Thưa Mục sư Timothy Keller, tôi có là kitô hữu không?

512

Hình: “Than khóc” tranh của Marco Basaiti, hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá. Credit HIP/Art Resource

nytimes.com, Nicholas Kristof, 2016-12-23

Thế nào là một kitô hữu ở thế kỷ 21?

Ai là kitô hữu mà chưa từng nghi ngờ việc trinh nữ sinh con hay việc Chúa Sống Lại.

Các câu hỏi tôi đặt ra cho mục sư Timothy Keller, một mục sư Kitô thuộc giáo phái Tin Mừng và là tác giả có sách bán chạy nhất trong số các tư tưởng gia giáo phái Tin Mừng hôm nay. Cuộc trò chuyện của chúng tôi được biên tập lại cho có bối cảnh và rõ ràng.

Kristof: Tim, tôi rất ngưỡng mộ Đức Giêsu và sứ điệp của Ngài, nhưng tôi cũng hoài nghi về các chủ đề đặc nét của Kitô giáo – trinh nữ sinh con, sự Sống Lại, các phép lạ và các chuyện như vậy. Vì đây là mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy bắt đầu với sự việc trinh nữ thụ thai. Có phải đó là một niềm tin cần thiết, hoặc tôi có thể thay đổi tùy biến?

Keller: Nếu một cái gì đó thực sự không thể thiếu cho một cơ chế suy nghĩ thì mình không thể xóa nó đi mà không làm chao đảo sự nguyên vẹn của nó. Một tôn giáo không thể là bất cứ điều gì chúng ta mong muốn nó phải có. Nếu tôi là thành viên trong hội đồng quản trị của tổ chức Hòa bình Xanh, Greenpeace, và tôi ra ngoài tuyên bố việc thay đổi khí hậu là một trò lừa bịp, dân chúng sẽ yêu cầu tôi từ chức. Tôi có thể cho họ hẹp hòi, nhưng họ sẽ đúng khi nói, có một số giới hạn cho bất đồng chính kiến hoặc chúng ta không thể có một tổ chức nhất quán và gắn kết. Và họ đúng. Và đó cũng đúng cho bất kỳ niềm tin tôn giáo nào.

Nhưng các câu chuyện đầu tiên của cuộc đời Chúa Giêsu, ngay cả Phúc Âm Thánh Mácô và thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát cũng đã không đề cập đến việc trinh nữ thụ thai. Và các quy chiếu trong Phúc Âm Thánh Luca về sự ra đời đồng trinh được viết theo một loại khác của Hy Lạp và có thể được thêm vào sau này. Vì thế tại sao lại không có chỗ cho sự hoài nghi?

Nếu nó đơn giản chỉ là huyền thoại thì có thể bác bỏ được, nhưng nó sẽ làm hư kết cấu của sứ điệp Kitô giáo. Triết gia người Pháp Luc Ferry, nhận biết sự xuống thế của Đức Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan như một quyền lực đằng sau toàn bộ vũ trụ, không phải chỉ là một nguyên tắc của vũ trụ phi thực thể, nhưng là một thực thể được biết đến và được yêu mến. Và điều này đã làm cho các triết gia Hy Lạp và La Mã chướng tai gai mắt, nhưng đó lại là tính cách mạng trong lịch sử tư tưởng con người. Nó đã dẫn đến sự nhấn mạnh mới về tầm quan trọng của mỗi cá nhân và về tình yêu như một nhân đức tối thượng, vì Chúa Giêsu không phải chỉ là một con người cao cả, nhưng là Đấng Tạo Hóa đã tồn tại trước, xuống thế làm người một cách kỳ diệu.

Và Sống Lại? Phải được hiểu theo nghĩa đen?

Việc giảng dạy của Chúa Giêsu không phải là điểm chính của sứ mệnh của Ngài. Ngài đã xuống thế để cứu con người khỏi tội lỗi qua cái chết và qua sự sống lại của Ngài. Tôi biết sự giảng dạy về mặt đạo đức của Ngài chỉ quan trọng khi chúng ta không tách nó ra các tín điều lịch sử. Nếu sự Sống Lại là một thực tế xác thực thì nó giải thích lý do tại sao Chúa Giêsu có thể nói phúc thay cho những ai có tâm hồn nghèo khó, và phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất hứa làm gia nghiệp (Mt 5: 5). Thánh Phaolô nói, không có sự sống lại đích thực, thì Kitô giáo là vô dụng (1 Cor 15: 19).

Nhưng tôi xin phép được được bàn ngược trở lại. Như các bạn còn rõ tốt hơn tôi, chính các Sách Thánh cũng không nói rõ ràng về Phục Sinh. Bà Maria Mađalêna ban đầu không nhận ra là Chúa Giêsu đã sống lại, cũng như các môn đệ cũng không nhận ra, và các sách Tin Mừng cũng lờ mờ về sự hiện diện của Chúa Giêsu theo nghĩa đen – đặc biệt Phúc Âm Thánh Mácô là Phúc Âm đầu tiên kể chuyện này. Vậy nếu chúng ta xem các đoạn này là đáng kể, rằng Chúa Giêsu thực sự đã sống lại từ cõi chết, thì tại sao nó lại lờ mờ?

Tôi không muốn đặc trưng hóa các mô tả việc Chúa Giêsu sống lại trong Tân Ước là lờ mờ. Chúng rất thực tế trong từng chi tiết. Đúng, lúc đầu Maria Mađalêna không nhận ra Chúa, nhưng sau đó bà nhận ra. Mới đầu hai môn đệ trên đường Êmmau (Lc 24) cũng không nhận ra Chúa Giêsu. Kinh nghiệm của họ giống như khi mình gặp một người bạn sau 20 năm xa cách. Nhiều sử gia lập luận, chính điều này làm cho câu chuyện có tính xác thực dưới cặp mắt nhân chứng. Nếu bạn dựng lên một câu chuyện về sự sống lại, bạn có hình dung Chúa Giêsu đã bị thay đổi đủ để không thể bị nhận ra ngay lập tức, nhưng lại không quá nhiều, để không được nhận ra sau vài phút? Còn về Phúc Âm Thánh Máccô, đúng, nó kết thúc rất đột ngột mà không nhận ra được sự sống lại, nhưng đa số các nghiên cứu đều nghĩ rằng, chúng ta đã bị lạc mất ở phần cuối sách hoặc trong tiến trình của nó.

Những người hoài nghi nên xem lại một khía cạnh đáng ngạc nhiên của các bài viết này. Maria Mađalêna được xem như nhân chứng đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh, và các phụ nữ khác cũng được xem như nhân chứng sớm nhất trong các sách Tin Mừng khác. Đây là thời buổi mà các lời chứng của phụ nữ, vì địa vị thấp kém của họ trong xã hội, đã không được chấp nhận tại tòa án. Các nhà phê bình ngoại giáo đầu tiên của Kitô giáo đã bám vào điều này và gạt bỏ việc Chúa Sống Lại, xem như đây là lời của “các bà cuồng hoảng”. Nếu các tác giả Tin Mừng là người sáng chế ra câu chuyện, thì họ sẽ không bao giờ đưa phụ nữ vào trong câu chuyện của họ. Vậy họ không phải là người phát minh ra câu chuyện.

Nhiều chuyện trong sách gần như không giải thích được nếu chúng ta không tin vào sự sống lại thể xác. Học giả người Anh Nicholas Thomas Wright đã lập luận trong quyển “Sự Phục Sinh của Con Thiên Chúa” rằng, về mặt lịch sử, thật khó để có một giải thích xen kẽ có thể chấp nhận được cho sự ra đời của phong trào Kitô giáo. Thật khó để giải thích hiện tượng đầu hôm sớm mai, hàng ngàn người Do Thái đã tôn thờ một người phàm như thần thánh khi tất cả mọi thứ về tôn giáo và văn hóa của họ đã định hình con người họ, chuyện này không những là chuyện không thể có được, mà thậm chí còn là dị giáo. Câu giải thích tốt nhất cho sự thay đổi đó là hàng ngàn người trong số họ đã thực sự nhìn thấy Chúa Giêsu bằng chính con mắt của mình.

Vậy còn những người như tôi thì sao? Tôi có là một tín hữu kitô không? Một người đi theo Chúa Kitô không? Một kitô hữu thế tục không? Tôi có thể là một Kitô hữu mà vẫn nghi ngờ về sự Phục Sinh không?

Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ một kết luận nào cho một cá nhân mà không nói chuyện với họ một thời gian dài. Nhưng, nói chung, nếu bạn không chấp nhận sự phục sinh hay các niềm tin nền tảng khác theo quy định của kinh Tin Kính các tông đồ, thì tôi sẽ nói bạn đang ở bên ngoài ranh giới.

Tim, thỉnh thoảng người ta nói, câu trả lời là đức tin. Nhưng, là nhà báo, tôi thấy hoài nghi là hữu ích. Nếu tôi nghe thấy một cái gì đó có vẻ mê tín, tôi muốn có bằng chứng và các nhân chứng. Đó là thái độ của chúng ta đối với Hồi giáo, Ấn giáo và Lão giáo, vậy tại sao chúng ta không nghi hoặc trong chính truyền thống đức tin của mình?

Tôi đồng ý. Chúng ta nên đòi hỏi bằng chứng và lý luận tốt, và chúng ta không nên nói ngắn gọn các tôn giáo khác là “mê tín” và sau đó không làm sao đặt vấn đề trên các phong tục quen thuộc của truyền thống đức tin Do Thái hay Kitô giáo của chúng ta.

Nhưng tôi không muốn chống đức tin với thái độ hoài nghi quá sắc bén mà có thể xem như chống đối. Chúng không chống đối. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đặt nền tảng đời sống chúng ta vừa trên lý trí vừa trên đức tin. Ví dụ, đức tin của tôi trên một chừng mực nào đó dựa trên lý lẽ rằng sự tồn tại của Thiên Chúa là hợp lý nhất cho những gì chúng ta thấy trong thiên nhiên, lịch sử và kinh nghiệm. Triết gia người Mỹ Thomas Nagel gần đây đã viết, rằng cái nhìn hoàn toàn vật chất về tự nhiên không thể đứng vững trong ý thức, nhận thức và các giá trị đạo đức của con người. Đó là phần lý lẽ đằng sau đức tin của tôi. Tôi biết đức tin của tôi là dựa trên lôgic và lập luận.

Rốt cùng, tuy nhiên, không ai có thể chứng minh một cách hiển nhiên các nền tảng chính của con người mà chỉ dựa trên chính cuộc đời họ, dù chúng ta đang nói về sự tồn tại của Thiên Chúa hay tầm quan trọng của nhân quyền và bình đẳng. Triết gia Nietzsche lập luận, các giá trị nhân văn của hầu hết mọi người thế tục, chẳng hạn như tầm quan trọng của cá nhân, nhân quyền và trách nhiệm đối với người nghèo, không có chỗ trong một vũ trụ hoàn toàn vật chất. Thậm chí ông còn cáo buộc những người giữ các giá trị nhân văn là «Kitô hữu giấu mặt», vì nó đòi hỏi một bước nhảy vọt của đức tin để giữ các giá trị này. Tất cả chúng ta phải sống bằng đức tin.

Tôi miễn cưỡng chấp nhận quan điểm của ông: Niềm tin của tôi về quyền con người và đạo đức có thể có nhiều về mặt đức tin hơn là lôgic. Nhưng có thực sự tương tự để tin vào những chuyện có thể phù hợp với khoa học và hiện đại như nhân quyền, và những điều có vẻ như không phù hợp, như tin vào sự sống lại hay trinh nữ thụ thai không?

Tôi không thấy lý do vì sao đức tin phải được coi như không phù hợp với khoa học. Không có gì phi lý về phép lạ nếu một Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa tồn tại. Nếu một Thiên Chúa hiện hữu, Đấng đủ cao lớn để tạo dựng vũ trụ trong tất cả sự bao la và phức tạp của nó, thì sao một phép lạ đơn giản như thế lại tạo ra căng thẳng tinh thần như vậy? Bằng chứng cho các phép lạ này không thể xảy ra, bạn phải không còn nghi ngờ một chút nào, rằng Thiên Chúa không tồn tại. Điều không phải ai cũng có thể làm được.

Khoa học phải luôn giả định, muốn có một tác dụng trên các nguyên nhân tự nhiên, nó phải được lặp lại. Đó là phương pháp luận của nó. Hãy tưởng tượng, sau đó, vì lợi ích của lập luận mà phép lạ đã thật sự xảy ra. Khoa học sẽ không có cách nào để xác nhận một một sự không lập lại cho các nguyên nhân siêu nhiên. Triết gia người Mỹ Alvin Plantinga lập luận, muốn nói như vậy, thì phải có một lý do khoa học cho bất kỳ hiện tượng dường như kỳ diệu nào, như nằn nì đòi chìa khóa mình bị mất phải ở dưới cột đèn. Vì đó là nơi duy nhất tôi có thể thấy.

Tôi có thể hỏi: Ông có bao giờ phải hoài nghi chưa? Có phải gần như tất cả mọi người của đức tin đều đã có lúc đấu tranh với những câu hỏi này không?

Có và có. Trong Kinh Thánh, trong thư thánh Giuđa (chương 1, câu 22) nói, các tín hữu kitô «thương xót những ai nghi ngờ». Chúng ta không nên khuyến khích mọi người đơn giản nên bóp nghẹt tất cả nghi ngờ. Nghi ngờ buộc chúng ta phải suy nghĩ những điều trên và tái kiểm tra lý do của chúng ta, và đó có thể, cuối cùng, dẫn đến đức tin mạnh hơn.

Ngoài ra tôi muốn khuyến khích nên hoài nghi với những giảng dạy tôn giáo nghi ngờ các giả định đức tin, vì nó thường thúc đẩy thái độ hoài nghi của họ. Trong khi các Kitô hữu nên cởi mở với các câu hỏi giả định đức tin của họ, tôi hy vọng những người hoài nghi thế tục sẽ tự vấn về các hoài nghi riêng của mình. Không tuyên bố – «Không có thực tại siêu nhiên vượt ngoài thế giới này» và «Có một thực tại siêu việt vượt ngoài thế giới vật chất này» – có thể được chứng minh bằng thực nghiệm, cũng không cho rằng điều này hiển nhiên cho hầu hết mọi người. Cả hai biết họ phải tin. Người thế tục cũng phải cởi mở với các câu hỏi và nghi ngờ về quan điểm của họ cũng như những người có tôn giáo.

Điều tôi ngưỡng mộ nhất nơi Kitô giáo là công việc tốt tuyệt vời mà đạo đã khởi hứng cho nhiều người làm những chuyện tốt trên toàn thế giới. Nhưng tôi gặp khó khăn với khái niệm Phúc Âm, mọi người lên thiên đàng khi họ đến trực tiếp với Chúa Giêsu. Có phải như vậy là ngụ ý hàng tỷ người – Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo – đều bị xuống hỏa ngục, vì họ lớn lên trong những gia đình không Kitô giáo trên khắp thế giới sao? Thánh Gandhi cũng ở trong hỏa ngục sao?

Kinh Thánh nói một cách dứt khoát, bạn chỉ có thể được cứu bằng đức tin vào Chúa Giêsu (Ga 14: 6; Công vụ Tông đồ 4: 11-12). Tôi rất thông cảm với lo ngại của ông, tuy nhiên điều này gần như quá độc quyền và bất công. Có rất nhiều quan điểm về vấn đề này, tôi biết các suy nghĩ của tôi về vấn đề này không thể được xem như quan điểm kitô. Nhưng ở đây, chúng là:

Ông hàm ý cho rằng, những người thật sự tốt (như thánh Gandhi) cũng được lên thiên đàng, chứ không riêng gì kitô hữu. Vấn đề là kitô hữu không tin người nào tốt đều được cứu. Nếu mình không đến với Chúa qua lòng tin vào Chúa Kitô, thì mình thực hiện chuyện tốt của mình chỉ dựa trên ý chí riêng của mình. Nhưng nghịch lý thay, điều này thật sự là mầm mống của độc quyền và bất công, những người mà chúng ta thường có khuynh hướng cho họ là những người «xấu» – những người đi tấn công, những kẻ thù, những người yếu ớt, ích kỷ – thường thì chính họ lại là những người bị lợi dụng và là nguyên cớ của những việc tàn bạo.

Tín hữu kitô tin rằng, những ai nhận biết sự yếu đuối của mình và cần Đấng Cứu Chuộc thì họ sẽ được cứu rỗi. Nếu đến với Chúa qua ân sủng của Chúa Giêsu, thì tất cả mọi người có thể có sự sống đời đời ngay lập tức. Đó là vì sao «tái sinh lại» của Kitô giáo luôn mang đến hy vọng và lan tỏa đến các người «đau khổ ở trần gian này».

Tôi có thể hình dung ra ai đó nói, «Hả, vì sao Chúa lại không đơn giản chấp nhận tất cả mọi người – cứu chuộc toàn thể». Vậy thì tạo ra một vấn đề khác, vấn đề với sự công bằng. Như vậy có nghĩa là Chúa sẽ không thực sự quan tâm về sự dữ và bất công.

Như vậy còn vấn đề công bằng đối với những người lớn lên xa với với mọi tiếp xúc Kitô giáo. Kinh Thánh nói rõ ràng về hai điều – sự cứu rỗi phải qua ân sủng và đức tin trong Chúa Kitô, và Thiên Chúa luôn công chính và công bằng trong các con đường của Ngài. Điều này không trực tiếp chính xác nói cho chúng ta làm thế nào cả hai chuyện này có thể thực sự đi chung với nhau. Tôi không nghĩ nó không thể vượt lên được. Đơn giản chỉ vì tôi không xem đó là một phương tiện, để không thấy đó là một chuyện hiển nhiên, rằng không thể thấy theo cách đó. Nếu chúng ta có một Thiên Chúa đủ lớn để xứng đáng được gọi là Thiên Chúa, thì chúng ta có một Thiên Chúa đủ lớn để dung hòa cả hai, công lý và tình yêu.

Tim, cảm ơn cho cuộc trò chuyện lý thú này. Và dù cho tôi có những điều nghi ngờ, tôi vẫn tin vào chuyện này: Merry Christmas!

Marta An Nguyễn chuyển dịch