Sống không giao hợp – một vài nhãn quan Kitô giáo (3/3)
Chương Linh Đạo Tính Dục (7/7)
Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
Sự không trọn vẹn tính dục, mối liên kết với người nghèo
Khi chiến đấu với nỗi đau không giao hợp, chúng ta, những người Kitô hữu, cần nhìn vào Đức Giêsu và cách Ngài thể hiện tính dục của mình để có thể học được gì từ đó.
Như chúng ta biết, Đức Giêsu không hề kết hôn. Tuy nhiên, câu hỏi thích hợp để nêu ra không phải là: “Tại sao Đức Giêsu độc thân?” Tại sao? Vì khi người ta đặt vấn đề như thế, thì chính câu hỏi cách nào đó nói lên tình trạng độc thân ở bậc cao hơn hôn nhân. Ngoài ra, nếu tập trung vào độc thân thì những người kết hôn không thể bắt chước Đức Giêsu trong phần quan trọng của đời Ngài, quan điểm tính dục của Ngài.
Câu hỏi lý tưởng là hỏi theo cách: “Điều gì Đức Giêsu cố gắng mặc khải qua cách nhập thể chính mình như một hữu thể có tính dục?” Nếu theo cách này, thì câu trả lời sẽ có cùng ý nghĩa cho cả người lập gia đình lẫn người độc thân.
Vậy tại sao Đức Kitô hiện thể tính dục của Ngài theo cách này? Điều Ngài muốn dạy chúng ta là gì? Trong số nhiều điều khác, ngang qua lối sống độc thân của mình, Đức Kitô cố gắng dạy chúng ta rằng tình yêu và tình dục thì không phải luôn luôn là một, và khiết tịnh, trông chờ, và không giao hợp đóng một vai trò quan trọng trong thời đại cánh chung chuyển tiếp mà chúng ta đang sống; rằng rốt cuộc trong tính dục của mình, chúng ta được định ôm lấy hết thảy mọi người. Nhưng lối sống độc thân của Ngài có một mục đích khác nữa. Đó là một phần mấu chốt trong liên kết của Ngài với người nghèo.
Sao vậy? Tắt một lời, khi Đức Kitô ngủ một mình buổi tối, Ngài thực sự hiệp thông với nhiều người vốn không phải do lựa chọn nhưng do hoàn cảnh, ngủ một mình. Và có một sự nghèo khó thực sự, một sự nghèo khó xé lòng, trong loại cô đơn này. Những người nghèo không chỉ là những người hiển nhiên là nạn nhân của nghèo khó, bạo lực, chiến tranh và các hệ thống kinh tế bất công. Có những biểu hiện khác ít rõ ràng hơn của nghèo đói, bạo lực và bất công. Tình trạng độc thân gò bó cưỡng bách là một trong những biểu hiện đó.
Bất kỳ ai do hoàn cảnh ngoài ý muốn (diện mạo không quyến rũ, cảm xúc bất ổn, tuổi tác, khoảng cách địa lý, lạnh nhạt hay cứng cỏi, quá khứ đen tối, hoặc đơn giản không may mắn), bị ngăn cản không hưởng khoái lạc tình dục, đều là nạn nhân của sự nghèo khổ đau đớn nhất. Điều này đặc biệt đúng trong xã hội chúng ta ngày nay, một xã hội lý tưởng hóa sự thân mật tình dục và quyền được quan hệ tình dục. Vũ trụ hoạt động theo cặp, từ chim muông đến con người. Ngủ một mình là nghèo túng. Ngủ một mình thì bị bêu xấu. Ngủ một mình là ở bên ngoài chuẩn mực ân ái của con người và cảm nhận sâu sắc buốt nhói của điều đó. Ngủ một mình, như Thomas Merton có lần trình bày, là sống trong sự cô đơn mà chính Thiên Chúa lên án.
Khi Đức Giêsu đi ngủ một mình thì Ngài đoàn kết với nỗi đau và với người nghèo. Sự không giao hợp tình dục, dù tiêu cực đến đâu, vẫn thực hiện điều này cho chúng ta, đặt chúng ta vào hiệp thông ưu tiên với một thứ nghèo túng đặc biệt, loại cô đơn của những người ngủ một mình, không phải vì họ muốn nhưng vì hoàn cảnh không cho phép họ nếm hưởng trải nghiệm sâu sắc nhất của con người, cảm nghiệm thỏa mãn tình dục.
Và tất cả chúng ta, kết hôn hay độc thân, có vô số cơ hội để liên kết với người nghèo. Nếu kết hôn, dù chúng ta tận hưởng hoan lạc của quan hệ tình dục lành mạnh, nhưng chúng ta vẫn luôn còn những lãnh vực đau đớn nào đó của không giao hợp, những nơi trong cuộc sống và trong tâm hồn mà chúng ta ngủ một mình. Những vùng cô đơn đó, thay vì trở nên vùng cay đắng và bực tức, có thể trở thành những nơi chúng ta kết hiệp sâu xa nhất với người nghèo. Nếu chúng ta độc thân, hay kết hôn nhưng phần nào hay hoàn toàn hụt hẫng với tương quan tình dục thì chúng ta nên biết rằng, giống như Đức Giêsu, khi chúng ta ngủ một mình thì chúng ta liên kết với người nghèo.
Chấp nhận tính không thỏa đáng trong tình yêu của chúng ta để sức mạnh của nó được biểu hiện trọn vẹn
Trong các tiểu thuyết của Anita Brookner, bà cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của một người đàn ông hay đàn bà trong hôn nhân, hay trong bất kỳ tương quan sâu sắc nào, là an ủi nhau vì họ không thể không làm cho nhau thất vọng. Con người không phải là các vị thần, vì thế những gì chúng ta cho nhau sẽ luôn ít hơn những gì chúng ta cần và tìm kiếm từ nhau.
Ví dụ như trong cuốn tiểu thuyết gần đây, Những trạng thái thay đổi (Altered States), nhân vật chính Alan mất đi người vợ tự vẫn, anh suy tư về những vấn đề nảy sinh trong hôn nhân của mình. Anh nhận ra rằng không phải vì một điều gì đó tích cực trở nên xấu nhưng vì họ không thể giải quyết ổn thỏa vấn đề thiết yếu ngay từ đầu: “Bi kịch là chúng tôi không thể an ủi nhau. Nỗi thống khổ của chúng tôi không bao giờ được nhìn ra và vẫn mãi không được biết đến. Đối với tôi, cô ấy luôn có vẻ rõ ràng dễ hiểu. Tôi ngớ ngẩn không nhận ra có nhiều điều tôi phải khám phá hơn. Và bây giờ tôi nhận ra, điều mà tôi muốn là một loại xưng tội, với người mà cô có thể thổ lộ những bí mật cô đã giữ kín quá lâu, có lẽ kể từ thời còn bé…”
Brookner đúng. Rồi rốt cùng, vì tầm quan trọng và sức mạnh cố hữu trong tính dục của chúng ta, điều mà chúng ta thực sự cần từ nhau trong các mối tương quan mật thiết, chính là một loại xưng tội, trước một người mà chúng ta không nói dối với họ, trước một người mà chúng ta không phải cố gắng để cân đong đo đếm, trước một người có thể an ủi chúng ta vì chúng ta không thể làm người đó thất vọng, dù có ở trong tình trạng tốt nhất, tình yêu chúng ta cho nhau cũng không đủ. Chúng ta không phải là những vị thần, có những phần trong chúng ta vẫn chưa được chạm đến, bất toàn, bùng nổ với những bí mật bị giấu kín quá lâu.
Tuy nhiên, như Thomas Merton đã nói, chấp nhận thảm kịch tình yêu chúng ta cho nhau là không đủ, là cùng lúc chúng ta thấy được sự cao cả và khả năng chuyên chở sự sống của nó. Bằng cách thừa nhận giới hạn của tình yêu, chúng ta vượt lên trên chính mình và từ bỏ những tưởng tượng và những mong chờ phi thực tế vốn ngăn cản chúng ta thấy và tận hưởng điều tốt đẹp phong phú thực sự có ở đó. Quả là một thứ lãng mạn giả tạo, một niềm tin phi thực tế và mang tính thống trị khi nghĩ rằng chúng ta có thể có một bản giao hưởng trọn vẹn, bản giao hưởng dùng để che giấu bi kịch thực sự, ý nghĩa thực sự, tính cao cả thực sự của tình yêu và tính dục của con người khi những điều này tự bộc lộ hoặc trong hôn nhân hoặc trong tình bạn độc thân. Sự cô đơn sẽ luôn hiện diện. Chúng ta không thể đủ cho nhau và sẽ luôn còn bị chia cắt đau đớn, tách biệt và phần nào cô đơn.
Nhưng nếu điều này được nhận ra và chấp nhận, thì chính sự nghịch lý của nó sẽ trở nên chốn bình an, nơi mà cuối cùng sự việc bắt đầu có ý nghĩa, hôn nhân và độc thân đều trở nên khả thi và tươi đẹp.
Nguyễn Kim Long dịch
Hết
Tính dục như Ngọn Lửa Thiêng (1/7)
Tính Dục đối đầu với Quan hệ tình dục (2/7)
Định nghĩa Kitô giáo về tính dục (3/7)
Một vài nguyên tắc Kitô giáo bất di bất dịch trong Linh Đạo Tính Dục (4/7)