Emmanuel Macron: “Hình ảnh của cha Hamel tạo cảm hứng”

235

lavie.fr, 2017-07-27

Trong buổi lễ tưởng niệm cha Jacques Hamel ngày 26 tháng 7-2016, giữa các thố lộ riêng tư và bài diễn văn chính thức, Tổng thống Pháp, người đang đi qua vùng giông bão đầu tiên của nhiệm kỳ, ông nhắc nhiều đến các dấu hiệu của công giáo.

10 giờ sáng. Thánh lễ đã chấm dứt. Nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray vắng dần. Dưới ánh sáng mặt trời, bia tưởng niệm bằng inox sáng lóng lánh ở khuôn viên nhà thờ. Tổng Giám mục Lebrun, Thủ tướng Édouard Philippe, Bộ trưởng Nội vụ Gérard Collomb và Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Laurent Fabius prennent ngồi trên hàng ghế nhựa. Tổng thống Emmanuel Macron có nét mệt mỏi, hơi căng thẳng, lưng thẳng, ngay cả ông không ngồi dựa lưng vào ghế. 

Sau nhiều dịp để hụt trong cuộc vận động tranh cử, Emmanuel Macron đến vinh danh linh mục bị hai người trẻ khủng bố hồi giáo giết ngày 26 tháng 7-2016. Cho đến ngày 24 tháng 7, chương trình đi dự lễ tưởng niệm này vẫn chưa có trong lịch làm việc chính thức của Tổng thống. Lý do là hôm trước, có hai nhà lãnh đạo Libya đến viếng thăm và có buổi họp với hội đồng bộ trưởng, buổi họp này phải dời lại vào ngày thứ sáu.

Trong đời sống khiêm nhường của cha Hamel, một đời sống tận hiến cho người khác, người dân Pháp thấy chính mình nơi cha Hamel.

– Emmanuel Macron –

Sau bài diễn văn của Tổng Giám mục Lebrun giáo phận Rouen, của ông thị trưởng Joachim Moyse, thị trưởng thành phố Saint-Étienne-du-Rouvray, Tổng thống Emmanuel Macron lên bục để nói lên sứ điệp của nước Pháp với các tín hữu tin cũng như không tin, những người vẫn còn đau đớn sau hành động đã làm chấn động nước Pháp năm ngoái.

Trong bài diễn văn ngắn và giản dị, cũng như vị tiền nhiệm François Hollande của mình, Emmanuel Macron quan tâm đến sự hiệp nhất Quốc gia, ông ca ngợi các nạn nhân, các tín hữu công giáo Pháp, người dân ở thành phố Saint-Étienne-du-Rouvray đã từ chối “khát vọng trả thù và trả đũa”. Ông nhắc đến hình ảnh của Cha Hamel, sự hòa nhập của cha trong khu vực, một hình ảnh thể hiện “chủ nghĩa nhân đạo đứng vững để đối diện với chính sách ngu dân”: “Nụ cười” của người ngoài tám mươi “trở nên nụ cười của sức chống cản”. 

Sau đó, với chữ của mình, ông nhắc đến gốc rễ kitô của nước Pháp. Ông nhấn mạnh đến tình đoàn kết được thể hiện sau vụ tấn công, ông nhắc lại với “tất cả người Pháp, rằng nước Pháp không phải là nước theo chủ thuyết tương đối: “Với các luật, các quy tắc của chúng ta đã được tôi rèn qua Lịch sử, một mặt đó là chuyện không nhân nhượng, một mặt, đó là chuyện chúng ta không cầm trong tay, một mặt khác, tôi dám nói, đó là mặt thiêng liêng. Mặt này, là sự sống của người khác”. Mặt thiêng liêng này là “những gì làm cho chúng ta nhân bản hơn: tình yêu, hy vọng, tận hiến, gắn bó với người của mình, với gốc rễ của mình, yêu người khác (…) Trong đời sống khiêm nhường của cha Hamel, một đời sống tận hiến cho người khác, người dân Pháp thấy chính mình trong phần này, phần này ở trong văn bản, trong hiến chương của chúng ta, trong những gì là nền tảng của nước Cộng hòa”. Ông còn nhấn mạnh “nước Cộng hòa dựa trên tình yêu và sự tôn trọng nhân loại”. Nhưng, chắc chắn, để cân bằng bài nói chuyện có thể bị một số người cho là quá “công giáo”, ông nhắc lại nguyên tắc tối thượng của thế tục, mà ông là người bảo đảm: “Nước Cộng hòa không hạ tôn giáo, cũng không thay thế tôn giáo”.

Gương mặt của cha Hamel trở nên hình ảnh chúng ta có trong lòng, đó là sự từ chối văn hóa của cái chết.

– Emmanuel Macron 

Luôn mong muốn gởi các dấu hiệu đến cho người công giáo, Tổng thống Emmanuel Macron cho thấy ông nắm vững từ vựng của mình, ông liên tục dùng các chữ “tử đạo” và “của ăn đàng”, cũng như các thành ngữ có âm vang mạnh của các giáo hoàng, mà người nghe không thể nào không nhận ra. Các tên khủng bố “nhắc cho tất cả người Pháp nhớ, nước Cộng hòa không phải là nước của chủ nghĩa tương đối”, thành ngữ của hồng y Ratzinger – giáo hoàng Bênêđictô tương lai – mà năm 2005, ngài đã tố cáo “nạn thống trị của chủ nghĩa tương đối không công nhận một cái gì là quyết định, thước đo duy nhất, tối thượng của họ là tính ích kỷ và các ước muốn riêng của họ”. 

Tổng thống Emmanuel Macron cũng tuyên bố “gương mặt của cha Hamel trở nên hình ảnh chúng ta có trong lòng, đó là sự từ chối văn hóa của cái chết”. Một thành ngữ trong sáng, lần này là của Đức Gioan-Phaolô II nhưng nói trại ra. Theo một người thân cận, đây là “thành ngữ mô tả tuyệt đẹp nói lên sự coi thường cuộc sống”. Trong thông điệp Tin Mừng về Sự sống, Đức Gioan-Phaolô II đã nói trực tiếp dưới danh từ “văn hóa của cái chết” để đề cập đến việc phá thai, được xem như một hình thức từ chối sự sống, mà đáng lý sự sống cần phải được “đón nhận, với tình yêu, với chăm sóc hơn”. Loại văn hóa sự chết này được xã hội cổ động mạnh với các trào lưu văn hóa, chính trị, kinh tế, những trào lưu thống trị xã hội. 

Quốc gia là thế tục. Chúng ta có lịch sử của chúng ta, nhưng các giá trị của chúng ta bắt nguồn từ một cái gì sâu đậm hơn. Có các tương quan với tôn giáo. Có sự siêu việt, có một cái gì nắm giữ chúng ta, vượt lên chúng ta”.

– Emmanuel Macron 

Sau bài diễn văn, trên con đường dài dẫn đến nhà xứ, Emmanuel Macron còn nhấn mạnh về bài nói của mình. Xa thế giới thu nhỏ của những chuyện bàn tán về việc đánh giá mức độ mến chuộng của dân chúng… bước đầu của sự chống đối nội bộ trong phong trào Lên đường (En Marche!) ông tuôn trào thố lộ tâm tình khi nói về cha Hamel, một “hình ảnh tạo cảm hứng”. Khác với dè dặt bình thường, ông thố lộ với báo Sự Sống: “Cha Jacques Hamel ở bên cạnh những người kế vị cha. Cha bỏ thì giờ với tấm lòng khiêm tốn và quảng đại. Thêm nữa, lòng khiêm tốn này là đặc nét của một trong các giá trị của Giáo hội”.

Cha Hamel, người mà ông vừa ca ngợi trước công chúng “kín đáo và đắn đo thận trọng trong công việc”, có tạo cảm hứng riêng cho ông trong chức vụ tổng thống không? Ít hoạt bát hơn, ông Macron nói về sự hiện diện của cha, ý nghĩa mà cha mang lại cho sự sống. Giữa các lần chụp selfie và xúc động bắt tay, ông nhắc lại lời của Giám mục Lebrun và phản ứng của các đại diện dân chúng và các tôn giáo sau thảm kịch: “Tinh thần trách nhiệm và hài hòa thật đáng kể. Tinh thần này rất mạnh. Cách đây một năm, tất cả đã có thể suy sụp. Sau vụ tấn công ở thành phố Nice, một sự nghi ngờ có thể lấn áp, và có thể còn tệ hơn thế nữa”.

Trên đà nói, Tổng thống tiếp tục nói về khía cạnh thiêng liêng của nước Cộng hòa: “Quốc gia là thế tục. Chúng ta có lịch sử của chúng ta, nhưng các giá trị của chúng ta bắt nguồn từ một cái gì sâu đậm hơn. Có các tương quan với tôn giáo. Có sự siêu việt, có một cái gì nắm giữ chúng ta, vượt lên chúng ta”.

Tất cả những gì mang lại ý nghĩa giúp chúng ta vượt lên các thăng trầm của đời sống hàng ngày.

– Emmanuel Macron, trả lời báo Sự Sống

Và rồi chính trị lấy lại quyền của nó. Người nguyên thủ Quốc gia không còn nói chuyện thân mật với trời, ông xuống lại dưới đất. Ngay lập tức, ông nói chuyện có tính cách “kỹ thuật” hơn, thậm chí còn tỏ ra lo lắng.

Khi đến trước nhà xứ, Emmanuel Macron xóa đi hết mọi dấu hiệu lo lắng. Tiếp tục nói với báo Sự Sống, ông nhắc lại, ông giữ vững đường hướng của mình, ông dựa trên những gì sâu đậm nhất trong lòng ông để vượt lên vùng giông bão: “Tất cả những gì mang lại ý nghĩa giúp chúng ta vượt lên các thăng trầm của đời sống hàng ngày. Các giá trị làm cho tôi đứng vững thì quan trọng hơn là…” Chúng tôi không nghe chữ cuối cùng. Tổng thống Emmanuel Macron đi vào trong tòa nhà bằng gạch nơi có các nữ tu nạn nhân vụ tấn công và gia đình của cha Hamel đang chờ ông, giai đoạn cuối của chuyến đi thiêng liêng này, trước khi về với đời sống chính trị xô bồ của thủ đô Paris.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng Giám mục Lebrun, giáo phận Rouen