Đức Phanxicô đẩy lui «tất cả mọi kỳ thị dưới danh nghĩa chủng tộc và tôn giáo»
Le Figaro, Jean-Marie Guénois, gởi đặc biệt từ Giêrusalem, 26-5-2014
Ở Giêrusalem, Đức Thánh Cha đã kêu gọi người Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo kiến tạo hòa bình, đây là kim chỉ nam của chuyến hành hương vùng Cận Đông của ngài.
Ngày cuối cùng ở Đất Thánh của Đức Phanxicô được đánh dấu bằng cuộc viếng thăm ở Đài tưởng niệm nạn Diệt Chủng, Yad Vashem, Giêrusalem. Sau Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô, Đức giáo hoàng Phanxicô – khá mệt mỏi cho chuyến đi liên tục này – đã có giây phút mặc niệm, một cách sâu đậm hiếm thấy về vấn đề nạn Diệt chủng của người Do Thái và về sự huyền bí của sự dữ. Sau đó ngài đã đến chào, nghiêng mình trước từng người và hôn tay sáu người còn sống sót trong các trại tập trung. Một giây phút rất xúc động.
Trong khi nhiều người suy niệm về sự «thinh lặng của Thiên Chúa», thì Đức Phanxicô chọn cách chất vấn con người về thảm kịch này từ một câu trong Thánh Kinh «‘‘Ađam, ngươi ở đâu?”». «Con người hỡi, ngươi ở đâu? Ngươi đã thành ra cái gì rồi? (…) Ngươi đã có thể làm ra những chuyện độc địa như thế này ư? Vì cớ gì mà ngươi rơi xuống tận đáy vực sâu như vậy?»
Đức Phanxicô nói đến «thảm kịch không đo lường được của nạn diệt chủng», nó vang vọng như tiếng nói mất hút dưới vực thẳm không đáy…». Tiếp tục đặt mình vào địa vị của Chúa, Đức Phanxicô tiếp tục chất vấn về con người: «Ađam, ngươi là ai? Ta không còn nhận ra ngươi nữa. Con người hỡi, ngươi là ai? Ngươi đã thành ra cái gì thế này?” Ngươi đã có thể sinh ra những chuyện độc địa như thế này ư? Vì cớ gì mà ngươi rơi tận đáy vực sâu? Không bao giờ như thế này nữa, Lạy Chúa, không bao giờ như thế này nữa!»
Đức Phanxicô về vấn đề của Nạn Diệt Chủng người Do Thái
Đức Phanxicô rất xúc động, ngài đọc bản văn bằng tiếng Ý, câu trả lời không phải chỉ nơi con người: «Không, hố thẳm này không đơn giản là chỉ do tay ngươi, do lòng ngươi mà ra. Kẻ nào đã băng hoại ngươi? Kẻ nào đã biến dạng ngươi? Kẻ nào đã khiến ngươi cho rằng ngươi nắm quyền phân biệt thiện ác? Kẻ nào dụ ngươi tin rằng ngươi là thần? Ngươi không chỉ tra tấn và sát hại anh chị em mình, nhưng ngươi còn hiến tế họ cho chính bản thân ngươi, bởi ngươi tự phong mình là thần.»
Ngài kết thúc bằng lời van nài dâng lên Chúa với «lòng hổ thẹn». «Xin cứu chúng con khỏi điều nhơ nhuốc này», rồi Đức Phanxicô nói thêm: «Xin cho chúng con ơn biết hổ thẹn bởi những gì con người đã gây ra, biết hổ thẹn vì tội thờ ngẫu tượng nặng nề này. Vì đã khinh rẻ và hủy hoại máu thịt của chính mình.» Và ngài thốt lên lời đau thương: «Không bao giờ như thế này nữa, Lạy Chúa, không bao giờ như thế này nữa!»
Ngài đã đến thăm Bức tường phía Tây, gọi là Bức tường Than Khóc, trước đó ngài đến Đại Hội đồng Đền thờ Hồi giáo gặp các chức sắc Hồi giáo. Một dịp để Đức Phanxicô kêu gọi ba tôn giáo đơn thần lớn từ dòng dõi Tổ phụ Abraham kiến tạo hòa bình, đây là kim chỉ nam cho cuộc hành hương bắt đầu vào ngày thứ bảy ở Giocđani: «Chúng ta hãy tôn trọng nhau, yêu thương nhau như anh chị em! Chúng ta hãy học để hiểu nỗi đau của người khác! Ước mong không một ai là khí cụ của bạo lực nhân danh Thiên Chúa! Chúng ta hãy cùng làm việc với nhau cho công chính và hòa bình!»
Một tông giọng ngài lặp lại khi nói với Tổng thống Israel, ông Shimon Pérès: «Phải cương quyết đẩy lui tất cả những gì làm ngăn chận sự kiến tạo hòa bình và việc cùng tôn trọng để ở chung với nhau giữa người Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo: dùng đến vũ lực và khủng bố, mọi hình thức kỳ thị vì các lý do chủng tộc và tôn giáo, tự cao áp đặt quan điểm của mình không tôn trọng quyền của người khác, nạn bài Do Thái dưới mọi hình thức, tất cả cũng như bạo lực và các hình thức không bao dung chống những người hay những nơi thờ phượng của các người theo đạo Do Thái, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo.»
Trước khi rời Giêrusalem để về Rôma, Đức Phanxicô còn gặp các tu sĩ nam nữ ở Núi Ôliu và cử hành một thánh lễ cho một cộng đoàn nhỏ ở phòng Tiệc Ly, nơi được xem là nơi Chúa Giêsu dùng bữa ăn cuối cùng và được Kitô hữu xem là nhà thờ đầu tiên của lịch sử.
Nguyễn Tùng Lâm dịch