Hòa bình của Đức Phanxicô là thực tế

185

lavie.fr, Jean-Pierre Denis, Chủ biên, 2017-01-04

Dù được công bố ngày 12 tháng 12-2016, nhưng chắc chắn ít người đọc bài diễn văn dài Đức Phanxicô viết nhân Ngày Thế giới Hòa bình 1 tháng 1. Và chắc chắn các Tổng thống Putin Nga, Erdogan Thổ Nhĩ Kỳ, Assad Syria đều không đọc và dĩ nhiên lãnh tụ khủng bố ISIS al-Baghdadi lại càng không đọc. Chúng ta đọc lại vài hàng: «Tôi mong bất bạo lực như một đường lối chính trị của hòa bình và tôi xin Chúa giúp cho tất cả chúng ta cậy vào nguồn bất bạo lực trong sâu thẳm các cảm nhận, các giá trị cá nhân của chúng ta. Ước mong đức bác ái và bất bạo lực là kim chỉ nam trong cách chúng ta đối xử với nhau, trong quan hệ giữa người này người kia, trong quan hệ xã hội và trong quan hệ quốc tế. (…) Từ mức độ địa phương và hàng ngày đến tầm mức thế giới, bất bạo lực trở nên lối sống đậm nét trong các quyết định, quan hệ, hành động, chính trị của chúng ta dưới tất cả mọi hình thức!»

Không tưởng ư? Dù khái niệm thân thuộc «chiến tranh từng phần» của ngài có vẻ như không rõ ràng thì Giáo hoàng Dòng Tên này rất cụ thể. Trình bày hòa bình như một chuyển động bắt đầu ở chính mình và chung quanh mình, ngài mời gọi chúng ta «đi con đường bất bạo lực đầu tiên hết ở trong gia đình», trong hôn nhân, giữa cha mẹ con cái, giữa anh chị em trong nhà. Mỗi người chúng ta ai cũng biết công việc này khó khăn, đau đớn như thế nào, đôi khi cũng nản lòng ở khía cạnh nhân bản, cũng như trên bình diện hòa bình giữa các quốc gia. Vì thế, có thể điều tôi mong muốn chúc quý độc giả, cùng với ban biên tập báo Đời sống, tất cả lời chúc hạnh phúc của tôi  cho năm mới 2017.

Vượt ra khỏi tầm mức cá nhân, chúng ta không thể phớt lờ cố gắng liên tục của Giáo hội công giáo từ Đức Phaolô VI đến nay, đã làm cho hòa bình thành «đường hướng đích thực và duy nhất cho sự tiến bộ của con người». Cựu Tổng Giám mục Buenos Aires, đương kim Giáo hoàng là người ở đúng vị trí để biết, làm thế nào Vatican có thể giải quyết – theo lời yêu cầu của Argentina và Chilê, vào thời của Đức Gioan-Phaolô II – mâu thuẫn giữa hai nước về việc kiểm soát kênh đào Beagle. Trong nhiều cuộc chiến tranh, như các cuộc chiến tranh gần đây ở Libia và hiện nay ở Syria, Sứ thần Tòa Thánh là một trong các nhà ngoại giao cuối cùng ở lại, nhờ tính trung lập của Tòa Thánh. Gần với Vatican là cộng đoàn Sant’Egidio, từ hàng chục năm nay, đã đảm trách nhiều vụ thương thuyết một cách kín đáo hoặc bí mật, một vài vụ đã có được thỏa hiệp hòa bình, và làm nhiều cố gắng để duy trì hòa bình như trường hợp nước Mozambique. Đó là công việc chính thức mà ông  Mario Giro, người có trách nhiệm trong các quan hệ quốc tế của cộng đoàn này đã hoàn thiện được.

Đức Giáo hoàng có thể vừa dựa trên đặc sủng cá nhân của mình, vừa dựa trên sự hợp pháp mỹ-la tinh và kinh nghiệm ngoại giao của Tòa Thánh. Chúng ta biết Rôma đóng một vai trò quan trọng trong sự xích lại gần giữa Obama và hai anh em Castro. Sau việc bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý của thỏa hiệp hòa bình lịch sử giữa chính quyền Colombia và Lực lượng vũ trang Farc, Đức Phanxicô đã tiếp cả Tổng thống Santos, giải Nobel Hòa bình 2016, lẫn cựu Tổng thống Álvaro Uribe và cũng là người chống đối tổng thống Santos. Bộ ngoại giao cũng đã từ nhiều tháng nay làm việc trên thỏa hiệp hòa bình dân sự chập chờn ở Venezuela. Và chúng ta chưa nói đến Phi châu! Trong những ngày này, các nhà lãnh đạo cao cấp công giáo, đứng đầu là các giám mục đã cố gắng giải tỏa tình trạng của nước Cộng hòa Congo, nơi mà Joseph Kabila cố bám vào quyền lực. Ngắn gọn, Đức Giáo hoàng biết ngài nói gì và tại sao ngài nói cho chúng ta nghe.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch