Kháng cự Tình yêu

430
Kháng cự Tình yêu

Ronald Rolheiser, 31 Tháng Mười 2016

Làm người thật không hề đơn giản. Chúng ta thường là một bí ẩn với ngay chính bản thân mình, thậm chí là kẻ thù tồi tệ nhất của mình. Sự phức tạp nội tâm làm trì trệ, và còn cản trở chúng ta. Và chúng ta thấy điều này thật nhất trong nỗ lực vì tình yêu và sự mật thiết.

Chúng ta khao khát sự mật thiết hơn bất kỳ điều gì, khao khát được chạm đến nơi dịu dàng nhất của mình, nơi chúng ta được là chính mình nhất, nơi chất chứa những gì quý giá nhất, mỏng manh nhất, và khắc khoải nhất của chúng ta. Nhưng khi thực sự đối diện với sự mật thiết, những người nhạy cảm thường trở nên bất an và kháng cự.

Chúng ta thấy hai ví dụ rất rõ trong Phúc âm. Thứ nhất là câu chuyện có cả trong bốn Phúc âm, kể về một người phụ nữ đi vào phòng nơi Chúa Giêsu đang dùng bữa, và đập vỡ một lọ dầu thơm đắt giá, đổ lên chân Chúa, rửa chân Ngài bằng nước mắt, rồi lấy tóc lau khô, và hôn chân Ngài. Trừ Chúa Giêsu, những người trong phòng đã có phản ứng thế nào? Khó chịu và phản đối. Chuyện này không được xảy ra! Mọi người ngoảnh mặt đi trước sự bày tỏ nguyên sơ của tình yêu, và Chúa Giêsu phải thách thức họ nhìn thẳng vào nguyên cớ gốc rễ của sự khó chịu đó.

Trong đó, Chúa chỉ ra rằng họ khó chịu với những gì nằm ở trung tâm cuộc sống và trung tâm những khát khao thâm sâu nhất của họ, chính là sự trao đi và đón nhận thuần túy trước tình yêu. Chúa Giêsu xác nhận, đây chính là mục đích chúng ta sống và đây là cảm nghiệm chuẩn bị cho chúng ta đi đến cái chết. Đây là mục đích sống của chúng ta. Đây cũng là điều chúng ta mong mỏi nhất? Vậy tại sao chúng ta lại quá khó chịu và kháng cự khi thật sự đối diện với nó trong đời?

Ví dụ thứ hai là trong Phúc âm theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu cố rửa chân cho các môn đệ. Theo thánh Gioan kể lại, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, thắt tà áo, lấy một chậu và khăn, rồi bắt đầu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng đáp lại là một sự khó chịu và kháng cự, khi Phêrô nói rõ ràng rằng: “Không bao giờ! Thầy không bao giờ rửa chân cho con!”

Tại sao lại thế? Tại sao lại kháng cự? Tại sao lại kháng cự khi đối diện với điều mà chắc chắn là Phêrô khao khát vô cùng, đối diện với sự mật thiết với Chúa Giêsu.

Trả lời cho câu hỏi về những đấu tranh với sự mật thiết trong hai bối cảnh này, cho chúng ta thấy ra lý do vì sao thỉnh thoảng chúng ta trở nên khó chịu và kháng cự khi thực sự đối diện với điều chúng ta khắc khoải mong mỏi. Bàn chân của chúng ta là sự mật thiết quá mức, chúng là một phần thân thể dễ dơ bẩn và bốc mùi, không phải là phần chúng ta thấy thoải mái để người khác chạm đến. Khi có ai đó chạm đến và rửa cho, chúng ta có cảm thấy một sự mỏng manh, khó khịu và hổ thẹn mơ hồ. Mật thiết cần sự thả lỏng thanh thản, mà đôi khi tính mỏng manh của chúng ta không thể chấp nhận.

Nhưng sự kháng cự của Phêrô cũng nói lên một sự khác, dễ thấy hơn. Nếu lành mạnh và nhạy cảm, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy một sự khó chịu và kháng cự trước một món quà quá thẳng thắn, một sự mật thiết quá thẳng thắn, và cả lòng biết ơn quá thẳng thắn nữa. Và trong khi rõ ràng chúng ta phải cố gắng để vượt qua chuyện đó, nhưng đấy không phải là một lỗi phạm, một sai sót tinh thần hay thể lý của chúng ta. Ngược lại, nó là một biểu hiện bình thường, là dấu hiệu của sự nhạy cảm tinh thần và thể lý. Tại sao tôi lại nói thế?

Tại sao khi có điều gì đó dường như ngăn chúng ta tiến tới điều căn bản của cuôc đời, lại không phải là chuyện gì sai trái trong chúng ta? Tôi cho rằng nó không phải là một sai lỗi nhưng là một cơ chế lành mạnh trong chúng ta, bởi những người ái kỷ và vô cảm, thường miễn nhiễm với sự khó chịu và kháng cự này. Sự ái kỷ khiến họ không còn biết xấu hổ, và sự vô tâm khiến họ dễ dàng thoải mái với sự mật thiết, cũng kiểu như một người đã quá chán tình dục nên chẳng thấy khó chịu gì khi xem phim khiêu dâm, hay như một người xem mật thiết như là chuyện mình dĩ nhiên phải có, dù là do ngẫu nhiên hay chiếm đoạt. Trong trường hợp này, họ chẳng thấy hổ thẹn hay khó chịu gì, bởi họ không có sự mật thiết đích thực.

Ngược lại, những người nhạy cảm thì đấu tranh với sự thẳng thừng của mật thiết, bởi họ biết, sự mật thiết đích thực, cũng như thiên đàng, không phải là chuyện chóng qua hay thứ dễ đạt được. Mà mật thiết là cuộc đấu tranh cả đời, một cuộc trao đi và nhận lãnh với nhiều biến cố, một cuộc trốn và tìm, mở ra và kháng cự, ngây ngất và cảm thấy mình không xứng đáng, chấp nhận và lại cố gắng không thực sự từ bỏ, một sự vị tha vẫn còn dư vị ích kỷ, một sự ấm áp đôi khi trở nên lạnh lẽo, một sự dấn thân vẫn có điều kiện, và một hi vọng nỗ lực để đứng vững.

Mật thiết không như thiên đàng. Mà là sự cứu rỗi. Là Nước Trời. Do đó cũng như Nước Trời, con đường đến và cánh cửa vào thì nhỏ hẹp và không dễ tìm thấy. Nên chúng ta hãy ân cần, nhẫn nại và tha thứ cho người khác và cho bản thân mình, khi trên đường đấu tranh tìm sự mật thiết.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch