Jean-Marie Élie Setbon: “Tôi là người do thái trở lại với Chúa Kitô”

222

Jean-Marie Élie Setbon: “Tôi là người do thái trở lại với Chúa Kitô”

famillechretienne.fr, Diane Gautret, 2013-04-05

Báo Gia đình Công giáo có cuộc phỏng vấn với ông Jean-Marie Élie Setbon về việc trở lại đạo công giáo của ông.                                      

Người ta có thể vừa là người do thái vừa là tín hữu kitô được không?

Tất cả tùy thuộc mình ở trên bình diện nào. Theo tôi, tôi là người từng giữ đạo do thái, thì mình không thể vừa là người do thái vừa là tín hữu kitô. Cá nhân tôi, tôi không còn giữ luật do thái của Chúa trong Cựu Ước (tôi không còn ăn thịt casher, tôi không còn giữ ngày xa-bát) và nhất là tôi tin một Chúa Ba Ngôi nhập thể làm người.

Về bản sắc thì tôi luôn là người do thái, cũng như hồng y Jean-Marie Lustiger, ngài không bao giờ phủ nhận nguồn gốc do thái của mình, ngược lại lại là đàng khác. khi ngài đi đàng thánh giá, ngài không xấu hổ vì Chúa Giêsu. Ngài nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa; ngài xin người do thái đón nhận Chúa Giêsu trong sách Lời Hứa.

Có một liên tục hay cắt đứt giữa Cựu Ước và Tân Ước không?

Cả hai! Có một liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước, nhưng cũng có một cắt đứt. Theo tôi, kitô giáo với do thái giáo cũng như con với mẹ: người con luôn là con của mẹ và vinh danh mẹ mình; nhưng để sống thì hai mẹ con phải tách nhau ra. Vậy thì người con sẽ mang một cái gì mới đến. Theo tôi, mạc khải một Thiên Chúa Ba Ngôi nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại là đã có mầm trong Cựu Ước, qua các tổ phụ và qua luật của ông Môsê (sách Ngũ Thư, các sách Ngôn sứ). Nhưng điều này thì người do thái không hình dung được. 

Đâu là vai trò của hồng y Lustiger trong việc trở lại đạo công giáo của ông?

Ngày 6 tháng 8 năm 2007, khi ở trên bãi biển Trouville, ba năm sau khi vợ tôi qua đời, tôi cảm nhận thật mạnh cái chết của vợ tôi, cũng như tôi cũng cảm nhận tiếng gọi đi theo Chúa Kitô thật mạnh. Tôi nổi da gà dù lúc đó trời nắng nóng.

Hình ảnh của hồng y Lustiger dính liền với việc trở lại đạo của tôi. Dù không phải lúc nào tôi cũng đồng ý với ngài. Về việc các người do thái trở lại kitô giáo như ngài, hồng y Lustiger nói đây là những người do thái hoàn tựu. Tôi không xem mình như một người do thái hoàn tựu, nhưng là người do thái trở lại với Chúa Kitô: sách Công vụ Tông đồ, các Thư của Thánh Phaolô cũng như trong Thánh Kinh không thấy nói đến người do thái hoàn tựu.

Những người nghe Thánh Phêrô, người lãnh đạo Giáo hội, hỏi ngài: “Chúng tôi phải làm gì?” ngài trả lời: “Anh chị em hãy hoán cải.” Một hoán cải là một sự đổi ngược hoàn toàn! Bỗng chốc, mình thấy, mình nghĩ, mình ăn theo một cách khác. Mình có một quan hệ với Chúa, với người anh em cũng theo một cách khác. Sau khi trở lại, những người do thái chính thống như Thánh Phaolô, giáo sĩ Drach, gia đình Liebermann, thầy thượng cả Rome Zolli đều thay đổi cái nhìn về cách giữ luật. Họ không bao giờ nhận lại do thái giáo cũng như lòng mộ đạo do thái của mình. 

Làm thế nào để đi từ chiếc mũ kippa do thái đến thập giá?

Quá trình của tôi thì lâu dài và khó khăn. Người ta không đi từ chiếc mũ kippa qua thập giá chỉ đầu hôm sớm mai. Từ khi 5 tuổi các cây thánh giá đã thu hút tôi. Đến tuổi vị thành niên, tôi lén lút đi rước lễ ở nhà thờ Thánh Tâm ở Montmartre. Rồi tôi cất nén sự cuốn hút này cũng gần 40 năm. Tôi là giáo sĩ chính thống giáo triệt để, rồi tôi theo giáo phái hassidic, tôi dạy ở vùng Paris. Từ năm 2007 tôi bắt đầu quay về với đạo công giáo. Tôi được rửa tội ngày 14 tháng 9 năm  2008 ngày lễ Thập giá Vinh quang ở Dòng các nữ tu Bêlem khi tôi 43 tuổi. Các con tôi được nuôi dạy theo truyền thống do thái, trong số bảy đứa con của tôi, đã có sáu đứa xin rửa tội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Ông Jean-Marie Élie Setbon là tác giả của nhiều quyển sách trong đó có quyển Từ mũ kippa đến thập giá