“Thay đổi cái nhìn”, chương trình Phục Sinh của Đức Phanxicô

184

“Thay đổi cái nhìn”, chương trình Phục Sinh của Đức Phanxicô

Đức Phanxicô xin mỗi người nuôi dưỡng cái nhìn “mở ra với hy vọng” để nhìn nhìn cuộc đời với cặp mắt hy vọng, nhân tiện ngài cho biết ngài sẽ mổ cườm mắt năm 2019.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2018-03-30

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, giáo hoàng truyền giáo đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly ở nhà tù Regina Coeli, nhà tù lớn nhất Rôma để rửa chân cho các tù nhân, trong đó có hai người hồi giáo, một chính thống giáo và một phật tử.

Ngài tự giới thiệu mình với các tù nhân: “Cha cũng là người có tội như các con, nhưng cha đến đây đại diện cho Chúa Giêsu, cha là sứ giả của Chúa Giêsu”. Sau đó ngài nói ngay “nhưng ai đứng đầu thì người đó phục vụ”, trước khi rửa chân cho họ như các linh mục đều làm trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh để nhớ lại Chúa Kitô đã làm gương cho chúng ta. Nếu ai cũng theo gương Chúa Kitô, thì trong lịch sử đã “không có bao nhiêu là chiến tranh đã xảy ra…”

Trước khi rời nhà tù, Đức Phanxicô đã nói lời suy niệm về “đổi mới cái nhìn”, để cái nhìn này là một trong các hoa quả của lễ Phục Sinh. Ngài kể một kỷ niệm thời ấu thơ của mình, ở Argentina, truyền thống sáng lễ Phục Sinh khi tiếng chuông nhà thờ đổ lại, các bà mẹ “rửa mắt cho các con mình” để chúng có “cái nhìn hy vọng của Chúa Kitô sống lại”.

Tiếp đó, nhân nói về “cái nhìn”, ngài cho biết mình sẽ mổ cườm mắt (cataract) năm 2019: “Ở tuổi 81 của cha thì đã đến lúc cha bị đục thủy tinh thể, cha không còn thấy rõ nữa, sang năm cha phải mổ”. Cataract là chứng đục thủy tinh thể, phải thay bằng một thủy tinh thể nhân tạo. 

“Mổ thủy tinh thể tâm hồn”

Đức Phanxicô nói tiếp: “Cũng vậy với tâm hồn, công việc của cuộc sống, các mệt mỏi, các lỗi lầm, các thất vọng làm đen tối cái nhìn, cái nhìn của tâm hồn. Vì thế tất cả chúng ta mỗi ngày phải đổi mới cái nhìn, phải mổ thủy tinh thể tâm hồn, để tâm hồn không bao giờ bị mệt, để tâm hồn có một cái nhìn mở ra với hy vọng”. Phải luôn nhìn đàng trước với cái nhìn hy vọng, vì “phải gieo hy vọng, luôn luôn gieo hy vọng!” Và để kết thúc, ngài nói đến các hình phạt pháp lý, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của một “hình phạt đúng” và thêm một lần nữa, ngài tuyên bố “án tử hình” là “phi nhân và không có tinh thần kitô giáo”.

Các lời nói quan trọng này được nói lên trong nhà tù, giữa các lực lượng bảo vệ. Ngày thứ hai Tuần Thánh, khi Đức Phanxicô tiếp các các nhân viên an ninh có nhiệm vụ bảo vệ Vatican để cám ơn công việc của họ, ngài đi ra khỏi bài diễn văn soạn sẵn để nói đến nghĩa vụ luân lý về “bảo vệ”: “Các nhân viên hy sinh để bảo vệ Giáo hoàng, để che chở giáo dân, để không có một người điên nào gây thảm kịch, làm hủy hoại không biết bao nhiêu gia đình”.

Cũng trong tinh thần này, ngài gởi đến người dân trong vụ tấn công ở thành phố Trèbes và Carcassonne nước Pháp sứ điệp như sau: “Tôi lên án tất cả những hành vi bạo lực mù quáng đã tạo ra không biết bao nhiêu đau khổ và tôi hết lòng xin Chúa ban cho thế giới ơn hòa bình, tôi cầu xin cho các gia đình bị đau thương và cho tất cả người dân nước Pháp được hưởng ơn lành của Chúa”. “Tôi đặc biệt ca ngợi hành vi quảng đại và anh hùng của Trung tá Arnaud Beltrame, người đã hiến mạng sống mình để bảo vệ mạng sống của người khác”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Đức Phanxicô, “sứ giả của Chúa Kitô” bên các tù nhân 

Đức Giáo hoàng “vinh danh hành vi quảng đại và anh hùng” của Trung tá Arnaud Beltrame