Thông báo của Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit về tình trạng của ông Vincent Lambert

461

Thông báo của Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit về tình trạng của ông Vincent Lambert

paris.catholique.fr, 2019-05-20

Paris, ngày 20 tháng 5 năm 2019. Chúng ta đã trở thành rác thải chưa?

Nếu hôm nay tôi xin được phép nói về những gì đang xảy ra với ông Vincent Lambert, thì đó là vì trường hợp cụ thể của ông là biểu tượng của xã hội chúng ta muốn sống.

Trước hết, với trái tim linh mục của tôi, tôi xin cầu nguyện cho ông, ông đã chịu quá nhiều căng thẳng và cuộc sống phụ thuộc vào các quyết định vuột khỏi tầm tay của ông. Một vài năm trước, ông đã bị ngưng cung cấp thức ăn và nước, nhưng ông lại sống sót một cách kỳ lạ. Người đàn ông 42 tuổi này bị chấn thương sọ não trong một tai nạn lưu thông, hiện đang bị thương tật nặng nề, bị liệt tứ chi và nằm liệt giường ở Bệnh viện Đại học Reims. Trường hợp của ông tương tự với trường hợp của ông Michael Schumacher, cũng bị chấn thương sọ não và cũng ở trong tình trạng liệt giường. Dù là nhà vô địch Formule 1 nổi tiếng, các phương tiện truyền thông không xâm phạm đến trường hợp y tế của ông, ông được các chuyên gia săn sóc riêng. Trong trường hợp cụ thể của ông Vincent Lambert, người ta ghi nhận mắt ông mở, ông thở bình thường, ông ở trạng thái ổn định, ông không phải ở giai đoạn cuối cuộc đời. Ông cần một người săn sóc, một y tá điều dưỡng và thay đổi vị trí, một nhân viên liệu pháp vận động để tránh bị loét. Thức ăn và nước được nuôi bằng ống qua bao tử hoặc qua đường mũi.

Quyết định ngưng các chăm sóc tiện nghi và dinh dưỡng cơ bản cho bệnh nhân khuyết tật là trái với luật Leonetti. Người ta không đề cập đến việc ông bị đau không chịu đựng được cần phải dùng đến thuốc an thần sâu, trừ trường hợp bác sĩ quyết định ngưng cung cấp nước sẽ tạo cơn đau khủng khiếp do chết vì khát. Đây không phải là “bám riết điều trị” vì không phải  là chăm sóc cho căn bệnh không chữa được, nhưng đơn giản chỉ là chăm sóc cơ thể và dinh dưỡng cơ bản mà chúng ta cung cấp cho người già bị phụ thuộc, những người bị liệt nửa người và những em bé chưa tự lập.

Người ta trích dẫn các quốc gia gọi là kém đạo đức như Bỉ hay Hà Lan. Rõ ràng ở các quốc gia này toàn bộ ý thức đã bị gây mê. Người ta nghe trẻ em nói chuyện một cách tự nhiên về việc trợ tử của cha mẹ chúng như thể đó là một sự kiện bình thường. Một thành viên của chính phủ Bỉ, ngồi trước mặt tôi trong một cuộc họp với Tổng thống nước Cộng hòa, đã rất tự hào cho biết đất nước của bà rất “tiến bộ”, như bà nói. Tại sao chúng ta không bao giờ đề cập đến các quốc gia có lương tâm đạo đức cao hơn, chẳng hạn như Đức hoặc Ý? Ngày nay có một sự lựa chọn rất rõ ràng về văn minh: hoặc chúng ta coi con người là rô-bô hoạt động, có thể bị loại bỏ hoặc bị thải khi không còn hữu ích, hoặc chúng ta cho rằng nhân loại được xây dựng không phải trên sự hữu ích của một cuộc sống, nhưng trên chất lượng các mối quan hệ giữa những người nói lên được tình yêu. Có phải đó cũng là trường hợp của một bà mẹ chăm sóc đặc biệt đến các con bị đau, các con yếu đuối mong manh hơn đó không? Đây là lựa chọn mà chúng ta đang phải đối diện. Chúa Kitô đã mạc khải cách duy nhất để lớn lên trong nhân bản: “Anh em hãy yêu thương nhau như tôi đã yêu anh em”. Và Ngài đã cho chúng ta cách duy nhất để bày tỏ tình yêu này: “Không có tình yêu nào lớn hơn là hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu”.

Một lần nữa chúng ta phải đối diện với một lựa chọn quyết định: văn minh của loại bỏ hay văn minh của tình yêu.

+ Michel Aupetit

Tổng giám mục giáo phận Paris