Bài phỏng vấn Đức Phanxicô trên chuyến bay trở về từ Ireland

200

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 26-8-2018

 

Chuyện về con tàu Diciotti đã được giải quyết, cha có góp phần trong chuyện này không?  

Cha không làm gì trong chuyện này. Người làm việc với Bộ trưởng Nội vụ Ý là cha Aldo, người đã theo sát các bước đi của cha Benzi và làm việc để giải thoát cho các cô gái điếm. Hội đồng Giám mục Quốc gia Ý cũng đã theo sát vụ này. Hồng y Gualtiero Bassetti cũng theo dõi chuyện này từ Ireland, và cha Ivan Maffeis thì lo thương lượng với bộ trưởng. Cha không rõ về chuyện thương lượng, cha tin là những người di dân sẽ được chào đón ở Rocca di Papa, tại cộng đoàn Mondo Migliore, với khoảng hơn 100 người.

 

Nhiều người thấy đây như là một việc cố tình chèn ép châu Âu. Cha nghĩ sao? 

Trong sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa truyền: hãy tiếp đón khách lạ. Đây là một nguyên tắc đạo đức. Nhưng đây là sự tiếp đón có lý lẽ, vì thế ta cần cả châu Âu vào cuộc. Cha nhận ra điều này trong vụ tấn công khủng bố ở Bỉ, các cậu bé gây ra vụ này là người Bỉ, những đứa trẻ không được hòa nhập và những người di dân bị tách ly. Sự hòa nhập là điều kiện cần có khi chào đón, và chúng ta cần các nhà chức trách cẩn trọng trong chuyện này, phải chào đón số người vừa đủ để có thể hòa nhập, và khi không thể hòa nhập thì không chào đón còn tốt hơn. Cha còn xem một đoạn video mới đây về những người di dân bị trả lại về nước họ và bị rơi vào tay bọn buôn người. Thật đau lòng, khi phụ nữ và trẻ em bị bán, đàn ông bị tra tấn, những kiểu tra tấn tinh vi tàn bạo nhất. Cha đã gửi đoạn phim cho hai phó trưởng bộ Di dân. Vì lý do này, khi gửi trả các di dân, chúng ta phải suy nghĩ thật cẩn thận. Còn có các di dân bị lừa phỉnh với những lời hứa hẹn công ăn việc làm, và cuối cùng phải ra đường rồi bị bọn buôn bán phụ nữ biến thành nô lệ.

 

Cựu sứ thần tòa thánh Vigano tuyên bố đã báo cho cha về các vụ xâm hại của Hồng y McCarrick. Có đúng như vậy không? 

Sáng nay, cha đã đọc tuyên bố của cha Vigano. Cha nói thật lòng là, anh chị em hãy đọc nó thật cẩn thận và tự mình phán xét xem. Cha sẽ không nói gì về chuyện này. Cha tin là tuyên bố đó là đủ để anh chị em hiểu rồi. Anh chị em là các nhà báo có năng lực rút ra kết luận, với sự chính chắn trong nghề.

 

Cuộc gặp gỡ với tám nạn nhân bị xâm hại, đã có những kết quả gì? 

Lời xin tha thứ vì những vụ việc cụ thể, mà cha đã nói lúc đầu thánh lễ ngày hôm nay. Ví dụ như, về các bà mẹ đơn thân bị tước đoạt đứa con để đem cho làm con nuôi. Cha không biết vài chuyện, và cha thấy thật đau đớn.

 

Trong Thư gửi Dân Chúa, cha đã mời mọi tín hữu chống lại nạn xâm hại. Cha có thể cho biết các giáo dân có thể làm gì không?  

Khi thấy chuyện gì đó, thì phải nói ra ngay lập tức, đây là việc dân Chúa phải làm! Nhiều lần, chính những bậc cha mẹ che đậy cho vụ xâm hại của linh mục, vì họ không tin lời con trai con gái mình. Họ phải lên tiếng.

 

Ở Pháp, có một linh mục yêu cầu Hồng y Barbarin của Lyon từ chức vì đã bao che cho các linh mục ấu dâm. 

Nếu có nghi ngờ, có bằng chứng hay một nửa bằng chứng, thì cha thấy chẳng có gì sai khi tổ chức một cuộc điều tra, miễn là nó tuân theo các nguyên tắc pháp chế căn bản Nemo malus nisi probetur (Không ai bị xem là có tội cho đến khi được chứng minh là có tội.) Chúng ta thường có cám dỗ muốn xem người khác có tội ngay lập tức, một số báo đài có khuynh hướng đó, không phải các anh chị đâu. Ba năm trước, ở Granada, nổ ra vấn đề các linh mục ấu dâm, khi một nhóm bảy đến tám linh mục bị cáo buộc xâm hại trẻ em và tình dục truy hoan. Cha đã nhận được một lá thư tố cáo của một một thanh niên 23 tuổi. Tổng Giám mục đã làm mọi việc phải làm và vụ này cũng đã ra trước tòa án dân sự. Các linh mục này bị truyền thông kết tội, bị hứng chịu một bầu khí thù địch và căm hận, họ còn bị sỉ nhục. Nhưng phán quyết cuối cùng lại là họ vô tội, và người thưa kiện phải trả án phí. Công việc của anh chị em rất tinh tế phức tạp, anh chị em phải nói gì, nhưng phải luôn theo nguyên tắc pháp chế xem như vô tội chứ không phải là xem như có tội.

 

Marie Collins, một nạn nhân bị xâm hại, đã nói rằng cha không có ý định lập một tòa chuyên biệt ở Vatican để xử về vấn đề trách nhiệm của các giám mục trong những vụ xâm hại. Tại sao lại thế? 

Chuyện không phải thế. Cha hết mực quý trọng và thương cô ấy. Chuyện này liên quan đến tự sắc Yêu thương như mẹ hiền của cha, trong đó nói rằng thật tốt nếu có một tòa chuyên biệt để xử các giám mục. Tuy nhiên, chuyện này lại không thực tế, vì các giám mục đến từ các nước khác nhau với những nền văn hóa khác nhau. Vậy có thể làm gì đây? Một hội đồng bồi thẩm riêng cho mỗi giám mục, thay đổi tùy theo từng vụ. Khi xét xử một giám mục, Giáo hoàng sẽ lập một bồi thẩm đoàn phù hợp nhất với giám mục đó và vụ việc đó. Như thế sẽ tốt hơn. Đã có vài giám mục ra trước tòa, mới đây nhất là tổng giám mục Guam kháng án. Giờ cũng đang xử một vụ khác nữa, để rồi xem kết quả thế nào.

 

Ở Ireland cũng như nhiều nước khác, luật cho phép phá thai đã được thông qua. Cha cảm thấy thế nào? 

Anh chị em biết cha nghĩ sao về vấn đề phá thai rồi. Đây không phải là vấn đề tôn giáo, chúng ta không chống lại phá thai vì lý do tôn giáo. Mà đây là vấn đề nhăn văn, vấn đề nhân học về đạo đức trong chuyện giết một sinh linh để giải quyết một vấn đề.

 

Cha sẽ nói gì với một người bố có đứa con thú nhận rằng mình đồng tính luyến ái?  

Cha sẽ bảo ông ấy cầu nguyện, đừng lên án, hãy nói chuyện, thông hiểu, tạo không gian cho con mình cởi mở. Rồi tìm cách xử trí tùy vào lứa tuổi của đứa con, nhưng cha thấy thinh lặng không phải là giải pháp. Làm ngơ chuyện đồng tính luyến ái của con trai hay con gái mình, chính là thiếu tình mẫu tử, phụ tử. Các bậc bố mẹ phải nói với con cái mình, “Bố là bố con, mẹ là mẹ con, bố mẹ sẽ không để con xa rời gia đình đâu.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch