Các nhà lãnh đạo Nam-Xuđăng được mời đi “tĩnh tâm” ở Vatican 

179

Các nhà lãnh đạo Nam-Xuđăng được mời đi “tĩnh tâm” ở Vatican

 

Đức Phanxicô tiếp tổng thống Salva Kiir ngày 16 tháng 3-2019 tại Vatican

cath.ch, 2019-04-03

Ngày thứ tư 3 tháng 4, ông Alessandro Gisotti, quyền giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh xác nhận, một “buổi tĩnh tâm” cho các nhà lãnh đạo Nam-Xuđăng được dự trù tổ chức ở Vatican ngày 9 hay 10 tháng 4-2019. Ông cho biết Đức Phanxicô mời tổng thống Nam-Xu đăng Salva Kiir Mayardit và thủ lãnh phiến quân Riek Machar đến gặp ở Vatican. 

Hướng tới chính phủ đoàn kết quốc gia 

Mục đích cuộc gặp này là để thúc đẩy thỏa hiệp hòa bình được ký vào tháng 9 năm 2018 để chấm dứt các năm nội chiến ở đất nước này. Thỏa hiệp này dự trù thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia vào tháng 5-2019.

Đây không phải là lần đầu tiên giáo hoàng mời các lãnh tụ chính trị của một quốc gia đến Vatican để giải hòa các quan điểm khác nhau. Tháng 12 năm 2016, giáo hoàng đã mời tổng thống Cô-lông-bi Juan Manuel Santos và người tiền nhiệm Alvaro Uribe đến Vatican gặp nhau khi thỏa hiệp hòa bình với Lực lượng vũ trang Cô-lông-bi (FARC) bị đe dọa.

Các chủ lãnh chiến tranh hủy hoại đất nước họ

Người đứng đầu Giáo hội công giáo đã nhiều lần quan tâm đến Nam-Xu đăng, quốc gia trẻ nhất thế giới được thành lập vào năm 2011. Tháng 2 năm 2017, Đức Phanxicô đã mong muốn đến thăm đất nước này nhưng chương trình bị dời lại không thời hạn vì các điều kiện địa phương ở đây. Tuy nhiên vào ngày 16 tháng 3-2019, khi Đức Phanxicô tiếp tổng thống Salva Kiir, ngài lặp lại lời mong ước này và xin ông xem lại “các điều kiện xem có thể đến thăm Nam-Xuđăng để tỏ sự gần gũi với người dân Nam-Xuđăng và để khuyến khích một thỏa hiệp hòa bình tại đây”.

Tháng 12 năm 2013, Nam-Xuđăng rơi vào tình trạng nội chiến khi tổng thống Salva Kiir, thuộc sắc tộc Dinka tố cáo vị tiền nhiệm Riek Machar, thuộc sắc tộc Nuer âm mưu đảo chánh. Các vụ xung đột và tàn sát người dân đã làm cho hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng và gần bốn triệu người phải di cư (gần một phần ba dân số) và đã hủy hoại toàn nước. Cuộc xung đột mang tính cách tàn bạo của thanh trừng sắc tộc và dùng hiếp dâm như vũ khí chiến tranh. Các vụ vi phạm hiệp ước hòa bình, vi phạm ngưng bắn là các vụ vi phạm thường xuyên.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nam-Xuđăng, cả một thế hệ bị nội chiến và nạn đói đe dọa. Hình: Caritas Suisse