Đức Phanxicô xin các ký giả đừng tập trung vào các tin xấu

192

fr.aleteia.org, 2017-01-24

Sáng thứ ba 24 tháng 1-2017, nhân  kỷ niệm lần thứ 51 Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội và cũng là ngày kính Thánh Phanxicô Salê, bổn mạng các ký giả, Đức Phanxicô kêu gọi các ký giả thông tin một cách xây dựng, bỏ các thành kiến và bứt cái vòng luẩn quẩn của lo lắng và sợ hãi.

Một thông tin xây dựng hơn

Đức Phanxicô viết: “Tôi mong lời nhắn này đến với các ký giả và khuyến khích những ai trong môi trường nghề nghiệp của mình hoặc trong các quan hệ cá nhân mỗi ngày có nhiệm vụ viết tin tức để mang tin nóng nổi đến cho độc giả. Tôi mong mỗi người loan tin trong tinh thần xây dựng, loại bỏ thành kiến đối với người khác, làm thuận lợi cho văn hóa gặp gỡ, qua đó chúng ta học để tin tưởng nhìn vào thực tế”.

Đức Giáo hoàng xác quyết “phải bẻ gãy vòng luẩn quẩn của lo âu và sợ hãi, hậu quả của việc tập trung vào các tin xấu như chiến tranh, khủng bố, các vụ tai tiếng, các tin đủ mọi thể loại của sự thất bại”. Ngài nói thêm: “ Chắc chắn đây không phải cổ động để bóp méo thông tin, nơi thảm kịch của con người bị phớt lờ, cũng như không rơi vào loại lạc quan ngây ngô để không đụng đến các chuyện tai tiếng xấu xa”.

Một phong cách truyền thông mới

Điều Đức Giáo hoàng mong muốn, điều mọi người đi tìm là “vượt lên sự bất bình và cam chịu mà chúng ta thường bị vướng vào, làm chúng ta lãnh đạm là gieo nổi sợ hoặc cảm nhận mình không thể chống được các giới hạn của sự dữ”. Theo Đức Phanxicô, trong một hệ thống truyền thông bị thống trị “bởi lý lẽ cho rằng, tin tốt không ăn khách và như thế không phải là một tin, rằng tin bi thảm và bí ẩn của sự dữ mới câu khách thì lương thức con người dễ bị tê cứng hoặc bị rơi vào tuyệt vọng”.

Vì thế ngài khuyến khích có một phong cách mới để truyền thông. Một phong cách “cởi mở và sáng tạo , không bao giờ để cho sự dữ đứng hàng đầu, lúc nào cũng tìm các giải pháp khả dĩ để có một tiếp cận tích cực và có trách nhiệm đối với độc giả, khán giả”.

“Cặp mắt kiếng” của kitô hữu

Đức Phanxicô giải thích: “Đời sống con người không phải chỉ là một chuỗi các biến cố đã được khử trùng, nhưng là một câu chuyện, một câu chuyện chờ được kể với sự chọn lựa các dữ kiện nào quan trọng nhất”. Thực tế chính nó không mang ý nghĩa đơn độc, vì “tất cả tùy theo cái nhìn, qua cái nhìn này nó được nắm bắt, tùy vào “mắt kiếng” của mình, qua mắt kiếng này chúng ta chọn cách để nhìn thực tế”. Đối với kitô hữu, “phải có mắt kiếng thích ứng để giải mã thực tế, và mắt kiếng đó chỉ có thể là mắt kiếng của Tin Mừng, tiêu biểu là: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”.

Theo Đức Phanxicô, “một tin không phải là tin vì không đau khổ, nhưng vì đau khổ được sống theo nghĩa rộng hơn, như một phần nằm trong tình yêu của mình đối với Chúa Cha và với nhân loại. Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã tương trợ với tất cả trạng huống của con người, chứng tỏ cho chúng ta biết, chúng ta không ở một mình vì chúng ta có Người Cha không bao giờ quên con cái mình”.

Trong nhãn quan này, “mọi bi kịch xảy đến trong lịch sử nhân loại đều có thể trở nên một tin mừng vì tình yêu luôn tìm con đường gần gũi và làm cho tâm hồn xúc cảm, làm cho gương mặt phấn chấn, làm cho bàn tay sẵn sàng xây dựng”. Người đưa tin được mời gọi để “làm sáng tỏ tin vui nơi thực tế của từng câu chuyện, từng gương mặt của mọi người”.

Con mắt, ngọn đèn của thân thể

Đức Giáo hoàng kết luận: “Hy vọng là đức tính khiêm tốn nhất trong các đức tính, bởi vì nó vẫn còn được ẩn giấu trong các nếp của của đời sống, như men làm dậy bột”. Chúng ta vun xới nó “bằng cách đọc và đọc Tin Mừng, Tin Mừng đã in dấu trong đời sống các thánh, những người đã trở nên biểu tượng cho tình yêu của Chúa”.

Khi đọc thư Đức Phanxicô gởi báo chí, Đức Ông Dario Vigano, chủ tịch Quốc vụ Viện Truyền thông đã nhắc đến cuốn phim Rất xa, rất gần (Wim Wenders) mở đầu bằng đoạn Phúc Âm Thánh Mátthêu: “ Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối”. (Mt 6, 22).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch