Một vài nguyên tắc Kitô giáo bất di bất dịch trong Linh Đạo Tính Dục

712

Một vài nguyên tắc Kitô giáo bất di bất dịch trong Linh Đạo Tính Dục

Chương Linh Đạo Tính Dục  (4/7)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Ngoài định nghĩa rộng vừa đưa ra, đâu là nguyên tắc bám trụ cho một linh đạo Kitô lành mạnh về tính dục?

Có bốn nguyên tắc cơ bản cần được đề cập cách đặc biệt:

a- Đối với Kitô hữu, tình dục là một điều gì đó thiêng liêng. Vì thế nó không bao giờ đơn giản là một điều gì đó tầm thường, thứ yếu và vô giá trị. Nếu bản chất đúng đắn của nó được tôn trọng, thì nó sẽ xây đắp linh hồn như một bí tích, và đem lại sự đụng chạm thể lý từ Thiên Chúa đến với chúng ta. Trái lại, nếu bản chất đúng đắn của nó không được tôn trọng, thì nó trở thành một thứ đồi bại làm băng hoại linh hồn.

Trong tương quan hiến thân, yêu thương, giao ước thì tình dục mang tính bí tích, là một phần bí tích Thánh Thể của đôi vợ chồng. Do đó nó là phương tiện đặc truyền ân sủng, một nguồn kết hiệp đặc biệt cho linh hồn, một giếng sâu thẳm của lòng biết ơn, và một điều gì đó mà ngang qua năng lực nội tại của mình dẫn hai người (theo một cách thức mà có lẽ không điều gì khác có thể làm) đến chỗ trở nên những con người trưởng thành biết trao ban sự sống, sự tử tế và, hạnh phúc. Trái lại, không có những điều kiện đó, tình dục sẽ thường gây ra hậu quả ngược lại. Nó làm cho tâm hồn chai cứng, tầm thường và phá vỡ sự hòa hợp của tâm hồn. Thêm nữa, nó không mở đường cho họ đến cộng đồng thực thụ, lòng khoan dung, và chúc lành, thay vào đó là tách rời họ khỏi cộng đồng đích thực.

Dĩ nhiên, nền văn hóa chúng ta ngày nay chống lại quan niệm đó và phản đối rằng tình dục có thể tầm thường và trung lập, không nhất thiết là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, mỉa mai thay ngay khi nền văn hóa của chúng ta khẳng định rằng tình dục có thể tùy tiện và trung lập về mặt thiêng liêng và tâm lý, thì lần đầu tiên nó nhận ra sự hủy hoại tâm hồn không thể tin được của tình dục xảy ra khi nạn nhân bị hiếp. Đây là một tiến bộ. Tiếc thay sự đào sâu này vẫn chưa đạt đến mức nhận ra sự hủy hoại của cộng đồng và thông thường là hủy hoại tâm hồn của đương sự mà các quan hệ tình dục tùy tiện gây ra.

Bất chấp sự phản kháng của nền văn hóa chúng ta, tình dục vẫn không giống như thứ gì khác. Ngọn lửa của nó quá mạnh, quá quý báu, quá nung nấu con tim và tâm hồn con người, và quá thần thiêng đến nỗi hoặc nó thông truyền sự sống hoặc nó lấy đi. Nó không bao giờ có thể tùy tiện, nhưng hoặc là một bí tích hoặc là một hành động hủy diệt.

b- Đối với người Kitô hữu, tự bản chất, tình dục phải gắn kết với hôn nhân, một vợ một chồng và một sự cam kết giao ước mà theo định nghĩa, nó mang tính toàn vẹn và vĩnh viễn. Đối với Kitô hữu vấn đề tình dục ngoài hôn nhân không hệ tại ở chỗ nó phá vỡ một điều răn (dù nó phá vỡ) nhưng ở chỗ rốt cùng đó là một hành động tâm thần bệnh lý. Sao lại thế?

Tự bản chất, tình dục là việc trọn vẹn hiến trao, hoàn toàn tín thác và quên mình dấn thân. Có một sự dứt khoát cố hữu trong việc ân ái chia sẻ của linh hồn. Vì thế, nếu sự tín thác, dấn thân, vững bền, và dứt khoát đích thực không hiện diện trong tương quan rộng lớn hơn, thì phần nào đó tình dục chỉ là dối trá. Nó tưởng trao ban một món quà nhưng thực sự không trao ban, nó đòi hỏi một món quà mà nó không thể đáp trả cách chính đáng. Như lời của một bài hát xưa cũ “Ngày mai để quỷ bắt đi, đêm nay ta cần một người bạn,” ngày mai quỷ bắt đi thật, nhưng người bạn cũng biến mất.

Xin nói lại, nền văn hoá của chúng ta phản kháng điều này, nhưng nó không thể làm gì nhiều để chữa lành các cơn đau đầu, những đỗ vỡ gia đình, bạo lực, và các vụ tự tử gây ra, hậu quả của những tương quan tình dục đứt gãy. Có lần tôi đọc một lời bình luận khá gay gắt về khẳng định của Kitô giáo rằng tình dục là gắn kết với hôn nhân. Tác giả kết thúc bài phê bình bằng cách hỏi: “Tại sao Kitô giáo cứ khó chịu về điều này? Ai đã từng bị tổn thương bởi tình dục?” Khi can đảm cố gắng trả lời câu hỏi thứ hai, thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự khôn ngoan trong giáo huấn truyền thống của Kitô giáo.

c- Tình dục có một năng lực nội tại mà nếu trung thành theo, thì nó sẽ dẫn người theo mình đến sự thánh thiện. Tính dục là năng lực của Thiên Chúa bên trong chúng ta. Vì thế, lý tưởng là, tình dục nên dẫn con người đến sự thánh thiện và khi tôn trọng những nguyên tắc của nó thì nó thực hiện điều đó cách đúng đắn. Bằng cách nào? Những năng lực nội tại có thể dẫn đến sự thánh thiện là gì? Chúng ta hãy xem một ví dụ điển hình.

Một chàng trai trẻ, được trưởng thành hơn khi lòng ích kỷ, tổn thương, tham vọng cá nhân được san sẻ, anh tạo được dấu ấn cuộc đời khi tính dục có tác dụng trên cuộc sống của anh. Ban đầu, ở giai đoạn thiếu niên, những gì anh muốn là tình dục, có hoặc không có tình yêu và tình mật thiết. Rồi anh gặp một cô gái và phải lòng cô ta. Anh vẫn muốn tình dục, nhưng bây giờ chính năng lực nội tại của tình dục giúp làm chín chắn khát khao của anh. Đang yêu, tính dục của anh bây giờ đòi hỏi không những chỉ tình dục mà còn tình mật thiết, được độc quyền và có cam kết. Anh kết hôn và trong một thời gian, anh hài lòng với tình dục và tình mật thiết. Tuy nhiên, khi anh và mối tương quan giữa anh và vợ được trưởng thành, thì tự nhiên đến một ngày anh muốn có con. Họ có con và dù anh muốn có con nhưng anh vẫn ngạc nhiên với chính mình trước việc anh yêu thương con biết bao, chúng đã thay đổi anh và nhãn quan của anh về cuộc đời biết chừng nào. Các chiều kích mới của lòng ham muốn (mà trước đây anh không ý thức) được tạo ra bên trong anh và anh thấy mình có thể gạt bỏ các nhu cầu riêng để tận tâm hơn với con và dĩ nhiên với người vợ mà không bị bực bội xâm chiếm.

Và rồi con cái lớn lên, hòa nhập với các đứa trẻ khác, đi học, đi sinh hoạt đủ các loại. Nhà anh bắt đầu đầy các đứa trẻ khác, cha mẹ của chúng và các mối bận tâm của họ – anh bị cuốn vào trong các buổi tối hội họp cùng mối bận tâm với các cha mẹ khác, các buổi họp phụ huynh, làm huấn luyện viên cho đội bóng của trẻ con, đưa đón chúng đủ loại lớp học và trận đấu trong khu vực. Thế giới của anh liên tục mở rộng, và anh, với những khát vọng và trưởng thành của mình, cũng mở rộng theo. Dần dần, không hay biết, qua năm tháng anh lớn lên, cởi mở, chín chắn, quảng đại hơn, và là một người cha bao dung, phúc đức, trưởng thành.

Tình dục, nếu theo đúng cách, dẫn đến sự thánh thiện. Câu chuyện người đàn ông này là một loại kịch bản. Có nhiều, rất nhiều loại kịch bản diễn tiến cùng cách, bao gồm các năng lực tính dục độc thân lành mạnh. Niềm khát khao, hoạt động bên trong chúng ta, nếu được làm đúng cách, sẽ tiếp tục dẫn chúng ta ngày càng gần hơn với sự trưởng thành tử tế.

d- Đối với người Kitô hữu, tình dục luôn luôn cần sự bảo vệ của đức khiết tịnh lành mạnh. Theo nhãn quan Kitô giáo, khiết tịnh là một trong các chìa khóa dẫn đến tính dục lành mạnh. Tuy nhiên, cần hiểu đúng điều này.

Trước tiên là khái niệm về chính đức khiết tịnh: Khiết tịnh không có nghĩa là độc thân. Trở nên khiết tịnh không có nghĩa là không có quan hệ tình dục. Cũng không có nghĩa là đoan trang đến mức cả thẹn. Cha mẹ tôi là hai người khiết tịnh nhất mà tôi biết, dĩ nhiên họ hưởng thú vui tình dục, gia đình đông con, mối dây ràng buộc ấm áp và bền chặt giữa họ là bằng chứng thuyết phục hơn cả. Trước hết, khiết tịnh thậm chí không phải đơn thuần là một khái niệm về tình dục, dù đứng trước sức mạnh và thôi thúc của tình dục, những lỗi phạm đức khiết tịnh thường ở bên trong lãnh vực tính dục.

Đức khiết tịnh phải đối mặt với mọi trải nghiệm. Nó liên quan đến sự tương thích của bất cứ trải nghiệm nào. Rốt cuộc, khiết tịnh là tôn trọng – và tội, mọi tội, là sự không tôn trọng. Khiết tịnh là trải nghiệm con người, sự vật, nơi chốn, giải trí, các chu kỳ sống, và tình dục làm sao để cho những điều đó hay chính mình không bị tổn thương. Khiết tịnh là cảm nghiệm sự vật một cách tôn trọng sao cho kinh nghiệm hàn gắn chúng ta và những điều đó khắn khít hơn.

Vì thế chúng ta khiết tịnh khi tương quan với người khác làm sao để không vượt quá lằn ranh luân lý, tâm lý, cảm xúc, thẩm mỹ và tình dục của họ. Quả là trừu tượng khi cho rằng khiết tịnh là không để cho sự thiếu kiên nhẫn, bất kính, hay ích kỷ xâm phạm món quà tặng. Trái lại, chúng ta thiếu khiết tịnh khi vội vã hay bất kính vượt qua ranh giới, khi vi phạm bất cứ điều gì và cách nào đó giảm thiểu căn tính của nó. Khiết tịnh là kính trọng, tôn trọng, và kiên nhẫn. Hoa trái của nó là hiệp nhất, lòng biết ơn, và niềm vui. Thiếu khiết tịnh là thiếu kiên nhẫn, bất kính và xâm phạm. Hoa trái của nó là chia rẽ tâm hồn, cay đắng, và yếm thế.

Bất kỳ khi nào có bạo lực, bất kính, cảm xúc hỗn loạn, thiếu tính cộng đồng, cay đắng, yếm thế, và vô trách nhiệm tình dục, thì khi đó thiếu lòng khiết tịnh. Đó là các dấu hiệu không thể sai lầm của nó.

Tình dục, chính vì nó là một ngọn lửa cực mạnh nên nó luôn luôn cần đức khiết tịnh bảo vệ. Như Karl Jung đề xuất, chúng ta không bao giờ nên ngây ngô về sức mạnh thống trị của năng lực. Mọi năng lực, đặc biệt là năng lực tình dục, không phải luôn luôn thân thiện và thường thường chúng tìm cách dẫn chúng ta vượt qua các ranh giới một cách hấp tấp và bất kính. Có không ít sự khôn ngoan trong một số điều cấm kỵ tình dục cổ điển. Ngọn lửa tình dục quá mạnh và thánh thiêng đến nỗi nó phải được quy định và bao hàm bởi nhiều thứ hơn là bởi tình trạng cảm xúc của chúng ta hôm đó. Sự khôn ngoan của mọi thời đại, một số được quy ước trong các giới răn và một số được chôn sâu nguyên dạng trong bản năng của chúng ta, bảo chúng ta rằng trước ngọn lửa tình dục, chúng ta nên ở trong tâm trạng tôn trọng và kính sợ thánh thiện nào đó vì biết rằng ngọn lửa thần thiêng đòi hỏi chúng ta cởi giày ra. Trước bất kỳ điều gì mạnh mẽ như tình dục, cần có một số điều cấm kỵ.

Dĩ nhiên, một lần nữa, nền văn hóa của chúng ta phản đối điều này. Ngày nay ít có vấn đề nào tạo ra thái độ chê bai cho bằng khái niệm khiết tịnh tình dục. Nền văn hóa đương thời xem sự vượt qua lòng khiết tịnh là một chiến thắng luân lý, một chiến thắng vốn cuối cùng giúp chúng ta giải phóng về mặt tình dục. Người Kitô hữu có thể xem lời tuyên bố này nghiêm túc hơn nếu giả thử như sự giải phóng tình dục này thực sự chuyển qua sự tôn trọng hơn giữa hai giới tính và trở thành thứ tình dục làm nhẹ bớt tình trạng cô đơn, xây dựng cộng đoàn lâu bền, vun đắp các tâm hồn thăng bằng hơn, mang lại ít lạm dụng tình dục người khác hơn, giúp tạo ra một xã hội của ít người cô đơn hơn, đầy tình thương, lòng khoan ái và hạnh phúc hơn. Đáng buồn thay điều đó không xảy ra và người ta nghe vang vọng lời than van của Albert Camus rằng có lúc việc vượt ra khỏi vòng cương tỏa của lòng khiết tịnh được xem như một chiến thắng, dù nó sớm chuyển qua thành thất bại.

Lời nhận xét cuối cùng về đức khiết tịnh: Ai đó có lần nói rằng Kitô giáo không hiểu đam mê tình dục, còn thế gian thì không hiểu khiết tịnh. Đó là một sự đơn giản hóa thái quá, bởi chưng ở cả hai phía có những tiếng nói cá nhân rất quan trọng vốn không phù hợp với sự mô tả, nhưng đó là lời phát biểu chân thực mang tính khái quát hóa và đề cập đến một điều gì đó tối quan trọng. Kitô giáo đã tranh đấu và vẫn còn đấu tranh để thể hiện đam mê tình dục cách lành mạnh và trọn vẹn. Còn phần thế gian, nó đã chiến đấu và vẫn đang chiến đấu để can đảm và thành thật nhìn vào những gì đang xảy đối với sự ngây thơ và hạnh phúc của chúng ta khi chúng ta coi thường đức khiết tịnh. Cả hai cần học hỏi nhau. Đam mê và khiết tịnh, tình dục và trinh tiết, phải được mang lại gần nhau.

Kitô giáo phải can đảm gạt bỏ một số sợ hãi và e dè, phải học cách đề cao thiện ích của đam mê tính dục, hay tình dục. Thực sự, chính giáo hội Kitô phải là sức mạnh luân lý để thách thức nền văn hóa, để cử hành sự tốt lành của tình dục. Chừng nào giáo hội còn do dự để thực hiện điều này, thì ít nhất ở mức độ này, nó sẽ vẫn là kẻ thù của niềm khoái cảm và sáng tạo chính đáng. Khiết tịnh ở bên ngoài thiện ích tình dục thì chỉ là sự lạnh nhạt. Trái lại, nền văn hóa chúng ta phải học lại giá trị của lòng khiết tịnh và trinh tiết. Nó phải thừa nhận mình phải hứng chịu biết bao nỗi đau và rối loạn cảm xúc từ việc tầm thường hóa tình dục và xem nhẹ giá trị của lòng khiết tịnh và trinh tiết. Chừng nào thế giới tiếp tục xem khiết tịnh là ngây ngô, lo sợ, là luân lý xua cổ, thì nó vẫn là kẻ thù của chính mình. Đam mê tình dục chỉ là một điều gì đó thâm sâu khi nó tương quan với khiết tịnh và trinh tiết. Việc chúng ta muốn kết hôn khiết tịnh thì không phải là điều ngẫu nhiên mà là một nguyên mẫu.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp) 

Xin đọc thêm:  Chương Linh Đạo Tính Dục  (1/7) 

Tính dục như Ngọn Lửa Thiêng (2/7)

Định nghĩa Kitô giáo về tính dục (3/7)