Quỳ gối cầu nguyện

978

jacquesgauthier.com, Jacques Gauthier, 2017-03-07

Quỳ gối cầu nguyện, là thân thể cúi mình và quả tim dâng hiến. Cách cầu nguyện này rất hợp với Mùa Chay, diễn tả tấm lòng vâng phục Chúa, thờ lạy, khiêm tốn và ăn năn. Đó là thái độ biểu lộ đức tin tiêu biểu nhất. Kịch sĩ, danh hài quá cố Raymond Devos đã nói trong một vở kịch của ông: “Khi tôi quỳ gối, tôi hiểu tôi có đức tin.”

Chân phước Charles de Foucauld cũng quỳ gối trước khi tuyên xưng và tìm lại đức tin. Biết bao nhiêu là bài suy niệm được viết sau khi quỳ gối trước Thánh Thể.

Nữ danh ca Édith Piaf, tin chắc mình được Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu chữa lành bệnh khi bà còn nhỏ và bà đã cầu nguyện với Thánh Têrêxa mỗi ngày. Bà quỳ gối cầu nguyện và khi quá yếu, bà xin giúp để bà được quỳ cầu nguyện.

Thờ lạy và khiêm tốn

Quỳ cầu nguyện, cũng như mọi tư thế thân thể khác không phải là không có ý nghĩa riêng của nó. Đó là hành vi thờ phượng và ăn năn đòi hỏi phải có một mức độ khiêm tốn nào đó. Khiêm tốn là thái độ nền tảng trong khi cầu nguyện vì chúng ta nhận mình là tạo vật trước mặt Thiên Chúa và chờ ở Ngài tất cả. Chúng ta trở nên tự do vì chúng ta biết cái hữu hạn của thân phận con người. Chúng ta biết Chúa là tất cả của chúng ta và chúng ta chẳng là gì nếu không có tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Quỳ gối là sát với đất, là khiêm tốn, là hướng nội cần thiết cho việc thờ phượng.

Thờ phượng, tiếng Hy Lạp là proskynein nói lên quỳ gối và cúi rạp. Gấp đầu gối  trước mặt Chúa là khiêm tốn nhận mình chờ ở Chúa tất cả. Đó là lời cầu nguyện của tiên tri Đanien: “Mỗi ngày ba lần, ông quỳ gối cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa của ông, y như ông đã làm từ trước đến nay.” (Đn 6, 11).

Quỳ gối trước huyền nhiệm

Quỳ gối là cách cầu nguyện của con người, khi đứng trước huyền nhiệm, con người tự đặt mình quỳ gối xuống cầu nguyện. Nữ Thánh Bernadette Soubirous quỳ gối xuống ngay khi thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức. Cô Etty Hillesum, người Do Thái trẻ sống kinh nghiệm của một sự viếng thăm thần thánh, làm cô quỳ gối xuống trong nhà, trong khi cô không nhận một giáo dục tôn giáo nào. Cô viết trong Nhật ký của mình “chuyện của cô gái không biết quỳ gối”, khi cô nói đến quỳ gối như một hành vi mật thiết của tình yêu. Cô chết ở trại tập trung Auschwitz ngày 30 tháng 9 năm 1943 khi mới 29 tuổi.

Chính Chúa Giêsu cũng quỳ gối khi cầu nguyện. Được Thần Khí dẫn dắt, Chúa Giêsu đã có một cuộc đấu tranh khủng khiếp ở Vườn Giétsêmani. Bị sỉ nhục và bị đau khổ, Ngài quỳ xuống và phó thác theo thánh ý Chúa Cha. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (Lc 22, 42).

Trước sự hạ mình của Thiên Chúa xuống thế làm người để mặc khải cho chúng ta trên thập giá, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta quỳ gối trước mặt Ngài thì Ngài lại quỳ gối trước mặt chúng ta. Thiên Chúa hạ mình đặt chúng ta lên cao trong cái nhìn của Đấng Sống Lại đã cuốn hút Thánh Phaolô, ngài đã kêu lên: “Khi nghe Tên Giêsu, muôn vật phải bái quỳ” (Ph 2, 10).

Trong phụng vụ kitô giáo, chúng ta quỳ xuống trước Thiên Chúa ba lần thánh như hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Đấng ngự trên ngai mà thờ lạy Người, Đấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời (Kh 4, 10).

Cúi sâu mình

Một tư thế gần với quỳ gối là cúi sâu mình, nói lên lòng tôn kính thờ phượng sâu đậm và lòng khiêm nhường: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên chúng ta” (Tv 94, 6).

Các tu sĩ Dòng Đa Minh ngạc nhiên trước cách vị sáng lập Dòng của họ cầu nguyện với tất cả thân thể, ngày cũng như đêm, ngài nghiêng mình, quỳ gối, cúi lạy, khóc lóc. Lời cầu nguyện của ngài là một ước mong lâu dài được thực hiện với quỳ gối, cúi mình và nước mắt.

Hành vi nghiêng sâu mình gần với quỳ gối vẫn còn duy trì trong các tu viện. Và vẫn còn trong các nhà thờ khi chúng ta đi qua nhà tạm nơi có đặt Mình Thánh Chúa. Đó là dấu chỉ sự tôn kính Chúa Kitô vì yêu thương chúng ta mà xuống thế làm người. Đó cũng là dấu chỉ lòng tạ ơn vì tất cả lời cầu nguyện kitô giáo khởi đi từ Chúa Kitô và dẫn đến Ngài.

“Tôi tin vào giá trị vô tận của thân thể con người và tin vào sự vĩnh cửu của nó. Tôi tin Thiên Chúa là Sự Sống và bí mật của thân thể như Ngài đã mặc khải nơi Ngài. Tôi tin Thiên Chúa xuống nơi thân thể cũng như Ngài xuống thế làm người. Tôi tin thân thể chỉ trở nên chính nó khi nó mở ra chiều kích huyền bí đã nhân cách hóa nó và tránh tất cả mọi chiếm giữ. Tôi tin tình yêu là một bí tích phải quỳ gối xuống nhận. Như thế Thiên Chúa là Thiên Chúa của các thân xác, cũng như thân xác chúng ta được gọi để trở nên thân xác của Chúa, để cho nước mắt vào vào sự đau đớn của Ngài và hơn nữa để làm chúng ta nhạy cảm với: nụ cười của một tình yêu Tốt Lành. (Maurice Zundel, Vivre Dieu, Presses de la Renaissance, 2007, p. 197).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch