Ảo tưởng mình bất khả xâm phạm

353

Ảo tưởng mình bất khả xâm phạm

Ronald Rolheiser, 2020-12-14

Cái gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh hơn. Đây là câu châm ngôn thiện chí vốn không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi chúng ta gặp chuyện xấu, mà đâu có học được gì. Mong là thời gian tồi tệ hiện thời, dịch Covid-19, sẽ dạy cho chúng ta gì đó và khiến chúng ta mạnh mẽ hơn. Tôi mong rằng Covid-19 sẽ dạy chúng ta điều gì đó mà các thế hệ trước không cần ai dạy nhưng đã tự học được qua kinh nghiệm sống, cụ thể là, chúng ta không bất khả xâm phạm, chúng ta không được miễn trừ những nguy cơ bệnh tật, suy nhược và cái chết. Nói tóm lại, mọi điều thế giới đương đại có thể cho chúng ta về công nghệ, y học, dinh dưỡng và sự bảo đảm về mọi mặt, đâu có miễn trừ được cho chúng ta khỏi sự mỏng manh và dễ bị tổn thương. Covid-19 đã dạy cho chúng ta như thế. Như mọi con người khác sống trên địa cầu này, chúng ta đều dễ bị tổn thương.

Tôi đủ lớn tuổi để biết thế hệ trước, thời hầu hết mọi người sống cùng nhiều nỗi sợ, không phải mọi nỗi sợ đó đều lành mạnh, nhưng tất cả chúng đều rất thật. Cuộc sống quá mong manh. Sinh con có thể khiến người mẹ mất mạng. Một trận cúm, một con virus có thể đoạt mạng người, và chúng ta chẳng có mấy cách đương đầu với nó. Chúng ta có thể chết trẻ vì bệnh tim, ung thư, tiểu đường, vệ sinh kém, và hàng chục thứ khác. Thiên nhiên cũng là mối đe dọa. Những cơn bão, gió lốc, hạn hán, dịch hạch, sấm sét, tất cả chúng đều đáng sợ vì trước mặt chúng con người gần như bất lực. Người ta sống với ý thức rằng sinh mạng và sức khỏe rất mỏng manh, không phải là cái mặc nhiên.

Nhưng rồi, nhờ vắc-xin, kháng sinh, chất lượng bệnh viện và thuốc men cải thiện, sinh nở an toàn hơn, chế độ dinh dưỡng tốt hơn, nhà ở, đường xá, xe cộ, đủ thứ tốt hơn, bảo đảm hơn cho chúng ta trước tình cảnh mất việc, trước hạn hán, lụt bão, dịch bệnh hay bất kỳ thiên tai gì. Và cùng với đó là một ý thức ngày càng lớn rằng chúng ta an toàn, chúng ta được bảo vệ, khác hẳn với các thế hệ trước, chúng ta có thể tự lo cho mình, không còn yếu ớt dễ bị tổn thương như các thế hệ trước.

Và xét phần lớn, điều đó đúng, ít nhất là về phương diện sức khỏe và an toàn thể lý. Về nhiều mặt, chúng ta bớt yếu ớt hơn các thế hệ trước nhiều. Nhưng, như Covid-19 đã phơi bày rõ, đây không phải là chốn nương ẩn tuyệt đối an toàn. Dù cho có chối bỏ và phản kháng nhiều đến mấy, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng giờ chúng ta đang sống như những thế hệ trước mà thôi, nghĩa là không thể nào bảo đảm về sức khỏe và sự an toàn của mình. Giữa muôn vàn điều quái ác mà Covid-19 gây ra, nó cũng giúp chúng ta bỏ đi ảo tưởng về sự bất khả xâm phạm của mình. Chúng ta mỏng manh, dễ bị tổn thương, và khả tử.

Mới nghe qua, có vẻ chuyện này thật tệ, nhưng không đâu. Vỡ mộng chính là gạt bỏ đi một ảo tưởng sai lầm, và bấy lâu nay, chúng ta đã sống quá lâu, quá hăng hái trong một ảo tưởng, một vui thích giả tạo khiến chúng ta tin rằng các mối đe dọa thời trước sẽ không thể làm gì mình. Chúng ta đã quá sai rồi! Lúc tôi viết bài này, đã có hơn 70 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, và hơn một triệu sáu người đã chết vì virus này. Hơn nữa, tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong cao nhất lại nằm ở các quốc gia mà chúng ta tưởng là vững vàng nhất, những quốc gia có bệnh viện tốt nhất và tiêu chuẩn y tế cao nhất. Đấy chính là hồi chuông cảnh tỉnh. Thế giới hiện đại và hậu hiện đại có thể đem lại cho chúng ta quá nhiều điều tốt đẹp, và dù nó có khiến chúng ta cảm thấy như nó có thể bảo vệ chúng ta khỏi tất cả, nhưng đến tận cùng, sự thật không phải vậy.

Covid-19 là thứ thay đổi tất cả, nó đã phá tan ảo tưởng về sự bất khả xâm phạm của chúng ta. Vậy trong chuyện này, có bài học gì để chúng ta rút ra? Nói tóm lại, thế hệ chúng ta phải chấp nhận vị trí của mình bên cạnh các thế hệ khác, công nhận rằng mình không thể xem sinh mạng, sức khỏe, gia đình, công việc, cộng đồng, đi lại, giải trí, tự do tụ tập, tự do đi nhà thờ, tất cả, là những thứ mặc nhiên. Covid-19 đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta không phải là Chúa của sự sống và con người vẫn rất mỏng manh, kể cả trong thế giới hiện đại và hậu hiện đại đi nữa.

Thần học và triết học Kitô giáo kinh điển luôn dạy chúng ta rằng, là con người chúng ta không tự đủ. Chỉ có Thiên Chúa mới như thế. Chỉ có Thiên Chúa mới là “Hữu thể tự đủ” (Ipsum Esse Subsistens, trong thần học kinh điển). Còn chúng ta đều phụ thuộc vào may rủi, lệ thuộc, đồng lệ thuộc… và khả tử, đủ để phải sợ mỗi lần trở bệnh phải đi gặp bác sĩ. Các thế hệ trước, vì không có kiến thức y khoa, không có những bác sĩ và bệnh viện như chúng ta, không có tiêu chuẩn vệ sinh và thuốc men như chúng ta, không có vắc-xin và kháng sinh, nên họ cảm nhận được sự lệ thuộc may rủi của mình. Họ biết mình không tự đủ, và sinh mạng cũng như sức khỏe của họ không phải là điều mặc nhiên. Tôi chẳng ghen tỵ với họ về những nỗi sợ sai lầm đi kèm tâm thức này, nhưng tôi ghen tỵ với họ vì họ không sống với sự an toàn giả tạo. Thế giới đương thời đem lại cho chúng ta đủ điều tốt đẹp, nhưng cũng dẫn dụ chúng ta ngủ quên, vô ý thức, về sự mỏng manh, yếu đuối dễ tổn thương và khả tử của chúng ta. Covid-19 là tiếng chuông cảnh tỉnh, không chỉ cho sự thật rằng chúng ta yếu đuối dễ bị tổn thương, nhưng đặc biệt là cho sự thật rằng chúng ta không được xem những món quà quý giá là sức khỏe, gia đình, công việc, cộng đồng, đi lại, giải trí, tự do tụ tập và cả tự do đến nhà thờ, là những điều mặc nhiên.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Từ thánh Tarcisius đến Tạp chí People: Cuộc cách mạng của chúng ta về sự ngưỡng mộ và noi gương