Dự thánh lễ riêng với Đức giáo hoàng

576

Dự thánh lễ riêng với Đức giáo hoàng

Trích sách Ainsi-fait-il, Caroline Pigozzi, Plon.

Sáng tinh mơ là giờ của thành phố Rôma còn thắp đèn. Quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng, thành phố còn chìm trong màn sương đêm, bầu trời như đang còn đồng minh với Quỷ. Nhịp tim của tôi đập nhanh và căng thẳng thì lên cực độ vì, khi được mời để dự thánh lễ riêng với Đức Phanxicô thì tôi không nhận một tờ giấy nào xác nhận là mình sẽ được mời vào nơi huyền thoại này, nơi này lại còn cao giá hơn kể từ ngày Đức Jorge Mario Bergoglio được bầu chọn. Thư ký riêng của ngài cho tôi biết phải có mặt đúng 6.30 sáng ở cổng vào Vatican, trước các hàng rào sắt khi nào cũng im ỉm khóa lại. Tôi vặn ba đồng hồ báo thức một lượt và nhất là tránh đi thang máy. Phải mặc y phục màu đen, trong lúc chờ đợi vì quá căng thẳng tôi mặc luôn hai đôi vớ dày. Trong vòng 50 phút, tôi phải có mặt ở Vatican để xem mình có thật sự có tên trong danh sách mời của Đức Phanxicô không.

Ngay ngày hôm sau bầu chọn Đức Phanxicô, ngày 14-3, tôi đã nghĩ đến chuyện này; chuyện không thể nào tưởng tượng được nếu sáng nay trên đường đến đây tôi bị kẹt xe. Nỗi lo sợ càng tăng khi tuần này Vatican bị cúp điện. Bây giờ tôi đang đứng trước cánh cổng Perugino, bên trái Quảng trường Thánh Phêrô để sống giấc mơ này. Tôi biết tôi được ưu tiên vì từ ngày Tổng giám mục Buenos Aires được bầu chọn, mỗi ngày Tòa Thánh nhận hàng trăm thư xin được dự thánh lễ riêng do ngài cử hành. Một vệ binh Tòa Thánh kiểm xách tay và thẻ căn cước của tôi, một vệ binh Thụy sĩ kiểm danh sách của anh. «Tốt, Tutto a posto». Tôi chầm chậm đi bộ đến Nhà trọ Thánh Mácta nơi Đức Phanxicô ở, vừa đi vừa nghĩ mình đang đi trên đất của Đức Thánh Cha, bỗng tôi gặp một linh mục đang đạp xe đạp đi tới! «Vade retro Mercedes». Từ khi Đức Phanxicô chủ trương sống giản dị, các «đức ông» tham vọng hiểu lời nhắn của ngài và cố gắng bắt chước ngài, để làm gương, họ dùng xe nhỏ di chuyển hàng ngày. Đó là điều Đức Phanxicô gọi là «tinh thần giản dị Phúc Âm»!

Chỉ có Đền thờ thánh Phêrô là sáng đèn ban đêm và chỉ có vài phòng của những tu sĩ dũng cảm thắp đèn sáng sớm. Còn Đức Phanxicô thì ngài dậy lúc 4.30 sáng như mọi người biết. Thời gian nhất định để dâng thánh lễ lên Chúa Kitô! Ở đây, ngoại trừ Đức Phanxicô không bao giờ ngồi không, nhịp làm việc của ngài làm cho mọi người ngạc nhiên, thì đời sống đương nhiên là bắt đầu từ sớm nhưng nó chỉ bắt đầu rộn ràng sau xế trưa. Trong các ngôi vườn tuyệt vời của Vatican, chỉ có chiếc xe rác trắng mượn của thành phố Rôma đi ngang qua, phá tan bầu khí thinh lặng của những nơi thiêng liêng  như thiên đàng này.

Tôi đứng trước Nhà trọ Thánh Mácta, một ngôi nhà hiện đại to lớn nơi Đức Phanxicô cử hành thánh lễ mỗi buổi sáng mà bây giờ thành nhà nguyện riêng của ngài. Đã có một trong những cựu học sinh người Argentina của ngài đã đến, ông Reinaldo Gervasini và vợ, họ đến từ Santa Fe, một cặp người Bôlivia de Cochabamba vừa bị mất đứa con trai, một người Pháp, Đức ông Jordy, giám mục giáo phận Saint-Claude, rất nhiều linh mục và các thành viên của Tòa án La Sacra Romana Rota! Trên thực tế có ít giáo dân và khách lạ của Vatican dự lễ, ngoại trừ thỉnh thoảng có các giáo dân vô danh được đặc ân này vì họ đã viết thư xin trước  và bức thư đã làm ngài xúc động. Những người có những hoàn cảnh khác nhau cùng nhau chia sẻ giây phút hồng ân này và vào cuối lễ, họ tặng cho Đức giáo hoàng các món quà thường có tích cách riêng tư như bức chân dung họ vẽ ngài với tất cả tình thương, các lọ mứt tự tay làm, hình ảnh con cháu họ…

Dù thường xuyên có khách người Argentina được mời và gần như ngài tiếp tất cả người Argentina ghé thăm Vatican nhưng «Đức Phanxicô không Argentina-hóa Vatican», Chưởng ấn Hàn Lâm Khoa học của Tòa Thánh, Đức ông Sanchez Sorondo, đồng hương rất thân với ngài nói cho tôi biết. Những người gần ngài ở đây là những người Châu Mỹ La Tinh, cùng chia sẻ quan điểm đạo đức với ngài, đã lâu năm cùng ngài đấu tranh trong nhiều cuộc chiến. Bởi vì theo cách của mình, Bergoglio là một «trotskiste của Chúa». Và những người đáng kể nhất bây giờ ở Rôma là Tổng giám mục giáo phận Tegucigalpa, Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, Tổng giám mục danh dự Santiago của Chí Lợi, Francisco Javier Errázuriz Ossa và Tổng giám mục danh dự São Paulo, Claudio Hummes.

Ai cũng hạnh phúc khi được mời để cùng nhau sống giây phút phi thường này nên ai cũng đi sớm. Chúng tôi chờ ngay trước các khung cửa sổ phòng của Giáo hoàng, ở trung tâm tòa nhà, ngay trên lá cờ vàng-trắng Vatican. Khi, bỗng có một bóng lay động sau tấm màn. Thật ngạc nhiên, không thể tin được nhưng đúng là bóng dáng Đức giáo hoàng vì chẳng ai vào phòng ngài giờ sáng sớm này! Có thể ngài đang quan sát chúng tôi chăng? Đèn tắt.

Thời khóa biểu đúng phắt. Một vệ binh Thụy Sĩ kiểm thêm một lần nữa, sau đó họ để chúng tôi vào. Chúng tôi nhón gót đi. Không ai dám khuấy động thinh lặng ở nơi này. Hành lang rộng của Nhà trọ Thánh Mácta lịch sự và nồng ấm hơn hồi tôi đến phỏng vấn các Hồng y. Có các bàn ghế thời thế kỷ 18, các bức tranh phúng dụ rất đẹp, một bức chân dung Đức Gioan-Phaolô II và một bức khác của Đức Phanxicô, có cả hoa lan trắng. Nhân viên thanh lịch và kín đáo, họ hãnh diện được phục vụ Giáo hoàng. Một khoảng không gian yên tĩnh hoàn toàn. Chúng tôi thinh lặng đi vào nhà nguyện từ đàng sau, bên trái lối ra vào. Các linh mục sẽ đồng tế với Giáo hoàng. Hai nữ tu dòng Vinh Sơn thắp nến và kiểm qua xem mọi sự có đâu vào đó không. Ở Vatican có rất nhiều nữ tu phục vụ, nhưng họ kín đáo như cọng ngò trong đám rau cải xoong: người ta không thấy họ!

Chúng tôi ngồi ở năm hàng ghế có để sẵn sách lễ màu đỏ. Nền nhà bằng đá cẩm thạch; tường có những khung kính qua đó có thể thấy bức tường của Đô thị Vatican. Tất cả mọi con mắt đều hướng về bàn thờ. Bầu khí trở nên bồn chồn và mặc niệm.  Một điệu nhạc phong cầm sưởi ấm nhà nguyện. Đúng 7 giờ, Đức Thánh Cha ở trước mặt chúng tôi. Chúng tôi gần như không thấy ngài đi vào. Còn ngài thì đôi mắt dán chặt vào thánh giá nhỏ bằng gỗ để trên bàn thờ bằng đá. Sáng hôm nay – cha không phải là người trước công chúng, người mà ở Đại hội Giới trẻ Rio có 3 triệu khách hành hương bao vây chung quanh, nhưng cha là một linh mục bình thường, nhắm mắt đắm mình trong lời cầu nguyện.

Thật xúc động khi nghĩ chỉ cách có vài mét là thấy Đức Phanxicô đang đối thoại với Chúa. Giọng ngài thấp. Giọng này sẽ cứng rắn trong bài giảng bằng tiếng Ý khi ngài công kích loại «văn hóa của tiện nghi thoải mái, của vinh dự» và khi đưa ra «con đường của Chúa Giêsu cho tinh thần Kitô, chịu sỉ nhục nhưng vẫn giữ niềm vui và kiên nhẫn để đi tới đàng trước…». Ngài nhấn mạnh đến «đức khiêm tốn phi thường của Chúa Giêsu mà ngài tin chắc đức khiêm tốn này  dự phần vào huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Ngày này qua ngày khác, các nhà quan sát giáo triều phân tích ý nghĩa các bài giảng của ngài. Như ngài nói về chính mình: «Tôi là người đưa tin, là tiếng vang, là người chuyển giao các ý tưởng của Chúa.» Những chữ thẳng từ tư tưởng của ngài, mà một số Hồng y không ở Rôma cho rằng ngài chuẩn bị cho các cải cách trong tương lai. Trong thánh lễ, ngài nhấn mạnh đến các vết nứt xã hội, trận chiến đầu tiên của ngài. Giáo điều này chắc chắn là chìa khóa sức mạnh nội tâm của ngài. Bây giờ, phong  cách của ngài giống như một cha xứ của mọi người hơn là Đức Thánh Cha. Ngài khiêm tốn nói với chúng tôi, khác với khi ngài nói với đám đông khổng lồ mới cách đây hai hôm, trong buổi tiếp kiến ngày thứ tư, trước hơn bốn mươi lăm ngàn người ở Quảng trường Thánh Phêrô. Đến khi rước lễ, tất cả mọi người đều lên rước lễ, cả những vệ binh, họ cũng mặc toàn đồ đen. Chén thánh và phẩm phục đếu trang nhã.

Sau thánh lễ, Đức Phanxicô ban phép lành cho chúng tôi và ngài vào phòng thay áo lễ. Một lát sau ngài ra nhà nguyện ngồi với chúng tôi, thêm một lần nữa, ngài rất gần chúng tôi. Ngài ngồi trên băng ghế như một giáo dân khiêm tốn. Thật khác với một Giáo hoàng đi chinh phục bên ngoài, một giáo hoàng làm mê hoặc cả thế giới! Ngài cầu nguyện, một mình, bất động, mặc niệm, hướng về bàn thờ, đối thoại mật thiết với Chúa. Sau mười mấy phút, Đức Phanxicô ra khỏi nhà nguyện và gặp chúng tôi ở sân trong. Ngài có nụ cười rộng mà cả thế giới đều biết. Chúng tôi cảm thấy mình như ở nhà của ngài chứ không phải ở Vatican. Không có một nhân viên đón khách mặc cổ cứng nào đứng đó để giới thiệu chúng tôi. Theo yêu cầu của Giám mục thành phố Rôma, các nghi thức tiếp khách đã giảm bớt. Ngài biết ai là khách mời của ngài. Thư ký của ngài đứng cách xa. Một linh mục thân cận của ngài mời chúng tôi vào hàng và một quan hầu cận, trên thực tế chức vụ đúng là «người hầu phòng», giữ cái xắc lớn của tôi để tôi không bị cồng kềnh. Cũng như khi có ai tặng quà cho ngài, ngay lập tức nhân viên này lấy và để qua một bên cho ngài. Đó là thông lệ. Nguyên thủ quốc gia lúc nào cũng có hai bàn tay trống.

Với vị thừa kế thứ 265 của thánh Phêrô, không có chuyện quỳ gối hôn nhẫn giáo hoàng: chỉ cúi đầu tôn trọng, cúi nhẹ đầu xuống là được. Dù sao tôi cũng quá cảm động, tôi sợ để buông chai rượu có tên Châteauneuf-du-Pape mà tôi mang tặng ngài. Rụt rè, tôi nhìn xuống chân ngài. Tôi vẫn còn thắc mắc đôi giày đen có giây cột, đôi giày mòn đến mức mà mui giày vểnh lên một chút như giày của các nghệ sĩ hài. Và đến lượt tôi… «À, bà khoẻ không từ khi tôi gặp bà trên máy bay từ Rio về, bà hỏi tôi về các tu sĩ Dòng Tên? Bà viết sách đến đâu rồi», ngài nhã nhặn hỏi tôi với nụ cười thật rộng. «Trọng kính Đức Thánh Cha, con đang viết những chương cuối nhưng mỗi ngày cha đều có thêm những chuyện mới làm con chạy theo, viết thêm vào…» Ngài giơ tay lên và nói: «Tôi tin bà nhưng có bao nhiêu là việc phải làm!… Bà biết đó, cha Madelin, người viết chung sách với bà, ngài là giám tỉnh giống tôi… Tôi hình dung bà mất rất nhiều thì giờ để viết vì các ông Dòng Tên chính xác và đòi hỏi của họ thì rất cao… – Đúng ra, cha Madelin vừa nghiêm khắc mà cũng rất nồng hậu…» Tôi đưa chai rượu vang đỏ cho ngài. «Trọng kính Đức Thánh Cha, con nghĩ là cha chưa biết rượu của vùng Avignon này có cái tên tiền định. Vậy con xin kính biếu cha, chúc mừng sức khỏe của cha!»… Trong những giây phút gần như thân mật, thông lệ là không đề cập sâu đến các vấn đề mà chỉ cần nói chuyện bình thường, trả lời các câu hỏi của ngài, cũng như không được chụp hình ngài. Ở đây không phải như ở Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong sảnh phòng tiếp tân rộng mênh mông bằng đá cẩm thạch màu sáng, mỗi lần Đức giáo hoàng đi qua là cả một im lặng bao trùm. Các nhân viên đáng trọng làm việc gần ngài, thấy ngài mỗi ngày, nhưng khi ngài đi ngang qua, họ luôn luôn cảm thấy được vinh dự phục vụ ngài.

Buổi sáng hôm đó có giáo sĩ Skorka, bạn rất thân của Tổng giám mục Buenos Aires đến. Ông đội mũ kippa, loại mũ chỏm trên đầu của người Do Thái, ông chờ để đi ăn sáng với ngài. Hạnh phúc được ở đây, vị đại diện cộng đồng Do Thái chuẩn bị để đi cùng với ngài qua Đất Thánh trong chuyến đi vào mùa xuân 2014 này, hôm nay ông là khách của Đức Phanxicô, ông đến đây để tham dự một cuộc họp quốc tế của cộng đồng Sant’Egidio, ông rất dấn thân trong đối thoại liên tôn. «Đức Thánh Cha, ông giải thích cho tôi biết, luôn luôn quan tâm đến người khác trong từng chi tiết. Và ngài kiểm soát tất cả, đó là một trong những đặc tính của ngài, ngài kiểm kỹ để bảo đảm thức ăn của tôi là thức ăn theo phong tục Do Thái!» Tuy nhiên khi tôi đưa cây viết của tôi cho ngài để ngài viết lại cho tôi địa chỉ mail của ngài, ngài bắt đầu viết… rồi ngài bỗng để rơi! «Xin lỗi, không thể viết hôm nay, hôm nay là ngày Lễ Lều!» (Ngày kỷ niệm Chúa đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai cập). Đức Phanxicô đến chính xác lúc này.

Trên thực tế, Đức Phanxicô rất hiếm khi ngồi ăn một mình… Quan tâm đến mọi sự, ngài tiếp tục theo dõi thời sự. «Khi các tu sĩ Dòng Tên lên nắm quyền, họ biết thích ứng rất nhanh!» Hồng y Dòng Tên Roberto Tucci đã báo cho tôi biết khi Đức Jorge Mario Bergoglio được bầu chọn.

Sau khi được gặp Đức giáo hoàng, bây giờ tôi phải xuống trần gian lại. Tôi rời Nhà Thánh Mác-ta lòng đầy kinh ngạc. Giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đã truyền bao nhiêu là niềm vui mà mình phải để ý đến cách ngài nói. Một cách tự nhiên, ngài thân thuộc với người đối diện, không có khoảng cách nên khách gần như cảm nhận ngay mình được ở trong gia đình! Tuy nhiên phải tôn trọng hàng rào vô hình vì không thể nào là «bạn bè thân tình» với Đức Thánh Cha dù ngài có nồng hậu đến như thế nào. Một Giáo hoàng khiến phải kính nể đã toát ra một quyền uy tự nhiên làm mình choáng ngộp vì sức tỏa sáng của ngài. Hơn nữa sự hăng say của ngài làm lây lan. Tôi còn nhớ mẹ tôi hay lặp đi lặp lại «Quan trọng trong đời không phải là được mời mà được mời lại», tôi biết, cũng như trong tình yêu, điều thiết yếu là luôn luôn tạo ra được lần gặp gỡ kế tiếp. Vì thế, nhìn thẳng vào mắt ngài, tôi cả gan tôi xin sẽ mang đến cho ngài ngay khi quyển sách được in ra. Thêm nữa người cùng viết với tôi là một cha Dòng Tên. Đức Phanxicô mỉm cười. Ngài đồng ý. Quá quý, tôi có cuộc hẹn sắp tới! Tôi rời Vatican vừa đi vừa hát… Vì thế khi bạn đang đọc những trang này, thì có một người đã đọc nó trước bạn: Đức Phanxicô.

Marta An Nguyễn dịch

thanh-le