thể xảy ra của những cuộc biểu tình như vậy. Cầu nguyện công khai tự nó là hợp pháp, nhưng phải cẩn thận để không sử dụng nó như một thông điệp chính trị. Tuy nhiên chúng ta không ở trong hoàn cảnh của các kitô hữu đầu tiên bị bách hại. Vấn đề không phải là bách hại tôn giáo nhưng là do thiếu hiểu biết về tôn giáo và chỗ đứng của việc thờ phượng trong đức tin công giáo.

Người công giáo có thể sống đức tin của mình mà không có bí tích Thánh Thể trong nhiều chúa nhật không?

Khi không dự được thánh lễ, chúng ta có thể đọc Lời Chúa, cầu nguyện, một mình hoặc với người khác, chúng ta cũng có thể làm các công việc của lòng thương xót. Đúng là bí tích Thánh Thể rất quan trọng đối với chúng ta. Bí tích này không so sánh với hoạt động văn hóa hoặc giải trí. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu, không giống như các tôn giáo khác, chủ yếu của kitô giáo không phải trong việc giữ đạo, về cơ bản, kitô giáo là thần nghiệm.

Các kitô hữu bị bách hại và vị tù không dự bí tích Thánh Thể, nhưng họ không mất ân sủng! Bất cứ ai khao khát rước Chúa và bị ngăn chặn ngoài ý muốn của mình, họ luôn có được điều mà bí tích Thánh Thể dẫn chúng ta đến: làm cho đời sống của mình thành “của lễ thánh” như Thánh Phaolô đã nói. Và điều đó, không ai có thể cấm chúng ta!

Thánh Phaolô đã đi qua nhiều lãnh thổ thù địch và truyền giáo trong những điều kiện khó khăn. Điều này làm chúng ta yên tâm khi chúng ta nghĩ rằng mình sống trong thời kỳ phức tạp. Trong thực tế, nó luôn là một chút như vậy!

Cha trích Thánh Phaolô, đó có phải là thánh quan trọng với cha không?

Tôi không phải là chuyên gia về Thánh Phaolô, nhưng tôi ấn tượng với lòng nhiệt thành và năng nổ truyền giáo của ngài. Thật kinh khủng với tất cả những gì ngài phải chịu đựng vì Chúa Kitô! Đó là một nhân vật trọng kính. Tôi có dịp thám hiểm người lính mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng cao nguyên chúng ta thấy trong sách Công vụ các sứ đồ (vùng Iconium). Thánh Phaolô đã đi qua lãnh thổ thù địch và truyền giáo trong những điều kiện khó khăn. Điều này làm chúng ta yên tâm khi chúng ta nghĩ rằng mình sống trong thời kỳ phức tạp. Trong thực tế, nó luôn là một chút như vậy!

Tình trạng thế tục ở Pháp không phải là điều dễ dàng đối với người công giáo hiện nay, cha nghĩ sao?

Ở đảo Corse, quan hệ với Giáo hội thì khác với đất liền; tình trạng thế tục ở đó linh động và thông minh. Chúng ta cần nhớ, ở đây cuộc cách mạng không phải được làm để chống Giáo hội nhưng là cùng với Giáo hội. Điều này thay đổi tất cả! Mặt khác ở Pháp, chúng ta có thể cảm thấy căng thẳng và do dự. Năm 1905 chúng ta không đặt câu hỏi về Hồi giáo. Sự thiếu hiểu biết về tôn giáo đôi khi dẫn đến sự nhầm lẫn giữa chủ nghĩa thế tục với chủ nghĩa vô thần. Với chúng ta, chủ nghĩa thế tục không gồm việc áp đặt chủ nghĩa vô thần hoặc sự biến mất của các tôn giáo khỏi không gian công cộng, mà là đảm bảo mọi người có thể sống cùng nhau, dù họ có niềm tin nào. Trong lĩnh vực này, đối thoại với các chính trị gia có trách nhiệm là quan trọng.

Cả khi thị trưởng thành phố Lyon từ chối vào vương cung thánh đường nhân buổi tuyên thệ của các thẩm phán thành phố?

Ông muốn phân biệt lãnh vực tâm linh với tôn giáo, đặt mình ở khía cạnh tâm linh chứ không phải tôn giáo. Lời tuyên thệ của các thẩm phán không phải là toàn bộ cuộc sống của Giáo hội, như thế không nên làm to chuyện việc này, nhưng theo tôi, điều quan trọng là các chính trị gia phải nghĩ đến thực tế tôn giáo, đặc biệt là khi văn hóa và tôn giáo đan xen chặt chẽ với nhau. Tôi nghĩ tôi sẽ có cơ hội trao đổi với ông. Ông là người mới trong chức vụ thị trưởng, còn tôi trong chức vụ Tổng giám mục Lyon, và tôi chắc chúng tôi sẽ có quan hệ thân tình!

Quan hệ của cha với các tôn giáo khác như thế nào?

Người hồi giáo rất đông trong giáo phận; hồng y Barbarin có mối quan hệ khá bền chặt với họ. Tuy nhiên tôi muốn tiếp tục đối thoại liên tôn, một cuộc đối thoại tự do và nhân từ khi hoàn cảnh cho phép, như Đức Phanxicô thường nhắc nhở. Họ không có quyền nghe về Chúa Giêsu-Kitô sao? Tôi có ít kinh nghiệm đối thoại với người do thái. Đối với tín hữu kitô chúng ta, họ không thuộc một tôn giáo khác; họ là người của giao ước đầu tiên, “người anh cả” của chúng ta. Về việc này, hồng y Barbarin nói với tôi, đôi khi ngài cùng cầu nguyện Thánh vịnh với họ. Tôi phải thú nhận, môn học tiếng do thái của tôi ở chủng viện đã quá lâu!

“Cùng với các cộng sự thân cận, tôi cố gắng phân định xem Chúa Thánh Thần mong muốn gì cho Giáo hội ở Lyon”

Tuần này cha về giáo phận Lyon. Việc đầu tiên cha làm trong cương vị Tổng Giám mục Lyon là gì?

Trước khi nhậm chức chính thức vào ngày chúa nhật 20 tháng 12 này, hôm qua tôi đã cử hành thánh lễ với một hội đồng nhỏ ở mộ Thánh Irénée. Tôi ấn tượng với một trong các người kế nhiệm của ngài! Dĩ nhiên trong những ngày tới, tôi sẽ đưa ra các định hướng với cương vị giám mục, nhưng nhất là cùng với các cộng sự thân cận, tôi cố gắng phân định xem Chúa Thánh Thần mong muốn gì cho Giáo hội ở Lyon. Tôi dè chừng với việc chăm sóc mục vụ nơi mà mọi thứ đã quá bị chặn trước. Chúa Thánh Thần biết rõ hơn chúng ta những gì chúng ta phải làm!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tân Tổng giám mục Lyon, Olivier de Germay: các lý do của việc lựa chọn