Chương 12- Đặt lòng tin tưởng của mình vào Chúa và nơi tạo vật của Ngài

331

Chương 12- Đặt lòng tin tưởng của mình vào Chúa và nơi tạo vật của Ngài

Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016

Một tu sĩ Dòng Phan Sinh, một tu sĩ Dòng Đa Minh và một tu sĩ Dòng Tên đi chơi golf. Mọi sự tốt đẹp cho đến khi họ phải chờ một nhóm nhỏ chơi rất chậm và không để ai đi qua. Bực mình, ba tu sĩ của chúng ta đi gặp người có trách nhiệm sân golf để hỏi sự tình. Người đó giải thích, đó là một nhóm người mù tập chơi golf. Mỗi người mù chơi với một người sáng mắt và người này hướng dẫn người mù chơi. Tu sĩ Dòng Phan Sinh rất cảm kích trước sự tận tụy của những người này. Cha xin lỗi vì mình đã mất kiên nhẫn và cho biết, mình cảm nghiệm tấm gương này để cầu nguyện và để lo cho người nghèo.

Tu sĩ Dòng Đa Minh cũng xúc động trước sáng kiến này. Cha cho biết mình sẽ giảng về chuyện này và chuyện này khuyến khích chính mình làm tốt hơn cho những người trong hoàn cảnh thiếu thốn.

Tu sĩ Dòng Tên cũng rất xúc động. Cha mời người phụ trách sân golf ra nói chuyện riêng, cha khuyến khích anh kiên trì trong công việc của mình. Tuy nhiên cha nói thêm một nhận xét nhỏ:

– Có phải tốt hơn cho mọi người là mình làm chuyện này sau khi mặt trời lặn không?

Năm 1539, khi cùng với các đồng hữu sáng lập Dòng Tên, Thánh I-Nhã đã có đàng sau mình một tiến trình đi tìm con đường thiêng liêng đã hai mươi năm. Bản chất huyênh hoang và tìm tòi để thấm hiểu, ngài trở nên chín chắn và trở thành người khiêm tốn đi tìm Chúa. Sau khi ngã và đứng dậy không biết bao nhiêu lần, Thánh I-Nhã  khám phá ra mục đích của đời mình: tìm và thấy Chúa trong mọi sự để luôn phục vụ Chúa được tốt hơn. Bằng lời, và nhất là bằng hành động.

Điểm nổi bật của Thánh I-Nhã là ngài tin tưởng tuyệt đối vào Chúa: «Đặt lòng tin tưởng của bạn vào Chúa, xem như kết quả công việc của bạn tùy thuộc vào bạn  chứ không vào Chúa; dấn thân mình trọn vẹn, như chẳng có gì thành tựu là do bạn nhưng hoàn toàn do Chúa.» Lòng tin tưởng của Thánh I-Nhã vào Chúa là tuyệt đối. Cũng lớn như ý thức của ngài, rằng con người trách nhiệm cho chính sự hợp tác của mình vào Nước Chúa. Để làm được điều này, mọi phương tiện – miễn là được cho phép – đều được dùng: «Bạn không thể nào tránh né chỉ vì sợ điều đó bị lợi dụng, mà thực chất nó không phải là chuyện xấu. Nếu bạn làm, bạn đã loại đi trước một sự tăng trưởng đáng kể cho vinh quang của Chúa.»

Chúng ta cũng có thể khám phá những con đường còn xa lạ nhưng đôi khi rất lạ lùng. Chính vì thế, vào thế kỷ 17, các tu sĩ Dòng Tên đã mang bộ môn kịch nghệ vào dạy ở các trường của mình, khi vào thời đó, Giáo hội và các nhà tư tưởng còn cho rằng, bộ môn này là một sinh hoạt suy đồi và không nghiêm chỉnh. Các linh mục của trường đã xác quyết rằng, khả năng mô phạm của bộ môn kịch đủ quan trọng để vượt lên sự cấm kỵ này. Khi đó họ không ngần ngại dùng phương tiện này để nhân bản hóa (humaniora) có nghĩa là giúp các học sinh tăng trưởng trong tình nhân loại. Và các cha Dòng Tên đã chọn lựa kỹ các vở kịch để dạy hoặc chính họ tự viết.

Để rõ ràng trong các mục đích làm sáng tạo của họ và tự do trong sự chọn lựa các phương tiện. Các lập luận như: «Chúng tôi chưa bao giờ làm vậy» hoặc: «Chúng tôi luôn luôn làm như vậy» không có tác động mạnh khi họ muốn đưa ra các thay đổi mới.

Khi đã lớn tuổi, một ngày nọ, một đồng hữu của Thánh I-Nhã hỏi ngài, nếu trường hợp Đức Giáo hoàng bỏ Dòng Tên, công trình của cả một đời người của Thánh I-Nhã, thì ngài sẽ làm sao. Thánh I-Nhã trả lời ngay: «Tôi sẽ vào nhà nguyện mười lăm phút, tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi một ơn mới, và tôi bắt tay vào một việc khác.» Đó là tự do nội tâm cao lớn của ngài, tin tưởng vào Chúa và vào khả năng dấn thân vào công việc khác của mình. Một phương tiện là một phương tiện, và nó chỉ là một phương tiện. Khi một phương tiện cho thấy chưa thích đáng hay lỗi thời, bạn chỉ đơn giản đi tìm một phương tiện khác tốt hơn để tiếp tục làm công việc loan báo Tin Mừng.

Marta An Nguyễn chuyển dịch