Antonio Spadaro, tư tưởng gia Kitô ở thời buổi Internet

160

livre-religion.blogs.la-croix.com, Dominique Greiner, 15-9-2014

Tu sĩ Dòng Tên, giám đốc tạp chí Ý, từ nhiều năm nay linh mục Antonio Spadaro triển khai một suy tư thần học về đức tin ở thời buổi Internet.

Không những là dụng cụ để phục vụ cho việc giảng Phúc Âm hóa, Internet còn là một không gian mới, nơi lòng khát khao biết Chúa được trao đổi một cách thoải mái, làm thuận tiện cho việc giao tiếp giữa con người với nhau.

Thần học gia và cũng là triết gia, cha đã khởi đầu một suy tư lớn về đức tin ở thởi buổi Internet và đặt nền tảng cho một “thần học thời vi tính, cyberthéologie” (1). Cái gì đã thúc đẩy cha đi về hướng này?

Linh mục Antonio Spadaro: Tất cả đi từ kinh nghiệm riêng của tôi. Giống như đa số các nhà nghiên cứu thế hệ tôi, việc dùng Internet và các trang mạng xã hội đã có một tác động sâu đậm trên cách làm việc của tôi, kể cả trên cương vị một linh mục. Sức mạnh lớn lao của các động cơ tìm tòi, nét đa dạng của các blog, số lượng trao đổi mà tôi có thể trao đổi hàng ngày qua các tài khoản Twitter và Facebook, dần dần thay thế việc đọc báo và sách của tôi. Bây giờ các thông tin và các suy tư hay nhất đến với tôi là từ mạng. Nhận thức được phương tiện hiểu biết và liên lạc mới này đã thay đổi cách làm việc hàng ngày của tôi, tôi tìm tòi để hiểu tác dụng của Internet trên đức tin và trên đời sống của Giáo hội.

Internet thay đổi cách suy nghĩ, cách làm việc, nhưng Internet có thay đổi cách chúng ta tin khôn?

Một cách nền tảng, nội dung đức tin và cách tin thì không thay đổi. Ngược lại, việc dùng Internet rõ ràng có tác động trên cách chúng ta diễn tả và suy nghĩ về đức tin. Chính ở khía cạnh này mà thần học can thiệp vào. Làm thế nào mà Internet và lôgic nối mạng của nó thay đổi cách tôi nghe và đọc Kinh Thánh? Làm thế nào nó thay đổi sự hiểu biết của tôi về mặc khải, về Giáo hội, về hiệp thông, phụng vụ và bí tích? Điều này không có gì là vấn đề trừu tượng. Suy tư này là một kinh nghiệm đích thực về đức tin trên Internet.

Sống đời sống đức tin của mình trên Internet, điều này muốn nói gì?

Cách đây vài năm, tôi nghiêng về hiện tượng Đời sống Thứ nhì, Second Life, thế giới này hoàn toàn ảo, nơi mỗi người có thể xây lên một nhân vật và làm cho nó tiến triển theo ý mình muốn. Dù bề ngoài là  ‘game’ nhưng sự khía cạnh thiêng liêng là có thật. Trên Đời sống Thứ nhì, các giáo hội ảo được xây dựng. Khi vào trang nhà của người tham dự, người ta có thể tìm thấy Bài tập Linh thao theo thánh I-Nhã! Điều này chứng tỏ cho thấy lòng mộ đạo không có biên giới. Khát khao tâm linh của con người diễn tả ở bất cứ đâu, dưới nhiều hình thức khác nhau, cả trong không gian ảo.

Nhưng đó có thật sự là một khám phá của một nhà thần học? Nối mạng có thay đổi gì trên khía cạnh này?

Quả thật, chúng tôi đã quá quen nhìn Internet như một điều mới mẻ tuyệt đối. Internet trước hết là nơi chốn để diễn tả các khát khao bám rễ sâu nhất của con người, đặc biệt là khát khao được thông hiệp với nhau. Khát khao này được được diễn tả một cách hiệu quả nhất qua Internet, để những người chưa bao giờ có thể gặp nhau ngoài đời có thể liên lạc được với nhau. Và điều này đã tạo điều kiện thuận tiện để hiệp thông, không thể để Giáo hội dửng dưng trên khía cạnh này. Loan báo một sứ điệp – Tin Mừng – và các quan hệ thông hiệp là hai cột trụ chính mà Giáo hội dựa lên. Vậy thách thức không còn là “dùng” Internet như người ta thường hay nghĩ nhưng là “sống” với thời buổi Internet. Dù Internet là một phương tiện rao giảng Phúc Âm mới nhưng Internet là một bối cảnh đặc biệt riêng, một nơi cư trú, nơi đó đức tin được mời gọi để diễn tả lên lòng tin của mình.

“Thông hiệp” trên Internet có đích thực không? Nó có đụng với một vài giới hạn không?

Thông hiệp không phải là phạm trù về mặt thể lý. Tôi có thể hiệp thông với các tín hữu Kitô ở Trung Đông hay ở Nhật dù tôi không thấy mặt họ. Internet chỉ làm công việc nối mọi người với nhau, gia tăng khả năng trao đổi; nhưng Thần Khí là Đấng tạo nên thông hiệp. Cũng giống như trong thế giới vật lý, tất cả tùy thuộc vào quả tim của con người. Tôi có thể nối mạng nhưng chỉ giữ mức giao thiệp nghèo nàn, xa cách, tiêu cực. Ngược lại có nhiều tín hữu cùng cầu nguyện với nhau qua Internet. Thiên Chúa cũng tỏ hiện qua thế giới số, thế giới này từ nay dự phần vào đời sống thật của chúng ta. Trong nghĩa này, phải ngưng chống đối thế giới gọi là “thật” và thế giới gọi là “ảo”. Tôi thích nói đến một thế giới duy nhất và thật, vừa thể lý vừa số.

Có thể đi đến cử hành bí tích trên Internet? 

Về điểm này thì Giáo hội dứt khoát. Bí tích nào cũng cần một không gian vật lý, sờ mó được và cụ thể của một cộng đồng Kitô bằng máu bằng thịt. Như vậy không có chuyện cử hành bí tích trên Internet. Điều này không có nghĩa là loại trừ một hình thức tham dự. Chẳng hạn, tham dự thánh lễ của Ngày Giới Trẻ trên Internet tự nó là một sự hiện diện có ý nghĩa. Tôi kết hiệp bằng cầu nguyện nhờ nối mạng, bất chấp không gian và thời gian. Giống như các tín hữu Kitô đầu tiên ở với nhau trong một phòng, hàng triệu tín hữu cùng nối mạng để cùng ở chung quanh vị kế nhiệm Thánh Phêrô. Nhưng cuộc sống ảo không thể thay thế sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể cũng nhu thay thế các bí tích khác.

Trong quyển sách “Thần học thời kỹ thuật số, suy nghĩ về Kitô giáo thời Internet”, cha đặt vấn đề về ý nghĩa sâu đậm của Internet trong dự án của Chúa… 

Đối với tín hữu Kitô, đó là câu hỏi thích thú nhất. Tác dụng của Internet trên cuộc sống của chúng ta quá quan trọng nên chúng ta phải minh định đâu là chương trình kế hoạch của Chúa đối với nhân loại. Vị hướng dẫn đã giúp tôi rất nhiều trong suy nghĩ này đã chưa biết Internet vì ngài đã chết năm 1955. Đó là tu sĩ Dòng Tên người Pháp Pierre Teilhard de Chardin, trong quyển sách Hiện tượng Nhân loại, Phénomène humain, ngài đã triển khai một suy tư rất nghiêm túc về vấn đề này, đánh dấu bằng sự kết tụ tiến lên của nhân loại: người săn bắn và người gieo gặt phân tán trên bề mặt quả đất, con người trở thành người trồng trọt và sống thành làng, rồi xuất hiện các nền văn minh đầu tiên, các đế quốc đầu tiên… Ngày nay chúng ta đi đến một giai đoạn ‘nối’ phức tạp hơn bao gồm cả tư tưởng. Khi thêm tiềm năng thông hiệp và đối thoại giữa con người với nhau, Internet có thể được hiểu như một giai đoạn trên tiến trình hoạt động của nhân loại, được Chúa thúc dục và hướng dẫn. Internet, như một khoảng không gian của con người, nó cũng dự phần vào “không gian thiêng liêng” độc đáo là thế giới chúng ta.

(1) Thần học thời kỹ thuật số, suy nghĩ về Kitô giáo thời Internet, Cyberthéologie, penser le christianisme à l’heure d’Internet, Coll. Donner raison n. 44, Lessius, 2014, 160 p., 19 €.

Nguyễn Tùng Lâm dịch