Linh mục Thomas Reese: “Trump đã quên tất cả mọi thứ!”

1146

Linh mục Thomas Reese, tiến sĩ khoa học chính trị, 71 tuổi, Đại học Dòng Tên Gonzaga, Washington. Sébastien Micke / Paris Match

parismatch.com, Caroline Pigozzi gởi từ Mỹ, 2017-04-23

Linh mục Thomas Reese, một trong các tu sĩ Dòng Tên được biết nhiều nhất ở Mỹ, linh mục là chuyên gia về tự do tôn giáo của Tổng thống Obama, cha nói với chúng tôi về Tổng thống Donald Trump, cựu học sinh Dòng Tên.

Paris Match. Donald Trump học hai năm ở trường Dòng Tên, giữa năm 1964 và 1966.

Cha Reese. Vào thời điểm đó, thanh niên trẻ Donald Trump đã thực sự ở trong tường Dòng chúng tôi ở New York, Trump là sinh viên của năm 1 và năm 2 ở Đại học Fordham, trong khuôn viên của Rose Hill. Tuy nhiên, điều này có vẻ ngạc nhiên vì giáo dục và di sản Dòng Tên có vẻ như không còn lại gì ở nơi ông.

Nhưng tại sao lại có chọn lựa này?

Tôi nghĩ nếu Donald Trump đến trường Đại học trong khu vực Bronx, với các tòa nhà theo phong cách tân Gôtic là vì ở đây có một trong những thư viện quan trọng nhất của nước Mỹ, và nhất là ông ở New York, cha mẹ ông có phương tiện để cho con vào học ở trường đại học tư. Hai năm, nhưng anh đã nổi bật giữa đám sinh viên vì anh có xe riêng, anh ở trong câu lạc bộ chơi golf trên sân cỏ tuyệt hảo và thắng các trận bóng squash. Dù không phải dễ dàng để được nhận vào trường Fordham, vì các kỳ thi rất nghiêm ngặt, nhưng cũng còn dễ hơn vào các đại học Harvard, Yale, Princeton hay Berkeley…

“Một số các cựu sinh viên của chúng tôi đã thành công trên thương trường, nhưng một vài năm sau họ chỉ thấy một hạnh phúc tương đối khi đứng trước hình thức chủ nghĩa hiện sinh vật chất này”

Nhưng Donald Trump không phải là người công giáo?

Ông theo Tin Mừng kitô giáo. Chỉ một nửa sinh viên của chúng tôi là công giáo và chúng tôi chỉ dạy đạo công giáo cho những sinh viên nào muốn học. Cũng có các giờ học các tôn giáo khác, kể cả phật giáo. Trường cũng có các tuyên úy tin lành, do thái, hồi giáo…  Không có gì bắt buộc ở trường chúng tôi, chúng tôi cũng không bắt buộc sinh viên đi lễ. Chúng tôi chỉ đề nghị một tiến trình thiêng liêng, các cuộc tĩnh tâm và tổ chức các nhóm cầu nguyện trong bầu khí kitô giáo và tinh thần Dòng Tên.

Trump có giữ đạo không?

Còn nhỏ, ông theo cha mẹ đi lễ chúa nhật ở nhà thờ Marble Collegiate Church, một giáo xứ thuộc giáo phái Calvin ở Manhattan, nơi ông nghe các bài giảng của mục sư Norman Vincent Peale, người rao giảng “lòng tự tin có thể giải quyết tất cả”. Mục sư Peale là tác giả quyển “Sức mạnh của tư duy tích cực”, tác phẩm bán được 5 triệu ấn bản. Một tác phẩm pha trộn tâm lý bình dân, thần học của thành công và loan báo một ”Phúc Âm của sự thịnh vượng”. Trong số mười điều răn ông rao giảng, ông tuyên bố, “để bảo đảm sự thành công vật chất, bạn phải thấm mình vào tầm nhìn như tầm nhìn của một người đã thành công, giảm thiểu tối đa các trở ngại và không bao giờ nghĩ đến thất bại”. Đó là sự hấp dẫn của Tin lành, đã từ đó làm nên tài sản cho các nhà rao giảng Tin lành. Triết lý hiện sinh này rõ ràng đã in dấu mạnh trên Trump, người cũng đã hai lần kết hôn ở chính nhà thờ này.

Thanh niên trẻ Donald Trump sống ở Loyola Hall, một tòa nhà khắc khổ trong khuôn viên Rose Hill của đại học Fordham, New York. © Benjamin Petit

Đâu là ảnh hưởng của Dòng Tên?

Chúng tôi chủ trương làm việc vì lợi ích chung, giúp tha nhân, có tinh thần cố gắng, hy sinh, kỹ luật, và làm giàu không phải là cùng đích nhưng dùng phương tiện mình có để phục vụ người khác, đặc biệt là những người khốn cùng, những người sống bên lề…  Cho đến bây giờ, tôi không thấy bất cứ điều gì trong các giá trị này nơi ông Donald Trump. Tuy nhiên, nếu qua bao nhiêu thế kỷ, chúng tôi đã truyền được các giá trị này cho hàng ngàn thanh niên trẻ ở trên nhiều đất nước, thì đó không có gì là huyền diệu cả. Chúng tôi không biến các học sinh của mình thành thánh! Chúng tôi chỉ cố gắng cho họ một giáo dục theo tinh thần kitô giáo để họ phát triển, trong một bầu khí theo khả năng tiếp nhận của từng người. Một trong các khẩu hiệu của các đồng nghiệp của tôi là: “Trang bị cho cuộc sống”. Dĩ nhiên bà có thể nói với tôi rằng, các tu sĩ Dòng Tên đã dạy cho Fidel Castro làm cách mạng ở Cuba. Chắc chắn giảng dạy của chúng tôi là nhắc nhở làm sao để đưa đất nước ra khỏi cảnh bất công xã hội. Xét về mặt nhân quyền và dân chủ, Castro đã không học thuộc các bài học của chúng tôi!

Một người khắc khổ như cha, không phải là khổ nếu cha có một tổng thống tỉ phú đó sao?

Bà muốn nói bóng gió ông có thể cho người Mỹ triều tổng thống của ông sao! Câu hỏi đặt ra không ở trong nghĩa này. Đây không phải là nói đến các phương tiện cá nhân khổng lồ của ông, nhưng là cơ cấu tài sản của ông trải dài ra đến vô số lãnh vực: cao ốc, văn phòng, khách sạn, ngành du lịch, sân golf, hàng không, vườn nho, kỹ thuật truyền thông nghe nhìn, ngành may mặc, nước hoa… Làm thế nào, khi lãnh vực hoạt động của mình đa dạng và khi mình đảm đương trách nhiệm cao nhất đất nước mà không có một tầm ảnh hưởng nào trên tiến trình các sự kiện, thương mãi, kinh tế, thị trường tài chính như trường hợp của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi? Rất hiếm các tổng thống Mỹ gần đây xuất thân từ gia đình khiêm tốn, ngoại trừ Lyndon Johnson và Barack Obama, còn các tổng thống Kennedy, Bush cha và Bush con đều là những người giàu có. Tuy nhiên tài sản của họ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của họ.

“Thái độ của Trump đối với người di dân là một thảm họa”

Cha không nhắc đến Nelson Rockefeller?

Đây là một trường hợp thú vị vì cháu của nhà sáng lập công ty xăng dầu Standard Oil, thống đốc thành phố New York từ năm 1959 đến 1974, làm phó tổng thống Mỹ một thời gian ngắn, ba lần ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, ông biết phân biệt tài sản cá nhân, cổ phiếu và trái phiếu với chức vụ của ông và ông quản lý chúng một cách độc lập.

Tại sao tín hữu kitô bỏ phiếu hàng loạt cho Trump?

Trước khi tranh cử, Trump đã đặc biệt ủng hộ việc phá thai. Nhưng khi ông tranh cử thì ông ủng hộ các biện pháp chống phá thai để thu hút phiếu của các cử tri công giáo và tin lành, đó là các cử tri ở các Tiểu bang miền Nam không thích Obama và không chịu đựng được giới ưu tú trong các môi trường đại học, các trí thức, các phương tiện truyền thông và vòng tương tác cầu kỳ của Washington và của New York… ngắn gọn, của hệ thống, xa với các mối lo của người dân ở các tỉnh nhỏ và ở nông thôn. Một cách đơn giản, các người công giáo cũng như tin lành da trắng gần như bình đẳng với nhau, với những người có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và các người khác, một nửa theo dân chủ, một nửa theo cộng hòa và người công giáo cũng như tin lành bầu cho Đảng Cộng hòa.

Ở Học viện Quân sự ở New York, nơi Trump hoàn thành chương trình học của mình, ông ở trong đội bóng volley-ball (người đứng giữa). © DR

Kể từ thời văn hào Pháp Voltaire, các tu sĩ Dòng Tên phát triển một sở thích quyền lực và khoa hùng biện!

Chuyện phức tạp hơn. Các tu sĩ Dòng Tên biết quyền lực và sức khỏe là những chuyện thiết yếu, và phải dùng khoa hùng biện để giúp người khác làm cho thế giới tốt hơn, chứ không phải để thỏa mãn tham vọng cá nhân, vinh quang cá nhân. Hỗ trợ người yếu đuối, đấu tranh cho hòa bình, bây giờ các tu sĩ Dòng Tên cũng đảm trách vấn đề môi sinh, vì môi sinh trở nên một thách đố lớn. Đã có một số lớn cựu sinh viên của chúng tôi thành công trên đường kinh doanh, sau vài năm họ chỉ tìm thấy một hạnh phúc tương đối đứng trước hình thức chủ nghĩa chuộng vật chất này, họ về lại với chúng tôi trong cương vị giáo sư, họ dấn thân làm việc trong các cơ quan Phi Chính Phủ, thậm chí còn đi cổ động cho hòa bình trong các tổ chức thiện nguyện Dòng Tên của chúng tôi.

Thực chất, Trump đã đánh lừa cử tri công giáo?

Các suy nghĩ của Trump về người di dân, trong số này có rất nhiều người công giáo ở Trung Mỹ và Châu Mỹ La Tinh, là một thảm họa cho giới tu sĩ công giáo Mỹ. Những người này luôn giúp đỡ người di dân, dạy anh văn, cho họ tạm cư, săn sóc họ, giúp họ làm giấy tờ, tìm nhà cửa cho họ, khuyến khích họ hội nhập vào xã hội. Suốt quá trình dài lịch sử của chúng tôi, chúng tôi luôn có các phong trào khủng khiếp như phong trào chống người Do Thái, người da Đen, người công giáo và chung chung là người nước ngoài. Một hình thức kỳ thị mà chúng ta thường có khuynh hướng bỏ quên. Một thái độ thù nghịch đối với người di dân mà con số năm nay sẽ quyết liệt giảm xuống từ 110 000 còn 36000.

Tôn giáo có quan trọng trong nước của cha không?

Ít hơn trước. Tuy nhiên có 20% người Mỹ đi đến nơi thờ phượng của họ hàng tuần. Công giáo, tin lành, chính thống giáo, do thái giáo, hồi giáo đến nhà thờ, đền thờ, nguyện đường dù có một sự giảm sút đặc biệt nơi người trẻ. Không phải vì họ là người vô thần hay theo thuyết bất khả tri, nhưng nói chung họ ít quan tâm đến tôn giáo, nhất là với người công giáo và tin lành mà họ cho là quá khắt khe đối với người đồng tính. Vì thế, các thế hệ trẻ có nhiều bạn bè đồng tính ở trường trung học hay đại học hiểu sai cương vị các linh mục của họ. Sự thiếu khoan dung này đẩy họ xa Giáo hội.

“Đức Phanxicô có hơn 80% người Mỹ đứng sau lưng mình. Không một nhà lãnh đạo nào có được con số này”

Người Mỹ cũng đã có một Tổng thống John Kennedy là người công giáo, có Tổng thống Bill Clinton là cựu học sinh Dòng Tên!

Đúng vậy, Bill Clinton giữ một quan hệ tuyệt vời với Dòng Tên, sau bốn năm học ở Georgetown, một đại học Dòng Tên, ông là người hỗ trợ tích cực và nồng nhiệt cho Dòng Tên. Ông là một học sinh gương mẫu, đã làm cho một trong các linh mục của chúng tôi mời ông ăn trưa, để hỏi có ai cũng xuất sắc, chăm chỉ và tế nhị chưa từng có như ông nghĩ đến việc đi tu Dòng Tên không. Bill Clinton trả lời, “con theo đạo tin lành”. Và câu chuyện được loan truyền trong nhà chúng tôi. Điều đó không ngăn ông không gần linh mục luật gia Dòng Tên Fred Kammer mà hai vợ chồng Clinton luôn gần kể từ khi họ học chung với nhau.

Cha đã được Tổng thống Obama bổ nhiệm vào Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế trên thế giới. Cha nói gì về người kế nhiệm Obama?

Trước hết, ông là người đứng đầu một quốc gia tự do mạnh nhất Quả đất và vì thế ông phải dùng sức mạnh và sự tỏa lan quốc tế này để làm cho thế giới tốt hơn, chứ không phải chỉ bao quanh các bạn bè giàu của ông và quên người nghèo.

Cha là một tu sĩ Dòng Tên rất có ảnh hưởng ở Mỹ, lời của cha có thẩm quyền vượt ranh giới của người công giáo. Vậy Giáo hoàng Dòng Tên có bao nhiêu “binh đoàn” ở Mỹ?

Đức Phanxicô có hơn 80% người Mỹ đứng sau lưng ngài. Ở Quốc hội, tổng thống cũng chỉ có 40% tiếng nói. Dù các người trẻ xa tôn giáo nhưng họ cũng rất quý trọng Đức Giáo hoàng, vì ngài làm cho Giáo hội trở nên hấp dẫn hơn. Vấn đề là dù tính cách lôi cuốn và cá tính của ngài đưa họ quay về với Giáo hội nhưng các linh mục của chúng ta với các bài giảng nhàm chán và quá cứng ngắt của họ đã làm cho các thế hệ trẻ xa Chúa mãi mãi, để cuối cùng họ hỏi: “Quỷ ma, mấy người công giáo đi xuống hỏa ngục hết đi!” Còn đối với 2250 tu sĩ Dòng Tên Mỹ – trên thế giới chúng tôi 16 400 -, chúng tôi tự hào có giáo hoàng Dòng Tên, ngài đã đặt người nghèo, người tị nạn, người sống bên lề lên ưu tiên hàng đầu. Ơn gọi đầu tiên của giáo hoàng, nếu tôi dám nói đó là “nghề” của ngài, và trên vấn đề này, một vài vị tiền nhiệm của ngài trước đây đôi khi đã hơi quên một chút!

Marta An Nguyễn dịch