Linh mục Gabriele Amorth: Sự cực mạnh của Tràng chuỗi Mân Côi

1804

Linh mục Gabriele Amorth mời chúng ta suy gẫm các lời các giáo hoàng nói về tràng chuỗi Mân Côi.

fr.aleteia.org, Silvia Lucchetti, 2016-03-29

Linh mục Gabriele Amorth gần như là nhà trừ quỷ nổi danh nhất thế giới. Phần lớn các sách của cha nói về việc trừ quỷ và hình ảnh của quỷ. Cha đã về hưu, cha cho chúng ta biết nguồn sức mạnh nội tâm của mình qua Kinh Mân Côi (cha qua đời ngày 17 tháng 9-2016, thọ 91 tuổi). Trong phần mở đầu quyển sách cuối cùng của cha Tràng chuỗi của tôi (Il mio rosario, nxb. San Paolo, Ý), cha viết: “Tôi nghĩ Kinh Mân Côi là kinh cực mạnh nhất”. Kinh cầu nguyện mỗi ngày của cha là Kinh Mân Côi với 20 lời nguyện ngắm các mầu nhiệm. Kinh Mân Côi đã nâng đỡ cha hàng ngày để chống các tác động vi tế nhất của sự dữ trong suốt 36 năm trừ quỷ ở giáo phận Rôma.

 

Các mối liên kết của các giáo hoàng với Kinh Mân Côi được trích từ quyển sách này:

Đức Gioan XXIII trích lại câu định nghĩa của Giáo hoàng Piô V: “Kinh Mân Côi là phương tiện tiêu biểu để nguyện ngắm, qua đó chúng ta nguyện ngắm các mầu nhiệm từ nhập thể đến sự cứu chuộc của Chúa. Kinh Mân Côi bao gồm các huyền nhiệm, trong đó các Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh đan kẻ với các các lời nguyện ngắn chính yếu của mầu nhiệm đức tin”. 

Đức Phaolô VI trong thông điệp Hiền mẫu và Tôn sư, (Christi Mater Rosarii) xin giáo dân đọc Kinh Mân Côi:

“Công đồng Đại kết 2 Vatican xin đọc Kinh Mân Côi cho tất cả con cái của Giáo hội một cách kiên định: ‘Từ bao thế kỷ nay, giáo huấn Giáo hội đã khuyến khích việc tôn kính Đức Mẹ. Việc tôn kính này không phải chỉ để ngăn chận sự dữ và xua đuổi các tai họa, như chúng ta đã thấy trong lịch sử Giáo hội. Việc tôn kính này còn làm cho năng lực kitô được lớn lên: trước hết nó nuôi dưỡng đức tin công giáo khi nguyện ngắm các mầu nhiệm cứu rỗi và nâng suy nghĩ chúng ta lên tầm mức các sự thật của Mạc khải’”.

Đức Gioan-Phaolô I đã trả lời cho các phê phán về Kinh Mân Côi:

“Một vài người chống đối Kinh Mân Côi, cho đó là kinh con nít, dị đoan, không xứng đáng với người tín hữu kitô trưởng thành. Hoặc, đó là kinh đọc máy móc, đọc vội vàng, đơn điệu, nhàm chán ‘Kính mừng Maria’. Xin cho tôi được nói vài cảm nghĩ trong cương vị mục tử. Cảm nghỉ thứ nhất: Kinh Mân Côi gây bực mình là chuyện phụ. Trước hết ngày nay có một sự bực mình chung chung về các kinh. Giáo dân thường chỉ nghĩ đến các lợi ích vật chất; họ không còn nghĩ gì đến tâm hồn; tiếng động xấm chiếm cuộc sống của họ. Câu của nhân vật Macbeth được lặp đi lặp lại: ‘Tôi giết giấc ngủ, tôi giết sự im lặng!”. Chúng ta khó để tìm một giây phút thinh lặng cho đời sống nội tâm và cho cuộc nói chuyện dịu dàng với Chúa. (…) Cảm nghĩ thứ nhì: khi chúng ta nói “tín hữu kitô trưởng thành trong cầu nguyện, đôi khi chúng ta nói hơi quá. Cá nhân tôi, khi tôi nói chuyện với Chúa hay với Đức Mẹ, tôi không còn là người lớn, tôi thích nói chuyện như một đứa trẻ con. Vương miện, nhẫn giáo hoàng biến mất; tôi gởi cương vị người lớn, giám mục, khuôn mặt nghiêm trang… đi nghỉ hè, tôi chỉ là đứa bé trước người cha, người mẹ của mình. Ít nhất trong vòng nửa giờ trước mặt Chúa, tôi là con người thật của mình, với sự khốn cùng và tốt lành nhất của chính tôi: tôi để đứa bé tận cõi lòng ngày  xưa của tôi trồi lên, đứa bé yêu Chúa, đôi khi muốn khóc để được Chúa an ủi thương xót. Tất cả chuyện này giúp tôi cầu nguyện. Kinh Mân Côi, đơn sơ và dễ đọc giúp tôi trở thành đứa con nít, và tôi không xấu hổ gì về chuyện này”.

Trong Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria (Rosarium Virginis Mariae) Đức Gioan-Phaolô II xác nhận mình có lòng tôn kính Mẹ Maria đặc biệt, lòng tôn kính này giúp ngài thấm nhập được Huyền nhiệm Ánh sáng của Kinh Mân Côi, ngài khuyến khích chúng ta đọc kinh này trong đời sống đức tin hàng ngày:

“Lịch sử Kinh Mân Côi cho chúng ta thấy bằng cách nào lời cầu nguyện này đã được dùng, đặc biệt với các tu sĩ Dòng Đa Minh trong lúc Giáo hội gặp khó khăn vì  sự dị giáo lan tràn. Ngày nay chúng ta đứng trước các thử thách khác. Tại sao chúng ta không cầm tràng chuỗi trên tay cùng với đức tin của những người đi trước? Kinh Mân Côi giữ trọn sức mạnh của mình và vẫn là phương tiện thiết yếu cho hành lý mục vụ của tất cả những người đi rao giảng phúc âm.” 

Đức Gioan-Phaolô II khuyến khích chúng ta nghĩ về Kinh Mân Côi như sự chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô qua Mẹ Maria, đọc trong tinh thần và trong lòng sốt sắng này.

Đức Bênêđictô XVI mời chúng ta khám phá lại sức mạnh và tính thời sự của Kinh Mân Côi:

“Kinh Mân Côi không phải là kinh dành cho thời xưa, như một kinh của một thời mà chúng ta hoài niệm khi nghĩ đến. Ngược lại, Kinh Mân Côi là kinh nảy sinh cho một mùa xuân mới. Chắc chắn đây là một trong các dấu chỉ hùng hồn nhất của tình yêu mà giới trẻ của các thế hệ mới nuôi dưỡng cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Trong thế giới rất phân mảnh ngày nay, Kinh Mân Côi giúp chúng ta đặt Chúa Kitô vào trọng tâm, như Đức Mẹ đã làm, Đấng chiêm ngắm trong lòng những gì nói về con mình, chiêm ngắm những gì con mình làm và nói. Khi chúng ta lần chuỗi, chúng ta sống lại những giây phút quan trọng và đáng kể của lịch sử cứu chuộc; chúng ta cùng đi lại các giai đoạn khác nhau trong sứ mệnh Chúa Kitô. Cùng với Đức Mẹ, chúng ta hướng về huyền nhiệm Chúa Kitô. Chúng ta đặt Chúa Giêsu vào trọng tâm đời mình, thời buổi mình, thành phố mình qua chiêm niệm năm sự vui, năm sự sáng, năm sự thương, năm sự mừng. (…)  Khi sốt sắng đọc Kinh Mân Côi, chứ không đọc một cách máy móc hời hợt thì Kinh Mân Côi mang lại cho chúng ta bình an và hòa giải. Kinh Mân Côi mang lại sức mạnh chữa lành của  Tên cực thánh Chúa Giêsu, Tên được cầu bàu với tình yêu và đức tin ở trọng tâm của mỗi câu ‘Kính Mừng Maria’ được đọc lên. Khi chúng ta không máy móc lần hạt, thì cùng với Mẹ Maria, chúng ta đi lại trọn quá trình đời sống Chúa Giêsu.” 

Còn theo Đức Phanxicô: “Kinh Mân Côi là kinh đi theo tôi suốt đời. Đó là kinh của những người đơn sơ và của các thánh.”

Trong phần kết luận, linh mục Amorth nhấn mạnh đến vai trò trọng tâm của Mẹ Maria trong cuộc chiến chống sự dữ. Một cuộc chiến mà cá nhân ngài, trong tư cách là người trừ quỷ ngài đã chạm trán, đối với ngài, đây là cuộc chiến thách đố lớn nhất của thời buổi này.

“Quyển sách này được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, mà tương lai nhân loại tùy thuộc vào đó. Đó là điều tôi đã học ở Fatima và Mễ Du. Năm 1917 ở Fatima, Đức Mẹ đã loan báo chiến thắng cuối cùng: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm sẽ thắng.”

Marta An Nguyễn dịch