Nghệ thuật (khéo léo) để chuẩn bị chuyến đi Vatican của Tổng thống Pháp

293

Nghệ thuật (khéo léo) để chuẩn bị chuyến đi Vatican của Tổng thống Pháp

Nhà ngoại giao Philippe Zeller (năm 2016), đại sứ Pháp tại Vatican là một trong các nhân vật chính lo cho chuyến đi của Tổng thống Pháp đến Vatican ngày 26 tháng 6-2018

lemonde.fr,  Delphine Paillard, 2018-06-22

Ngày thứ ba 26 tháng 6, lần đầu tiên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi Vatican để gặp Đức Phanxicô. Ông Philippe Zeller, đại sứ Pháp tại Tòa Thánh chuẩn bị để nghi thức được hoàn hảo. Điện thoại reo không ngừng ở Villa Bonaparte, tòa đại sứ Pháp ở Vatican. Đầu dây bên kia Điện Elysée muốn biết việc chuẩn bị đến đâu rồi. Ngày 26 tháng 6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến Rôma trong chuyến đi đầu tiên của ông gặp Đức Phanxicô, đại sứ Pháp ở Vatican, ông Philippe Zeller, không được quyền sơ sót bất cứ một chuyện gì. Một công việc vừa bình thường vừa tế nhị cho nhà ngoại giao ở giai đoạn cuối sự nghiệp của mình. Vì Vatican không phải là một quốc gia như các quốc gia khác. Và nước Pháp thế tục cũng không làm dễ dàng gì cho công việc này. Hai tháng sau khi đọc bài diễn văn ở Viện Bernardin, Tổng thống Pháp tiếp tục chinh phục cử tri người công giáo.

Linh mục Jean Landousie, “người thì thầm vào tai giáo hoàng”

Ngược với người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Macron sẽ nhận tước vị Kinh sĩ danh dự của đền thánh Thánh Gioan-Latran, một truyền thống có từ thời vua Henri IV. Để cám ơn về một món quà, nhà thờ chính tòa của giáo hoàng phong tước vị này cho vua nước Pháp. Đại tướng De Gaulle, tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy đã đích thân đến nhận tước vị này, còn tổng thống Georges Pompidou, François Mitterrand và François Hollande thì không đến nhận, dù họ chính thức chấp nhận tước vị danh dự này.

Tổng thống Nicolas Sarkozy và Đức Bênêđictô XVI (2007)

Về phía Vatican thì mọi sự đã chuẩn bị kỹ càng: buổi tiếp kiến riêng với Đức Giáo hoàng, với hồng y Quốc vụ khanh buổi sáng, buổi chiều là nghi lễ ở đền thánh Latran. Trong khi chờ đợi ngày trọng đại, ở tầng một dinh tông tòa, phân bộ tiếng Pháp của phủ Quốc vụ khanh có nhiệm vụ giúp giáo hoàng trong cuộc gặp này. Linh mục Jean Landousie, 70 tuổi… vào việc, cha làm việc ở Alger hai mươi năm, ở bộ ngoại giao Vatican hai mươi năm. Người được mệnh danh “người thì thầm bên tai giáo hoàng” là thông dịch viên cho Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô trong những lần các ngài gặp các nguyên thủ Quốc gia nói tiếng Pháp. Tháng 11 năm 2015, cha Landousie chuẩn bị chuyến đi Trung Phi cho Đức Phanxicô. Còn bây giờ, linh mục với cặp mắt tươi vui kiểm lại từng chút các ghi chú, các lời nói sẽ dùng trong buổi tiếp kiến của Đức Giáo hoàng. 

“Chúng tôi tìm đủ mọi yếu tố để giúp tổng thống, nhất là trong buổi gặp đầu tiên, để ngay lập tức ông đề cập đến đúng đến vấn đề”. Ông Bruno Joubert, đại sứ từ năm 2012 đến 2015

Về phần mình, ông đại sứ Philippe Zeller cố gắng thu gom nhiều dữ kiện nhất có thể về những vấn đề có thể nói với Đức Thánh Cha để chuyển về ban ‘tham mưu’ tôn giáo của chính quyền Pháp, Quai d’Orsay. Trên thực tế, các dịch vụ ngoại giao cần lẫn nhau. Có nhiều buổi gặp không chính thức giữa các đại sứ, các viên chức Vatican phụ trách các hồ sơ mật. Cựu đại sứ Joubert cho biết: “Chúng tôi trao đổi nhiều chi tiết với ngôn ngữ ngoại giao và… nói bóng gió về buổi gặp sẽ diễn ra như thế nào”. Trong lần cựu tổng thống Hollande đến Vatican năm 2014, Vatican cho chúng tôi biết: “Sẽ không có cảm tình xấu”, trong bối cảnh căng thẳng một năm sau khi có luật hôn nhân cho tất cả. Trao đổi sẽ được tiếp tục cho đến phút cuối: “Trên xe đến Vatican, tôi cho tổng thống Hollande biết về tâm trạng của Đức Giáo hoàng, về các vấn đề ngài quan tâm. Tóm lại, chúng tôi tìm đủ mọi yếu tố để giúp tổng thống, nhất là trong buổi gặp đầu tiên, để ngay lập tức ông đề cập đến đúng vấn đề”.

Vì buổi tiếp kiến có thể diễn ra rất tệ. Các đại sứ còn nhớ buổi tiếp kiến thê thảm của tổng thống Valéry Giscard d’Estaing tháng 12 năm 1975. Tổng thống ra về giận dữ về buổi tiếp kiến với Đức Phaolô VI, ông bị ngài la mắng rất lâu về bộ luật phá thai của bà bộ trưởng Veil ban hành tháng 1 năm 1975. Vấn đề đáng lý không nên đề cập đến. Ông đại sứ Pháp ở Vatican bị triệu về Paris. Ông không bao giờ quên được sự sỉ nhục này. Dù sao ông cũng đã giải thích một năm sau đó, khi ông giết vợ và con trước khi tự tử. 

Các luật về đạo đức sinh hóa và hỗ trợ sinh sản bằng thuốc (PMA)

Diện đối diện với giáo hoàng thường là dịp để đề cập đến các tranh luận lớn của xã hội mà Giáo hội công giáo lo lắng. Việc nghiên cứu dự luật đạo đức sinh hóa về việc có thể mở ra vấn đề hỗ trợ sinh sản bằng thuốc (PMA) cho các phụ nữ độc thân hay các cặp đồng tính nữ chắc chắn sẽ là một trong các đề tài được đem ra thảo luận. Một nguồn tin từ phủ tổng thống cho biết, buổi tiếp kiến thứ nhì mang tính kỹ thuật hơn, hai bên sẽ nói về các vấn đề bang giao quốc tế và trao đổi thông tin cho nhau. Vatican sẽ cho các thông tin chính xác về Đất Thánh, nơi Vatican có các quan hệ quan trọng.

Vấn đề di dân và Âu châu cũng sẽ là trọng tâm buổi thảo luận, cũng như vấn đề Trung Đông hay hiệp ước giải trừ vũ khí nguyên tử được Tòa Thánh phê chuẩn ở Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2017.

Buổi ăn tưa với Cộng đoàn Sant’Egidio

Ông đại sứ Philippe Zeller và các cố vấn tổ chức bữa ăn trưa chính thức của phái đoàn Tổng thống Pháp và các giám chức giáo triều La Mã với Cộng đoàn Sant’Egidio. Lúc 4 giờ chiều sẽ có một nghi thức tôn giáo ngắn ở Đền thánh Thánh Gioan-Latran để phong tước Kinh sĩ danh dự cho Tổng thống Pháp. Một nghi thức ngắn, không có thánh lễ sẽ diễn ra ở dinh Latran do Giám mục phụ tá giáo phận Rôma Angelo De Donatis cử hành.

Vào cuối ngày sẽ có buổi họp ở tòa đại sứ Paris Villa Bonaparte với các người Pháp, tu sĩ, giáo dân có liên hệ với Vatican. Nhưng tòa đại sứ quan tâm đến khía cạnh phức tạp hơn của chuyến đi này, một chuyến đi không bình thường. Vì Tổng thống Macron sẽ đến Rôma một ngày trước đó, và sẽ trú qua đêm ở dinh Farnèse, tòa đại sứ Pháp ở… Ý.

Một bữa ăn với Cộng đoàn công giáo Sant’Egidio đã lên chương trình, đây là cộng đoàn tích cực lo cho người tị nạn. Và cũng là một cách khéo léo để chính quyền Pháp lách tránh nghi thức, để Tổng thống Pháp khỏi gặp chính quyền Ý nhằm phản đối tân chính phủ Ý trong vụ họ không tiếp nhận tàu tị nạn Aquarius vừa qua… Đây là một cách lý tưởng trước khi đến Vatican: Cộng đoàn Sant’Egidio đóng vai trò trung gian hòa giải trong rất nhiều vụ khủng hoảng quốc tế, nhất là các vấn đề ở Phi châu và Trung Đông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc:  Đức Giáo hoàng và Tổng thống Macron: Hai người dòng tên, mắt trong mắt