Đức Phanxicô giải thích cách ngài chuẩn bị bài giảng như thế nào

895

blog_1451657818-e1451657874879

Trao đổi với Linh mục Antonio Spadaro

fr.zenith.org, Anne Kurian, 2016-11-10

Suy niệm lâu dài về Thánh Kinh và đọc các tác phẩm văn học để “biết tâm hồn” con người. Đức Phanxicô giải thích cách ngài chuẩn bị bài giảng của mình trong quyển sách  trao đổi với Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica ra mắt ngày 10 tháng 11-2016.

Quyển sách phỏng vấn có tựa đề “Trong mắt ngài là lời của con (tạm dịch)” (Papa Francesco, Nei tuoi occhi è la mia parola), gom lại các bài giảng và diễn văn của Đức Tổng Giám mục Buenos Aires từ 1999 đến 2013 (Nhà xuất bản Rizzolu 2016).

Báo Corriere della Sera đăng các trích đoạn của cuộc trao đổi, Đức Phanxicô nêu lên sự khác biệt giữa một bài giảng và một bài diễn văn: “Bài giảng là loan báo Lời Chúa, bài diễn văn là giải thích Lời Chúa. Bài giảng là thiên thần. Bài diễn văn là bác sĩ”.

Theo Đức Phanxicô, bài giảng dính với sứ mệnh mục tử, với “lời cầu nguyện của mục tử” và “lời cầu nguyện của Chúa Giêsu”. Ngai báo trước, nếu thiếu các yếu tố này, “bài giảng sẽ không còn là bài giảng”.

Ngài cũng nói về cách mình chuẩn bị bài giảng: một sự chuẩn bị thiêng liêng cho một ngày. Ngài giải thích: “Tôi bắt đầu vào trưa ngày hôm trước. Tôi đọc các bài của ngày hôm sau, chung chung, tôi lựa một trong hai bài đọc. Rồi tôi đọc cao giọng bài tôi chọn. Tôi cần nghe giọng nói, cần nghe các lời. Rồi tôi gạch các đoạn đánh động đến tôi nhiều nhất (…). Trong suốt thời gian còn lại, các lời và các tư tưởng này đến trong đầu trong khi tôi làm những chuyện phải làm: tôi suy niệm, suy nghĩ, tôi ngẫm nghĩ các chuyện”.

Đức Phanxicô thố lộ tiếp: “Có những ngày, đến chiều tôi vẫn chưa có gì trong đầu, tôi không có một ý gì cho những gì ngày mai tôi phải giảng. Lúc đó tôi nói như thánh I-Nhã đã nói: Con đi ngủ đây. Và khi tôi thức dậy, ngay lập tức ý tưởng đến với tôi”.

Đức Phanxicô nói tiếp: “Đọc các bài thơ và tiểu thuyết cũng có thể giúp tôi chuẩn bị bài giảng, chẳng hạn văn hào Dostoïevski giúp tôi rất nhiều trong các bài giảng”. Và ngài nhắc đến tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov, Sổ tay tầng hầm của Dostoïevski, một “hạt ngọc”, ngài cũng nhắc đến nhà thơ Nino Costa với tác phẩm Rassa nostrana dành tặng cho người vùng Piémont nước Ý, cũng như văn hào Dante với tình yêu ông dành cho Đức Mẹ. Ngài cho rằng: “Văn học đọc thẳng vào tâm hồn con người, giúp cho mình hiểu cái khao khát, cái cao cả và khốn cùng của con người. Đó không phải là lý thuyết. Văn học giúp mình giảng và hiểu tâm hồn…”.

Qua cuộc nói chuyện, Đức Phanxicô nhấn mạnh “bài giảng luôn có tính cách ‘chính trị’ vì nó được rao giảng (…) giữa lòng dân chúng. Tất cả những gì chúng ta làm đều mang tầm vóc chính trị và dính đến việc xây dựng một nền văn minh. Ngay cả trong tòa giải tội, khi mình xá tội, là mình đã góp phần xây dựng lợi ích chung”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch