Đức Phanxicô mừng sinh nhật 80 tuổi, nhìn lại 80 năm con đường đưa ngài đến ngôi Thánh Phêrô
cath.ch, Raphael Zbinden, 2016-12-16
Ngày 7 tháng 12-2016, Jorge Mario Bergoglio, Giáo hoàng Phanxicô mừng sinh nhật 80 tuổi, 80 năm dấn thân đấu tranh vì lợi ích cho mọi người. Từ khi còn là cậu bé mê đá banh cho đến khi được bầu chọn lên ngôi Thánh Phêrô, nhìn lại 80 năm đã hun đúc sứ vụ giáo hoàng của ngài.
1936-1946: Trao truyền đức tin
Jorge Bergoglio trong những năm trung học
Ngày 17 tháng 12-1936, Maria Regina và Mario Bergoglio, một cặp vợ chồng người Argentina gốc Ý vui mừng tột độ. Họ có đứa con trai đầu lòng và đặt tên cho đứa bé là Jorge Mario. Đứa bé được rửa tội vào ngày lễ Giáng Sinh.
Bà nội Rosa là người giữ cháu thường xuyên. Ngoài ngôn ngữ vùng Piémont, nước Ý và các phong tục tập quán Ý, bà còn truyền đức tin cho cháu mình. Trong mười năm đầu đời, Jorge Mario đi học trường Đức Bà Thương xót ở Buenos Aires, ngôi trường chỉ cách nhà vài mét.
Lên 10 tuổi, Jorge Mario thích sưu tầm tem và chơi đá banh với bạn cùng xóm. Từ nhỏ, chú bé Jorge Mario đã tỏ ra lanh lợi tháo vát và độc lập. Chẳng hạn, chú có sáng kiến học cửu chương bằng cách đi lên đi xuống cầu thang.
1946-1956: Ơn gọi
Cuối những năm 1940, Jorge vào nội trú trường danh tiếng Wilfrid Ramon Mejia, ở Buenos Aires. Jorge Mario giữ ảnh hưởng sâu đậm trong những năm học với các tu sĩ Dòng Salê này. Các linh mục dạy cho Jorge Mario điều cốt tủy: một nền văn hóa công giáo không mê đạo cũng không mất định hướng, nhưng bám trong thực tế.
Ngài không bao giờ đi ngủ mà không cầu nguyện, đặc biệt ngài có lòng tôn kính Đức Mẹ. Năm 13 tuổi, ngài đã muốn đi tu làm linh mục. Tháng 9 năm 1953, ngài xưng tội với một linh mục mà ngài không quen, nhưng «đã chờ ngài từ lâu». Sau lần xưng tội đó, ngài cảm thấy có một cái gì thay đổi trong lòng mình. «Tôi cảm thấy có một tiếng nói, một lời kêu gọi: tôi tin chắc tôi sẽ thành linh mục». Một năm sau, ngài cho gia đình biết quyết định của mình: Tin được người cha vui mừng đón nhận, nhưng mẹ thì bối rối hơn, bà mong ngài học bác sĩ.
Năm 14 tuổi, cha của ngài huấn luyện ngài làm các công việc nhỏ trong giờ rãnh. Song song với việc học, ngài làm việc kiếm tiền. Ngài học môn hóa học thực phẩm ở trường kỹ thuật. Ngài học hành chăm chỉ và tốt nghiệp năm 1955.
1956-1966: Một chiến binh của Chúa Kitô
Jorge 21 tuổi khi ngài vào chủng viện Villa Devoto của tòa giám mục, chủng viện ở phía Tây của thủ đô Argentina. Ngài học xuất sắc nhưng việc học bị xáo trộn bởi hai sự kiện: nhớ nhung một cô gái trẻ gặp trong đám cưới của một người chú và bị bệnh sưng phổi phải cắt một phần phổi. Sau khi mổ, trong những lúc đau đớn, Jorge tìm ra phương cách để đối diện với đau khổ qua đức tin.
Tháng 3 năm 1958, với một xác tín mạnh mẽ, ngài vào Dòng Tên, tính cách truyền giáo của Dòng đã cuốn hút ngài. Ngài mơ được đi truyền giáo ở Nhật. Tuy nhiên Rôma gởi ngài đến một nhà do các linh mục Dòng Tên quản trị ở trung tâm Chí Lợi. Ở đây khi ngài dạy giáo lý cho các em bé trong khu vực, ngài thấy được sự nghèo khổ cùng cực.
Năm 29 tuổi, ngài dạy học ở trường trung học danh tiếng của Dòng Tên, trường Đức Mẹ Vô nhiễm ở Santa Fe, miền bắc Argentina. Ngài dạy các môn nghệ thuật, văn chương và tâm lý. Dù còn trẻ nhưng ngài đã có được uy tín nhờ cá tính kiên trì và cách dạy có phương pháp của ngài. Khi tiếp xúc với học trò, ngài tỏ ra có tính hài hước.
1966-1976: ‘Thăng quan tiến chức’ nhanh chóng
Năm 1966 là năm quyết liệt của Argentina, ngày 28 tháng 6, một cuộc đảo chánh quân đội đã hạ tổng thống Arturo Illia, đại tướng Juan Carlos Ongania lên chức. Đó cũng là thời gian chuyển tiếp của Giáo hội, Công đồng II vừa kết thúc vào tháng 12 năm 1965.
Năm 31 tuổi, Jorge Bergoglio đi học lại để có bằng đệ tam cấp về thần học ở trường Colegio Maximo của San Jose, ở San Miguel, vùng ngoại ô Buenos Aires.
Các người đảm trách trường Colegio Máximo trong đó có Jorge Bergoglio, đứng hàng thứ ba từ trái
Ngày 13 tháng 12-1969, ngài chịu chức, ngài thực hiện được giấc mơ làm linh mục của mình. Thân sinh và bà nội hạnh phúc dự lễ phong chức của ngài. Vài tháng sau, ngài được gởi qua Tây Ban Nha, tại đây ngài dành ra một năm để cầu nguyện, để đi linh thao và làm việc mục vụ để hoàn thành việc đào tạo của mình. Năm 1971 ngài trở về Argentina khi bà nội Rosa sống những ngày cuối cùng. Ngài ở bên cạnh bà cho đến cùng. Từ sợi dây liên hệ sâu đậm với bà nội, nảy sinh ra một xác quyết cũng sâu đậm, ngài nhận ra sự phong phú của những người lớn tuổi.
Trong Dòng, ngài thăng chức rất nhanh. Năm 1973, mới 36 tuổi, ngài đã làm bề trên Tỉnh dòng Argentina. Lúc đó nước Argentina bị chia rẽ giữa những người, nhân danh chống cộng sản ủng hộ phe quốc gia thân hữu và những người bảo vệ cho những người nghèo nhất, bị khai thác nhất, những người khiêm tốn nhất. Năm 1973, sau khi đại tướng Peron trở về nắm quyền lực, hàng giáo sĩ «thân tả» bị đe dọa. Trong hàng ngủ này có Tổng Giám mục Mgr Enrique Angelleli, giáo phận Cordoba. Năm 1976, ngài bị lực lượng quân đội ám sát chết. Công việc làm và xác tín của Tổng Giám mục Angelleli ghi dấu sâu đậm trong lòng linh mục Bergoglio, nhất là khuynh hướng ưu tiên của ngài là lo cho người nghèo và người bị loại trừ.
1976-1986: Những năm tháng xám xịt
Tháng 3 năm 1976, người chỉ huy quân đội, Jorge Rafael Videla, lật đổ nữ tổng thống e Isabel Peron. Đứng trước nạn khủng bố quốc gia vừa hình thành, Jorge Bergoglio cố gắng bảo vệ các chủng sinh. Tháng 5 năm 1976, hai linh mục Dòng Tên Olando Yorio và Francisco Yalics bị nhóm có quyền lực bắt cóc và giam tù. Sau khi được thả ra, họ tố cáo Bề trên Tỉnh dòng đã không làm gì cho họ. Sau này, việc này được chứng tỏ cho biết, Jorge Bergoglio đã làm hết sức mình để họ được tự do. Các chứng nhân thời đó xác nhận cha Bergoglio đã che giấu cho những người bị cảnh sát lùng tìm trong trường Colegio Maximo ở San Miguel.
Năm1980, Linh mục Bergoglio thành lập nhà thờ Thánh Giuse. Ngài đến đây dâng thánh lễ và cho những người nghèo trong vùng rước lễ.
Tháng 12 năm 1979, kết thúc nhiệm kỳ làm Bề trên Tỉnh dòng, ngài về làm hiệu trưởng trường này. Ngài sống hàng ngày bên cạnh sinh viên, có khi ngài còn nấu cơm cho sinh viên ăn, hoặc đi đổ rác.
1986-1996: Giám mục Bergoglio
Năm1986, Linh mục Bergoglio xin tân Bề trên Tỉnh dòng Argentina đi Đức học. Ngài muốn đi học lại và làm luận án về một thần học gia Ý Romano Guardini, người sống lâu ngày ở Đức. Ở phân khoa thần học Sankt Georgen, ở Francfort, ngài gom tài liệu về Guardini và học thêm tiếng Đức nhưng ngài chưa bao giờ xong luận án của mình.
Từ Đức trở về, ngài là giáo sư phân khoa thần học mục vụ của trường Colegio Maximo. Ở đây ngài bị vướng vào một phong trào bôi nhọ, nhiều người không mấy thiện cảm với ngài khi thấy ngài có tầm ảnh hưởng lớn. Năm 1990, họ cất chức giáo sư của ngài và gởi ngài đi Cordoba, ỏ dãy núi Argentina. Cuối cùng Hồng y Antonio Quarracino, Tổng Giám mục Buenos Aires can thiệp để giúp ngài. Cả hai có cùng tinh thần phóng khoáng của hậu-công đồng, cùng quan tâm đến người nghèo và cùng dấn thân lo vấn đề đối thoại liên tôn. Năm 1992, Linh mục Bergoglio được phong làm giám mục phụ tá Buenos Aires. Ngày 27 tháng 6, Hồng y Quarracino phong cho ngài làm giám mục ở nhà thờ chính tòa Buenos Aires.
Ngày 27 tháng 6 năm 1992, Linh mục Jorge Bergoglio được phong làm giám mục
Tại chức, Giám mục Bergoglio liên tục đi thăm các khu vực nghèo của giáo phận, ngài tổ chức các cuộc rước kiệu trong các khu phố ổ chuột.
1996-2006: Một hồng y giữa giáo dân của mình
Dưới quyền cai trị của Carlos Menem (1989-1999), giám mục phụ tá chỉ trích mãnh liệt và lặp lui lặp tới đường lôi chính trị kinh tế cực kỳ phóng khoáng và nạn tham nhũng tác hại đến người dân nghèo nhất Argentina.
Ngày 3 tháng 6 năm 1997, ngài được bổ làm giám mục phó Buenos Aires. Tháng 2 năm 1998, khi Hồng y Antonio Quarracino qua đời, ngài là Tổng Giám mục của thủ đô Buenos Aires. Trong vòng mười năm, một linh mục bình thường của Cordoba trở thành Tổng Giám mục của một trong các giáo phận lớn nhất Châu Mỹ La Tinh. Nhưng quyền lực không làm cho ngài thay đổi. Ngài không sống ở căn hộ dành cho Tổng Giám mục. Ngài tránh các vụ đi đây đi đó vô ích, ngài thích ở gần giáo dân.
Ở tòa Tổng Giám mục, ngài mở «các đêm từ thiện», các thanh niên họp nhau cầu nguyện trước khi phân tán đi các nơi trong thành phố để giúp những người vô gia cư.
Trong lần công nghị ngày 21 tháng 2 năm 2001, Đức Gioan-Phaolô II đã phong Tổng Giám mục Buenos Aires làm hồng y. Cũng năm này, Argentina rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội. Hồng y Bergoglio và nhiều giám mục khác, đã can dự vào để tìm một lối thoát. Sau khi tổng thống Fernando de la Rua từ chức, một nhà nước lâm thời được chỉ định. Giáo hội trở thành biểu tượng của uy tín và đã giúp cứu được các thể chế chính trị.
Tổng Giám mục Buenos Aires luôn ở gần tín hữu. Năm 2004, một trận hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra ở một hộp đêm của thủ đô làm cho gần 200 thanh niên thiệt mạng, ngài ở suốt đêm trên vĩa hè, an ủi các người bị thương, các gia đình có thân nhân chết hoặc xức dầu cho người bệnh.
Năm 2005, sau khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, ngài tham dự mật nghị bầu Hồng y Joseph Ratzinger làm tân giáo hoàng. Trong lần mật nghị này, Hồng y Bergoglio có được một số phiếu.
2006-2016: Linh mục Dòng Tên thành giáo hoàng
Trở về Argentina, các quan hệ của ngài với chính quyền Nestor Kirchner trở nên xấu. Sau các cú lật mặt trái chính trị bị gán là chịu ảnh hưởng của Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài bị cho là kẻ thù chính trị của chính quyền Kirchner.
Tháng 5 năm 2007, ngài đóng vai trò chủ chốt trong hội nghị Giám mục Aparecida ở Ba Tây. Tại đây, ngài đã phát triển các điểm như ngọn đèn pha cho giáo triều của ngài, như quan tâm đến người nghèo, tố cáo loại «văn hóa vứt bỏ» và hoạt động hướng về vùng ngoại vi.
Tháng 12 năm 2007, bà Cristina Kirchner kế vị chồng. Tuy cởi mở hơn, nhưng bà có xung đột với Hồng y Bergoglio trên nhiều vấn đề. Về phần mình, Tổng Giám mục tiếp tục chiến đấu chống tham nhũng, chống nạn buôn người, chống nạn buôn ma túy.
Jorge Bergoglio và bà Cristina Kirchner, tổng thống Argentina
Tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm. Ngày 13 tháng 3, Đức Hồng y Bergoglio trở thành tân giáo hoàng. Các quan sát viên mừng việc bầu chọn một giáo hoàng ngoài khuôn khổ, người sẽ làm cho Giáo hội thay đổi. Ngài có một phong cách mới khi tối đầu tiên ra ban công chào giáo dân, ngài đã xin họ cầu nguyện cho mình. Ngài từ chối ở các căn hộ giáo hoàng, ngài thích ở Nhà Thánh Mácta thanh đạm.
Đức Phanxicô ở ban công sau khi được bầu chọn vào ngôi Thánh Phêrô
Ưu tiên lo cho người sống bên lề và người bị loại trừ là chủ đề lặp đi lặp lại từ đầu giáo triều của ngài. Chuyến đi ra ngoài Vatican của ngài là đến đảo Lampedusa, nơi có nhiều người tị nạn Bắc châu Phi đến. Phong cách mới, đặc sủng và ý chí muốn thay đổi của ngài đã làm cho ngài thành một trong các giáo hoàng được giáo dân mến chuộng nhất của kỷ nguyên hiện đại này.
Các điểm mạnh trong giáo triều của Đức Phanxicô
Một vài quyết định của ngài như quyết định cải tổ Giáo triều ngay từ năm 2013 đã làm cho ngài gặp chống đối ngay trong nội bộ Vatican.
Tháng 11 năm 2013, ngài công bố Tông huấn đầu tiên, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Tông huấn nêu rõ sự đòi hỏi mà kitô hữu buộc phải có đối với người nghèo, cũng như bổn phận của kitô hữu là phải duy trì một trật tự kinh tế, chính trị và công chính.
Trong triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô dấn thân hoạt động để mang tới hòa bình. năm 2014, Cuba và Mỹ loan báo tiến trình bình thường hóa bang giao giữa hai nước. Một tiến trình mà cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro công khai cám ơn Đức Giáo hoàng, người đã làm trung gian trong sự xích lại gần nhau của hai nước.
Tiếp tục theo đuổi việc đối thoại liên tôn, Đức Phanxicô đến Đất Thánh vào tháng 5 năm 2014. Tại đây ngài gặp các nhà lãnh đạo Do Thái và Hồi giáo. Tiếp theo đó, ngài đã mời Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas và Tổng thống Shimon Peres đến Vatican để cầu nguyện cho hòa bình.
Đức Phanxicô cũng cho thấy ý chí muốn cập nhật giáo điều của Giáo hội trong lãnh vực gia đình. Ngài đã triệu một Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2014.
Năm 2015 là năm ngài có 5 chuyến đi ngoài nước Ý, ngài đi Cuba và Mỹ, Trung Phi, Phi Luật Tân, và Nam Mỹ. Cũng năm nay ngài công bố Thông điệp Chúc tụng Chúa, quan tâm đến công trình tạo dựng. Với thông điệp này, ngài là giáo hoàng đầu tiên thảo toàn bộ một thông điệp lo cho môi sinh của con người.
Cuối năm 2015, ngài mở Năm Thánh Lòng thương xót và đã có hàng triệu lượt khách hành hương về Rôma trong dịp này.
Sự dấn thân lo cho những người bên lề của ngài được cụ thể hóa qua chuyến đi đảo Lesbos, Hy Lạp vào tháng 2 năm 2016. Tại đây ngài gặp các người tị nạn, đa số họ đến từ Syria. Trên chuyến bay về Rôma, ngài đem theo 12 người tị nạn hồi giáo.
Trong chuyến đi tông du ở Mêhicô, ngài cũng quan tâm đến người di dân, ngay dâng thánh lễ ở biên giới Mêhicô và Mỹ. Tháng 3, ngài công bố Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris laetitia) một tổng hợp các cuộc thảo luận ở Thượng Hội đồng về gia đình. Một vài quan điểm, nhất là quan điểm của Giáo hội đối với người ly dị tái hôn đã tạo sự chống đối nơi một vài hồng y.
Tháng 7 năm 2016, ngài đi Cracovia để gặp các người trẻ từ khắp nơi tên thế giới về dự Ngày Thế giới Trẻ. Tháng 10 năm 2016, ngài đi Thụy Điển trong tinh thần đại kết, kỷ niệm 500 năm ngày Giáo hội tin lành Cải cách.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch