Tâm trạng cô đơn và các hệ quả (1-2)

342

Tâm trạng cô đơn và các hệ quả (1-2)

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser  

Tâm trạng cô đơn có thể và thường thường thúc đẩy chúng ta có những quyết định thiếu chính chắn và vô trách nhiệm.

Cô đơn là một trong những tiềm lực mạnh mẽ nhất trong chúng ta. Thực tế này rất quan trọng vì thế phải nhận ra nó, nếu không làm được,  cô đơn sẽ dễ dàng thành một bạo chúa của vô thức, điều khiển cuộc sống chúng ta. Điều này có thể trở nên rất xấu, đặc biệt nếu nó đẩy chúng ta vào những quyết định hấp tấp, thiếu suy nghĩ, vô trách nhiệm. Một số ví dụ có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ điều này.

Ví dụ như, thiếu chính chắn và vô trách nhiệm nhiều người vội vàng kết hôn vì sợ cô đơn. Trong tiềm thức, họ tin rằng việc kết hôn sẽ làm cho hết cô đơn. Thường thì những cuộc hôn nhân như vậy mang lại bất hạnh và chỉ làm tăng thêm cô đơn mà thôi.

Khá đau đớn, đôi khi điều này cũng đúng với trường hợp các linh mục, nữ tu khi họ rời bỏ chức thánh và đời tu của mình. Cũng có khi quyết định từ bỏ là một điều khôn ngoan, mang lại tốt đẹp cho tất cả về lâu về dài. Trong các trường hợp khác, một quyết định như vậy lại gắn chặt với tâm trạng cô đơn và ý tưởng huyễn hoặc xem hôn nhân là giải pháp cuối cùng để khỏi cô đơn. Thông thường, trong những trường hợp như vậy, quyết định từ bỏ không được khôn ngoan.

Cũng vậy, không hiếm trường hợp, cô đơn làm cho người ta đi tìm những chung đụng tình dục phi nhân. Chúng xuất hiện theo nhiều cách khác nhau. Một ví dụ rất đơn giản là việc chọn lựa quan hệ bừa bãi, xem chuyện này là chuyện ít tệ hại hơn chuyện cô đơn. Một minh họa sẽ giúp làm rõ điều tôi muốn nói.

Một vài năm trước, khi đang làm bài tốt nghiệp, tôi làm tuyên úy ở một nơi lưu trú cho thanh niên. Gặp các thanh niên trú ở đây cũng như  tham dự một hội thảo về tâm trạng cô đơn vậy. Trong số họ có một cô gái mười sáu tuổi mà tôi sẽ gọi tên là “Becky.”

Becky là một cô gái trẻ có nhiều vấn đề. Gần hai năm nay, cô nghiện tất cả mọi thứ từ LSD đến thuốc an thần. Sau đó, cô dùng loại nặng hơn. Vấn đề cơ bản là cô đơn. Cô cảm thấy mình không có bạn, và cô chua cay than phiền không ai hiểu hay quan tâm đến cô. Cô không tìm ra tình thân ở nhà, ở trường, hay trong nhóm bạn cùng kiểu với cô. Cô thấy cô đơn và cô lập. Thuốc chỉ là nỗ lực lấp đầy khoảng trống trong đời cô. Việc quan hệ tình dục bừa bãi cũng cùng mục đích đó. Cô tóm gọn vấn đề của cô trong phạm vi này: “Điều tôi cần là một ai đó ôm lấy tôi, đưa tay ôm trọn tôi, nói với tôi rằng tôi quan trọng, tôi được yêu. Tôi thèm khát điều đó, nhưng chẳng bao giờ tôi có được. Đó là lý do, nhiều lúc tôi đi với những gã mà tôi biết sẽ có lợi cho tôi. Kiểu quan hệ không có tình yêu. Về sau tôi ghét chính tôi, nhưng dù sao đi nữa, vẫn hơn là ngồi ở nhà.”

Becky nhìn nhận việc quan hệ bừa bãi của mình là điều đỡ tệ hại hơn. Không phải tất cả chúng ta đều là “Becky”, và không phải tất cả chúng ta đều đối diện với những vấn đề như cô. Tuy nhiên, tất cả chúng ta phải có một chọn lựa tương tự, có lẽ còn phức tạp hơn. Đó là:

Tình dục không chỉ là xu hướng bản năng mạnh mẽ trong chúng ta, mà về căn bản, còn là phương tiện mạnh mẽ để mở ra với người khác. Nó nói về sự trọn vẹn, về một gặp gỡ trọn vẹn. Vì vậy, nó cũng là cám dỗ lớn nhất khi chúng ta tìm cách vượt qua nỗi cô đơn. Khi chúng ta hụt hẫng hơn với những giới hạn và bất tương xứng của lời nói và những phương tiện thông cảm khác, nhận ra tấm kính tối tăm sẽ không thể bị xuyên phá dễ dàng, thì lúc đó cám dỗ của chung đụng xác thịt hầu như tự động đến. Chắc rằng dạng thức kết hợp này sẽ cuốn bay rào cản cuối cùng ngăn cách chúng ta với người khác. Chắc rằng nó sẽ đẩy nỗi cô đơn đi xa.

Mặc dù, quá thường xuyên, kết quả của nó không dẫn dắt chúng ta ra khỏi khu rừng cô đơn, mà đúng hơn là đi sâu vào trong đó. Vấn đề về thân mật và tình yêu, về việc cuốn trôi đi bí ẩn của cô đơn, không dễ dàng giải quyết bằng việc lên giường. Tình yêu và thân mật có ý nghĩa sẽ giúp chúng ta vơi bớt cô đơn, là một dạng thức phức tạp, khó thực hiện, và hiếm khi đạt được. Lịch sử của những cuộc hôn nhân tan vỡ, những quan hệ lừa lọc, ích kỷ, hụt hẫng, chua cay, gay gắt, ghen tỵ kết thúc trong sự trống vắng là những chứng thực cho điều này.

Sự chung đụng xác thịt không thể tự động hoặc dễ dàng dẫn đưa chúng ta đến lòng vị tha hay tình mật thiết chân thực. Chúng ta bất toàn, là con người với những níu kéo, chúng ta sống trong nghịch lý. Tôi tin rằng, với Kinh thánh và với Chúa Giêsu, một ngày nào đó, chúng ta sẽ vượt thắng cô đơn này và cùng nhau chia sẻ trong niềm say mê trọn vẹn, điều bao hàm trọn vẹn con người của chúng ta, trọn vẹn tinh thần, tâm lý, thể lý và tính dục. Rồi, và chỉ từ đó, chúng ta sẽ không còn sống như kiểu “qua tấm kính u ám”, và rồi tâm trạng cô đơn của chúng ta sẽ được vượt thắng cách trọn vẹn, Đó là điều, và là phần lớn, ý nghĩa của Nước Thiên Chúa và Mình Thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên, khi chúng ta chờ đợi và làm việc để đạt đến Vương quốc tối hậu đó, chúng ta phải vật lộn với cám dỗ của việc chạm đến và được chạm đến, của áp lực tính dục, một điều thường làm cho chúng ta thấy đây là giải pháp tối hậu. Và nếu tâm trạng cô đơn quá mãnh liệt và cấp bách, làm chúng ta mất kiên nhẫn, phải cậy nhờ đến chung đụng xác thịt vô trách nhiệm và thiếu chính chắn để có được sự gần gũi bằng bất cứ giá nào, thì kết quả sẽ là điều ngược lại, là thoái hóa. Chung đụng xác thịt sẽ không tạo được tình mật thiết đích thực hoặc giúp chúng ta giải quyết được cô đơn. Đúng hơn nó hạ thấp nhân phẩm của chúng ta, làm cho lòng tự trọng của chúng ta, lòng tôn trọng chúng ta đối với người khác bị yếu, dẫn chúng ta đi vào tăm tối của cô đơn.

 

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Tâm trạng cô đơn: Mối nguy và cơ hội

Tâm trạng cô đơn và các vấn đề