Bài giảng thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta 17 tháng 1-2017
osservatoreromano.va/fr, 2017-01-17
Người tín hữu kitô nào ý thức “Chúa không làm mình thất vọng” thì người đó luôn có chân trời rộng mở về hy vọng. Dù đứng trước nghịch cảnh, họ cũng không “trì trệ hoặc lười biếng”, không có ý chí đi tới đàng trước. Đó là lời kêu gọi của Đức Phanxicô trong bài giảng sáng thứ ba 17 tháng 1-2017 tại Nhà nguyện Thánh Mácta, ngài nói phải dũng cảm “hạ quyết tâm” làm việc này. Trong bài đọc hôm nay (Dt 6, 10-20), Thánh Phaolô xin tín hữu Do Thái hãy “dũng cảm” và nếu đặt tựa cho bài đọc này, chúng ta có thể đặt: “Anh chị em hãy dũng cảm!”
Về lòng dũng cảm, Sách Thánh nói: “Ước mong mỗi người trong anh chị em có lòng sốt sắng, “dũng cảm đi đến đàng trước”, và lòng sốt sắng này sẽ dẫn anh chị em đi đến hoàn tựu cuối cùng. Chữ dũng cảm là chữ Thánh Phaolô rất thích.
Thánh Phaolô còn viết, “để chúng ta đừng trở nên lười biếng, có nghĩa là để chúng ta đừng can đảm”. Đức Phanxicô đưa ra một hình ảnh cụ thể qua đời sống hàng ngày: “Sống trong tủ lạnh, để mọi sự vẫn y nguyên”. Ngài nói, “các tín hữu lười biếng là các tín hữu không đi tới trước, không đấu tranh để thay đổi sự việc, để thay đổi chuyện mới, những chuyện giúp cho tất cả chúng ta được tốt nếu chúng được thay đổi”.
Đức Phanxicô còn dùng một hình ảnh hiệu quả hơn, “các tín hữu trì trệ”, những người “thấy trong Giáo hội có một chỗ ‘đậu xe tốt’, và khi tôi nói tín hữu kitô, tôi muốn nói đến giáo dân, linh mục, giám mục… Tất cả”. Và khổ thay, “có những tín hữu trì trệ! Đối với họ, Giáo hội là một chỗ đậu xe, nơi bảo vệ sự sống và họ đi tới với mức độ an toàn tối đa”.
Đức Phanxicô nhắc lại, “các tín hữu kitô ở điểm ngừng”, một chuyện mà khi còn nhỏ, người lớn thường hay nói với chúng ta: “Coi chừng nước ao tù, nước không chảy là nước hư thúi”. Và những người “không đấu tranh, sống trong an toàn vì họ nghĩ họ có đạo”, cuối cùng họ cũng sẽ kết thúc như vậy. Ngược lại, lời mời gọi của Thánh Phaolô và Đức Giáo hoàng là: “Anh chị em hãy can đảm!” và vì thế chúng ta đọc trong đoạn Kinh Thánh, “chúng ta được khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng. Chúng ta có niềm hy vọng đó như cái neo vững chắc”, làm cho chúng ta là những “kitô hữu can đảm, không lười biếng”.
Đức Giáo hoàng giải thích: “Tín hữu kitô lười biếng là người không hy vọng, người khép kín, họ có tất cả mọi ưu đãi, họ không phải chiến đấu, họ nghỉ hưu”. Đúng, “sau bao nhiêu năm làm việc, nghỉ hưu là đúng, và phải nghỉ hưu” nhưng để “cả đời để nghỉ hưu là quá xấu”. Và “tín hữu kitô lười biếng thì cũng như vậy. Tại sao? Vì họ không có hy vọng”. Và “trong sự đấu tranh hàng ngày, hy vọng là một đức hạnh mở ra các chân trời chứ không phải là sống khép kín”..
Có người sẽ phản bác: “Đúng thưa cha, nhưng có những lúc khó khăn, mọi sự như đen tối thì con phải làm gì?” Câu trả lời là: “Hãy níu vào sợi dây và chịu đựng”. Quả vậy, chúng ta phải ý thức, “đời sống không dâng cho ai, chúng ta phải chiến đấu để có đời sống hoặc chịu đựng”.
Vì thế, Đức Giáo hoàng mời mỗi người phải xét mình và tự vấn: “Tôi có phải là một tín hữu kitô trì trệ, lười biếng hay tín hữu kitô can đảm?”. Và: “Hy vọng của tôi như thế nào? Tâm hồn tôi có mở ra với chân trời không, tôi có níu vào sợi dây và tôi có vững lòng tin trong những lúc khó khăn không?”.
Xét cho cùng, đây là câu hỏi sâu đậm hơn: “Tôi là người như thế nào? Đời sống đức tin của tôi như thế nào?”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch