fr.zenit.org, Marina Droujinina, 2016-11-30
Các chứng tá của tiến trình đi tìm đức tin trong tù
Đức Phanxicô đã viết lời nói đầu cho một quyển sách về các tù nhân bị giam ở Ý kể câu chuyện đức tin của họ qua hình ảnh, qua các vết xâm và qua chứng tá của họ: Chúa Kitô ở trong (Cristo dentro, Castel Bolognese, Itaca, 2016).
Tác phẩm do bà Francesca Sadowski và linh mục Eugenio Nembrini thực hiện với lời nói đầu ngắn của Đức Phanxicô. Ngày 1 tháng 12-2016, ấn bản tiếng Ý của báo Osservatore Romano đăng tin: «Các bạn thân mến, Thánh Phêrô và Phaolô là các nhà thành lập Giáo hội La Mã mà tôi là giám mục địa phận La Mã, hai thánh cũng đã từng ở tù. Họ bị giam tù. Mỗi lần tôi bước qua cánh cửa nhà tù, nhìn khuôn mặt của những người tôi gặp, tôi luôn nghĩ: tại sao là họ mà không phải là tôi? Chúng ta tất cả đều là những người có tội, chúng ta cần lòng thương xót của Chúa vực chúng ta lên, tha thứ cho chúng ta và cho chúng ta hy vọng. Xin cám ơn anh chị em vì đã làm quyển sách này. Tôi hôn anh chị em và tôi luôn gần với anh chị em. Anh chị em ở trong quả tim tôi, tôi ban phép lành và cầu nguyện cho anh chị em cùng gia đình anh chị em. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.»
Đức Phanxicô đã đọc lời nói đầu này qua điện thoại để «công việc được nhanh hơn», nhật báo Ý La Stampa đưa tin.
Quyển sách gồm hình ảnh của bà Francesca Sadowski, giám đốc phòng thể thao của trung tâm y khoa Villa Ravenna, nhiếp ảnh gia Pino Rampolla và linh mục Eugenio Nembrini «kể sự đi tìm ráo riết ơn cứu chuộc của những người đàn ông, đàn bà đã phạm lỗi lầm và đã thấy đức tin là cái neo mà họ đã bám chặt vào», tờ báo giải thích.
Bà Sadowski kể câu chuyện của tù nhân Massimiliano, người đã sửa câu xâm «Thà làm nô lệ ở hỏa ngục còn hơn làm chủ trên thiên đàng» thành câu: «Thà làm nô lệ trên thiên đàng còn hơn làm chủ dưới hỏa ngục». Bà kể tiếp: «Ông nói với tôi, câu đầu tiên không còn là câu của ông nữa, và trong tiến trình đi tìm đức tin của mình, ông quyết định lật ngược lại câu này.»
Bà Sadowski giải thích: «Đó là một giai đoạn rất đáng kể, «sửa» một câu xâm như thế này trong nhà tù không phải là chuyện dễ, ông phải thật sự mong muốn thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình, ông mới xâm lại như vậy.»
Sau giai đoạn này và sau khi đọc rất nhiều thư của ông Massimiliano và của các tù nhân khác, bà Francesca Sadowski và linh mục Eugenio Nembrini đã đề nghị nhiếp ảnh gia Pino Rampolla chụp các hình xâm theo chủ đề tôn giáo và giúp gom lại chứng từ của những ai quyết định in trên da của họ thánh giá, gương mặt của Chúa Kitô, hình ảnh Đức Mẹ, các lời cầu nguyện và các lời xin giúp đỡ. Từ công việc chung này đã hình thành quyển sách trên.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch