Lời xưng tội của cha giải tội của xơ Emmanuelle

284

Lời xưng tội của cha giải tội của xơ Emmanuelle

Trích sách Xơ Emmanuelle – các bí mật của cuộc đời – Pierre Lunel

Nhà xuất bản Anne Carrière, Paris, 2000

Cuộc đối thoại của xơ Emmanuelle, cha giải tội Philippe Asso của xơ và giáo sư Pierre Lunel, người viết tiểu sử của xơ.

Phòng ăn của cộng đoàn có không khí của ngày lễ nhưng không phải là ngày lễ mà do sự hiện diện của một người bạn. Cha Philippe Asso đến thăm xơ Emmanuelle và ở lại ăn cơm với các xơ. Đối với linh mục trẻ và dễ thương này, các xơ như những thiên thần ngoan ngoãn.

– Làm sao xơ có thể viết được nếu không có cha Philippe giúp đỡ, xơ Emmanuelle thở dài nói. Cha hướng dẫn xơ rất tốt nhưng cha không dễ đâu. Con biết không, cha ghi bên lề bản thảo của xơ “Bài viết của một cô giáo già hồi đầu thế kỷ!”

Mọi người cười vang, kể cả cha Philippe Asso.

– Xơ nói giỏi hơn là viết – tôi nói – ngay khi xơ mở miệng nói là mọi người say sưa nghe.

– Có thể – nhưng con cũng vậy, con chống quyển sách xơ viết về phụ nữ.

– Quyển sách đó à – cha Philippe thở dài. Con sợ đó là một sai lầm.

Xơ khua tay ra vẻ phẫn nộ.

– Một sai lầm! Hiệp Hội Hiệp Hội! Chỉ như vậy thôi sao! Nhưng giúp xơ một tay! Con tỏ ra biết phục vụ đi nào, dù sao con cũng là linh mục mà!

Philippe không để cho xơ thuyết phục.

– Đó là một sai lầm. Xơ không ở đúng chỗ để nói về tình yêu, dù là tình yêu vợ chồng hay không.

– Không phải xơ nói về tình yêu mà các bà nói về tình yêu qua quyển sách của xơ. Xơ cũng có quyền chứng minh cho biết là có tình yêu vợ chồng chứ

– Nhưng xơ Emmanuelle này, cha Philippe nói, con thán phục lòng kiên nhẫn của bà Benoite Groulx khi bà viết quyển sách Chớ gì được như vậy – Ainsi soit-elle, con nghĩ bà văn sĩ này biết bà muốn nói gì, bà hiểu đàn ông rất rõ. Nhưng đó không phải là trường hợp của xơ. Tốt hơn hết xơ nên nói những gì mang một ý nghĩa đối với xơ, cho thấy một cái gì sâu đậm trong cuộc đời của xơ và con đường thiêng liêng của xơ.

– Quyển Phong phú của nghèo khó – tôi nói – là quyển sách ở trong lãnh vực nằm lòng của xơ. Không ai nói xơ không biết gì về nghèo khó.

– Xơ phải nói về cảm nhận bất lực khi xơ thấy những người vô gia cư ở Pháp. Nơi những người đi bươi rác ở Ai-Cập xơ không cảm thấy bất lực. Phải nói là hồi đó xơ ở với họ ngày đêm. Bây giờ, xơ cũng thích ở với những người vô gia cư ban đêm.

– Xơ Emmanuelle, nào, đừng có mơ mộng, xơ biết đó là chuyện không thể được! Ban đêm xơ viết, xơ đọc, xơ cầu nguyện, xơ thờ phượng, cha Philippe cắt ngang.

– Còn quyển Lời thú tội của một nữ tu thì sao? Không tiến thêm chút nào! Để còn xuất bản sau khi xơ chết, xơ phải viết xong trước khi chết chứ.

Xơ tìm một xấp giấy xanh để ghi chú.

– Trước hết, cha Philippe khuyên, xơ phải nhớ lại tâm trạng nào khi xơ bắt đầu viết quyển Giêsu.

– Quyển sách hay nhất của xơ, tôi nói. Con có thuộc lòng vài câu. Chẳng hạn câu này: «Tôi để tình yêu của Chúa Giêsu Kitô thấm nhuần trong lòng tôi, giống như thánh Phanxicô Salê gọi điểâm nhọn của tâm hồn. Mỗi ngày Chúa và con người thật của tôi càng gần nhau hơn.» Câu này cũng làm con thích lắm lắm: «Mình ra làm sao thì Chúa Kitô yêu mình như vậy. Tôi nghĩ Chúa nghiêng về những người khốn khó nhất, bị ruồng bỏ nhất. Chúa gần những người đàn bà bất hạnh và quân trộm cướp.»

– Trí nhớ phi thường thật! Xơ Emmanuelle kêu lên.

– Mới đầu thì thật lộn xộn, bây giờ dần dần đâu vào đó…, cha Philippe nói. Tùy từng chuyện, từng đề tài mà xơ đề cập, thiêt khổ, xơ nói thì hay hơn là viết. Xơ nói cho con nhiều chuyện rất hay nhưng rồi con không thấy xơ viết. Xơ phải nhớ lại những chuyện đó. Độc giả không nhìn xơ là một giáo sư mà nhìn xơ là xơ Emmanuelle. Xơ phải tự nhiên khi viết.

– Xơ không cách nào viết được. Phải làm cho xơ một bố cục chính xác. Giúp xơ đi.

– Xơ không phải là một nhà xã hội học, quyển sách của xơ cũng không phải là một luận án tiến sĩ – tôi nói. Xơ chỉ cần kể những gì xơ cảm nhận và những gì xơ sống. Đó là những gì độc giả thích.

– Đừng nhảy hết chuyện này qua chuyện khác – cha Philippe nói thêm. Xơ nhảy từ đề tài này qua đề tài khác mà không báo trước gì hết. Quá đơn giản, làm sao để độc giả thấy người nghèo và nghe họ.

Cảm thấy xơ bắt đầu bực mình vì quá nhiều lời khuyên, tôi lựa lời nhắc lại:

– Hôm trước xơ kể cho con nghe chuyện bà giám đốc trung tâm dành cho người khuyết tật nặng. Bà ấy nói : «Hãy nhìn xem, thật là đẹp! » Đó, xơ kể như vậy là đúng, sắc bén và hoàn hảo. Không có một chữ nào dư. Xơ cứ viết như vậy là được.

– Đúng, vì câu chuyện đó xơ nghĩ đến nó mỗi ngày. Nó đi vào trong da thịt xơ. Bà đó muốn nói nếu một phụ nữ có thể thấy một tình yêu như vậy cho người khốn cùng nhất thì đó là bằng chứng Chúa Kitô nhìn chúng ta và chúng ta ở trong lòng thương xót của Chúa. Đó là một câu chuyện độc đáo.

– Với những gì xơ đã sống, xơ có cả hàng trăm câu chuyện như vậy.

– Pierre, lấy cho xơ một mẫu sô-cô-la, nó ở trong tủ.

Xơ không khi nào rên nhưng đây là dấu hiệu xơ đã mệt, sô-cô-la là thuốc bổ của xơ.

– Ghi chú trước, khoan viết, nếu xơ viết trước là không được đâu. Xơ đừng quên là xơ không còn ở Ai-Cập. Hành động thì phức tạp hơn, phải có giấy tờ, xin phép, phải làm việc theo mạng lưới.

– Mình đi dạo một chút không? Xơ Emmanuelle đề nghị, có vẻ như miếng sô-cô-la làm cho xơ mạnh hơn.

Tôi đi trước để nâng xơ, cha Philippe đi sau để phòng hờ xơ bị té. Dù cẩn thận đề phòng, tôi vẫn sợ cho xương ống mong manh của người già. Một người 91 tuổi leo bậc thang! Đúng là gan thật!

Chúng tôi đi dạo trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, chung quanh là các cây ô-liu. Chúng tôi ngồi trên bờ tường bằng đá. Khi đi xuống thì ngợp hơn. Tôi chỉ sợ xơ té nhưng hình như các nữ tu được Chúa quan phòng đặc biệt.

Trong lúc xơ nghỉ trưa, cha Philippe và tôi ngồi nói chuyện với nhau.

– Vì sao cha đi tu?

– Đó là chuyện rất dài.

– Tôi thích những câu chuyện dài dòng nhưng kết thúc đẹp.

– Vậy thì đây là câu chuyện dài dòng. Cha tôi ở Nice, mẹ là người Hy Lạp, như vậy tôi là con lai rồi. Mẹ theo Chính thống giáo, rất tin, cha thì không tin mấy, tôi được rửa tội theo công giáo. Mẹ bị đau nặng khi tôi còn nhỏ vì thế tôi phải lãnh hết trách nhiệm.

– Con đường đào tạo lúc nào cũng vậy, tôi nói.

– Nhưng với điều kiện là đừng quá sớm như trường hợp của tôi. Tôi mới ở lớp sáu vậy mà bạn bè đã đến nói chuyện với tôi về các vấn đề của họ. Lúc mười một tuổi, tôi trải quá một cơn khủng hoảng về thần bí. Đến tuổi dậy thì, khi nào tôi cũng hỏi: có Chúa hay không? Đối với tôi, không thể nào có sự hiện hữu của Chúa, vì nếu có thì Chúa phải có trách nhiệm đối với bao nhiêu điều bất công, áp bức, đau khổ của thế giới này, và như vậy thì không thể được. Chỉ có con người là hiện hữu. Sau tú tài, tôi để trong đầu là phải tìm hiểu thế nào là con người.

– Qua con đường khoa học.

– Đúng vậy. Một cách hợp lý, tôi chọn khoa sinh hóa. Chương trình của tôi là học về con người, sau đó học qua tính tình, phong tục tập quán. Sau đó, tôi nhanh chóng nhận định tôi phải dấn thân vào một công việc tốt nào đó để con người tôi được tiến triển và để có một ý nghĩa cho cuộc đời. Đến một lúc, tôi nhận ra khi tôi lý tưởng hóa công cuộc nghiên cứu khoa học là tôi đã biến nó thành tuyệt đối. Mà khoa học cũng là địa bàn chật hẹp tương tranh giữa phòng thí nghiệm và các điều nhỏ nhen của các nhà thông thái. Đương nhiên, tôi cũng muốn thành công ở thế gian này nhưng tôi cảm thấy nó sẽ không làm cho tôi phỉ nguyện. Tôi cần phải lấy một quyết định để định hướng trọn cuộc đời tôi. Tôi trải qua một cơn khủng hoảng sâu đậm. Tôi đi ngoài đường và tưởng tượng cảnh sống của đời tôi. Một bà vợ, một đàn con? Coi bộ nó không phù với cái tính thích chiến đấu trên nhiều mặt trận của tôi. Dù vậy, tôi cũng đã yêu một cô người Hy Lạp.

– Nhưng Chúa Kitô ở đâu trong đó?

– Từ lâu, Chúa Kitô là một cái gì kỳ thú đối với tôi. Tôi thấy Chúa đã làm một hành vi tuyệt đẹp nhất của loài người: hiến mạng sống cho người mình thương. Nhưng cẩn thận, tôi không bị lôi cuốn bởi khía cạnh chết chóc hay hy sinh mà cây thập giá gợi lên nơi một số người. Càng lớn thì tôi càng nghĩ Chúa Giêsu đối với tôi, có lẽ là người gần với chân lý nhất. Nhưng hồi đó, tôi không tin Giêsu là Thiên Chúa. Ngày 27-09-1978, tôi đến thăm một cô nữ tu bạn, tôi nói với cô tâm trạng của tôi. Cô nói: «Tôi chẳng có giải pháp nào, nhưng nếu bạn muốn, mình đi cầu nguyện chung với nhau.» Tôi trả lời: «Tại sao không?» Tôi nhắm mắt lại. Và rồi Chúa Giêsu Na-da-rét chết cách đây hai ngàn năm, người mà tôi thán phục lâu nay trở nên sống động.

– Một cách đạt ngộ giống như Pascal?

– Tôi không dùng chữ đó để nói lên những gì đã xảy ra với tôi. Tôi tiếp tục cầu nguyện với nhóm cầu nguyện và một buổi chiều, trong lúc cầu nguyện, tôi đã nghe tiếng gọi. Bỗng nhiên, Ba Ngôi trở thành một chuyện hiển nhiên. Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần đến với tôi. Lúc đó tôi hiểu: Chúa gọi tôi làm linh mục. Tôi ý thức đó là điều lâu nay tôi đi tìm.

– Chức linh mục dưới mắt bạn là như thế nào?

– Làm linh mục là nhờ sức mạnh của Chúa nâng đỡ cái bất lực của chúng ta, đẩy lui sự chết. Về ơn gọi của tôi, trong tôi không có một nghi ngờ nào hết: là mỗi ngày mỗi trở nên linh mục hơn, kitô hữu hơn, người hơn. Nhưng bây giờ, đương nhiên là chức linh mục tạo ra nhiều vấn đề.

– Vấn đề độc thân?

– Vấn đề độc thân của linh mục không dính gì đến tín điều. Nó có thể thay đổi một ngày nào đó, ở phương Đông, đó không phải là một điều kiện cần thiết. Và đừng làm đó thành một chuyện quan trọng. Cá nhân tôi, tôi không có vấn đề. Tôi chọn cuộc sống độc thân, tôi bốn mươi tuổi và đó là đời của tôi.

– Vậy thì nó bao hàm cái gì?

Với phong cách của một nhà khoa học, cha Philippe phân biệt bằng những con số và chữ trong cách trình bày của cha.

– Trước hết nói theo thứ tự. a: từ bỏ tình phụ tử. Đừng sống hụt hẫng khi không có tình này vì chúng tôi là những linh mục, chúng tôi giúp tín hữu lớn lên. Chúng tôi là cha, không phải chỉ là chức cha nhưng ai xứng đáng hơn là Cha xứ như thời ngày xưa.

– Như xơ Emmanuelle là mẹ của hàng ngàn trẻ con bà săn sóc.

– Đúng vậy. b: tình cảm. Về chuyện này tôi gặp may vì tôi là người thích biểu lộ tình cảm ra ngoài. Tôi biết có nhiều linh mục lòng tràn ngập tình thương nhưng bị kẹt không cách nào diễn tả ra ngoài được, họ không quàng tay, không ôm nhau được. Tôi phiền họ nhưng đó không phải là trường hợp của tôi. Nhưng miễn cho tôi tình cảm ghen tương và chiếm đoạt. Chúng tôi sống trong giao ước, không sống trong mối dây liên hệ.

– Tôi hiểu. Còn điểm thứ ba?

c: tính dục, xung động dục tính và những đòi hỏi của nó. Đây là một vấn đề và thật là phi lý nếu chối bỏ nó. Tôi cũng như mọi người và tôi phải xử lý các xung động của một người đàn ông ở tuổi tôi. Có những thanh niên trẻ đến nói với tôi: «Thưa cha, con không được bình thường, có có những ước muốn.» Tôi trả lời: «Trừ vài trường hợp lệch lạc và rõ ràng như ấu dâm, còn ước muốn là chuyện bình thường. Đừng thắc mắc những chuyện này trong đầu.»

– Người ta nói có nhiều bà đi theo các linh muc.

– Đúng. Một cách vô thức, họ nhìn chúng tôi là trái cấm cám dỗ họ như thời E-và.

– Mặc áo dòng chắc dễ sống hơn vì người ta thấy rõ mình là linh mục, còn…

– Nói vậy chứ khi tôi mặc đồ thường, họ cũng nhận diện ra ngay.

– Cha nghĩ gì về cái chết?

– Tôi ở bên cạnh người chết rất nhiều. Đó là một trải nghiệm được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, bởi hiệp thông với các thánh có nghĩa là thân cận với những người đã chết. Như vậy, ánh sáng của cái chết là ánh sáng sung mãn của quan hệ. Nhưng cũng là đau đớn, mất mát của những người khác mà mình cảm thấy. Không thể có cái gì xóa được cái đau khi chết và khi bị chia cắt. Đó là một thảm kịch đối với người kitô cũng như không kitô và chính Chúa cũng đã chịu đau khổ về chuyện này.

– Ngày nay, người ta cố tình không biết đến cái chết.

– Từ chối nhìn cái chết là một cách từ chối Chúa.

– Nếu tin vào cuộc Gặp Gỡ với Chúa thì cái chết phải là một niềm vui.

– Trên một bình diện cao hơn, đúng. Cái chết là một cắt đứt nhưng cùng một lúc là lời hứa cho một cuộc gặp gỡ: lời hứa vui hưởng sự hiện diện của Chúa muôn đời.

– Một lời hứa hay một niềm tin chắc chắn?

– Không. Không phải là thứ trật của một xác tín. Nhưng theo tôi, khi mình đứng trước sự hiện diện của Chúa, một Chúa tự do cho những con người tự do, thì Chúa vén mở tình thương của Chúa. Như thế cái chết cũng là lời mời gọi của tình yêu; tùy mình chấp nhận hay từ chối. Nếu mình chuẩn bị cả đời để gặp Chúa thì cái chết chỉ là giây phút tình yêu mà mình đã sống. Ai không hiểu gì về cuộc sống thì cũng không hiểu gì về cái chết. Cuộc sống đi qua đời họ như nước chảy trên đầu vịt.

– Còn hỏa ngục?

– Nếu bạn muốn. Hỏa ngục, điều bi thảm nhất của chiều kích nhân loại là sự từ chối tình yêu.

– Cha có cảm nhận được sự hiện diện của những người mình thương mà họ đã chết.

– Tôi cảm nhận họ đang ở trong ánh sáng. Chính Chúa nối họ với chúng ta và sự hiệp thông với Chúa làm chúng ta có quan hệ với người chết, với cha mẹ cũng như với các thánh đã từng sống cách chúng ta hàng bao nhiêu thế kỷ.

– Cha có nghĩ khi mình làm cho người khác hạnh phúc thì cái chết sẽ đỡ khó hơn không?

– Trước hết phải coi cho kỹ ý nghĩa của câu «làm cho người khác hạnh phúc». Cá nhân tôi, tôi không chắc. Tôi thấy nhiều người khi cho rằng mình làm cho người khác hạnh phúc lại vẫn giữ đậm tính vị kỷ. Giống như thái độ của người mẹ nói với con: «Con là đứa con vô ơn. Mẹ nghĩ mẹ đã hy sinh cả đời cho con!» Tôi không được rành để nhận thấy tình yêu bất cứ đâu và ở bất cứ lúc nào. Người ta có thể là một linh mục nhưng lại có tính ích kỷ. Người ta có thể là một phụ nữ làm việc với bao công trình nhưng lại không thương người anh em. Thánh Gioan Thánh Giá có lý khi ông nói: «Vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét qua tình yêu của chúng ta.» Khi chúng ta thật sự sống trong tình thương, nó cho chúng ta nếm những giây phút của vĩnh cửu thì sẽ không sợ chết. Vì thế, tôi có cảm tưởng tôi không thật sự sợ chết. Tôi có cảm tưởng những giây phút tình yêu khởi đầu cho vô tận, cho cuộc sống một niềm tin vững chắc.

– Tôi hỏi cha về các khái niệm con người nói về cái chết, chẳng hạn thuyết luân hồi.

– Có một cái gì thật một cách sâu đậm trong triết lý nhà Phật. Cái phần tuyệt đối trong chúng ta bị khép trong một cái vòng và họ nghĩ có một ngày, cái phần này sẽ thoát ra khỏi thế giới ngoại hình để gặp Đại Luân. Tôi, tôi cũng nghĩ như vậy. Một vài người phương Tây cho đó là một cách như sống lại. Họ nói: «Đời sống cá nhân không thể nào thật sự chấm dứt. Người ta không chết, người ta chỉ đi từ cơ thể này qua cơ thể khác.» Có thể ý tưởng này giúp họ thăng tiến, vì thế tôi không lên án. Tất cả những gì giúp thăng tiến, trong bất cứ tôn giáo nào, đều tốt và đáng khen.

– Còn sự sống còn của từng cá nhân, cha nghĩ gì?

Cha bật cười.

– Bạn coi tôi như người nghịch đạo rồi! Tôi không đặt vấn đề trong những chữ này. Nói rằng hồn lìa khỏi xác thì không có một ý nghĩa nào. Hồn và xác dính vào nhau và cùng chung, hồn và xác theo một nguyên tắc sống, đó là vĩnh cửu. Chúng ta đến với cái chết với tất cả cấu tử của chúng ta, xác, hồn, ý.

– Như vậy không có sống còn cho từng cá nhân?

– Không đơn giản như vậy. Chúng ta được hứa là khôi phục lại tất cả những gì đã làm nên con người. Đó là ý nghĩa, dù bề ngoài coi như phi lý, cho cái gọi là xác sống lại. Cái chết chỉ là một đoạn đường đi qua để đến một đời sống thật, một đời sống trọn vẹn. Chúng ta không phải là bất tử nhưng chúng ta lại được hứa sống vĩnh cửu.

– Cha nghĩ gì về trợ tử?

– Tôi chống, và tôi cũng chống bám vào trị liệu quá độ, không còn tôn trọng phẩm chất con người. Chúng ta có những phương tiện để làm dịu đau, vấn đề này thì tôi đồng ý 100%, bởi vì nó làm cho người sắp chết được giảm đau. Con người là một tổng thể, hồn và xác. Phải giúp cả hai. Và vì chúng ta không thuộc về bất cứ ai, kể cả chính chúng ta, nên tôi chống án tử hình.

 

Tôi giữ cha lại nói chuyện khá lâu. Trước khi chia tay, tôi hỏi cha, có lúc nào cha hối tiếc, dù trong một chốc lát, đã chọn làm linh mục.

– Tôi không muốn tả cuộc đời của tôi một cách quá lý tưởng, nhưng tôi có thể nói cho bạn nghe là niềm hân hoan của tôi thì rất lớn.

Con người này hoàn toàn trái ngược với vẻ kích động khoan khoái của một vài người kitô mà hạnh phúc theo tôi thấy có vẻ như giả tạo.

Giống như xơ Emmanuelle, cha đã tìm được niềm vui trong Chúa.

Tôi nghĩ đến tựa đề rất hay quyển sách của Giono: Ước gì niềm vui của tôi vẫn còn đó!

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Đời sống khó khăn của phụ nữ

Giáo dục là giúp họ tự sinh đẻ lấy

Hỏa ngục là nơi mình 

Juliana “chuyên gia lắng nghe”