americamagazine.org, Mary Ann Walsh, 1-1-2015
Nhìn vào triều giáo hoàng của Đức Phanxicô từ đầu cho đến nay, tôi nghĩ, có lẽ đóng góp lớn nhất của ngài là ngài cho chúng ta biết được cách để rao giảng Tin Mừng. Ngài dùng từ ngữ đơn giản và hình ảnh sống động. Ngài là mẫu gương để các linh mục noi theo khi giảng lễ, và để tất cả chúng ta học theo khi phúc âm hóa, khi loan báo Tin Mừng.
Ngài giữ một số nguyên tắc để có được những bài giảng và bài nói chuyện thật lôi cuốn, tôi xin đưa ra đây 3 trong số đó:
- Ngắn gọn. Chúng ta biết cái đầu chỉ hấp thụ được những gì tương xứng với thân thể. Nói về tính khúc chiết, tôi nhớ lại một linh mục ở giáo phận Albany, New York, cha Michael Hogan vừa mới qua đời. Tôi xin đưa ra đây một bài giảng của cha, nguyên văn trọn bài: “Nếu hôm nay anh em nghe tiếng Chúa, đừng cứng lòng. Và nếu hôm nay anh em không nghe thấy tiếng Chúa, thì hãy tự hỏi, tại sao.” Đây là bài giảng đúng đắn, dựa trên thánh vịnh 95 của Kinh thánh. Và cũng đủ ngắn để ghi nhớ, có sức đi và bất kỳ lúc nào nghe Thánh vịnh này thì người nghe liên tưởng đến bài giảng này. Nó làm cho người nghe suy nghĩ.
- Thích hợp. Trong văn kiện năm 2012 về việc rao giảng, các giám mục Hoa Kỳ đã lưu ý rằng, sự thích hợp có thể đạt được bằng cách quy chiếu với nền văn hóa đương thời. Như thế là bao gồm cả truyền hình, phát thanh và âm nhạc nữa. Nói rằng bạn không bao giờ xem tivi vì nó chẳng có gì, thật là một câu thể hiện đẳng cấp, nhưng sự thật vẫn là có hàng chục triệu người xem tivi hàng ngày. Vậy nên những người muốn quan hệ với họ, cũng phải xem tivi. Một chương trình nhiều tập nổi tiếng là “Thuyết Big bang” với ngôi sao chính là một người ái kỷ tự quy lố bịch, một mẫu người không nên học theo. Anh cũng ở trong một nhóm thanh niên ngớ ngẩn đang phải chật vật đối phó với anh và với cả chính họ. Đây cũng là điều mà tất cả chúng ta phải đối diện trong cộng đoàn Kitô hữu. Tôi có một cha xứ thường nhắc đến truyện tranh “Calvin và Hobbs.” Mà khi cha bước ra cung thánh, chúng tôi thấy như thể mình đang thấy nhân vật chính trong câu chuyện mà cha hay kể vậy. Và khi đọc các mẩu chuyện tranh trong tuần, chúng tôi thấy được ý nghĩa đạo trong đó, là vì cha xứ của tôi đã bảo chúng tôi là phải tìm ý nghĩa đạo ở trong cả những nơi tưởng như không có.
- Đưa Kinh thánh vào đời sống. Tôi có thể nhớ lại 2 bài giảng thánh lễ ngày thường đã đánh động tôi, nhờ vào diễn đạt đơn giản của chúng về câu chuyện Thánh kinh. Một là về 5 chiếc bánh và 2 con cá. Cha giảng lễ nói rằng: Chúa Giêsu có thể làm cho bánh vừa đủ, chứ không dư, nhưng Ngài đã làm dư 12 thúng là để thể hiện sự dư tràn, một thông điệp rằng Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta luôn luôn vượt quá mức vừa đủ. Một bài giảng khác có kể về chuyện một linh mục bị lạc con mèo trong rừng: Vị linh mục đang ở trong nhà, thì con chó qua đường dọa nên con mèo bỏ chạy. Và cha giảng lễ đã lôi cuốn chúng tôi khi kể lại chuyện vị linh mục trên đã cố gắng để dỗ con mèo trở về như thế nào. Cuối cùng cha đem cả một xe đồ ăn cho mèo đến. Thế là con mèo trở về và chúng tôi thấy thật nhẹ nhõm. Nhưng quan trọng hơn nữa, câu chuyện này giải thích ý nghĩa câu chuyện người phụ nữ mất đồng tiền quá quý báu đến độ đã xới tung căn nhà lên để tìm được nó. Những người khác có thể không quan tâm, nhưng với riêng bà, đồng tiền này, dù chỉ vài xu, nhưng lại có ý nghĩa quá lớn với bà, đến độ bà phát điên. Và câu chuyện này cho chúng ta biết mình cũng cần có sinh lực như thế để tìm kiếm đồng xu, là ơn của Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong đời.
Tòa Thánh đã cho phát hành sổ tay hướng dẫn giảng dạy. Các giám mục Hoa Kỳ đang tìm cách chuyển dịch sách này sang tiếng Anh. Đây sẽ là một nối tiếp tuyệt vời theo sau văn kiện giảng dạy năm 2012.
Các bài giảng lễ thật quan trọng biết bao! Nghiên cứu của Đại học Georgetown về Việc Tông đồ đã khám phá ra rằng, có đến 63% người xem xét đến chất lượng bài giảng khi chọn nhà thờ dự lễ. Với họ, bài giảng quan trọng hơn ca đoàn, và chỉ kém thua tính cộng đoàn và chào đón một chút mà thôi.
Chúng ta có thể nghiên cứu các hướng dẫn của Vatican về giảng lễ, nhưng cũng có thể có được những lưu ý tuyệt vời để giảng dạy và phúc âm hóa tốt đẹp khi quan sát và lắng nghe Giáo hoàng Phanxicô. Mỗi ngày ngài đều cho chúng ta cách để loan truyền Lời Chúa.
J.B.Thái Hòa dịch