la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2017-01-02
Ngày 1 tháng 1-2017, Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện ra đời. Đây là một giai đoạn mới trong việc cải cách Giáo triều của Đức Phanxicô mà bằng từng việc nhỏ đã thay đổi rất nhiều guồng máy trung ương của Giáo hội.
Ở hành lang Giáo triều, từ khi Đức Phanxicô có sáng kiến cải cách Giáo triều, rất nhiều người vui mừng đã tìm thấy một ý nghĩa mới cho công việc của họ ở Vatican.
Một sự đảo lộn về mặt tinh thần
Còn những người khác mà địa vị xưa cổ của họ đã được cố định, thì họ cảm thấy bấp bênh, họ lầu bầu trước một giáo hoàng không chấp nhận «ở đây chúng tôi luôn làm như vậy» hoặc «ở đây chúng tôi chưa bao giờ làm như vậy». Một số người khác lại sống trong tinh thần làm việc đồng đội và tập thể, giống tinh thần «tin lành hóa» của Giáo hội.
Với việc hủy bỏ nhiều ban bộ cũng như các địa vị cao, nhiều người sợ bị gởi về giáo phận gốc, đối với họ như vậy đúng thật là «xuống chức».
Chính những kháng cự này mà trong buổi chúc lễ Giáng Sinh ngày 22 tháng 12 vừa qua, Đức Phanxicô đã khơi lên cái xấu xa nhất của công thức «dậm chân tại chỗ về mặt thiêng liêng», của người nói mình sẵn sàng thay đổi; nhưng thay đổi để mọi chuyện vẫn y như cũ.
Một cải cách được mong chờ từ lâu
Để làm cho Giáo triều «thích ứng với các đòi hỏi của thời đại» như Đức Phanxicô giải thích trong bài diễn văn đọc trước Giáo triều, thì các giáo hoàng đã cố gắng làm từ cả thế kỷ nay. Đức Piô X, Đức Phaolô VI đã làm, đã cố gắng thích ứng theo đòi hỏi của thời của mình đối với bộ máy quản trị có cả ngàn năm nay, qua đó giáo hoàng cuối cùng là Đức Gioan-Phaolô II đã mang đến cho Giáo hội bộ mặt ngày hôm nay, qua Tông hiến Mục tử Nhân lành (Pastor Bonus) ban hành năm 1988.
Các đột biến thay đổi vào cuối triều Đức Bênêđictô XVI, nhất là vụ rò rỉ tài liệu Vatileaks từ văn phòng của chính Giáo hoàng, đã cho thấy các giới hạn trong việc tổ chức quản trị mà Đức Gioan-Phaolô II mong muốn. Đến mức mà khi các hồng y bầu Đức Phanxicô, họ đều nhất loạt xin có một cuộc cải tổ sâu đậm Giáo triều.
Nhiều việc cần phải làm của Hội đồng «C9»
Để làm công trình to lớn này, Đức Phanxicô có một Hội đồng gồm tám, và sau tăng lên là chín hồng y phụ trách cố vấn cho ngài trong việc quản trị và xem lại Tông hiến Mục tử Nhân lành. Cứ mỗi hai hoặc ba tháng, các hồng y trong hội đồng này cùng họp với Đức Giáo hoàng để «xem lại» các phương pháp làm việc của Giáo triều.
Trong 17 lần họp, Hội đồng đã nghiên cứu cách quản trị của đa số các bộ của Giáo triều. Nếu công việc của Hội đồng vẫn đang còn tiếp diễn, thì những đề nghị cụ thể đã được trình lên cho Đức Giáo hoàng.
Tuy nhiên một tông hiến mới để thay Tông hiến Mục tử Nhân lành vẫn còn phải chờ, nhưng các cải cách đã bắt đầu tiến hành. Trong lời chúc của mình, Đức Phanxicô cũng đã nhắc lại 18 tài liệu, mà trong vòng ba năm đã mang lại một khuôn mặt mới cho Giáo triều.
Một ban quản trị nhẹ hơn
Như thế, dù bây giờ chưa đụng đến cấu trúc của Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II, sự khác biệt giữa các Bộ, guồng máy quản trị, và các Hội đồng Giáo hoàng, chỉ có tính cách cố vấn, đang mờ nhạt dần.
Con số các Hội đồng Giáo hoàng xuống từ 12 còn 5, trong khi hai «Bộ» có khả năng lớn rộng hơn đã ra đời: Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống ra đời tháng 9-2016 và Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện ra đời ngày 1-1-2017.
Hai «văn phòng» cũng đã được thành lập, trải rộng về mặt bằng hơn, văn phòng phụ trách tài chính, điểm đen của các triều giáo hoàng trước và văn phòng truyền thông.
Một tổ chức để kiểm soát tài chánh
Phụ trách theo dõi và kiểm tra tài chánh các bộ, Văn phòng Kinh tế giải quyết tạm thời việc thiếu tổ chức ngân sách trung ương. Tháng sáu vừa qua, để tránh vừa ra lệnh chi trả, vừa là người kiểm soát, Đức Giáo hoàng đã phải rút lui đàng sau, để ban Quản trị Di sản Tòa Thánh có nhiệm vụ quản lý trực tiếp tài sản của Tòa Thánh.
Còn về Doãn phận Tông tòa về kinh tế đã không có giám quản từ hơn một năm, cũng không có thư ký sẽ bị giải tán – người phụ trách đã bị tù trong vụ rò rỉ Vatileaks, ông vừa được thả ra trước lễ Giáng Sinh và bị gởi về địa phận Tây Ban Nha của mình.
Một sự hợp lý hóa trong ban truyền thông
Còn về mặt truyền thông, cải cách đã đưa đến việc thành lập một Viện Truyền thông. Hội tụ lại các chuyên ngành của cựu Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Viện tập hợp Văn phòng báo chí và các văn phòng truyền thông khác.
Một nỗ lực lớn để hợp lý hóa và giảm chi phí, dù cần thiết nhưng không phải là không gặp khó khăn. Ở Radio Vatican, một thể chế cho đến bây giờ có một đường lối chỉ đạo rõ ràng, bây giờ các ký giả thấy công việc của họ hướng về truyền thông liên lạc, họ lo cho một Vatican quá gắn kết với các nhóm lớn của Internet.
Một tinh thần được làm mới lại
Nhưng ngoài các lãnh vực tổ chức chương trình, trước hết là cách làm việc mà Đức Giáo hoàng muốn Giáo triều được cải cách. Đức Phanxicô giải thích ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình: «Các cải cách có tính cách cơ cấu hay tổ chức là phụ. Cải cách đầu tiên hết phải là cải cách trong tinh thần.» Một người thân cận với Đức Phanxicô cho biết: «Đối với ngài, rất rõ ràng, cải cách không phải chỉ thu gọn trong việc thay đổi cách tổ chức nhưng phải qua cuộc hoán cải cá nhân, mục vụ và sứ mệnh».
Đó là các tiêu chuẩn mà Đức Phanxicô giải thích trong các lời chúc của ngài với Giáo triều. Dựa trên suy tư của Hội đồng Hồng y C9, ngài mô tả một Giáo triều uyển chuyển hơn, làm việc trong một tinh thần tập thể hơn.
Cách làm việc phối hợp hơn
Trong tinh thần này, vai trò phối hợp của phủ Quốc vụ khanh là vai trò quyết định. Nhưng trong Tông hiến Mục tử Nhân lành lại không giải thích gì rõ ràng, ngược lại, tài liệu lại nói, rằng «các bộ về mặt pháp lý thì bằng nhau». Như thế mỗi bộ giữ kỹ lãnh vực của mình dưới mắt bộ khác.
Nếu một vài bộ có thói quen làm việc tập thể – Đức Hồng y Ratzinger đã điều khiển Bộ Tín Lý trong tinh thần làm việc tập thể, mỗi người trong cuộc họp đều có thể nói lên tiếng nói của mình – thì có những bộ từ nhiều năm nay không họp các hồng y và các giám mục trên toàn thế giới…. Cải cách Giáo triều đúng là một công việc lâu dài vất vả!
Hình: Buổi chúc lễ Giáng Sinh truyền thống của Đức Phanxicô với Giáo triều La Mã ở sảnh Clementina, Vatican ngày 22 tháng 12-2016.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch