Linh mục «cứng ngắc và thời thượng»?

430

Linh mục cứng ngắc và thời thượng, một công chức “lố bịch” làm giáo dân bỏ trốn

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2016-12-18

Để mừng lễ Giáng Sinh, Đức Phanxicô thúc đẩy giới giáo sĩ thay đổi, ngài không nhẹ lời!

Giáo quyền? Một căn bệnh bị thống trị bởi tính ngạo nghễ và chuyên chế… Một linh mục “cứng ngắc và thời thượng?” Một công chức “lố bịch” làm mọi người bỏ trốn. Hai lần trong tuần này, Đức Phanxicô đã dùng những chữ mạnh để khuyến khích các linh mục xét mình trước lễ Giáng Sinh. Cả hai lần đều trong thánh lễ buổi sáng ở Nhà nguyện Thánh Mácta nơi ngài ở: đầu tiên hết là ngày 9 tháng 12, ngày Vatican công bố tài liệu mới về việc đào tạo linh mục, tiếp đó là ngày 13 tháng 12, ngày Đức Phanxicô chịu chức cách đây 47 năm.

Để tóm trọn công việc này, ngày 15 tháng 12, Đức Phanxicô kêu gọi các mục tử hãy noi gương thánh Gioan Tẩy Giả, người đã nói mạnh, nói trực tiếp trong các bài giảng của mình, người “đã hiểu hoàn cảnh của người dân, đã giúp họ lớn lên trong đức tin”, ngài cũng đi qua các hoài nghi, nhưng ngài luôn trung thành với sứ mệnh của mình và với sự thật. 

Các linh mục, người trung gian hòa giải chứ không phải người môi giới

Trong thánh lễ ngày 9 tháng 12, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Để truyền Lời Chúa, các linh mục phải là người ‘trung gian hòa giải’ chứ không phải là người ‘môi giới’.” Bài giảng tập trung về các cám dỗ có thể làm nguy cơ cho việc phục vụ của mình, Đức Phanxicô nói đến cám dỗ cứng ngắc và thói thời thượng, một chứng tâm thần phân liệt độc hại cho dân Chúa, làm họ xa Chúa mà cũng làm cho chính linh mục này tận trong thâm tâm mình, họ sống trong thảm kịch. Một linh mục thời thượng, cứng ngắc là một người bất mãn, vì họ đi sai đường.

Đức Phanxicô nhấn mạnh, các linh mục bất mãn thì xa con đường của Chúa. Thay vì “quên mình, tận hiến đời mình, hy sinh đời mình để quy tụ đàn chiên và dẫn đàn chiên về với Chúa” thì họ để cả đời để than phiền, để buồn hoặc khi nào cũng tìm các dự án mới, các sáng kiến mới để làm cho mình nổi bật hoặc để cho mọi người biết mình có uy quyền. Đức Phanxicô nói, hai tình trạng này biến người linh mục thành công chức và cuối cùng làm cho họ thành lố bịch. Không như các linh mục chân chính, những người “không sợ bị dơ tay, họ chơi với trẻ con, họ giữ nụ cười trên môi và họ biết đón nhận.”

Vì thế Đức Phanxicô mời gọi các linh mục xét mình trước lễ Giáng Sinh, từ nay mỗi ngày anh em phải xét mình: “Hôm nay tôi là công chức hay người trung gian hòa giải? Tôi có tìm tiện nghi riêng cho mình hay tôi phục vụ người khác? Tôi muốn cuộc đời linh mục của tôi kết thúc như thế nào? Như người công chức, như người môi giới, như người trung gian hòa giải, có nghĩa là nơi thập giá?”. 

“Các tu sĩ trí thức”

Và còn nạn giáo quyền “dùng luật cưõng bức dân Chúa” làm cho giáo dân cảm thấy “mình bị lợi dụng, bị loại trừ.” Một căn bệnh có từ thời Chúa Giêsu và bây giờ vẫn còn, Đức Phanxicô giảng trong thánh lễ ngày 13 tháng 12, ngày kỷ niệm 47 năm chịu chức của mình, nét mặt ngài tỏ ra bất bình. Đối với ngài, căn bệnh này là một trong những tai họa nặng nhất làm Giáo hội đau khổ, gần đây trước các anh em Dòng Tên của mình, ngài cũng còn nói như vậy.

Với tất cả “tu sĩ trí thức”, chữ ngài gọi những người để cho “thói giáo quyền lôi cuốn”, ngài nhắc lại, các nạn nhân của họ sẽ lên Nước Trời trước họ. Theo Đức Phanxicô, “các nạn nhân của họ là những người bị loại trừ, những người nghèo, những người khiêm tốn có lòng tin vào Chúa” mà họ “tự mãn ngạo nghễ nhìn” và không tôn trọng những người này, bởi vì những người này không tuân từng chữ vào luật, dù “họ đã ăn năn”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh, các nạn nhân đau khổ vì các bất công này, cảm thấy mình bị lên án, mình bị lợi dụng. Giáo quyền là một bệnh rất xấu, xóa hết các luật của Chúa. “Các tu sĩ trí thức” giảng dạy một loại đạo đức phát xuất từ trí thông minh riêng của họ, chứ không phải từ sự mặc khải của Chúa. Ngài đưa ra ví dụ về cách Giuđa bị đối xử, ông là người “phản bội, người phạm tội nhưng ông biết ăn năn”. Ông muốn trả lại tiền ông đã bội phản, nhưng các linh mục không nhận, họ quên đi những gì một mục tử phải làm. “Các nhà trí thức tôn giáo khai trừ ông, để ông trơ trọi một mình”.

“Ơn nghi ngờ”

Ngày 15 tháng 12, cũng tại Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô xin “các mục tử phải nói sự thật nhưng phải luôn biết thông hiểu”. Trong Mùa Vọng, linh mục cũng như giáo dân đều được mời gọi để thay đổi lối sống. Để thay đổi được, chúng ta có gương cao quý của Thánh Gioan Tẩy Giả, người có một chương trình hoạch định đẹp cho tín hữu kitô. Người vĩ đại trong đức tin rao giảng phải hoán cải và mạnh mẽ lên án những người kiêu ngạo. Nhưng vào cuối đời, thánh Gioan tự cho phép mình “nghi”: Giêsu không phải là Đấng Cứu Chuộc “như mình hình dung”. Đức Phanxicô giải thích, “các vĩ nhân tin chắc vào ơn gọi của mình, nhưng mỗi lần Chúa đặt họ đi trên một con đường mới (…), họ nghi ngờ. (…) Và lúc đó quỷ làm việc và nó không thiếu gì bạn bè giúp đỡ nó”. Nhưng “các vĩ nhân” nghi vì họ trung thành với những gì Chúa đã đòi hỏi họ, chính xác trong trường hợp Thánh Gioan là ngài “trung thành với sứ mệnh của mình và với Mặc khải”.

Đức Phanxicô khuyên các linh mục xin “ơn hoài nghi”. Ngài kết luận, vì bao nhiêu lần, vào cuối đời của mình, linh mục đã tự hỏi: “Nhưng tất cả những gì tôi tin có thật không, hay chỉ là những chuyện hoang tưởng?”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch