Đức Giám mục Ravel nói về các vụ lạm dụng: “Lòng thương xót đòi công lý”

325

Đức Giám mục Ravel nói về các vụ lạm dụng: “Lòng thương xót đòi công lý”

fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2019-03-10

Đức Giám mục Luc Ravel, giáo phận Strasbourg, nước Pháp

Nhân dịp phát hành quyển sách “Như quả tim lắng nghe”  (Comme un cœur qui écoute) nói về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, Đức Giám mục Luc Ravel, giáo phận Strasbourg trả lời báo Aleteia về sự cần thiết phải “đi về nguồn” và “về với làn nước trong trắng của Tin Mừng”.

Mùa hè này, sau các vụ đưa lên truyền thông về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội và sau bức thư viết cho Dân Chúa của Đức Phanxicô, cuối tháng 8, Giám mục Luc Ravel đã viết bức thư mục vụ có tựa đề “Tốt hơn thà muộn”. Ngày 13 tháng 3 ngài phát hành quyển sách “Như quả tim lắng nghe”. Ngài xác quyết “đây là cơ hội tốt, nhưng cũng là một nơi tốt. Nơi này là chúng ta, Giáo hội chúng ta, phong trào chúng ta, cộng đoàn chúng ta. Và đó là toàn bộ, tất cả bị tấn công từ bên trong Giáo hội của Chúa”. Giám mục Ravel là giám mục đã từng làm việc trong quân đội, ngài nhắc lại: “Chúng ta đừng tìm cách so sánh. Đừng thấy ‘chuyện này’ cũng có ở nơi khác và còn nhiều hơn ở chúng ta. Chúng ta đừng chờ các tiết lộ khủng khiếp ở nơi khác. Nơi chúng ta cày bừa là miếng đất của mình. Nơi cần biến đổi, là Giáo hội chúng ta”.

Phỏng vấn

Aleteia: Điều cấp bách đầu tiên để dựng lại Nhà Chúa là điều gì?

Đức Giám mục Luc Ravel: Điều cấp bách là đặt ra vị trí quan trọng nhất, biết được thái độ nào là thái độ tích cực của Giáo hội khi đối diện với một một hình thức mới của sự nghèo nàn: sự đau khổ của những người bị lạm dụng tình dục, nhất là những người bị lạm dụng khi còn nhỏ. Chúng ta không nghèo vì chúng ta kêu lên. Những người nghèo nhất, những người nghèo thực sự là những người kín đáo nhất trong mọi người. Mình là người nghèo khi mình thiếu sự phong phú bình an nội tâm, thiếu thanh thản vì mình sống trong lo lắng. Trong vụ lạm dụng bi thảm do những người trong Giáo hội, linh mục phó tế, giáo dân dấn thân (trưởng hướng đạo, nhân viên phòng thánh, các nhà tổ chức..v.v.) gây ra thì trước tiên chúng ta phải nhìn đến những người liên quan trực tiếp. Ngày nay chúng ta phải nhận thấy, sự nghèo nàn này là rất lớn. Như thế điều quan trọng nhất trong những năm sắp tới là phải tế nhị quan tâm. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội luôn cảm nghiệm được để đáp ứng với các hình thức nghèo nàn này. Bây giờ tiếng gọi đã rõ ràng: chúng ta hãy mở cửa.

Tựa đề quyển sách của cha: “Như quả tim lắng nghe”, có phải đó là điều Giáo hội ngày nay thiếu?

Một giám mục, ngay cả khi họ tham gia vào cuộc đấu tranh vì sự thật này thì họ phải thể hiện điều tích cực trong thái độ Giáo hội phải có. “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe” (1 V 3, 9), đó là điều vua Salômôn xin trước khi lên nắm quyền. Vua Salômôn xin thêm “để cai trị dân Chúa và để phân định phải trái”. Ngài không xin trí thông minh trừu tượng, không xin vinh quang hay khả năng thắng kẻ thù của mình. Không, ngài xin một quả tim biết lắng nghe. Mỗi người trong chúng ta phải xin quả tim lắng nghe này, nó không những hữu ích để cai trị, nhưng nhất là để cùng đồng hành với các nạn nhân. Nếu chúng ta nghĩ rằng, tất cả chúng ta đều liên quan đến căn bệnh này, thì công việc thông thường hàng ngày của chúng ta sẽ chú ý đặc biệt đến các nạn nhân bị lạm dụng, một lưu tâm được xây dựng trên tình thương và lắng nghe. Nhưng sự nhạy cảm bên trong này sẽ không thể làm được nếu không có sự thấu cảm thực sự và không chia sẻ cùng nỗi đau. Giáo hội không phải chỉ khéo léo với tình huống, với lý thuyết. Giáo hội gồm những người nhạy cảm, có khả năng thấu cảm và thương xót. Tất cả bắt đầu bằng cùng kết hiệp với nhau trong đau khổ. “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1Cr 12,26).

Ý niệm về tổn thương, về đau khổ này cha đã có khi ở gần các người lính trong thời gian cha là giám mục của quân đội…

Sau 8 năm trong quân đội và lắng nghe các nạn nhân, tôi thấy có một liên hệ giữa tổn thương do bị lạm dụng tình dục và tổn thương do chiến tranh gây ra. Tất nhiên hành động tự bản chất là khác: các người lính tự nguyện đi lính, trẻ con bị ép buộc. Một bên vết thương do vũ khí, một bên do tình dục. Hậu quả không giống nhau nhưng điểm chung là tác động kéo dài. Trong chiến tranh người ta gọi đó là stress hậu chấn thương, nó làm cho nạn nhân bị tàn phế trong thời gian và trong không gian, vượt ngoài nguồn gốc chấn thương của nó. Hai loại chấn thương này không như các chấn thương khác, nó không bao giờ thành sẹo. Trên thực tế, các nạn nhân không có một phương cách nào để kiểm soát các hậu quả bên trong các lạm dụng mà họ phải chịu. Hiếp dâm và bạo lực không in trong ký ức của họ như các kỷ niệm khác, các kỷ niệm khác này nhanh chóng nhập vào bối cảnh và chịu luật của thời gian. Bình thường dù trí nhớ có tốt cách nào thì thời gian cũng xóa dần kỷ niệm, nếu không thì nó cũng không còn chính xác với cảm xúc mà các kỷ niệm này có. Nhưng bạo lực mà chúng ta nói ở đây ghi vào ký ức nạn nhân một cách khác, độc lập với ý muốn của họ, thậm chí ngược với ý muốn của họ muốn quên cho nhanh. Điều này không phải đơn thuần có ý muốn “tôi quên” là quên được. Không, đây là các vết thương mở, vĩnh viễn. Thời gian, các cố gắng muốn quên, các cố gắng muốn để nó trong một góc ký ức sẽ không bao giờ giảm đi khả năng khơi dậy lại cảm xúc đau đớn, vốn là tác động cơ học của nó. Sau năm mươi năm sự kiện, lực độc xúc cảm của họ thậm chí còn mãnh liệt hơn.

Với người tín hữu, nơi nào và ý nghĩa nào mang lại cho họ?

Đó là thử thách của sự thánh thiện. Giáo hội phải có quả tim lắng nghe và có thể nói với các nạn nhân: Tôi lắng nghe bạn, tôi cám ơn bạn về sự hiện diện của bạn, tôi sẵn sàng đồng hành với bạn. Dù một ngày nào đó nạn nhân có thể tha thứ, nhưng vết thương sẽ không lành. Nên, quan trọng là Giáo hội có mặt trong tiến trình đồng hành, giúp họ tìm con đường thánh thiện. Lắng nghe nạn nhân và đối thoại với họ giúp họ giải tỏa, thấy được con đường cụ thể tiến đến ánh sáng, đến Tình yêu vì họ sẽ cảm thấy mình được thu hút bởi một sức mạnh phi thường. Như thế trong nỗi đau cùng chia sẻ với họ, chúng ta đi trên con đường khuyến khích đến sự thánh thiện.

Làm thế nào để lập luận, thậm chỉ giải hòa công lý với lòng thương xót?

Đó cũng là một tình yêu, nguồn gốc của công lý và lòng thương xót. Và bác ái là mang lại công lý, cũng không thua gì thương xót. Cả hai là của Chúa và đến từ Chúa. “Phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy” (1Ga 3,10). Trong các vụ lạm dụng tình dục, không phải chỉ có nạn nhân đòi hỏi công lý mà chính lòng thương xót cũng đòi hỏi công lý.

Trong quyển sách cha nói đến dụ ngôn bánh mì…

Bánh mì được làm như thế nào? Trước hết hạt lúa mì được nghiền nát, sau đó nhào với nước để thành bột nhào mịn đồng nhất. Đem bột nhào này vào lò nóng để nung thành bánh mì. Ở đây, nước là công lý, lửa là lòng thương xót. Bột nhào, là con người trong tổng thể các hành động của mình, được nhào với nhau và hợp nhất bởi nước là công lý. Trên thực tế, khi công lý công nhận một hành vi là tội ác, thì công lý lên án người đó và giam tù họ. Nhưng tiến trình của bánh không ngừng ở đó. Ngọn lửa biến bột nhào của con người thành chiếc bánh thần thánh. Lửa là lòng thương xót. Lửa không liên quan đến bột nhào. Nó ở một thứ trật khác với nước và các hạt lúa mì nhào chung với nhau. Một cách nào đó, lửa hấp thụ nước nhưng không phá hủy công việc trước đây của nó. Cả lửa, cả nước không đến từ các hạt. Chúng được thêm vào và chúng biến bột thành bánh. Mỗi thứ có việc của nó: nước không làm biến đổi, nó làm hợp nhất. Lửa biến đổi chất này thành chất khác. Bánh mì là con người đã được chứng thực và được thương xót. Đó là con người được nhận biết vượt lên tổng thể các hành động của nó. 

“Một Giáo hội nghèo của ngọn đèn thắp sáng”

Tín hữu hay không tín hữu, ngày nay họ mong chờ gì ở Giáo hội?

Tôi nghĩ họ hiểu Giáo hội mang kho báu trong chiếc bình bằng đất sét, mang ánh sáng trong chiếc đĩa đựng đèn thảm hại. Chúng ta có nên ca ngợi sự thánh thiện của linh mục này, sự phân định của giám mục kia không? Không, giáo dân chờ Giáo hội giữ đúng vai trò của mình: những kẻ có tội thảm thương, chính họ được Chúa Giêsu cứu. Chúng ta phải ngừng tự khen nhau, đúng, chúng ta phải làm những việc tốt đẹp. Chúng ta ngừng quảng bá Giáo hội cho chính Giáo hội. Tôi muốn một Giáo hội nghèo với ngọn đèn thắp sang, hơn là một Giáo hội giàu mà không có đèn. Cũng vậy, một linh mục là người chuẩn bị, người phát ngôn. Người linh mục ở đó để làm cho Chúa Kitô thực sự hiện diện ở thế gian này, và người linh mục phải hiểu, đến một lúc nào đó, họ phải quên mình. Người linh mục phải khiêm tốn, không phải chỉ với thông điệp họ có, nhưng chính qua sự hiện diện của họ. Linh mục sẽ chỉ là linh mục tốt khi họ đã thấm nhuần trong lòng, sẵn sàng rời và sẵn sàng ra đi. 

Đâu là hy vọng của cha?

Hy vọng của tôi dựa trên Chúa Kitô và hy vọng này vẫn còn nguyên. Hy vọng là một sức mạnh phi thường! Tất cả những ai xây dựng trên hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn cho Giáo hội hay cho thế giới, họ sẽ rơi từ ảo tưởng qua thất vọng, các hy vọng giả tạo thành các thất vọng khủng khiếp. Chúng ta phải neo hy vọng của mình trong đá.

Như quả tim lắng nghe” (Comme un cœur qui écoute), Đức Giám mục Luc Ravel, nxb. Artège, tháng 3, 2019.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm:Đức Giám mục Luc Ravel: “Giáo hội đang bị ung thư di căn”