Ai leo lên cây? Con khỉ? Ai từ cây đi xuống? Con người!
paris.catholique, 2019-11-03
Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, thánh lễ chúa nhật 31 thường niên C, 3 thường 11-2019 tại nhà thờ Thánh Germain, Auxerrois, Paris
(Kn 11, 22 – 12, 2; Tv 144 (145), 1-2, 8-9, 10-11, 13cd-14 ; 2 Tx 1, 11 – 2, 2; Lc 19, 1-10)
Ai leo lên cây? Con khỉ? Ai từ cây đi xuống? Con người. Đúng, tôi biết, đó là mô tả hơi giản lược về sự tiến hóa.
Dù vậy, đối với tôi có vẻ thú vị để hiểu những gì xảy ra giữa ông Giakêu và Chúa Giêsu. Giakêu leo lên cây vì ông thấp bé, nhưng theo tôi, cũng vì ông quá nhỏ bé trong nhân loại. Ông giàu, nhưng ông không được kính trọng. Ông biết mọi người ghét ông. Các mối quan hệ giữa cá nhân có vẻ như hiếm đối với ông.
Ai có thể khôi phục nhân tính của ông? Ai có thể tái hội nhập ông vào xã hội loài người? Chúa Giêsu! Chúa Giêsu là người duy nhất có thể mang lại cho ông nhân tính của con người theo hình ảnh của Chúa. Chúng ta đã thấy chuyện này qua câu chuyện mười người phung hủi được chữa lành, những người bị loại ra khỏi xã hội loài người, và nhờ Chúa Giêsu chữa lành mà họ mới có thể tái hội nhập vào xã hội.
Có lẽ giống như ông Giakêu, chúng ta có khuynh hướng cư xử như con khỉ? Chúng ta nhăn mặt để làm mọi người chú ý đến mình qua áo quần, qua cách ứng xử, qua các mặt nạ huyễn hoặc của chúng ta. Chúng ta phải tìm lại con người thực của mình. Không phải qua các chuyện giả bộ và hài kịch con người. Tình thân với Chúa làm chúng ta hiểu phẩm chất thật của mình, để thấy con người thật của mình, thấy chúng ta được gọi để là: con của Chúa.
Nếu chúng ta thật sự nhận thức được điều này, chúng ta không cần những chuyện giả tạo bên ngoài để mình nghĩ mình tồn tại dưới mắt mình và dưới mắt người khác. Khi đó chúng ta mới thật sự có được mối quan hệ giữa các cá nhân, để hiểu người khác cũng có cùng phẩm chất như mình. Điều này ít nhất làm chúng ta không quá xem mình là quan trọng. Và chính điều này mới thật sự làm cho cuộc đời chúng ta thay đổi.
Chủ nghĩa cá nhân quá độ của xã hội khép kín chúng ta trong một loại ích kỷ, đưa chúng ta đến gần tình trạng “khỉ” hơn, dù nó nhuốm màu của một chủ nghĩa nhân văn gần với chủ nghĩa nhân văn tốt đẹp.
Ông Giakêu thoát được vòng vây của cái tôi và ông tìm được niềm vui. Trong Tin Mừng, khi đứng dậy, ông Giakêu tuyên bố về việc mình dâng tặng của cải. Ông đã tìm lại nhân phẩm của mình vì ông chấp nhận ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Chúng ta có sẵn sàng đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu và biến đổi cái nhìn của chúng ta, cách chúng ta sống để trở nên con người hơn không? Nhưng không phải hẹn đến ngày mai, ngày kia. Ngay hôm nay!
Chúng ta đã nghe Chúa nói: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu không bao giờ hẹn ơn cứu rỗi của mình vào ngày mai. Chính hôm nay chúng ta phải quyết định theo Ngài.
Và đó cũng là lời Chúa Giêsu nói khi ở trên Thập giá, Ngài mở cửa thiên đàng cho người kẻ trộm lành sẵn sàng nhận ơn cứu rỗi: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43) “Ở với tôi”: thiên đàng là sự kết hợp mật thiết với Chúa.
Và anh chị em? Anh chị em đã sẵn sàng xuống cây để đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô không? Anh chị em đã sẵn sàng vào nước thiên đàng ngày hôm nay không? Vì vào Thiên đàng là vào trong tình mật thiết của Chúa ngay từ bây giờ để sống như những con người.
Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, Tổng Giám mục giáo phận Paris.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, Tổng Giám mục giáo phận Paris.
Xin đọc thêm: Bài giảng trong Lễ Các Thánh của Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit