Đúng, Giáo hội làm chính trị!

142

Đúng, Giáo hội làm chính trị!

aleteia.org, Jean Duchesne, 2020-09-15

Đức Phanxicô và cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong buổi tiếp kiến riêng ngày 20-11-2015. Hình: © Alessandra Tarantino / AFP PHOTO / POOL

Vì sao tiếng nói của Giáo hoàng và các giám mục đã có và chưa đủ trên thế giới?

Với những ai theo dõi một ít tin tức thời sự trên thế giới, điều làm cho họ chú ý là có một số quốc gia rối loạn chức năng. Các lý do cơ bản là chính trị. Đây là kết quả khi chính quyền cai trị không có dự án nào khác hơn là cố giữ quyền lực, vì thế họ không còn phương tiện nào để đảm bảo các dịch vụ công cộng, hoạt động kinh tế từ đó bị ảnh hưởng, người dân rơi vào cảnh đói nghèo, có khi còn bị đói kém, điều này làm gia tăng làn sóng di cư ập đến trước cổng các nước giàu có như chúng ta đã thấy.

Các xã hội bị ngưng trệ

Ví dụ nổi bật nhất về một xã hội bị ngưng trệ trong thời gian gần đây là Li-băng. Nhưng nhiều nước khác cũng gặp khó khăn như nước láng giềng Syria và bao nhiêu nước ở châu Phi như Libya, Mali, Somalia, Zimbabwe… danh sách các nước ít bị tê lệt vì khủng hoảng thì rất ngắn, ở Châu Mỹ La Tinh có Venezuela, Bolivia…, ở Đông Nam Á có Hồng Kông, Thái Lan, và cả ở Âu châu có Belarus, Bulgaria. Các nguyên nhân khá giống nhau ở khắp nơi: ảnh hưởng của mafia, tham nhũng, bất tài, các sắc tộc cạnh tranh nhau, quân đội vào chính trường và họ không buông quyền lực… và cuối cùng là các chế độ chỉ mang tính dân chủ trên danh nghĩa, với các nhà lãnh đạo thao túng các cuộc bầu cử, cai trị mà không có sự ủng hộ hoặc thậm chí không có sự đồng ý của dân chúng, họ đàn áp tàn nhẫn bất kỳ phe đối lập hoặc bất cứ một thái độ dè chừng nào của người dân.

Các cường quốc và Liên hợp quốc can thiệp rất ít và không có hiệu quả. Đã qua cái thời thế giới bị chia cắt giữa các vùng ảnh hưởng của phương Tây và khối cộng sản, với những người “không liên kết” du di giữa hai bên. Tôn trọng chủ quyền quốc gia, đúng không? Chúng tôi chỉ can thiệp nếu chính phủ bị chao đảo yêu cầu và nếu có một số quyền lợi của chúng tôi bị đe dọa. May mắn thay, có các tổ chức nhân đạo. Nhưng nếu tình hình biến thành nội chiến, họ phải rút thiện nguyện viên tại chỗ về, làm gián đoạn hoạt động của họ.

Giáo hội ở kẽ hở

Trong bối cảnh thường bi thảm này, Giáo hội đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Các giáo sĩ, các tu sĩ nam nữ địa phương vẫn ở bên cạnh giáo dân và người dân, bất kể nguy hiểm. Rất nhiều người phải trả giá bằng mạng sống của mình. Hồng y Rai ở Li-băng, Đức Giám mục Kondrusiewicz ở Belarus, giáo phận Addis Ababa trong cuộc tranh cãi giữa đất nước ngài với Ethiopia, Ai Cập và Sudan về con đập lớn trên sông Nil, Hồng y Ambongo và các giám mục khác ở Congo, các giám mục Venezuela và Bolivia lên tiếng, chưa kể đến các nhà lãnh đạo các cộng đồng kitô giáo ở phương Đông. Không chỉ bảo vệ giáo dân của mình, họ không đứng về phe nào, ngay cả cũng không nắm quyền. Nhưng để nhắc lại một sự thật thiết yếu, đó là mục đích hoặc lý do chính trị không phải nắm quyền để hưởng quyền, nhưng để phục vụ lợi ích chung, lợi ích cho tất cả mọi người.

Qua đó, chúng ta hiểu vấn đề không chỉ là tối ưu hóa sản xuất và chia sẻ của cải, vì nhiệm vụ này có chiều kích đạo đức, không phải vì hạnh phúc và danh dự con người ít phụ thuộc vào các quyền tự do và liên đới mà nó có thể thực thi, hơn là an ninh và của cải vật chất đặt vào tay mình để hành động.  Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng không bao giờ mệt mỏi khi lặp lại, ngài tố cáo thói vô liêm sỉ, tham lam và bất cẩn gây ra các tệ nạn có thể tránh được và làm trầm trọng thêm như trong trường hợp thảm họa “thiên nhiên” mà trách nhiệm không quy về ai đặc biệt. Theo nghĩa này, đúng, Giáo hội can thiệp và “làm” chính trị.

Tự do, lý trí và sự thật

Tại sao tiếng nói của Giáo hội lại quan trọng đến vậy? Thứ nhất, vì Giáo hội không vụ lợi nên có tự do. Rõ ràng là Giáo hội không tự bảo vệ mình như một thể chế bị đe dọa đặc biệt và cũng không có ý định chỉ bảo vệ cho giáo dân của mình. Thứ hai, vì Giáo hội nói lên điều đúng: khuyến khích đối thoại, thương lượng và thỏa hiệp, đó là các giải pháp khả thi duy nhất cho các cuộc đối đầu tàn khốc, thậm chí là tự sát. Cuối cùng, vì Giáo hội nhắc lại một sự thật: đó là sự cần thiết và thậm chí sự cao cả của chính trị, với điều kiện tự chính nó không phải là cùng đích, nhưng là phục vụ con người cho đến những người yếu đuối nhất, vượt ngoài các xác tín và các truyền thống. Đó là điều truyền cảm hứng cho lòng tin tưởng và tôn trọng. Văn bản của Giáo hội về việc cứu hành tinh có tác động quan trọng. Chỉ còn việc chúng ta phải đo lường đến mức nào, đức tin khuyên trong lãnh vực đạo đức riêng và các khả thể cuộc sống có thể đáp ứng mọi nghiêm ngặt với các đòi hỏi của tự do, lý trí và chân lý.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch