Rèn luyện sáu bước để có lòng khiêm nhường

2442

Rèn luyện sáu bước để có lòng khiêm nhường

fr.aleteia.org, The Catholic Gentleman, 2016-06-03 

“Khiêm tốn là nền tảng của tất cả các nhân đức khác.”  Thánh Âugutinô

Các thánh nói rõ, lòng khiêm nhường là nền tảng của mọi con đường tăng trưởng thiêng liêng. Nếu chúng ta không khiêm nhường, chúng ta không phải là thánh. Đơn giản là như vậy. Nhưng đơn giản là phải biết, chúng ta phải khiêm nhường, không phải lúc nào cũng dễ để rèn luyện đức tính này. Sau đây là sáu cách để trau dồi nhân đức khiêm nhường. 

  1. Cầu nguyện xin ơn để được nhân đức khiêm nhường

Mọi nhân đức được hình thành trong tâm hồn chúng ta đều do liên lỉ cầu nguyện. Nếu chúng ta thực sự muốn được khiêm nhường thì chúng ta phải cầu nguyện xin ơn này mỗi ngày. Cầu xin Chúa giúp chúng ta vượt lên được lòng tự ái. Như Thánh Cha xứ Ars đã dạy.

Mỗi ngày chúng ta phải hết lòng xin ơn khiêm nhường và xin ơn để hiểu tự chính mình chúng ta chẳng là gì và bình an thể xác cũng như tinh thần đều từ Chúa mà đến.

Với mục đích này, tôi xin mạnh mẽ đề nghị các bạn đọc Kinh Cầu khiêm nhường. 

  1. Chấp nhận các sỉ nhục

Có lẽ điều đau đớn nhất, nhưng cũng hiệu quả nhất để học đức khiêm nhường, đó là chấp nhận nhục nhã và xấu hổ. Linh mục Gabriel Thánh Maria-Mađalêna giải thích: Nhiều linh hồn yêu thích khiêm tốn, nhưng ít người trong số họ khát khao bị sỉ nhục. Nhiều người xin Chúa để được ơn sống khiêm nhường, họ sốt sắng cầu nguyện xin ơn, nhưng rất ít người muốn bị sỉ nhục. Tuy nhiên, không thể có được khiêm nhường mà không bị sỉ nhục; vì qua các nghiên cứu cho biết, chính qua con đường sỉ nhục mà chúng ta có thể có được lòng khiêm nhường.

Cho đến khi nào chúng ta khao khát nhân đức khiêm nhường mà chưa sẵn sàng chấp nhận các phương thế để đến với nó, thì chúng ta không thực sự muốn đi trên con đường tốt để có được tính khiêm nhường. Thậm chí trong một số trường hợp, chúng ta có thể hành động một cách khiêm tốn, điều này có thể là nhờ kết quả của một khiêm tốn hời hợt bề ngoài, chứ không phải khiêm nhường thực sự và sâu đậm. Khiêm tốn là sự thật; vì thế, chúng ta biết, tự chính mình chúng ta không là gì, ngoại trừ tội lỗi, chính xác là chúng ta phải chịu nhận sỉ nhục và khinh bỉ.

  1. Vâng phục quyền uy

Một trong các biểu hiện hiển nhiên nhất của tính kinh ngạo là không vâng lời. Nghịch lý thay, không vâng lời và nổi loạn được xã hội phương Tây hiện đại ca tụng là các đức tính tốt. Sự sa ngã của Sa-tan là do tính kiêu ngạo của nó: Tôi sẽ không phục vụ, Non serviam.

Mặt khác, đức khiêm nhường luôn được biểu hiện bằng sự vâng phục quyền uy, dù đó là quyền uy của người chủ hay của chính quyền. Như thánh Biển Đức nói: Mức độ đầu tiên của đức khiêm nhường là vâng lời không chậm trễ.

  1. Dè chừng mình

Các thánh cho chúng ta biết, nếu chúng ta dè chừng mình và chỉ tin tưởng vào Chúa, chúng ta sẽ không phạm bất kỳ tội nào. Linh mục Lorenzo Scupoli nói:

Dè chừng mình là điều cần thiết trong cuộc chiến thiêng liêng. Nếu không có nhân đức này, chúng ta không thể hy vọng chế ngự các đam mê thấp hèn nhất của mình, thậm chí còn không mong thắng được nó.

  1. Nhận biết chúng ta chẳng là gì

Một cách rất hiệu quả khác để trau dồi đức khiêm nhường là suy gẫm về sự cao cả và huy hoàng của Chúa, đồng thời nhận ra sự hư vô của chính mình trong mối quan hệ với Ngài. Cha xứ Ars xác quyết: Ai có thể chiêm ngưỡng sự vô cùng của Chúa mà không hạ mình xuống trong thân phận cát bụi chỉ với ý nghĩ Ngài đã tạo ra bầu trời từ hư vô? Và Ngài sẽ chỉ phán một lời, trời và đất lại trở thành hư vô? Thiên Chúa thật vĩ đại; sức mạnh của Ngài là vô hạn. Ngài hoàn hảo và vĩnh cửu vô cùng vô tận. Công lý và sự quan phòng của Ngài thật cao cả. Ngài khôn ngoan cai quản mọi sự và Ngài quan tâm chăm sóc đến muôn loài muôn vật. Trước mặt Ngài, chúng ta không là gì!

  1. Lượng định các thực thể với chính mình

Khi chúng ta kiêu ngạo, không tránh được, chúng ta sẽ nghĩ mình hơn người khác. Chúng ta cầu nguyện như người biệt phái: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa, vì con không giống như người khác.” Sự tự mãn này cực kỳ nguy hiểm cho tâm hồn chúng ta, và Chúa kinh tởm nó. Thánh kinh và các thánh nói, con đường chắc chắn duy nhất là nhìn nhận người khác tốt hơn mình. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.” (Ph 2, 3).

Tu sĩ thời Trung cổ Thomas a Kempis đã tóm tắt giáo huấn này ở chương 7 trong tác phẩm kinh điển Theo gương Chúa Giêssu Kitô:

Đừng cho mình hơn người khác; có thể mình xấu xa trong mắt Chúa, Đấng biết biết những gì trong lòng con người. Đừng kiêu ngạo về các việc làm tốt của mình, vì phán xét của Chúa không phải là phán xét của con người, và điều làm con người hài lòng thường làm cho Chúa không hài lòng. Nếu có một cái gì đó trong lòng mình, thì hãy nghĩ rằng người khác còn có hơn để giữ lòng khiêm tốn. Bạn đừng liều nghĩ rằng mình thấp hơn tất cả mọi người, nhưng sẽ rất có hại cho bạn nếu bạn chỉ thích một mình bạn. Người khiêm nhường có được sự bình tâm không gì lay chuyển, sự tức giận và đố kị làm xáo trộn trái tim người kiêu ngạo.

Kết luận

Không nghi ngờ gì về điều này: đức khiêm nhường là nền tảng của tất cả đời sống thiêng liêng. Không có nhân đức này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tiến bộ trong con đường thánh thiện. Tuy nhiên, đức khiêm nhường không chỉ là một nhân đức trừu tượng để được ngưỡng mộ. Đó là đức tính tốt để học hỏi và thực hành thường xuyên trong các hoàn cảnh đau khổ của cuộc sống hàng hàng ngày. Hãy cố gắng hết sức có thể để luôn khiêm nhường, bắt chước gương Chúa Giêsu Kitô, “Đấng làm cho mình trở nên hèn hạ, mặc lấy thân phận nô lệ, xuống thế làm người giống con người.”

Pacôme Hồng Phước dịch
Xin đọc thêm: Cuộc đấu tranh hụt hẫng với tính khiêm nhường
Ở nơi làm việc hay ngoài xã hội, chúng ta có khờ dại khi sống khiêm nhường không? 
Đức Giám mục Hollerich: Xin ơn khiêm nhường để phục vụ Giáo hội và không xin gì khác hơn