Rachel Held Evans, 1981-2019 

116

Rachel Held Evans, 1981-2019

Ronald Rolheiser, 2019-06-10

Không cộng đồng nào được xem thường cái chết. Sử gia Mircea Eliade đã viết những lời này như lời cảnh báo: Nếu chúng ta không tôn vinh đúng đắn cuộc sống của người vừa từ giã chúng ta thì chúng ta đối xử bất công với người đó và lừa dối chính mình về món quà mà người đó để lại.

Trong tinh thần này, tôi muốn nhấn mạnh đến sự mất mát mà cộng đoàn kitô giáo chúng ta, dù là phái nào, đã phải chịu thiệt thòi trước cái chết của cô Rachel Held Evans, qua đời ngày 4 tháng 5 ở tuổi 37.

Cô Rachel Held Evans là ai? Cô thách thức mọi định nghĩa sơ sài, ngoài việc nói cô là một nhà văn tôn giáo trẻ, viết sâu sắc và cân bằng dù cô còn trẻ, cô còn là người kể các khó khăn đi từ đức tin sâu đậm, chân thành từ thuở thiếu thời mà cô được nuôi dạy, để cuối cùng đặt các câu hỏi trưởng thành hơn, một đức tin bây giờ sẵn sàng đối diện với các câu hỏi khó khăn của đức tin, của tôn giáo và của giáo hội. Và trong cuộc hành trình này, cô đã vấp phải sự chống đối từ bên trong (rất khó để can đảm dò tìm gốc rễ sâu xa của mình) và từ bên ngoài (chung chung các giáo hội thường không thích bị thúc ép bởi các câu hỏi khó khăn, đặc biệt từ những người trẻ của mình). Nhưng hành trình cô thực hiện và nói lên (với một sự trung thực và hóm hỉnh hiếm có) là tiến trình mà tất cả chúng ta, người trẻ cũng như người không còn trẻ đều phải thực hiện để có một đức tin có thể đứng vững trước các câu hỏi khó khăn của thế giới, các câu hỏi khó khăn nhất trong tâm hồn chúng ta.

Tâm lý gia Carl Rogers đã từng nói: “Điều gì riêng tư nhất cũng chính là điều phổ quát nhất”. Hành trình của cô Rachel Held Evans bắt nguồn từ cuộc sống của chính cô, và theo tôi, đó là hành trình phổ quát ngày nay, có nghĩa là đức tin ngây thơ của tuổi thơ chúng ta, chắc chắn sẽ không tránh được các thử thách, các câu hỏi và các chế giễu ở tuổi trưởng thành, điều này đòi hỏi chúng ta phải có câu trả lời vượt ra ngoài các bài giáo lý ngày chúa nhật thuở nhỏ. Trong số các câu hỏi và các thách thức, ít quan trọng nhất là các câu hỏi về giáo hội, biện minh cho việc thuộc về, nhưng quan trọng là các câu hỏi đầy tràn trong giáo hội về bất tín, đầu óc hẹp hòi, thái độ phán xét, miễn cưỡng đối diện với các nghi ngờ, cám dỗ triền miên muốn đưa Tin Mừng vào các đảng phái chính trị mình ưa thích, vào hệ tư tưởng của mình.

Cô Rachel Held Evans đã đấu tranh để thực hiện cuộc hành trình từ tuổi thơ với tất cả sự ngây thơ và kỳ diệu của mình, chúng ta có thể gặp ông già Noel, con thỏ Phục Sinh và các câu chuyện Thánh Kinh mà triết gia Paul Ricouer gọi đó là “ngây thơ thứ nhì”, một tương tác đau đớn giữa hoài nghi và đức tin, chúng ta có thể làm việc thông qua sự phức tạp không thể tránh khỏi của tuổi trưởng thành để rồi nuối tiếc sự hồn nhiên và điều kỳ diệu (và đức tin) của tuổi thơ trên cơ sở nghiêm túc giữa hoài nghi và vỡ mộng luôn dày vò khi chúng ta đối diện với tuổi trưởng thành.

Triết gia người Ai-Len John Moriarty, có tiến trình đời sống thiêng liêng giống với cô Rachel, ông thường dùng một thành ngữ rất hay để mô tả những gì xảy ra với ông. Đến một lúc trong hành trình thiêng liêng của mình, ông viết: “Tôi rớt đài với câu chuyện của tôi”. Đạo công giáo la mã mà ông được nuôi dạy không còn là đạo mà từ đó ông có thể sống suốt đời. Cuối cùng sau khi giải quyết một số câu hỏi khó khăn, ông nhận ra đức tin của tuổi thanh xuân là “tiếng mẹ đẻ”, ông tìm lại con đường trở về trong câu chuyện thiêng liêng của mình.

Câu chuyện của cô Rachel Held Evans cũng giống như vậy. Được nuôi dạy ở miền Nam nước Mỹ với Thánh Kinh, với một Giáo hội tin lành vững mạnh, cô cũng phải đối diện với các câu hỏi ở tuổi trưởng thành, cũng nửa đường biến mất như câu chuyện của triết gia Moriarty và rồi cuối cùng cũng quay trở lại, ít nhất là về cơ bản.

Cuối cùng, cô tìm được con đường về với đức tin trưởng thành (đức tin có thể đương đầu được với các nghi ngờ), tìm thấy giáo hội (Anh giáo) nơi cô đến thờ phượng để tìm về con đường tiếng mẹ đẻ của mình. Cô viết, giáo hội và đức tin tuổi thơ vẫn ở trong cuộc sống như người bạn trai ngày xưa… Dù bây giờ không còn ở chung với nhau như cách ngày xưa, nhưng rồi mỗi ngày bạn cũng vào Facebook để xem chuyện gì xảy ra trong cuộc sống anh ấy.

Tôi nghĩ có thể nhiều người công giáo la mã và tin lành không biết nhiều về cô Rachel Held Evans hay đã đọc các sách của cô. Cô đã viết bốn quyển sách bán chạy, Cảm hứng (Inspired), Tìm gì cho ngày chúa nhật (Searching for Sunday), Một năm Kinh Thánh của Nữ tính (A Year of Biblical Womanhood), và Đức tin được làm sáng tỏ (Faith Unraveled). Mục đích chính của bài viết này khá đơn giản: xin quý vị độc giả đọc các sách này! Nhưng quan trọng hơn là giới thiệu các sách này cho những người đang chiến đấu với đức tin hay với giáo hội: những người thân, con cái, vợ chồng, người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Cô Rachel Held Evans xuất thân từ truyền thống giáo hội tin lành và đặc biệt là tinh thần môn đệ Chúa Kitô. Cô và tôi thuộc các phái rất khác nhau. Nhưng, là linh mục công giáo la mã, gắn kết sâu đậm với truyền thống tôi được lớn lên, là thần học gia, là văn sĩ viết các đề tài thiêng liêng từ hơn 40 năm nay, khi đọc các sách của cô Rachel Held Evans, tôi không thấy một hàng nào mà tôi bất đồng với cô. Món ăn tinh thần của cô đáng tin tưởng. Cô là một người đặc biệt mà chúng ta mất cô quá sớm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch