Tân Giám mục Hồng Kông Micae Dương Minh Chương: Người con từ trời ở Thiên quốc Hoàng triều
parismatch.com, Caroline Pigozzi gởi từ Trung quốc, 2018-03-27
Tại Hồng Kông, Giám mục Micae Dương Minh Chương sinh tại Thượng Hải, học ở Rôma và Đại học Harvard. Virginie Clavières/Paris Match
Đức Phanxicô bổ nhiệm Đức Giám mục Micae Dương Minh Chương (Michael Yeung Ming-Cheung), người uy tín ở một địa vị chiến lược.
Paris Match. Từ ngày 1 tháng 8 năm 2017, cha là giám mục giáo phận Hồng Kông. Xin cha cho biết quá trình của cha?
Giám mục Micae Dương Minh Chương: Tôi sinh tháng 12 năm 1945 ở Thượng Hải, năm lên 4, cùng với gia đình tôi rời Thượng Hải để trốn chế độ cộng sản. Chúng tôi đến Hồng Kông, ở đây cha tôi làm đầu bếp, sau đó ông mở một cửa tiệm nhỏ.
Cha mẹ của cha là phật tử?
Cha mẹ tôi theo đạo thờ ông bà, đạo của đa số người dân Trung quốc. Khi tôi học ở trường các cha Dòng Salê thì tôi trở lại đạo công giáo, cha mẹ tôi sau đó cũng trở lại. Tôi xin rửa tội khi còn trẻ vì lúc đó tôi đã muốn làm linh mục. Sau vài năm làm việc trong một công ty xuất nhập cảng, năm 26 tuổi tôi xin vào chủng viện. Cha mẹ tôi bàng hoàng. Vì theo truyền thống của chúng tôi, người con cả trong gia đình phải lo cho cha mẹ già. Mẹ tôi khóc rất nhiều, nhưng rồi bà cũng phải chịu, bà hiểu có một cái gì đã ghi khắc sâu đậm trong lòng tôi.
Cha là một trong các nhân vật kín đáo giúp bình thường hóa bang giao giữa Bắc Kinh và Rôma…
Bây giờ cũng như ngày xưa, việc này đòi hỏi phải có một vài thỏa hiệp! Bà nghĩ vào thế kỷ 16, các bang giao giữa Vatican và vua Henri VIII nước Anh là dễ sao? Qua bao nhiêu thế kỷ, các ví dụ về quan hệ phức tạp với Tòa Thánh không thiếu. Điều cốt yếu đối với tôi là Giáo hội công giáo được tự do loan báo Tin Mừng ở Trung quốc. Tôi mong các tín hữu Trung quốc có thể cầu nguyện mà không phải lén lút và trong các thành phố, các làng quê, giáo dân ở mọi lứa tuổi được nghe Tin Mừng, được Giáo hội giúp đỡ, tháp tùng… Theo tôi, điều này vượt lên các vấn đề phức tạp của việc bổ nhiệm giám mục.
Đến giờ gióng chiêng cồng ở nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm. © Virginie Clavières / Paris Match
Có nghĩa là gì?
Từ năm 1951, Giáo hội Trung quốc chia làm hai. Giáo hội đầu tiên là Giáo hội chui của khoảng một phần ba người công giáo Trung quốc, các giám mục do Vatican bổ nhiệm. Giáo hội thứ nhì là Hội người công giáo yêu nước, các giám mục do Đảng cộng sản chỉ định. Theo con số lưu hành cho biết, Giáo hội này có khoảng một trăm giám mục tất cả. Và, điều thiết yếu là các giám mục này cũng là người công giáo vì họ cũng giảng dạy cùng một Chúa. Để có thể hiểu chuyện này từ bên ngoài, thì chúng ta phải có cái nhìn như sau: ở Trung quốc có ba ngọn núi khổng lồ mà không ai có thể di dời, ba cơ cấu không được đụng tới, biểu tượng cho tình trạng tinh thần và tâm lý của một nước có nhiều khía cạnh. Ngọn núi đầu tiên là chế độ cộng sản. Quý vị nhớ lại vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Phong trào của các sinh viên, các nhà trí thức, thợ thuyền chống hệ thống chính trị có tạo thêm dân chủ hay thêm lưỡng đảng không? Chắc chắn là không! Ngọn núi thứ nhì là ly khai các vùng đất: Hồng Kông và Đài Loan là hai vùng tự lập quản trị nhưng hoàn toàn nằm trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Họ sẽ không bao giờ độc lập, cũng như vùng Tibê. Ở nước chúng tôi, người dân nói: “Một nước, hai hệ thống…” Ngọn núi cuối cùng là nhà nước Trung quốc không thể mất mặt trên chính trường quốc tế. Vì nó sẽ đặt lại vấn đề quyền uy của chế độ cộng sản. Nhưng chúng ta trở lại với việc bổ nhiệm các giám mục. Chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Hội Công giáo Yêu nước để đề cử danh sách các giám mục, và Tòa Thánh là người chọn lựa cuối cùng theo danh sách này. Như thế bảo tồn được danh dự. Một hoàng đế của triều đại Minh ngày xưa đã phẫn nộ: “Có một người đàn ông khác ngáy trong giường tôi!” Vậy, ngày nay cũng vậy, không có một sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Với các nữ tu Dòng Salê mừng 90 năm có mặt các nữ tu ở Hồng Kông. © Virginie Clavières / Paris Match
Như thế cũng là để cân bằng quyền lực của Mỹ mà Giáo hoàng mong có quan hệ chính thức với Trung quốc không?
Chắc chắn Đức Giáo hoàng tìm một cách để đến gần! Nhưng nói rằng, đối với ngài đó là cách để gần với một cường quốc khác thì theo tôi gần như không rõ ràng. Không phải vì tôi chia sẻ một chút gì với một người, mà tôi phải ràng buộc với người khác nhiều đến như vậy! Làm sao mà Đức Phanxicô lại không bị một nước đông dân nhất thế giới thu hút, một nước mà chỉ với 1% dân là người công giáo, với 12 triệu tín hữu là đã đại diện cho một khối dân khổng lồ? Đối với vị kế vị Thánh Phêrô, chúng ta tất cả là tạo vật của Chúa và mỗi người chúng ta đều có quyền nhận lời giảng dạy của Ngài. Đây là một thách thức ghê gớm trong một nền văn minh mà từ nhiều thế hệ bị cấm không được thực hành một tôn giáo ở nơi công cộng.
Điều này có thể thực hiện qua văn hóa?
Ngoại giao của nghệ thuật cũng là một phương tiện truyền tải đối thoại, một đường lối khác để làm thuận lợi cho các quan hệ hai bên. Mùa xuân này, Trung quốc và Tòa Thánh đồng tổ chức hai cuộc triển lãm. Cuộc triển lãm đầu tiên ở Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và sau đó là ở ba thành phố khác với 40 tác phẩm từ kho tàng Đông phương của Viện Bảo tàng dân tộc học của Vatican. Cuộc triển lãm thứ nhì là tại Rôma với cùng số các tác phẩm của Trung quốc. Một cuộc trình bày thứ ba sẽ tổ chức sắp tới đây ở Giáo hoàng Học viện Gregoria Rôma (Dòng Tên), gồm các buổi diễn thuyết về “Kitô giáo của xã hội Trung quốc, tác động và tương tác của nó trên mặt văn hóa”. Phải luôn đi bước đầu và người Trung quốc rất thực dụng.
Xin đọc: Vatican và Trung quốc: hai cuộc triển lãm cùng tổ chức một lúc
Trung quốc: “Trao đổi văn hóa trước quan hệ ngoại giao”
Họa sĩ Trung quốc Yan Zhang so sánh Đức Giáo hoàng với “ngọn núi thiêng”
Có một hàng giáo sĩ quan trọng ở Trung quốc không?
Các con số thì không đáng tin cậy mấy. Mặt khác, các thành viên giáo sĩ thế tục tận tâm lo cho giáo dân. Còn về giáo sĩ thông thường thì thật sự không có, các dòng tu đã chính thức bị bãi bỏ từ năm 1949. Chính vì vậy có một vài nhà truyền giáo Dòng Tên, Dòng Salê hay Biển Đức, các linh mục ngoại quốc này sống gần như hoàn toàn chui và không bao giờ họ ở cộng đoàn. Chung chung họ làm việc trên địa bàn, chẳng hạn làm nhà giáo, nhưng không bao giờ ở trong cương vị tu sĩ. Họ tháp tùng một cách kín đáo các người xa xứ Đức, Pháp, Ý… vào cuối tuần. Những người khác ở các nhóm cầu nguyện nhỏ hoặc cầu nguyện tại nhà họ.
Chủ nghĩa tiêu thụ mới có làm người dân xa cách tôn giáo không?
Điều này biến người dân thành người chuộng vật chất một cách thấp hèn, nhưng không phải chỉ có người Trung quốc. Dù ở bất cứ đâu, chỉ cần mua chiếc điện thoại thông minh là chủ nhân chiếc máy được phóng vào vũ trụ ảo, một vũ trụ xa tôn giáo dù máy có rất nhiều ứng dụng để cầu nguyện! Dù sao chiếc máy này cũng hiếm khi nâng tâm hồn lên nhưng lại hay gây ra bất mãn, tham lam và vô nghĩa! Cũng may, sau cuộc chạy đua điên rồ theo vật chất, một số người đã có một hình thức từ bỏ và bắt đầu có một tiến trình thiêng liêng hơn.
Năm 1949 con số người công giáo và tin lành ngang nhau, nhưng bây giờ người tin lành đông hơn gấp bốn lần.
Trên thực tế vì cách tiếp cận tôn giáo của họ đơn giản hơn. Họ không đối diện với nghi thức và hệ thống thứ trật chặt chẽ như phó tế, linh mục, giám mục, Ttång giám mục, hồng y như Giáo hội công giáo La Mã với người lãnh đạo tối cao là Giáo hoàng. Nhất là trong các phong trào phúc âm, không một cơ cấu, không một chuẩn bị đặc biệt nào, chỉ cần các kitô hữu họp nhau lại, cùng với người rao giảng thành lập một cộng đoàn để nói về Phúc Âm, ca hát, nhảy múa, chia sẻ mà không vị phán xét. Các người theo giáo phái tin lành cảm thấy mình tự do hơn trong bầu khí vui vẻ… Kinh nghiệm lâu dài ở Châu Mỹ La Tinh, hẳn Đức Phanxicô đã biết tầm ảnh hưởng của họ. Chính vì vậy ngài muốn làm cho Giáo hội công giáo trở nên cởi mở và dễ gần với người khác hơn. Ngài nhấn mạnh phải đến gặp người khác, không phải ngồi chờ với con mắt nghiêm khắc họ đến với mình.
Bây giờ có ít căng thẳng hơn trong những năm 1950-1960 ?
Nước Trung quốc dưới thời đảng cộng sản do Mao Trạch Đông nắm quyền thì rất khắt khe. Với những người rất tự hào này thì phải cho họ thì giờ và phải áp dụng chính trị theo từng bước nhỏ. Nhưng thì giờ của Vatican may thay lại rất dài… Và xin để cho tôi được lạc quan! Là linh mục tôi phải tin vào Thần Khí, vào Đấng Quan Phòng. Nối kết các quan hệ tốt nhất có nghĩa, trước hết đừng quên người Trung quốc không bao giờ muốn mất mặt. Còn việc có một đại diện ngoại giao Tòa Thánh, một sứ thần ở Trung quốc thì theo tôi hẳn còn sớm.
Đức Phanxicô được người Trung quốc nhìn như thế nào?
Giáo hoàng Dòng Tên mà tôi được chính thức gặp vào tháng sáu ở Tòa Thánh là giáo hoàng mở rộng vòng tay cho tất cả mọi người, không riêng gì chỉ với người công giáo. Nhưng trước khi là Dòng Tên, tôi thấy trước hết ngài là một linh mục, vì xuất thân từ hàng giáo sĩ bên ngoài, tôi không hiểu mấy tinh thần và đặc nét Dòng của ngài. Nhưng đặc sủng, sự hiện diện, hành động của ngài là quan trọng hơn tất cả mọi thứ. Ngài không phải là một trong các nhà lãnh đạo hành tinh này, ngài là “nhà lãnh đạo” của hành tinh.
Cha sắp được phong hồng y?
Ồ tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều về việc này. Bà cho tôi được thích thú suy nghĩ về chuyện này tối nay, khi tôi có chút thì giờ… Bây giờ thì tôi để tâm nhiều đến những việc tôi có thể làm cho giáo phận tôi được tốt hơn! Trong tuổi trẻ của tôi, nếu tôi không có ơn gọi đi tu, tôi thích làm đạo diễn. Tôi luôn thích quan sát thế giới đàng sau chiếc camera. Tôi cũng đã nghĩ đến việc làm đầu bếp hay viết văn để có thể được kể chuyện và tôi cũng thích làm nhà báo… Bà hãy tin tôi nhé, tôi nghĩ bà là một nhà báo giỏi vì không phải dễ để hiểu những gì tôi giải thích!
Nhà báo Caroline Pigozzi và Giám mục Micae Dương Minh Chương ở Tòa giám mục Hồng Kông
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Vatican xích lại gần Bắc Kinh
Nhật báo Trung quốc Global Times tiên đoán sẽ có quan hệ ngoại giao giữa Vatican-Trung quốc
Với Trung quốc, Tòa Thánh xin có thì giờ và kiên nhẫn