Chúa Kitô Thượng Tế đã dâng hiến chính mình cho chúng ta, đang cầu nguyện cho chúng ta, và sẽ trở lại để đưa chúng ta về với Cha. Đây là ba nét trong chức tư tế của Chúa Kitô mà Đức Giáo hoàng Phanxicô suy niệm trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 23-01 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Đức Thánh Cha lấy ý bài giảng từ bài đọc một trích Thư gởi tín hữu Do Thái, nói về Chúa Kitô như là Trung gian của Giao ước mà Thiên Chúa lập với con người. Chúa Giêsu là Thượng tế, và chức tư tế của Chúa Kitô là điều tuyệt vời nhất, bởi nhờ đó mà chúng ta được hát lên bài ca mới dâng lên Chúa, như trong đoạn Thánh vịnh đáp ca đã nói.
Chức Tư tế của Chúa Kitô có ba giai đoạn: Chúa Kitô đã dâng hiến chính mình, Chúa Kitô chuyển cầu cho chúng ta, Chúa Kitô sẽ lại đến để đưa chúng ta đến với Cha.
Thứ nhất là sự cứu chuộc. Trong khi các tư tế của Cựu Ước phải dâng hy tế hàng năm, thì Chúa Kitô dâng hiến chính bản thân mình, một lần cho mãi mãi, để chuộc lấy ơn tha thứ cho tội lỗi của chúng ta. Với kỳ công này, Ngài đưa chúng ta đến với Cha… Ngài đã tái tạo sự hòa hợp của tạo vật.
Thứ hai là việc Chúa Kitô đang làm cho chúng ta ngay lúc này, Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Trong khi chúng ta đang cầu nguyện ở đây, thì Ngài đang cầu nguyện cho chúng ta, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đang sống bên Chúa Cha, và chuyển cầu cho chúng ta, để những kẻ tin không phải hư mất. Anh chị em rất thường xuyên nhờ các linh mục cầu nguyện cho, bởi chúng ta biết lời cầu nguyện của các linh mục có một sức mạnh, nhất là trong hy tế Thánh lễ.
Thứ ba là Chúa Kitô sẽ trở lại, nhưng đặc tính này không liên hệ với vấn đề tội lỗi, nhưng là để thiết lập Nước Thiên Chúa, là lúc Ngài đưa tất cả chúng ta đến với Cha.
Kỳ quan siêu việt trong chức linh mục của Chúa Giêsu trải qua ba giai đoạn. Là Ngài tha thứ tội lỗi của chúng ta, Ngài đang chuyển cầu cho chúng ta, và Ngài sẽ lại đến.
Nhưng cũng có một sự tương phản, đó là “tội phạm thượng không thể tha thứ.” Thật khó để tin Chúa Giêsu lại nói điều này. Nhưng nếu Chúa đã nói thế, thì đúng là tội như thế. Mà chúng ta biết rằng Thiên Chúa tha thứ tất cả, chỉ cần chúng ta mở lòng mình ra, mở một chút cũng được. Ngài tha thứ tất cả. Tha thứ tội lỗi và cả tội phạm thượng. Nhưng những người phạm thượng đến Thánh Thần thì sẽ không được tha.
Tội phạm thượng không thể tha thứ này, tự nó không để cho mình được tha thứ.
Như các linh mục được xức dầu trong nghi thức truyền chức, Chúa Giêsu đã được xức dầu tấn phong trong dạ Đức Maria khi Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ. Chúa Giêsu Thượng tế đã nhận lấy ấn tín này. Và những người phạm thượng chuyện này, phạm thượng về nền tảng của tình yêu Thiên Chúa là ơn cứu rỗi và sự tân tạo, phạm thượng về chức tư tế của Chúa Kitô, thì không được tha.
“Nhưng chẳng phải Chúa tha thứ cho những người ác độc đó sao?” Có lẽ anh chị em sẽ hỏi vậy. Chúa tha thứ tất cả! Nhưng có những người khép chặt lại với sự tha thứ. Người đó không muốn được tha thứ! Người đó không để mình được tha thứ! Đây là sự xấu xa khi phạm thượng đến Thánh Thần. Nó không để mình được tha thứ, bởi nó khước từ chức tư tế, sự cứu rỗi của Chúa Giêsu được xức dầu tấn phong bởi Thánh Thần.
Thật tốt cho chúng ta, nếu trong thánh lễ này chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu tư tế, khi Ngài hiến dâng mạng sống mình vì chúng ta. Nhìn ra Ngài đang cầu nguyện cho chúng ta. Và Ngài sẽ lại đến, để đưa chúng ta về với Cha, đó chính là hi vọng vinh quang của chúng ta. Trong thánh lễ này, hãy nghĩ về những điều tuyệt đẹp đó. Và hãy xin ơn Chúa để lòng chúng ta không bao giờ bị đóng kín trước kỳ công cao cả và nhưng không này.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng