Bổ nhiệm mười ba tân hồng y, Đức Phanxicô ưu tiên cho vùng ngoại vi

339

Bổ nhiệm mười ba tân hồng y, Đức Phanxicô ưu tiên cho vùng ngoại vi

fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2019-09-04

Theo bà Constance Colonna-Cesari, chuyên gia về Vatican và là tác giả quyển sách “Trong bí mật của ngoại giao Vatican” (Dans les secrets de la diplomatie vaticane), thì khi Đức Phanxicô công bố việc bổ nhiệm 13 tân hồng y vào ngày chúa nhật 1 tháng 9 là ngài “khẳng định cương vị của mình, theo xác tín thiết thân nhất của ngài cho Giáo hội”.

Trả lời báo Aleteia, bà Constance Colonna-Cesari cho biết: “Việc làm mới lại hồng y đoàn là một cách để tiếng nói của ngài được nghe thấy ngày hôm nay, nhưng cũng cho cả trong tương lai”.

Ngày 1 tháng 9, Đức Phanxicô công bố danh sách 13 tân hồng y, trong đó có 10 hồng y cử tri. Dù các tân hồng y được phong vào hôm trước ngày khai mạc Thượng hội đồng về Amazon vào ngày 5 tháng 10, nhưng việc bổ nhiệm này phản ánh các ưu tiên của ngài cho triều giáo hoàng của mình.

Aleteia: Xin bà cho biết ý kiến của bà về việc phong 13 tân hồng y này.

Constance Colonna-Cesari: Đây là câu trả lời của Đức Phanxicô cho các nghịch cảnh mà ngài phải đối diện hiện nay. Kể từ năm 2018, trật tự thế giới đã thay đổi và sự thay đổi này không thuận lợi cho ngài: Tổng thống Donald Trump được bầu lên ở Mỹ, căng thẳng với chính phủ Ý, Tổng thống Jair Bolsonaro được bầu lên ở Brazil… Nhiều nhân vật hàng đầu trên thế giới chống đường hướng của ngài. Ngày càng công khai hơn trên chính trường, ngài có đối thủ bên ngoài cũng như bên trong Giáo hội. Và họ tấn công trực diện với ngài, ngay cả còn dám đòi ngài từ chức! Do đó, việc phong mười ba tân hồng y mới này là một cách để củng cố hàng ngũ của ngài, phù hợp với xác tín thiết thân nhất của ngài với Giáo hội và với thế giới. Và vì thế làm mới hồng y đoàn là một cách để cho tiếng nói của ngài được nghe thấy ngày hôm nay nhưng cũng cho cả trong tương lai, bao gồm cả việc kế nhiệm ngài. Thật vậy, trong mười ba tân hồng y có mười hồng y cử tri. Hồng y đoàn là thể chế đầu tiên của Giáo hội, thể chế bầu ra giáo hoàng. Như thế Đức Phanxicô đã chuẩn bị cho việc kế nhiệm mình, một tính toán cho tương lai, một tính toán cho lâu dài. Ngài đưa vào những người ủng hộ đường lối quản trị Giáo hội của mình, của ưu tiên dựa trên các vùng “ngoại vi” như ngài thường lặp lại. Và cuối cùng, có hai tân hồng y Dòng Tên trong danh sách này. Tóm tắt đó là hồng y đoàn theo phong cách Bergoglio.

“Khai trương triều giáo hoàng của ngài là đảo Lampedusa. Từ đó ngài không bao giờ ngừng lặp lại các cam kết của mình ở thời điểm đó”.

Chúng ta có thể nói đây là cách để Đức Phanxicô xác nhận hướng ngài đã quyết định ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài không?

Dĩ nhiên rồi! Hàng đầu trong các định hướng này là việc đón nhận người di dân. Điều này luôn luôn là ưu tiên tuyệt đối hàng đầu của ngài: khánh thành triều giáo hoàng của ngài là vào tháng 7 năm 2013 ở đảo Lampedusa. Ngài không bao giờ ngừng lặp lại các cam kết ngài đã đưa ra lúc đó, bằng chứng là năm 2016 ngài thành lập Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện trong đó văn phòng mục vụ cho người di dân được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ngài. Vì thế chúng ta hiểu khi ngài phong hồng y cho Tổng Giám mục Jean-Claude Höllerich, Tổng Giám mục Luxembourg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Cộng đồng Châu Âu (COMECE), một vị trí chiến lược cao. Cũng vậy, ngài bổ nhiệm Linh mục Michael Czerny, Tổng Thư Ký Phân bộ Người di cư và tị nạn của Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện, chức vụ ngài đảm nhận từ tháng 12 năm 2016. Đối với Đức Phanxicô, cuộc khủng hoảng di cư và tiếp nhận người di cư không phải chỉ ở Âu châu mà còn ở cả Châu Mỹ La Tinh, nơi việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Alvaro Ramazzini Imeri, Giám mục Huehuetenamgo, Guatemala là cả một ngạc nhiên.

Đối thoại liên tôn cũng là một trong các ưu tiên của ngài…

Chắc chắn rồi. Đây là lý do chúng ta thấy ba nhân vật quan trọng trong đối thoại liên tôn ở danh sách tân hồng y: Đức Tổng Giám mục Miguel Angel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn kể từ tháng 5 vừa qua, Đức Giám mục Cristóbal López Romero, người được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Rabat (Ma-rốc) vào tháng 12 năm 2017 là người đón Đức Phanxicô trong chuyến ngài viếng thăm đất nước này vào tháng 3 năm 2019, và Đức Tổng Giám mục Michael Louis Fitzgerald, cựu sứ thần Tòa Thánh trước đây đảm nhiệm đối thoại hồi giáo-kitô giáo, người bảo vệ tinh thần của Assisi và là người đi theo đường hướng của cố hồng y Tauran, tác giả tài liệu của Abu Dhabi do Đức Phanxicô và giáo sĩ viện trưởng Al-Azhar đồng ký vào tháng 2 năm ngoái, một hành vi nền tảng của triều giáo hoàng Đức Phanxicô.

Nguồn gốc địa lý của các tân hồng y cho thấy một ý chí đặc biệt của Đức Phanxicô không?

Qua các bổ nhiệm này, Đức Phanxicô nhấn mạnh thêm cam kết của mình đối với các vùng ngoại vi: ngoại vi theo bản chất của các vấn đề (đối thoại liên tôn giáo, tiếp nhận người di cư) mà cả ngoại vi địa lý. Hồng y là một hình thức “bộ trưởng trực tiếp” của Giáo hoàng trong đất nước của họ. Việc bổ nhiệm họ là một phần trong lãnh vực hoạt động chính trị của giáo hoàng. Điều này có thể tăng cường thêm sức nặng cho các Hội đồng Giám mục địa phương, đó là một cách bổ sung để cho Hội đồng này được lắng nghe. Đây là trường hợp của Đức Tổng Giám mục Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa, Cộng hòa Công-gô.  Ở đất nước này, Giáo hội đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi dân chủ; khi bổ nhiệm ngài là hồng y, Đức Phanxicô củng cố vị trí của tân hồng y nhưng cũng là củng cố cho các nỗ lực hòa giải mà Giáo hội Congo đảm nhận. Đây cũng là trường hợp bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Juan de la Caridad García Rodríguez, Tổng giám mục San Cristóbal của Habana, Cuba kể từ năm 2016. Ngoài ra việc bổ nhiệm một hồng y ở một quốc gia là một sự chuyển tiếp ngoại giao lớn. Chúng ta đã thấy ở Havana với vai trò của Đức Hồng Y Ortega, cựu Tổng Giám mục của thành phố vừa qua đời, trong mối quan hệ hợp tác giữa Cuba và Hoa Kỳ trong suốt năm 2014. Sứ thần đại diện cho quyền lực thiêng liêng của Giáo hoàng và quyền lực chính trị của Vatican. Nhưng một hồng y là một đòn bẩy bổ sung, một kênh khác của đối thoại, của truyền thông.

Như thế các bổ nhiệm này phản ánh xu hướng dài hạn …

Có, nhưng cũng là một công nghị có một chương trình nghị sự cụ thể. Đức Phanxicô củng cố vị trí của mình, nơi ngài có thể làm trước Thượng hội đồng về Amazon dự kiến bắt đầu vào ngày 6 tháng 10 và đã được xem như một sự kiện có rủi ro cao. Trong khi các đối thủ của ngài chuẩn bị cầm vũ khí của họ ra trận, Đức Phanxicô củng cố lực lượng của mình và ngài cũng tập họp đội ngũ của mình…

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Mười ba hồng y mới: Các tân hồng y làm việc “ngoài chương trình”