Sinh viên, linh mục giúp xứ, giảng viên đại học

638

Trích sách: Bênêđictô XVI. Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald.Nxb. Fayard.


Ngày 3 tháng 1 năm 1946, cha bắt đầu học ở Freising. Cha đi xe lửa với anh Georg của cha và Rupert Berger, một thanh niên trẻ ở Traunstein. Xin cha cho con biết trong hành lý của cha có gì?

(Cha cười). Dĩ nhiên là áo quần, những thứ mình cần. Có thể có một bộ đồ để thay đổi và vài quyển sách, nhưng rất ít, vì hồi đó cha không có nhiều.

Cha không có sách ở nhà?

Có, những không phải các quyển sách cha cần ở đó.

Xe lửa đi Munich hẳn đầy cả người tị nạn, cựu quân nhân, các bà nông thôn…

Xe chen chúc chật chội. Các xe lửa hồi đó đông nghẹt, không thể bước lên được. Nhưng hồi đó là như vậy.

Cha nghĩ gì trên đường đi?

Dĩ nhiên cha sốt ruột muốn biết cái gì đang chờ mình ở đó. Chủng viện đã hẳn, nhưng còn các môn học, các giáo sư. Chúng tôi có một người bạn, một anh bạn cùng lớp với anh của cha, anh ấy đã đi Tubingen từ tháng 11. Trong vùng bị chiếm đóng của họ, ngay lập tức người Pháp mở lại trường đại học, và phân khoa thần học được dạy liền sau đó. Trong kỳ nghĩ lễ Giáng Sinh, anh hăng say nói cho chúng tôi biết trường này khác trường trung học. Anh rất vui. Mặt khác, chúng tôi cũng biết, các tù nhân ngoại quốc vẫn còn ở trong hầu hết các cơ sở ở Freising.

Khi cha đến Freising thì như thế nào?

Đó là mơ ước đã được thực hiện: cuối cùng rồi cũng được vào thế giới của hiểu biết, của thần học, của cộng đoàn các linh mục tương lai. Khi cha đến, cha rất sốt ruột, chúng tôi mang trong lòng hoài bảo của tinh thần mở mang trí tuệ, rất sẵn sàng và đầy hy vọng. Dù đã qua bao nhiêu thời gian, cha vẫn còn nhớ những buổi gặp gỡ đầu tiên nhưng thật sự cũng không có gì đáng để kể lại. Khi chúng tôi đến chủng viện Domberg, người đầu tiên chúng tôi gặp là người sau này sẽ là giáo sư Fellermeier. Chúng tôi ngạc nhiên thấy một người rất trẻ, rất cung cách. Các điều kiện sống lúc đó thì hơi khó khăn. Một phần lớn chủng viện còn bị trưng dụng làm bệnh viện cho quân nhân ngoại quốc. Chỉ có một phần nhỏ dùng dạy chủng sinh, và nơi chúng tôi ở rất thô sơ.

Nhưng rõ rệt là cha rất thích “đồi thánh”, nó đúng là sở thích của cha.

Đúng vậy. Nhà thờ chính tòa rất đẹp, một nét đẹp lạ lùng. Thêm nữa, mọi chuyện khởi đầu tốt. Ngay lập tức chúng tôi bắt đầu bằng các bài tập thiêng liêng của giáo sư Angermair, nhà luân lý học xuất chúng của phân khoa. Đó là một tư tưởng gia sáng tạo, đầy tươi mát, đặc biệt giúp chúng tôi vượt qua lòng mộ đạo chật hẹp của thế kỷ 19 và khai mở tinh thần cho chúng tôi. Bầu khí mới tại đây đã là một bước ngoặc quyết định cho cha. Và nó đã làm cho óc hiếu kỳ học hỏi của cha được khơi dậy, dù các chuyện khác có khi không thuyết phục bằng.

Khung cảnh ở Domberg với cái nhìn về dãy núi Alpes thật tuyệt vời. Và có nhà thờ thật đẹp, có hầm mộ, có hành lang tu viện. Tất cả thấm nhuần truyền thống công giáo vùng Bavaria với tinh thần cầu nguyện, với kinh nghiệm sống của tín hữu của các thế kỷ đã qua. Rõ ràng sự nâng tâm hồn lên về mặt thiêng liêng là chuyện có thể thấy rõ được.

Nó còn được tăng thêm vì có bệnh viện quân đội ở đây và vì chúng tôi chưa có nhà riêng của mình. Hình ảnh khoảng không gian nhỏ bé này không phải là không cao cả: đan viện Thánh Gioan, phân khoa đại học, nhà thờ chính tòa, nhà thờ Thánh Bênêđictô phía sau, chủng viện, nhà nguyện thật đẹp. Vì thế dù cho các điều kiện sống còn khó khăn, bầu khí chiến tranh vẫn còn đâu đây nhưng chúng tôi có niềm vui từ nay được kết hợp với nhau. Mối dây này, cuộc gặp gỡ này, cộng đoàn này, với độ lùi thời gian là một cái gì cha còn giữ với một cảm xúc rất mạnh.

Trong các kỷ niệm của cha, đặc biệt cha nêu bật các buổi lễ phụng vụ lớn trong nhà thờ chính tòa cũng như các buổi chầu thinh lặng ở nhà nguyện chủng viện.

Cả hai đều có một tầm quan trọng. Nhà thờ chính tòa trong nét huy hoàng của nó là một nhà thờ đẹp lạ lùng. Nhạc thánh ca ở đây cũng rất hay. Dĩ nhiên ở nhà nguyện thì nhỏ hơn, nhưng nó cũng được nới rộng để chúng tôi ai cũng có chỗ, chúng tôi quỳ ở cuối, hơi xa một chút nhưng nhờ bức chạm sau bàn thờ và nhờ bầu khí đặc biệt, nó tạo ra một sức mạnh đánh động chúng tôi thật sâu đậm.

Sau đó cha cho biết, cha có thói quen đi tĩnh tâm trong các tu viện. Chẳng hạn ở Scheyern của các tu sĩ Dòng Biển Đức. Cha đặc biệt thích các khóa tĩnh tâm và các bài tập thiêng liêng nào?

Các bài tập thiêng liêng năm 1946 thật sự đánh động. Và đương nhiên các khóa tĩnh tâm trước khi chịu chức phó tế và chức thánh đã khắc ghi sâu đậm trong lòng cha, các khóa này được tổ chức để cầu nguyện trước giây phút trọng đại. Bởi vì thêm một lần nữa, chúng tôi chiêm niệm, chúng tôi mở lòng, chúng tôi tự vấn lại một lần nữa: tôi có đủ sức, tôi có xứng đáng? Đối với cha những giây phút này thật xúc động. Sau khi chịu chức, mỗi năm chúng tôi có ba ngày tĩnh tâm bắt buộc. Cha còn nhớ cảm xúc đặc biệt của cha với khóa tĩnh tâm của linh mục Swoboda, một linh mục Dòng Camille của nước Áo, Dòng được Camille de Lellis thành lập. Linh mục giảng các bài tập với tinh thần tươi mát, mạnh mẽ, quyết tâm và có hiệu năng rất cao. Linh mục Hugo Rahner cũng giảng tĩnh tâm cho chúng tôi. Nhưng tôi phải thú nhận các bài giảng của cha hơi chán.

Chán?

Cha không biết, có thể đó là những dấu hiệu bệnh đầu tiên của linh mục. Dù sao, đối với linh mục Hugo, đức tin không phải chỉ là vui. Trên hết, đức tin là đầy căng thẳng, cha cũng cảm nhận như vậy. Ngược lại, năm sau đó, chúng tôi có linh mục ở Saint-Michel giảng tĩnh tâm rất vui. Tất cả nhóm của cha đều vui vẻ và hạnh phúc. Đó là một linh mục rất đơn sơ. Linh mục kể những câu chuyện vui. Chẳng hạn, khi linh mục không có ý tưởng bài giảng nào cho Saint-Michel thì ngài đội mũ “Rupert Mayer” (một linh mục Dòng Tên ở Munich, người chống đối chủ nghĩa xã hội-quốc gia, cha chết năm 1945 và được phong chân phước năm 1987) thì bỗng nhiên ngài có hứng trở lại. Cha cũng nói thêm, các bài tập thiêng liêng mà cha giảng hàng năm ở Scheyern khi cha làm giám mục ở đây, cha giảng một mình, không có chủ hướng, đó là những giây phút lắng đọng và khai mở thiêng liêng.

Cha đã giữ chỗ cho năm 2005. Vậy mà cha vừa được bầu chọn một thời gian ngắn trước. Vì sao ở Scheyern?

Chúng tôi đã đến đó thăm một lần nhưng cha thật sự không biết tu viện đó. Trong những ngày đầu triều giám mục của cha, Giám mục phụ tá Tewes báo cho cha biết sẽ đi tĩnh tâm một thời gian ở Scheyern. Cha tự nhủ, sẽ tốt cho mình. Miền quê rộng mênh mông, rừng cũng rộng mênh mông, yên lặng thư thái, chân thành, đạm bạc của đan viện và đời sống điều đặn ở đó, tất cả làm cha rất thích đến đó.

Khi cha bắt đầu học ở Freising, cha thuộc về khóa linh mục đầu tiên sau thế chiến và sau chế độ độc tài xã hội-quốc gia. Có thể nói kinh nghiệm sâu xa của chế độ độc tài đã tác động mạnh trên hành động của cha không?

Đúng, phải nói là như vậy. Cha đã sống một thời kỳ mà “tân Đế chế Đức”, huyền thoại nước Đức, văn hóa Đức được xem như đáng ngưỡng phục, họ xem kitô giáo là đáng khinh, nhất là công giáo vì công giáo là La Mã và Do Thái. Chiến tranh còn áp đặt cho chúng tôi những chuyện gò bó nặng hơn. Chúng tôi ý thức đời sống hàng ngày của mình là nguy hiểm. Cho đến khi nào chúng tôi còn sợ sự chiến thắng của một Đệ Tam Đế chế, thì chúng tôi biết, tất cả đời sống có thể bị hủy hoại hoàn toàn. Dù vậy, chúng tôi luôn biết, một sự chiến thắng của Hitler là chuyện không thể. Chiến thắng nước Pháp nhanh chóng, tiến vào nước Nga nhanh chóng, nước Nhật chiến thắng, đã hạ hạm đội Mỹ, đó là những giây phút cực kỳ lo lắng. Tìm lại được tự do, sống vào thời mà Giáo hội có thể phát triển lại, tự chất vấn và tìm tòi thì thật là tốt đẹp. Cùng lúc chúng tôi thấy các cựu nazi bỗng phục tùng trước Giáo hội. Cha nghĩ đến một trong các cựu giáo sư tiếng Pháp của cha, một người quốc xã khủng khiếp, ông ghét người công giáo, vậy mà ông đến gặp linh mục Haslach với bó hoa trên tay, những chuyện này thì thật…

Cha rất hiếm khi đề cập đến Đệ tam Đế chế và chế độ Hitler phát-xít trong các bài viết của cha. Vì sao?

Phải luôn nhìn về tương lai. Thêm nữa, đây không phải là đề tài cha nghiên cứu. Chúng tôi mang kinh nghiệm này trong lòng, nhưng cha không nghĩ mình có bổn phận cống hiến thì giờ để suy tư về mặt lịch sử và triết lý. Điều quan trọng đối với cha là viễn cảnh ngày mai. Chúng ta sống đâu lúc này? Làm sao Giáo hội tiến triển? Làm sao xã hội tiến triển?

Nhưng còn vấn đề trách nhiệm tập thể của dân Đức hoặc sự can dự của Giáo hội vào hệ thống quốc gia-xã hội. Và bỗng, chủ đề đi qua phía bên kia.

Cha phải nói là chúng tôi đã sống các sự việc một cách khác. Hôm nay, đúng là chúng ta không nói toàn Giáo hội là dụng cụ của nazi. Lúc đó, thật sự chúng tôi thấy Giáo hội bị sách nhiễu – cha sẽ không nói là bị bách hại – và Giáo hội như một nơi kháng cự. Cha còn nhớ rất rõ, sau chiến tranh, bỗng nhiên không còn ai muốn nói mình là nazi, cha xứ của cha đã nói: “Rồi anh chị em xem, cuối cùng người ta sẽ nói chỉ có các linh mục là nazi.” Mọi người cười, và đúng thật đó là lời nói đùa. Không ai có thể hình dung một chuyện như vậy, vì ai cũng biết rõ Giáo hội là sức mạnh duy nhất đã đứng vững. Dĩ nhiên là không có kháng cự mạnh, không có những hành vi cách mạng. Tuy nhiên mọi người biết, ngay khi chiến tranh chấm dứt, các người nazi sẽ loại Giáo hội công giáo ngay, họ bao dung chỉ vì họ cần hội lại tất cả các lực lượng khi cuộc xung đột còn kéo dài. Trong đầu chúng tôi, không bao giờ có ý nghĩ, dưới hình thức này hay hình thức khác, Giáo hội lại thông đồng với chế độ. Người ta chỉ dựng những chuyện như vậy về sau.

Vậy theo như cha nói, người ta cũng không thể nào khẳng định, Giáo hội Đức một cách chung là một tổ chức kháng cự. Một vài người theo phong trào, cũng có nhiều giám mục. Đúng là điều này xảy ra thường hơn ở Giáo hội tin lành.

Có những “kitô hữu Đức”, mà ngày nay mọi người đã quên nhưng họ đúng là những người thống trị. Đúng là cha của cha đã từng càu nhàu hồng y Faulhaber vì ngài muốn có lập trường dứt khoát hơn với nazi, nhưng ngài cũng chống họ. Các tài liệu lưu trữ ở Traunstein cho thấy: “Chủng viện này bị tinh thần của Faulhaber chi phối”, nói các khác là có tư tưởng chống dân tộc… vv. Faulhaber hiện thân cho những gì mà những người nazi ghét. Cha của cha thấy ngài cũng như các giám mục khác phải nói rõ hơn. Dĩ nhiên mọi người không có cùng tính khí, nhưng chúng tôi không bao giờ nghĩ có sự tham dự của Giáo hội. Sự tương khắc này đã ăn sâu trong quyển sách chỉ nam của người nazi, Huyền thoại của thế kỷ 20: nền tảng ý thức hệ của họ là tuyệt đối bài kitô giáo.

Nếu cha không đề cập một cách rõ ràng các vấn đề này sau đó, thì có phải duy nhất đây không phải là chủ đề cha nghiên cứu không? Dù sao hồi đó và bây giờ cũng là một vấn đề lớn của xã hội.

Đúng, đương nhiên. Nhưng sứ mạng của cha không cho đó là một vấn đề nghiên cứu có tính cách khoa học.

Linh mục Hӧck, bề trên chủng viện Freising có nói đến việc mình bị giam giữ chỉ vì ngài là linh mục trong trại tập trung Dachau không?

Có, có một hôm cha nói tất cả vào một buổi chiều. Cha vẽ bản phác thảo trên tường và giải thích chi tiết cho chúng tôi nghe.

Có các cuộc bàn thảo về chiến dịch “Bông hồng trắng”, về sự kháng cự không?

Chúng tôi được thông tin và chúng tôi nói về chuyện này. Chúng tôi hãnh diện về chiến dịch “Bông hồng trắng”. Khi chúng tôi là học sinh ở Traunstein, chúng tôi biết họ làm ở thành phố Munich và cả lớp bày tỏ thiện cảm với họ. Ai cũng nói: “Họ cả gan.”

Sau này cha có liên hệ mất thiết với chị của giáo sư Kurt Huber, một trong các thành viên chính của chiến dịch “ Bông hồng trắng” ở Munich.

Đó là một phụ nữ lỗi lạc, một tín hữu sâu đạo, có một tinh thần trung thực rất cao.

Một trong các bài đọc chủ yếu của cha trong những năm đi học là tác phẩm Cách mạng Tư tưởng (Der Umbruch des Denkens) của Theodor Steinbüchel, chuyên gia thần học đạo đức và luân lý xã hội. Hình ảnh nào cha có về mình trong tuổi thanh xuân? Cha là một thanh niên hiện đại, có đầu óc phê phán?

Cha không muốn mình hài lòng với một triết lý lỗi thời và nhắc đi nhắc lại mãi. Theo cha, triết lý phải là một chất vấn: thực sự là gì? Cha muốn trước hết là khám phá một cái gì mới, đi vào trong con đường triết lý hiện đại. Trong nghĩa đó, đúng, cha là người hiện đại và có đầu óc phê phán. Tác phẩm của Steinbüchel rất quan trọng đối với cha vì ông đề nghị – giống như trong Các nền tảng triết lý của thần học đạo đức kitô giáo (Die philosophischen Grundlagen der christlichen Moraltheologie) – một nhãn quan rộng lớn của triết lý hiện đại, và cha cố gắng để hiểu và qua đó, cha mong muốn được tham dự vào. Nhưng tiếc là cha đã không thể dồn sức vào lãnh vực triết lý như cha mong muốn. Nhưng cũng một cách như trong triết lý, cha làm việc qua các chất vấn, các hoài nghi và cha không muốn chỉ học và thích ứng vào một hệ thống khép kín, cha tìm cách làm mới lại sự thấu hiểu các tư tưởng gia thần học thời Trung Cổ và thời hiện đại và đào sâu nó. Trong trường hợp này, chủ nghĩa nhân cách lúc đó còn mông lung đã thật sự hấp dẫn cha và cha thấy đây là một điểm khởi đầu tốt cho suy tư về triết lý và thần học.

Giai đoạn này cũng là giai đoạn của một tác phẩm chủ yếu khác, Đạo công giáo, các khía cạnh xã hội của học thuyết của Henri de Lubac. Cha đã viết “khởi đi từ loại đức tin cá nhân và đạo đức một cách hẹp hòi, Lubac đã đưa độc giả về một tự do mới của một đức tin chủ yếu được suy nghĩ và được sống theo chiều kích cộng đoàn”. Đức tin này có khác với đức tin tuổi thơ của cha, của nguốn gốc của cha. Và nó có tạo mâu thuẫn không?

Chúng ta không thể nào nói đây là mâu thuẫn, không. Đó là một sự mở rộng ra, một tầm nhìn lớn rộng, mà theo cha, là một tầm nhìn nền tảng tương tự như lòng mộ đạo mà chúng ta học từ khi còn nhỏ. Quả thật, nó luôn đi từ lòng mình, rằng tình yêu cho người anh em là thiết yếu và đức tin gắn vào một sự thấm hiểu toàn bộ. Như vậy, nó nằm trong nghĩa, đây là sự khám phá ý nghĩa căn bản, không thể xuất hiện dưới khía cạnh này trong thần học giáo lý của chúng ta. Sự thật cha tìm thấy ở đây một sự liên tục nội tại – và, niềm vui có thể thấy, đức tin, sau các công thức hơi lỗi thời, dưới một ngày mới, lớn rộng hơn, dấn thân hơn trong đời sống hiện đại. Đây là một chuyện thật sự tiến bộ. Nhưng không đứt quãng.

Như thế không có mâu thuẫn với đức tin của cha của cha, với ý tưởng và lòng mộ đạo của ông?

Không, vì cha của cha là một người cực kỳ thực tế. Ông quan tâm nhiều đến giáo điều xã hội của đạo công giáo. Đạo công giáo trong thực tế xã hội. Đó là các chủ đề ông rất chú ý đến. Theo nghĩa này, như thế cha được chuẩn bị về mặt nội tâm theo đường hướng suy nghĩ này.

Trong khao khát khám phá, tìm tòi những chuyện mới của cha, cha có bàn thảo các đề tài này với cha của cha không?

Không. Cha của cha không phải là người thích thảo luận. Nhưng ông biết anh em cha được hướng dẫn đúng và có thể nói, anh em cha không mất tầng nền thiêng liêng, cầu nguyện và bí tích. Và đó là điều đáng kể đối với ông.

Cha đã từng xác nhận giai đoạn đầu ở trường đại học của cha: “Khi tôi bắt đầu học thần học, tôi cũng bắt đầu thích các vấn đề trí tuệ, vì nó cho thấy thảm kịch đời của cha và nhất là, bí mật của sự thật.” Chúng ta cũng đã nói đến trong Muối của đất và thời đó cha cho rằng thành ngữ này hơi bóng gió. Như vậy con đặt câu hỏi một cách rất trực tiếp: “thảm kịch đời cha” là thảm kịch nào?

Tôi sẽ làm gì với đời tôi? Tôi phải làm linh mục, làm hay không? Tôi có thật sự sinh ra để làm linh mục? Và một cách tổng quát hơn: Tại sao tôi ở đây? Chuyện gì xảy ra cho tôi? Tôi là ai?

Cha cho phép con lặp lại: hình ảnh nào cha có về cha?

Chúng tôi là những người tiến bộ. Chúng tôi muốn làm mới lại toàn bộ thần học và mang lại cho Giáo hội một hình thức mới hơn, sống động hơn. Chúng tôi may mắn được sống vào thời buổi khi phong trào trẻ và phong trào phụng vụ mở ra các chân trời mới, các con đường mới. Chúng tôi muốn làm cho Giáo hội đi tới, chúng tôi tin chắc là sẽ làm Giáo hội tươi trẻ lại. Tất cả chúng tôi đều có chút gì đó coi thường thế kỷ 19, và đó cũng là thời trang lúc đó. Kiểu tân gôtic, hình ảnh các thánh hơi cải lương, lòng mộ đạo hẹp hòi, nhưng cũng cải lương và tình cảm ủy mị. Chúng tôi muốn vượt lên tất cả những chuyện này. Và nhờ một giai đoạn mới của lòng mộ đạo mang hình thức khởi đi từ phụng vụ, từ sự giản dị và cao cả, từ đi về nguồn – và đã thực sự làm mới mẻ và hiện đại.

Cha có theo thuyết hiện sinh?

Cha không đọc Heidegger nhiều, cũng đọc một chút và cha thấy hay. Chúng tôi bị triết lý này thu phục, các khái niệm của nó, chúng tôi rất tò mò muốn biết. Như cha đã nói, cha muốn thoát ra học thuyết Tôma cổ điển và đối với cha, thánh Âugutinô là người phụ trợ và hướng dẫn. Vì thế cha duy trì một cuộc đối thoại tích cực với các triết lý mới. Nhưng cha không bao giờ theo chủ nghĩa hiện sinh.

“Đối thoại với thánh Âugutinô” mà bây giờ cha cảm thấy đủ chín chắn như cha đã viết trong các kỷ niệm của cha, là một đối thoại mà cha nói “tìm cách nối lại từ lâu qua các cách gián tiếp khác nhau”. Có vẻ như có chút gì huyền bí.

(Cha cười.) Khi mình trẻ, mình khá tự cao và tin chắc mình sẽ làm được một cái gì. Cha phớt đi mặc cảm “nhiều học giả uyên bác đã viết về vấn đề này”. Ngược lại, cha nghĩ: mình trẻ, mình có cách tiếp cận khác. Và mạnh trong xác tín này, chúng tôi có thể tái xây dựng lại thế giới, hồi đó cha không sợ những chuyện lớn. Và đúng là vào đầu năm 1946, cha ‘gặp’ thánh Âugutinô, cha đọc một số bài viết của thánh. Cha rất xúc động trước cuộc chiến đấu nội tâm mà thánh Âugutinô đương đầu. Chung chung, các bài viết của thánh Tôma như bài học ở trường, nó có một cái gì đó hơi chung chung. Dù nó cũng chịu một sự đấu tranh lớn, chắc chắn, nhưng chỉ sau này chúng ta mới khám phá được điều này. Ngược lại, thánh Âugutinô chiến đấu với chính mình, ngay cả sau khi ngài trở lại. Đó là khía cạnh bi kịch và đẹp.

Vào thời điểm này, cha hay đi xem kịch và opera ở thành phố Munich. Cha đặc biệt thích cái gì?

Một cách cơ bản, đó là sự giới thiệu đời sống con người, những chuyện rất người. Cha thật sự ngưỡng mộ Chiếc giày bằng xa-tanh (Le Soulier de satin) của văn sĩ Pháp Paul Claudel, Đại tướng của quỷ (Le Général du Diable) của Zuckmayer và Đối thoại của các nữ tu Dòng Kín (Dialogues des carmélites) mà văn hào Georges Bernanos viết theo cảm hứng câu chuyện Người cuối cùng lên đoạn đầu đài (La Dernière à l’échafaud) của Gertrud von Le Fort. Cha còn giữ kỷ niệm đẹp khi xem vở Giấc mộng đêm hè (Songe d’une nuit d’été) của Shakespeare hay một vở của Paul Claudel về hoàng hậu Isabelle mà chân dung theo thiện, ác của người Tây Ban Nha và người Ấn Độ ngày hôm nay vẫn còn làm chúng ta ngạc nhiên.

Con xin hỏi về các bộ môn nghệ thuật: Cha có một họa sĩ, một bức tranh nào cha đặc biệt thích?

Cha rất thích tranh của Hà Lan. Và các nghệ sĩ barốc của tỉnh Bavaria cha cũng rất thích.

Van Gogh, người Hà Lan?

Không, các danh họa xưa. Rembrandt chẳng hạn, đó đúng là một huyền thoại trong tuổi trẻ của cha. Nhưng nhất là tranh của Vermeer van Delft. Chị của cha cho cha một bức rất đẹp của ông.

Còn Mozart? Cha thích các tác phẩm nào của ông nhất?

Cha rất thích một tấu khúc ngũ cầm với đàn clarinet. Và đương nhiên Thánh lễ đăng quang (Messe du couronnement) mà cha thích từ hồi còn nhỏ. Cha cũng đặc biệt thích tác phẩm Cầu hồn (Requiem). Đó là buổi hòa nhạc đầu tiên cha xem ở Salzbourg. Cha cũng thích Khúc nhạc ban đêm (Une petite musique de nuit). Khi còn nhỏ, cha có đánh đàn bốn tay. Và tất nhiên là cha thích vở ca nhạc kịch Ống sáo tiên (La Flûte enchantée). Cha cũng thích vở Don Giovanni.

Còn Jean-Sébastien Bach. Cha thích nhạc phẩm nào?

A! Bach, cha đặc biệt thích Thánh lễ cung si thứ (Messe en si mineur). Cha đã xin anh của cha cho cha quà Noel một đĩa mới thánh lễ này. Và dĩ nhiên cha cũng thích Cuộc Thương khó theo Thánh Máthêu (Passion selon saint Matthieu).

Bây giờ con muốn hỏi cha về nghệ sĩ Karl Valentin. Cha thích gì nơi nghệ sĩ hài và người Bavaria không-theo phong tục tập quán này? Mùa hè năm 1948, cha đã đi hành hương từ Fùrstenried đến mộ ông ở Planegg. Một đoạn đường đi bộ 30 cây số.

Đối với cha cũng không dài. Cha là người đi bộ giỏi (ngài cười). Thời đó, cha có người bạn đồng nghiệp là Walter Dietzinger, ông đã chết rồi, ông rất thông minh, hơi kỳ kỳ, ông cũng là người rất ngưỡng mộ Valentin. Nhờ ông, cha mới hiểu và công nhận có một tầm quan trọng trong sự vui vẻ và càu nhàu lạ kỳ này, một loại khôi hài đặc biệt ở nhiều cấp độ. Cha hiểu có những chuyện làm cho mình cười cũng có thể làm cho mình suy nghĩ sau đó.

Có một rất hay của Valentin: “Tôi sẽ thăm tôi hôm nay. Tôi hy vọng tôi sẽ ở nhà hôm nay.”

Cha biết câu này. Có một hôm, Hitler bắt tay ông và nói: “Thưa ông Valentin, ông thường làm cho tôi bật cười ha hả.» Và ông trả lời: “Thưa ông, còn ông chưa bao giờ làm cho tôi cười.”

Thật không?

Đúng, đúng, hoàn toàn đúng.

Cha đặc biệt để ý đến giáo sư Gottlieb Sӧhngen ở Munich. Các cảm tưởng đầu tiên của cha là gì?

Cha mê mẩn ngay từ lớp học đầu. Ông là người vùng Rhénan, ông có tài hùng biện tự nhiên và một cách nói đi trực tiếp ngay vào vấn đề. Nhất là ông biết làm thế nào để đề cập đến các vấn đề. Một hình thức chủ nghĩa thực chứng trong các lãnh vực lịch sử và chú giải. Tuyệt đối ông không tìm cách trình bày như một tòa nhà hàn lâm, kiên cố và vĩ đại. Ông thích hỏi: Thực tế là gì? Vì sao này có bao gồm tôi không? Và đó là điều đã đánh động cha.

Có một sự gần gũi cá nhân nào giữa ông và cha không?

Vào thời đó, học sinh rất kính trọng giáo sư, khi đó là một thế giới khác. Anh của cha và cha là những người nhỏ bé nhà quê. Nhưng trong kỳ thi lần đầu, cha thật sự rất gần với ông về mặt cá nhân.

Ông có nhanh chóng cho cha biết, cha là học sinh giỏi nhất của ông không?

Không. Tuy nhiên ông cũng không thể làm như vậy.

Tại sao?

Bởi vì trên thực tế, cha chỉ là một cậu bé nhỏ, trước hết, cha cần phải đào sâu hơn một chút những chuyện này.

Nhưng thực tế cha là học sinh giỏi nhất của ông. Điều này có tạo áp lực trên cha không?

Cha không tự cho mình như vậy. Không, cha bằng lòng được đến đó học, hiểu những gì thầy chờ ở mình, dần dần gần với thần học trong tổng thể của nó và có thể thực hiện một vài chuyện.

Có thể nói giáo sư Sӧhngen đúng thật là giáo sư thần học của cha?

Có thể nói như vậy, thậm chí phải nói như vậy. Dĩ nhiên các giáo sư khác cũng rất quan trọng với cha. Giáo điều của Schmaus cũng góp phần đào tạo cha. Và tất nhiên giáo sư Pascher với các bài diễn văn của giáo sư. Mỗi tuần ông làm cái gọi là “điểm tin”. Trong giờ này, ông trình bày không hạn chế, một cách tự do và đôi khi kéo dài cả giờ. Toàn ban giáo sư cũng rất quan trọng với cha. Giáo sư Sӧhngen là người xuất sắc nhất, người đánh động cha nhất, nơi ông, cha tìm và hiểu mạnh nhất cái gọi là thần học.

Điểm đặc biệt của “Trường Munich” là gì?

Đó là nó hoàn toàn nhấn mạnh đến Thánh Kinh, Sách Thánh, các Tổ phụ của Giáo hội và phụng vụ. Nó cũng rất đại kết. Triết học thánh Tôma không có nhiều ở đó, có thể triết học này sẽ làm tốt cho nó.

Sӧhngen ở trong nhóm các thần học gia cho rằng không thể dựa trên tín điều Đức Mẹ Lên Trời. Có thể nói vào thời đó việc tôn kính Đức Mẹ và khoa Maria học chưa thật sự mạnh ở Đức không?

Cha là người công giáo và chắc chắn việc kính Đức Mẹ vào tháng năm, kính Đức Mẹ trong Mùa Vọng, tháng mân côi, đơn giản là tình yêu cho Mẹ Thiên Chúa nằm trong đạo, nhưng sự hiện diện này chưa sâu đậm, cũng không đủ mạnh về mặt tình cảm như ở các nước Bồ Đào Nha và Ý. Tuy tỉnh Bavaria cũng là tỉnh có truyền thống tôn giáo, tuy nhiên lòng sốt sắng về mặt tình cảm không mạnh như ở những nơi khác. Lòng kính Đức Mẹ tác động mạnh đến cha và cha thấm nhập vào đó, cũng như trọng tâm luận chứng Kitô học.

Tuy vậy, lòng tôn kính Đức Mẹ của thân sinh cha rất mạnh.

Mẹ của cha cũng vậy. Lòng tôn kính này thấy rõ trong gia đình và thuộc về chính thống công giáo của cha. Chẳng hạn, từ khi còn rất nhỏ, làng của cha dựng lên một bàn thờ vào tháng năm. Nhưng sự đào tạo thần học thì đặt trọng tâm vào Chúa Kitô, rất gần với Giáo hội cổ xưa; nếu Maria học không phải là không vắng mặt thì cũng không mạnh. Vì thế truyền thống của lòng mộ đạo và những gì chúng tôi học trong thần học chưa hoàn toàn hợp nhất.

Giáo sư Sӧhngen có liên lạc với linh mục Romano Guardini không?

Chắc chắn họ có biết nhau, nhưng cha không nghĩ họ quan hệ mật thiết với nhau.

Như nhiều người khác, Sӧhngen có nghĩ Guardini không phải là một nhà thần học ‘đích thực’’ không?

(Cha cười.) Cha sẽ không mạo hiểm để nói một chuyện như vậy. Đúng là Giáo sư Sӧhngen có trích Guardini trong một đoạn của sách Đơn vị Hiệp nhất trong thần học (Die Einheit in der Théologie). Trong phần ghi chú giáo sư có viết thêm: “Tôi rất tiếc là không thể tìm được câu trích chính xác và tôi xin có được một quan hệ với tác giả.” Cha nghĩ giáo sư biết nhưng quan hệ giữa họ không thật mật thiết, ngược lại Pascher và Schmaus thì liên hệ mật thiết với linh mục Guardini.

Và cha, cha có quen riêng không?

Không thân lắm. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi là ở Bogenhausen. Đó là thành phố linh mục ở. Một chiều thứ sáu, linh mục điện thoại cho chúng tôi hỏi xem cha có thể dâng lễ ngày chúa nhật và linh mục…

… ở nhà linh mục Blumschein, nơi cha làm cha phó.

… cha xứ quá ngạc nhiên. Guardini muốn dâng lễ ở nhà chúng tôi, cha muốn dâng thánh lễ buổi chiều! Cha rất căng thẳng. Linh mục Guardini là một người dè dặt, nhưng rất đơn giản và dễ chịu. Anh của cha biết Guardini nhiều hơn cha vì thời đó, anh của cha là cha phó ở Saint-Louis và chúa nhật nào hai người cũng gặp nhau. Năm 1956, chúng tôi đi cùng một người bạn đến Franconie, nơi chú của cha ở, một người em của mẹ cha. Trên đường, chúng tôi đi qua Rothenfels và chúng tôi nghĩ đây là dịp để lên đến lâu đài, nơi linh mục Guardini sống hàng chục mùa hè với các thanh niên trẻ. Và chúng tôi sẽ rất thích nếu cha Romano Guardini đứng ở cửa lâu đài đón chúng tôi lúc đó. Chúng tôi đi lên và con có thể tưởng tượng không? Guardini bước ra cửa lâu đài (cha bật cười dòn tan). Như trong một giấc mơ. Ngài có vẻ rất hài lòng: «Nhưng ai đó!» Chúng tôi nói chuyện khá nhiều. Nhưng không có những cuộc gặp gỡ cá nhân khác.

Một trong các bạn học của cha, nhà chính trị gia Đức Rupert Berger kể thỉnh thoảng cha cũng có gặp Guardini khi linh mục diễn thuyết ở các giảng đường trong các ngày lễ ở trường đại học, tất cả các sinh viên đều muốn đến nghe.

Đúng. Một quyển sách linh mục viết về Chúa Giêsu – không lớn – là một trong các tác phẩm đầu tiên cha đọc sau chiến tranh. Cha rất thích, trong khi cha thấy các sách khác viết về Chúa Giêsu khì khá nhàm chán và không có chất liệu. Đúng là nó ở trong tầm nhìn của cha.

Trong tiến trình đào tạo của cha có huấn luyện thực tập chức thánh, nhất là dùng búp bê để học cách rửa tội cho các em bé theo nghi thức.

Có, đó là các môn thực tập – thần học mục vụ, phụng vụ – phải học dâng thánh lễ, làm các phép bí tích hay dạy giáo lý ở trường. Chúng tôi học từng nhóm dưới sự điều khiển của cha bề trên phó. Dần dần chúng tôi học được.

Chắc chắn cha không xem việc học thực tập này là nghiêm túc khi cha nói: dù sao tôi sẽ không là một linh mục. Đối với cha, linh mục chỉ là một giai đoạn để đi đến một mục đích khác.

Không, không, cha rất ý thức lời hứa này: không có gì bắt cha phải là giáo sư. Cha sẵn sàng để trở thành một linh mục và cha mong muốn làm linh mục. Đó là một đấu tranh bên trong. Nó là cần thiết cho cha vì cha phải trả lời trong trường hợp giám mục không muốn cha làm linh mục.

Các kỷ niệm của cha có một suy tư đáng kể. Cha nói rất sớm cha cảm nhận Chúa muốn cha làm một cái gì mà chỉ thực hiện được khi cha làm linh mục.

Đúng vậy. Cha biết, một cách này hay cách kia, Chúa muốn một cái gì ở cha, Chúa chờ một cái gì ở cha. Và càng ngày nó càng hiển nhiên dưới mắt cha là cha phải có chức thánh.

Trong trường hợp này, rõ ràng là có một cái gì đó còn đi xa hơn, xa hơn chức linh mục.

Đúng vậy, Chúa đòi hỏi một cái gì chính xác. Cha tin chắc Ngài cũng muốn một cái gì đó ở cha. Mặt khác cha cũng đã nghĩ, sẽ có thể trong lãnh vực thần học, dù lúc đó còn chưa xác định rõ ràng.

Như thế cha thực tập rất nghiêm túc búp bê ở giếng rửa tội?

Đúng!

… khéo léo hay vụng về?

Thực ra, cha ít vụng về hơn bình thường rất nhiều. Sau đó, trong năm đầu tiên làm cha phó ở giáo xứ Bogenhausen, cha cử hành nhiều lễ rửa tội. Từ hai đến ba lần mỗi tuần vì có một nhà hộ sinh trong giáo xứ của cha.

Việc đào tạo linh mục cũng bao gồm học hát. Và một cựu ca sĩ nhạc opera đã dạy môn này cho các cha.

Ông Kelch, đúng. Ông vừa chết. Hơn 90 tuổi.

Giọng của cha có tạo vấn đề không? Cha có phải luyện giọng không?

Một chút, có. Nhưng, không thể nào thay đổi nhiều được.

Thiệp mời dự lễ mở tay của cha có câu: “Chúng tôi không phải là chủ đức tin của bạn, nhưng là người phục vụ cho niềm vui của bạn.” Câu đó lấy từ đâu?

Là một phần trong khái niệm hiện đại của Giáo hội; chúng tôi không những ý thức sự ám ảnh các tước vị danh dự là một chuyện xấu mà còn hiểu linh mục luôn là người phục vụ; chúng tôi cũng làm việc rất nhiều trong nội tâm để tránh đặt mình trên bệ thờ này. Cha không bao giờ dám giới thiệu mình là “Đức Ông” . Dưới mắt cha, ý thức mình không phải là người chủ nhưng là người phục vụ, vừa cùng lúc được an ủi và cũng là quan trọng cho cá nhân mình, để có thể nhận chức thánh. Như thế, câu này đối với cha là động lực chủ yếu. Một động lực mà cha tìm thấy khi đọc Sách Thánh, trong các bài khác nhau, và phản ảnh đúng con người của cha.

Các học trò của cha quan sát cha qua hàng chục năm, họ thấy cha không bao giờ dâng thánh lễ một cách theo thói quen. Theo họ, cha luôn dâng thánh lễ một cách hóa thể, với lòng sốt sắng nguyên vẹn như lần đầu.

Phải nói là rất xúc động mỗi lần mình chạm đến. Đó là một cái gì phi thường, rằng Thiên Chúa ở đó, bằng người thật. Rằng bánh không còn là bánh mà là Nhiệm thể Chúa Kitô, và đó là để thấm nhập vào con người mình một cách sâu đậm.

Còn về chức cha phó của cha ở giáo xứ Bogenhausen: kinh nghiệm có được trong giai đoạn này có tìm thấy trong bài “Các tân lương dân và Giáo hội không”?

Thực tế đó là năm đẹp nhất đời cha. Nhưng cha cũng sống trong chức vụ mới này một cách cũng bi thương trong lớp dạy tôn giáo. Cha đứng trước bốn mươi thanh niên nam nữ rất dễ thương, cha biết ở nhà các em nghe những chuyện ngược với những gì mình giải thích cho các em. “Nhưng ba con nói cũng không nên xem đó là chuyện nghiêm túc”, đó là những câu cha hay nghe. Cha cảm nhận, về mặt thể chế thì mọi sự vẫn còn nguyên, nhưng thế giới thực ở ngoài đã thật sự xa Giáo hội.

Với bài đó, người ta không xem cha là người hơi điên điên sao? Dù sao, đó cũng là giai đoạn mà Giáo hội sau chiến tranh, rõ ràng có một sự phát triển mới, được củng cố về mặt các thể chế. Và thế là có một người đến nói, có một loại tà giáo đang phát triển.

Chắc chắn. Và nó thật hiển nhiên. Chúng tôi đã làm một công việc tốt cho các thanh thiếu niên. Nhưng các em cũng bị xâu xé trong lòng vì tình cảm tôn giáo của các em đặt các em ở trong tình trạng chênh vênh với chính thế giới của các em.

“Các tân lương dân và Giáo hội” được công bố trong tạp chí Hochland năm 1958 là sự khiêu khích đầu tiên có tiếng vang của cha, đầu tiên của một loạt bài không ngừng sau đó dưới triều giáo hoàng của cha. Đâu là các phản ứng?

Khổ thay chung chung là tiêu cực. Nhưng cũng đáng ngạc nhiên, có một bài báo cho rằng bản văn này là bản văn chống Đảng Thống nhất Kitô-Xã hội. Thật là đặc biệt. Sau đó người ta bắt đầu kể bean này bean kia là cha có những lời dị giáo. Ở Freising, nơi cha ở lúc công bố bài này, có một số người hốt hoảng. Cha đã được đề cử đến Bonn. Đồng nghiệp Scharbert của cha, chuyên gia về Cựu Ước, người dạy có uy tín ở Bonn và có quan hệ tốt với ở đây, nói cho cha biết, phản ứng ở Bonn là rụng rời. Họ tự hỏi không biết họ đề cử cha là có đúng hay không. Ở Munich, Hồng y Wendel quan tâm đến vấn đề. Sau đó ngài kể cho cha nghe, dù họ nói cho ngài là họ rất e ngại, họ chưa bao giờ có quyết định về đức tin dựa trên chỉ một bài viết, trong trường hợp họ không chấp nhận cha. Thật là kỳ cục, cho đến bây giờ cha cũng thật sự không hiểu, điều gì đã gây phiền hà đến mức đó. Dù sao nó cũng tạo rất nhiều rối ren.

Bài viết này là dấu hiệu báo động sớm sủa, một lời kêu gọi nhiệt thành để biết dấu hiệu của thời buổi. Nhưng nó có tạo phản ứng tích cực không?

Đương nhiên là có. Trước hết là trong phạm vi tờ báo Hochland, tờ báo kết hợp nhiều người chung quanh Franz Josef Schӧningh, người không phải chỉ là nhà xuất bản của báo Hochland nhưng còn là nhà sáng lập và nhà xuất bản của Süddeutsche Zeitung. Họ giới thiệu bài viết như một sự can thiệp quan trọng.

Có phải bài của văn sĩ Ida Friederike Gӧrres đăng trong Frankfurter Hefte đã thúc đẩy cha viết bài viết trên không? Tháng 11 năm 1946, bà nêu ra trong tờ nhật báo, sự thất vọng của nhiều người công giáo và tình trạng báo động ở trong guồng máy giáo sĩ.

Bài viết này rất được nổi tiếng. Thời đó ai cũng thảo luận về bài viết này. Nó tạo ra một sự phẫn nộ mạnh liệt ở Freising. Cha có biết nội dung, nhưng cha không đọc. Điều làm cha cảm nghiệm, đơn giản là kinh nghiệm cụ thể của Giáo hội trong vai trò cha phó xứ của cha. Sau đó có người mời Bà Gӧrres đến chủng viện Freising đọc diễn văn. Và hồng y Faulhaber tuyên bố: “Không có chuyện bà này đến lên tiếng ở chủng viện của tôi!”

Năm 1970 cha biết Bà Gӧrres. Cha trao đổi thư từ với bà rất nhiều và thường…

… gặp riêng bà. Cha cũng đã chôn bà. Bà đọc quyển sách Đức tin Kitô hôm qua và ngày nay của cha, bà rất nhiệt tình với quyển sách, và bà rất vui khám phá một nhà thần học trẻ, một thế hệ mới, đại diện cho đức tin kitô. Bà rất phê phán đối với các hình thức mộ đạo của thế kỷ 19. Nhưng khi sự thức tỉnh hậu công đồng đã làm xa đức tin và đưa đến một tình trạng khác, bà đã có một thái độ rất nghiêm khắc, và bà đã rất vui khi qua quyển sách này bà tìm được một thần học gia trẻ vừa hiện đại, vừa có đức tin. Bà đã viết ngay cho cha và sau đó đến thăm cha ở Ratisbonne.

Sau đó cha được chỉ định làm phó giáo sư (maître de conférences) ở chủng viện Freising và cha dạy các lớp đầu tiên của cha nhất là về mục vụ chức thánh. Cùng một lúc, cha điều hành một nhóm người trẻ. Cha cũng là cha tuyên úy cho các sinh viên từ năm 1955 đến 1959 mà ít ai biết.

Đại học kỹ thuật Freising có phân khoa nông lâm và làm bia, “Oxford của ngành bia”. Có rất nhiều sinh viên ở khắp thế giới về học, có người Trung Hoa, có một thanh niên Cuba mê cách mạng của Castro. Thời đó, người ta còn mê cách mạng, và lại là hợp thời. Giai đoạn đó rất phong phú cho cha. Một mặt, mỗi tháng cha có một bài diễn thuyết, mặt khác, cha hay được các hiệp hội sinh viên mời. Cha có một quỹ nhỏ để giúp các sinh viên gặp khó khăn. Đó là những em trẻ rất thiện cảm, cha đã sống những điều tuyệt đẹp với các em.

Trong ba năm này, cha có bỏ nhiều thì giờ để ngồi tòa không?

Có chứ. Tất cả các ngày thứ bảy. Trung bình hai giờ.

Và nó như thế nào?

Thường là các chủng sinh đến xưng tội. Họ đặc biệt thích cha vì cha có vẻ có tinh thần phóng khoáng (Cười.)

Ngày 21 tháng 2 năm 1957. Ngày này là ngày gì của cha?

Đó là ngày cha trình luận án để đủ tư cách dạy đại học. Vì bản báo cáo tiêu cực của báo cáo viên thứ nhì, thần học gia Schmaus, nên đầu tiên ban giám khảo từ chối luận án của cha, bắt cha đem về sửa lại. Bản thứ nhì sau đó được chấp nhận. Nhưng bầu khí thật căng thẳng đến mức cha thấy khó chịu trong người trước khi trình luận án. Cha bảo vệ luận án với một chủ đề lịch sử. Thường thường ban giảng huấn luôn chấp nhận các đề nghị, nhưng họ trả lời cho cha, vì cha sẽ dạy thần học tín điều nên cha phải bảo vệ một luận án thần học một cách hệ thống. Cha chỉ có vài ngày để chuẩn bị. Thêm nữa, cha rất bận với các lớp học ở Freising. Vì thế cha rất căng thẳng. Thật ra cha biết các giáo sư đã khinh khi khi nghe cha trình bày và họ đã có quyết định tiêu cực. Sự thất bại của cha gần như được biết trước. Sau khi xong phần thủ tục, giáo sư bảo vệ luận án của cha là Sӧhngen sẽ lên tiếng đầu tiên, ông tỏ ra rất khoan dung. Giáo sư thứ nhì là Schmaus thì lại rất khác. Khác nhau đến mức hai giáo sư Schmaus và Sӧhngen đã tranh luận với nhau rất gắt ở trong phòng. Đó là một tình trạng bất thường.

Cha mẹ của cha khi đó ở với cha. Cha đưa họ về Freising. Họ có tham dự?

Anh của cha ở đó nhưng không có cha mẹ của cha. Cha muốn tránh cho họ. Họ vẫn ở Freising. Cha có mặt khi họ tranh luận vì chính cha là người phải tham dự. Bình thường các giáo sư không tranh luận giữa họ với nhau, nhưng với ứng viên. Sau đó chúng tôi nghe kết quả ở ngoài hành lang. Cha ở với anh của cha, với Pakosch, cha xứ của giáo xứ Saint-Louis và một người thứ ba. Thật là cả một thế kỷ và thành thật mà nói, cha chờ kết quả xấu.

Nhưng không phải vậy.

Sau khi chờ rất lâu ở ngoài hành lang, ban giám khảo tuyên bố cha đậu. Khi đó tình trạng mới hết bi thảm, nhưng tinh thần cha vẫn còn chấn động. Trước đó cha thật sự như xém rơi xuống vực thẳm.

Cha có giận Chúa hay hứa một cái gì nếu mình được thi đậu không?

Không. Nhưng cha cầu nguyện rất nhiều và xin Chúa giúp cha. Nhất là vì cha mẹ của cha. Nếu cha bị ra rìa thì thật đau khổ cho ông bà.

Tuy vậy cha có tuyên bố về kinh nghiệm tổn thương sâu đậm của việc trình luận án để đủ tư cách dạy đại học, rằng thử thách này thật sự “giúp ích về mặt nhân bản cho cha, và có thể nói đó là theo một điều hợp lý cao hơn”. “Điều hợp lý cao hơn” của cha là gì?

Cha đậu bằng tiến sĩ rất nhanh. Nếu cha được chứng nhận dạy đại học cũng dễ dàng thì có thể làm cho cha nghĩ quá đi về khả năng của mình, và cha sẽ nghĩ lệch đi về chính giá trị riêng của mình. Như vậy sẽ hạ thấp cha. Cũng là tốt khi nhận ra sự tầm thường của mình, không cho mình là anh hùng không ai đánh bại nhưng chỉ là một ứng viên khiêm tốn ở bờ vực thẳm, phải hiểu tầm mức thật các khả năng của mình. Hợp lý mà cha nói là cha cần một lòng khiêm tốn, và sự kiện đến đúng lúc để cha phải chịu, đó là trong nghĩa này.

Như thế cha có nghĩ mình được nâng đỡ hay thấy mình bị chứng tự cho mình là người vĩ đại?

Sau khi cha đậu tiến sĩ và được xem là người xuất sắc, ngay lập tức ông viện trưởng nói cho cha biết, ông hy vọng có ngày cha là đồng nghiệp của ông. Như thế cha là một thanh niên đầy hứa hẹn (cha cười). Thêm nữa, cha luôn ở chủng viện của giáo sư Schmaus. Khi giáo sư không có ở đó, ông giao trách nhiệm cho cha. Công việc rất chạy, rất tốt và cha ở trong thành phần những người hy vọng có một tương lai tốt đẹp.

Và điều này làm cha ấm đầu?

Không hẳn vậy nhưng cũng vậy, nếm sỉ nhục cũng là chuyện tốt.

Sỉ nhục?

Cha nghĩ rất nguy hiểm cho một thanh niên trẻ thành công sớm từ giai đoạn này qua giai đoạn khác và luôn được khen ngợi. Họ phải thấy các giới hạn của mình. Thỉnh thoảng họ phải bị phê phán. Họ phải đi qua giai đoạn tiêu cực. Chính họ phải nếm kinh nghiệm các giới hạn của họ. Họ không thể vui vẻ bay từ thành công này đến thành công khác, họ phải nếm vài thất bại. Họ phải học để tự đánh giá đúng về mình, phải chịu đựng một vài chuyện và một điều không phải là không quan trọng, phải nghĩ với người khác. Đừng hài lòng ở trên cao rồi hấp tấp phán xét nhưng phải chấp nhận người khác một cách tích cực trong nỗi buồn, trong các yếu kém của họ.

Cha còn giữ bài luận án để được dạy đại học với các lới ghi chú chỉ trích đủ màu của Schmaus không?

Không, cha vứt rồi. (Cha cười.)

Lúc đó?

Có, cha có giữ.

Cha giận?

Cha đốt nó.

Trong lò?

Đúng, trong lò.

Sau khi được chúng nhận dạy đại học, cha là phó giáo sư, sau đó là giáo sư không bộ môn (professeur sans chaire). Cha viết trong các kỷ niệm của cha, rằng chuyện này không phải không tạo “sóng gió” kiểu “gởi cho ai có quyền”. Cha giải thích chuyện này như thế nào?

Một vài người tìm cách ngăn để cha không được bổ vào chức vụ giáo sư và họ gièm pha lên đến văn phòng bộ trưởng. Chuyện xảy ra như sau: Cha đến văn phòng bổ nhiệm và một viên chức cao cấp tiếp cha với thái độ kẻ cả mà cha hiểu là có người đã thông tin cho ông. Ông hỏi cha: “Ông dạy từ bao nhiêu lâu rồi?” Cha trả lời: “Từ năm 1954, như vậy là ba năm, bây giờ là năm thứ tư của tôi”. Ông nói lại: “Vậy thì chúng tôi không có chọn lựa nào khác. Phải bổ nhiệm ông. Thêm một người như vậy, chúng tôi thiếu người!”

Ông ấy muốn nói gì?

Một người không giỏi. Xoay xở để có chỗ với ý định duy nhất là làm công chức.

Những người gièm pha cha họ không bằng lòng cha ở điểm nào?

Là không có tài hay một cái gì khác. Cha không biết.

Trong các kỷ niệm của cha, cha viết quan hệ của cha với Tổng Giám mục Joseph Wendel, giáo phận Munich cũng không đơn giản.

Đó lại là một chuyện khác. Để bắt đầu, vì bài viết “Các lương dân mới và Giáo hội”, người ta bắt đầu bôi đen cha dưới mắt ngài. Người ta giới thiệu cha như một người dị giáo và này kia. Nhưng trong trường hợp chính xác này, thì đây lại là một chuyện khác. Vào thời điểm đó, có nghĩa là cuối năm 1958, Viện Giáo dục của Munich-Pasing phải ở dưới quyền của trường Đại học. Cho đến khi đó, các giáo sư không cần phải được chứng nhận. Với sự ngông cuồng kẻ cả mà những người ở Munich thường ít nhiều có khunh hướng, họ bắt đầu nghĩ đến việc đưa giáo sư Pieper về dạy triết lý. Và các người ở Tòa giám mục thuyết phục hồng y để môn thần học phải mạnh để đương đầu với môn triết lý, vậy phải giao cho cha ghế thần học mới. Với Pieper và cha, họ sẽ có một ê kíp thích ứng với họ. Hồng y ít biết thế giới đại học Đức, thấy đây là một ý kiến hay, ngài nói với cha: con nhận ghế của Viện Giáo dục Pasing, và đừng nhận ghế ở Bonn.

Điều này không phải là không thích thú, nhất là có triết gia uyên bác như giáo sư Josef Pieper.

Đây là Viện Giáo dục, không phải chuyên ngành của cha. Cha trả lời là không thể được. Nhưng ngài nằn nì và từ chối không để cha đi Bonn. Truyền thống ở Đức là khi bổ nhiệm một linh mục vào dạy đại học thì phải tự động giải thoát người đó khỏi mọi ràng buộc của họ. Chúng tôi đã trao đổi thư từ qua về rất phức tạp. Cuối cùng ngài nhường bước, hơi trái ý ngài một chút.

Như vậy cha chống lại lệnh của giám mục?

Không thật sự như vậy. Đơn giản, ngay từ đầu, cha không chấp nhận ý muốn của ngài. Như cha đã nói, ở Đức, theo truyền thống là khi một người được bổ nhiệm vào một ghế ở trường đại học thì họ được miễn trách vụ của mình. Đức Hồng y đã không từ chối cha một cách dứt khoát, nhưng ngài nói có một cái gì quan trọng hơn để đề nghị với cha. Nhưng ngài không có được thông tin cho đúng. Thêm nữa, cha dứt khoát không làm chức vụ đó. Để làm việc này cha phải nói chuyện với các giáo sư tương lai, những giáo sư không phải là các nhà thần học, và cha phải tự xoay xở để thu hút họ. Và như thế cha không đủ sức làm.

Và làm thế nào mà cha thuyết phục được ngài?

Thì có trao đổi thư từ nhưng gian khổ và khó khăn. Cha nghĩ cha tổng đại diện Fuchs mới đầu cũng hoài nghi việc này, nhưng rồi vấn đề cũng được làm sáng tỏ. Có một ngày, cha tổng đại diện nói ngài không hài lòng chuyện này, nhất là vì bài viết của Hochland, những loại như thế này, nhưng ngài không muốn gây trở ngại cho cha nên ngài giải thoát cho cha.

Từ khi còn ở Freising, cha đã quan tâm rất sớm đến đạo tin lành. Trong số các môn đồ của cha, có những người trở thành các nhà đại kết xuất sắc. Cái gì đã đẩy cha đi về hướng này?

Di sản của Sӧhngen là yếu tố quyết định. giáo sư Sӧhngen xuất thân từ một cặp hỗn hợp nên đã đặt cho giáo sư một vấn đề hiện sinh. Cũng như các môn học của ông không chỉ duy nhất theo truyền thống công giáo, nhưng luôn là một đối thoại với các người tin lành, đặc biệt trong thời gian đó là với mục sư thần học gia Karl Barth. Theo cha, từ đầu thần học phải bao gồm đối thoại với các người tin lành. Chính vì vậy mà từ thời đó, cha đã tổ chức ở Freising một buổi hội thảo về Phái Augsbourg. Trong bối cảnh này, tự thân đại kết phải là một yếu tố thường xuyên trong các môn học và các buổi hội thảo của cha, điều này giải thích vì sao các học sinh của cha quan tâm đến nó.

Về lại chủng viện Domberg, việc đọc tác phẩm của triết gia Martin Buber đã làm cho cha khám phá một người đại diện cho thần nghiệm do thái giáo. Có phải đó là lần gặp đầu tiên của cha với do thái giáo không?

Cha nghĩ là phải.

Cái gì làm cha thích thú ở Buber? Sau này cha còn có các đĩa của ông.

Cha kính trọng sâu đậm Martin Buber. Đầu tiên hết, đây là một người theo chủ nghĩa nhân cách, theo nguyên tắc tôi-bạn, tỏa ra trọn cả nền triết học của ông. Và dĩ nhiên cha cũng đọc các Opera Omnia của triết gia. Hồi đó rất thịnh hành. Ông đã hoàn thành một bản dịch mới Sách Thánh với Rosenzweig. Tầm nhìn theo chủ nghĩa nhân cách và triết lý được nuôi dưỡng bằng Thánh Kinh đã có một khía cạnh rất cụ thể trong các câu chuyện do thái của ông. Lòng mộ đạo do thái của ông, một đức tin tự phát và cắm vững vàng trong thì hiện tại, cách của ông tin vào thế giới hôm nay, cả nhân cách của ông, tất cả nơi ông đều làm cho cha say mê.

Trong số các bài cha đọc cũng phải nói đến tác giả Hermann Hesse, chẳng hạn quyển Con chó sói của thảo nguyênTrò chơi của các hạt ngọc thủy tinh (Le Loup des steppes và Le Jeu des perles de verre).

Cha đọc Trò chơi của các hạt ngọc thủy tinh khi nó vừa xuất bản. Theo cha, đó là vào đầu những năm 1950. Còn về quyển Con chó sói của thảo nguyên thì cha đọc ở Ratisbonne trong những năm 1970.

Quyển Con chó sói của thảo nguyên là quyển sách của các người hippi ở San Francisco. Cha thích gì trong quyển sách này?

Sự phân tích một cách không thương xót sự đổ nát của con người. Đó là hình ảnh xảy ra cho con người ngày hôm nay. Trình bày các gốc rễ của hiện tượng này, tất cả các vấn đề đặt ra thấm trọn vào mình. Trong quyển Trò chơi của các hạt ngọc thủy tinh – khi đó cha còn trẻ và luôn sống trong một vũ trụ được che chở -, điều làm cha xúc động là ý tưởng, rồi cuối cùng nhân vật chính phải đi trở lại. Anh phải lên đường lại, thêm một lần nữa. Anh là bậc thầy trong trò chơi các hạt ngọc thủy tinh, nhưng không có gì là quyết định. Có một nét duyên dáng riêng cho mỗi cái bắt đầu, anh phải bắt đầu lại từ con số không.

Marta An Nguyễn chuyển dịch