Ruth Harris: “Nhiều người được lành ở Lộ Đức nhưng họ không muốn nói ra”

467

Ruth Harris: “Nhiều người được lành ở Lộ Đức nhưng họ không muốn nói ra” 

Thánh lễ cử hành ở hang đá Massabielle, Lộ Đức ngày 3 tháng 11-2017. / Bruno Levy/CIRIC

la-croix.com, Anne-Bénédicte Hoffner, 2018-02-12

Bà Ruth Harris là giáo sư lịch sử cận đại của Đại học Oxford và là tác giả quyển sách Lộ Đức: Thể xác và tinh thần ở thời đại thế tục (Lourdes: body and spirit in a secular age, London: Allen Lane, 1999).

Giáo sư Harris phân tích câu chuyện của nữ tu Bernadette Moriau, người được phép lạ thứ 70 của Đức Mẹ Lộ Đức ở giáo phận Beauvais, nước Pháp.

Ngày 11 tháng 2-2018, Đức Giám mục Jacques Benoit-Gonnin, giám mục địa phận Beauvais chính thức công nhận tính cách “phép lạ-kỳ diệu” và giá trị “dấu hiệu của Chúa” trong một vụ chữa lành được công nhận sau khi đi hành hương Lộ Đức của một nữ tu Dòng Phanxicô của địa phận.

Là sử gia, giáo sư phân tích câu chuyện này như thế nào?

Ruth Harris: Điều đánh động tôi, đó là sự tiếp tục lạ lùng của những câu chuyện chữa lành có từ cuối thế kỷ 19 mà tôi đã đặc biệt nghiên cứu học hỏi. Thường thường, các vụ chữa lành không xảy ra ở hồ tắm, nơi người bệnh thường xuống tắm ở nước Lộ Đức, nhưng phép lạ xảy ra khi rước kiệu Thánh Thể. Và đó cũng là trường hợp của nữ tu Bernadette Moriau, xơ cảm nhận có một “sức ấm và thanh thản” trong giờ chầu ở nhà nguyện cộng đoàn của xơ, “khi, trong thời gian đó đang có rước Thánh Thể ở Lộ Đức”.

Xin đọc: Làm thế nào một vụ chữa lành không giải thích được cho là phép lạ?

Ngay từ đầu các cuộc hành hương, Giáo hội đã muốn tránh sự kiện giáo dân đến hang đá chỉ vì nơi đây là nơi “siêu nhiên”, nhất là trong một vùng mà các câu chuyện thần tiên, các câu chuyện hang đá và suối nước được lan rộng… Việc xây đền thánh ngay trên hang đá, ở một nơi dốc đứng là cũng có ý muốn kiểm soát, muốn “chế ngự” một nơi có nguy cơ phối hợp với các loại tin tưởng theo thuyết vật linh.

Truyền thống Rước Thánh Thể có từ năm 1888 là để nối kết sợi dây giữa Đức Mẹ và Chúa Kitô. Hàng năm các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời tổ chức cuộc hành hương quốc gia gồm những người tham dự sốt sắng và đây là hình thức tổ chức lại các ngày lễ của Chúa theo nghi thức thời Trung cổ.

Tiến trình chứng thực y khoa và lập luận chính thức công nhận đã được tiến triển?

Ruth Harris: Sự kiện chữa lành không xảy ra tại Lộ Đức nhưng sau khi đi hành hương về là khá hiếm. Nhưng có một điều không thể chối cãi là tiến trình nhận biết phép lạ đã được củng cố không ngừng. Phải cần bảy năm thử  nghiệm và chuyên ngành để Hội đồng Y khoa Quốc tế tuyên bố! Hội đồng gồm hai mươi thành viên và phải tuyên bố đồng loạt trừ một phiếu, là đã rất nhiều!

Các bệnh được chữa lành tại Lộ Đức thường là các bệnh kinh niên. Đó là trường hợp của nữ tu Bernadette Moriau, rất đau đớn nhưng cũng rất khó để định nghĩa và để theo dõi. Chính vì lý do đó mà các bác sĩ không bao giờ tuyên bố phép lạ, chỉ có giám mục sở tại mới có thể tuyên bố.

Các vụ chữa lành không giải thích được thường hay xảy ra, ngay cả trong bệnh viện. Khi có các trường hợp như vậy, các bác sĩ không tin ở mắt mình và họ luôn để câu chuyện này trong đầu. Tại Lộ Đức, người ta tìm cách để giải thích sự kiện này, cố gắng hài hòa giữa y khoa và khoa học. Giám mục sẽ không bao giờ tuyên bố “phép lạ” nếu không dựa trên cố vấn của nhiều bác sĩ. Và giám mục có toàn quyền quyết định, nhận biết đây là chữa lành hay không chữa lành.

Làm thế nào Giáo hội lập luận công việc chữa lành về thể xác mà người đi hành hương xin trong lời cầu nguyện đặc biệt, và việc chữa lành nội tâm, một cách rộng hơn?

Ruth Harris: Câu hỏi thần học tế nhị này đã được Đức Giám mục Benoit-Gonnin cho rằng, vụ chữa lành này là “dấu hiệu trong số các dấu hiệu khác để nói với tín hữu mà không dừng lại ở câu hỏi ‘vì sao người đó được mà tôi không?’”. Câu chuyện của nữ tu Bernadette Moriau rất cảm hóa: chính nữ tu nói, nữ tu không đi hành hương để xin chữa lành, nhưng đúng hơn là xin đi con đường bệnh của mình. Có thể nào vì lý do đó mà xơ được chữa lành không?

Điều chắc chắn là có nhiều người nhận được ơn lành ở Lộ Đức, về thể xác cũng như về tâm lý nhưng họ không nói ra. Trong thời gian tôi ở đó, tôi thường thấy các bệnh nhân cũ, họ đi với người thân đến để cám ơn Đức Mẹ Lộ Đức nhưng họ không muốn đi theo mọi tiến trình khám nghiệm chuyên ngành… Có thể vì khiêm tốn, vì muốn giữ sự kiện đặc biệt này cho riêng mình, cũng có thể cảm thấy xấu hổ một chút vì đã nghe lời khuyên của ông bà nội ngoại, mà chính họ thì không có tương quan cụ thể với Giáo hội chăng…

Đối với Giáo hội cũng vậy, sẽ dễ dàng để công nhận chữa lành do phép lạ của nữ tu Bernadette, xơ vào Dòng lúc 19 tuổi. Trong tiến trình nhận biết đây là phép lạ, Giám mục cho phép người được lành làm chứng “với điều kiện phải khiêm tốn trước mặt Chúa và trước mặt y khoa”. Người được phép lạ phải là gương mẫu cho cộng đoàn kitô, ngay cả trong đời sống hàng ngày của họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Giáo hội công giáo công nhận phép lạ thứ 70 của Đức Mẹ Lộ Đức

Phép lạ Lộ Đức: “Một buổi sáng đẹp trời, nữ tu Bernadette Moriau mạnh khỏe đến gặp tôi!”

Phép lạ thứ 70 được công nhận ở Lộ Đức: Giám mục giáo phận Beauvais là người đầu tiên ngạc nhiên