Đức Phanxicô dồn các hồng y… và mafia

688

ici.radio-canada.ca, Alain Crevier, 2016-10-13

Người ta thường nghĩ từ khi bầu chọn Đức Phanxicô vào vị trí lãnh đạo Giáo hội công giáo, một ngọn gió mới thổi vào thể chế có từ hai ngàn năm nay. Nhưng trên thực tế, trong nội bộ guồng máy quản trị Giáo hội, người ta sợ ngài, người ta dè chừng, người ta cự lại ngài.

Ngày 13 tháng 3-2013, khi Đức Phanxicô xuất hiện lần đầu tiên ở ban công Đền thờ Thánh Phêrô, điều làm cho mọi người ngạc nhiên là sự đơn giản và nụ cười của nhân vật thiện cảm này.

Xin chào buổi chiều”, ngài nói với đám đông bằng tiếng Ý. Đối với những người theo truyền thống, thì lời chào này cũng đã là quá. Thể thức thân thiện không phù với chức Giáo hoàng!

Chỉ có các hồng y vừa đồng loạt bầu Đức Phanxicô là biết tân giáo hoàng có một hợp đồng: ngài phải thay đổi cách quản trị Giáo hội.

Các hồng y sau cuộc bầu chọn Đức Phanxicô. Photo: Reuters / Max Rossi
Các hồng y sau cuộc bầu chọn Đức Phanxicô. Photo: Reuters / Max Rossi

Chỉ có điều các hồng y không biết, Đức Giáo hoàng theo cách của mình sẽ đương đầu với tất cả các trận chiến, và còn nhiều hơn nữa.

 “Họ muốn thay đổi. Họ biết sẽ có thay đổi, nhưng họ không biết nó sẽ thay đổi đến điểm đó!”

– Đức Hồng y Philippe Barbarin

Trong những ngày và những tuần sau cuộc bầu chọn, tân giáo hoàng cho thành lập các ủy ban, các hội đồng đồng nghiên cứu các vấn đề tài chánh, các công việc để cố vấn cho mình trong việc cải cách mà các hồng y mong chờ ở mình.

Đức Phanxicô mời nhiều người bên ngoài Giáo hội: các công ty kế toán, các giáo dân. Như thử ngài không tin tưởng các cơ quan đã có sẵn ở Vatican để làm công việc này.

Ngân hàng Vatican và mafia

Một trong các ưu tiên của Đức Phanxicô sau khi được bầu chọn là cải cách Ngân hàng Vatican (IOR).

Cận vệ Thụy Sĩ trước Ngân hàng Vatican. Photo: Reuters / Tony Gentile
Cận vệ Thụy Sĩ trước Ngân hàng Vatican. Photo: Reuters / Tony Gentile

Các chuyên gia tài chánh trên thế giới cho rằng ngân hàng này là một ngân hàng ngoại lệ chỉ dành cho khách riêng của mình. Nó bí hiểm, bí mật, từ lâu bị nghi là nơi rửa tiền bẩn.

Đức Bênêđictô XVI cũng đã muốn cải cách Ngân hàng Vatican. Đức Phanxicô sẽ làm công việc này. Kết quả: Giữa tháng 6-2013 và tháng 12-2015, có 4935 tài khoản đã bị đóng. Đó là một phần tư của tổng số các tài khoản của ngân hàng. Rất khó để hình dung nó không làm phiền ai.

Phải nói là Đức Phanxicô đi thẳng đến đích. Ngài đe dọa đóng cửa ngân hàng. Ngài nói công khai, “Thánh Phêrô không có tài khoản ngân hàng”.

Ông Nicola Gratteri, thẩm phán chống mafia giải thích: “Đây không phải là một giáo hoàng theo quy chuẩn, đây là một nhà cách mạng”. Theo ông, Ngân hàng Vatican là nơi rửa tiền của tội ác có tổ chức ở Ý. Và các cải cách của Đức Phanxicô không được làm việc với mafia. Ông Gratteri kết luận, “Tôi thấy nguy hiểm cho ngài.”

Người ta cũng thấy Đức Giáo hoàng ngoài khuôn khổ này không phải chỉ có toàn bạn, tháng 6-2014, khi ngài đến Calabre, giữa  đám đông, ngài tuyên bố dứt phép thông công những ai tham dự vào các hoạt động của ‘Ndrangheta, một tổ chức mafia rất mạnh vùng Calabre.

“Những ai trong đời sống của mình đã chọn con đường xấu này, như những người mafia, họ không thông hiệp với Chúa, họ bị dứt phép thông công.”

– Đức Phanxicô

Linh mục Luigi Ciotti, một linh mục nổi tiếng chống mafia từ hàng chục năm nay lên tiếng: “Tôi nghĩ ngài là tiếng nói mạnh nhất, can đảm nhất chống tổ chức mafia Ndrangheta.”

Theo linh mục Ciotti thì không được đánh giá thấp các nguy hiểm. Linh mục Ciotti đi đâu cũng có các cận vệ của mình đi theo. Mafia đã đặt bom trong các nhà thờ ở Rôma.

Đặc quyền của các hồng y

Trong guồng máy quản trị Giáo hội, có một sự dè chừng và kháng cự lại các cải cách của Đức Phanxicô. Một ví dụ của sự kháng cự này là tài liệu trong hai quyển sách xuất bản năm 2015 cho thấy các khó khăn, các rào cản và các cạm bẫy đang chờ Đức Phanxicô: Đàng thánh giá của Gianluigi Nuzzi và Ham tiền của Emiliano Fittipaldi.

Các ký giả Ý Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi. Photo: Reuters / Tony Gentile
Các ký giả Ý Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi. Photo: Reuters / Tony Gentile

Hai ký giả Ý này đã có trong tay hàng ngàn trang tài liệu mật của ủy ban do Đức Phanxicô lập ra để rà soát các hệ thống tài chánh và các cơ cấu của Vatican.

Đây là ăn cắp tài liệu, hoạt động theo dõi, đe dọa, phản bội, tranh giành thế lực tài chánh và các đặc quyền của một số hồng y. Mặc dù lúng túng nhưng không bao giờ Vatican nghi ngờ tính xác thực của các tài liệu này. Nhờ các tài liệu bí mật này, người ta biết có một số hồng y sống trong những căn hộ rộng hơn 450 mét xuông (5000 pied carré) mà không trả tiền thuê. Một vài căn ở trong các khu vực đắt tiền của Rôma.

Chẳng hạn Đức hồng y  Marc Ouellet ở một căn hộ rộng 467 mét vuông, gần con đường Conciliation danh tiếng, chỉ cách Quảng trường Thánh Phêrô hai bước.

Đức Hồng y người Pháp Paul Poupard, đã về hưu ở căn hộ 442 mét vuông.

Về phần mình, Đức Hồng y Bertone, cựu Quốc vụ khanh thời Đức Bênêđictô XVI sửa căn hộ tốn 420 000 ơrô bằng quỹ của Bệnh viện Nhi đồng Rôma. Một câu chuyện gây tai tiếng lớn ở Ý. Tác giả quyển sách Đàng thánh giá Gianluigi Nuzzi viết: “Người duy nhất ở căn hộ 50 mét vuông là Đức Phanxicô”.

Đức Phanxicô cũng từ chối không dùng các xe Mercedes, đích thân mang tài liệu của mình và cũng không có thư ký riêng làm việc toàn thời gian cho mình.

Đức Phanxicô tự mang tài liệu của mình. Photo: Reuters / Alessandro Bianchi
Đức Phanxicô tự mang tài liệu của mình. Photo: Reuters / Alessandro Bianchi

Tiền cúng của Thánh Phêrô

Tièn cúng của Thánh Phêrô là tiền oi hàng năm quyên một lần ở tất cả các nhà thờ trên thế giới, trên nguyên tắc tiền này dùng cho các việc từ thiện của Đức Giáo hoàng. Và tín hữu rất quảng đại đóng góp, năm 2012 gần 80 triệu đôla đã thu được.

Nhưng Đức Phanxicô khám phá ra 67% số tiền này đã được dùng để ‘cứu trợ’ cho két tiền của guồng máy quản trị Giáo hội. Chỉ có ít hơn 20% được dùng để cho những người nghèo nhất trên thế giới.

Có thể còn đáng khui thêm nữa: các tài liệu mật cho chúng ta biết, chính các chuyên gia được Đức Giáo hoàng giao hợp đồng làm việc cũng không có được các tài liệu họ đòi hỏi vì các công chức của Giáo hội chận lại.

Ngày 16 tháng 1-2014, chủ tịch ủy ban được Đức Giáo hoàng lập ra để điều tra tài chánh của Vatican đã viết trực tiếp cho Đức Giáo hoàng: “Tôi rất lấy làm tiếc trình cho Ngài, rằng Ủy ban của Ngài đã không đưa ra được một tài liệu toàn bộ về tình trạng tài chánh của Tòa Thánh vì thiếu các dữ kiện nền tảng”. Tại sao? Vì Đức Hồng y Pietro Parolin, là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân vật số 2 của Vatican từ chối không cung cấp các tài liệu đó!

Bàn tay của các hồng y. Photo: Reuters / Alessia Pierdomenico
Bàn tay của các hồng y. Photo: Reuters / Alessia Pierdomenico

“Các con chó sói ở Vatican cự lại các cuộc cải cách của Đức Phanxicô và càng ngày càng trở nên hung hăng”, ông Marco Politi giải thích, ông là một trong các nhà Vatican học tinh tế nhất có thể tìm thấy ở Rôma.

Ông Politi tháp tùng Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô trên khắp thế giới. Ông ghi nhận, chính các hồng y hàng đầu là những người công khai chống Đức Phanxicô. Chưa bao giờ thấy.

“Một phần các hồng y này sẽ không sẵn sàng bầu cho Đức Phanxicô bây giờ.”

– Marco Politi

“Tôi nghĩ cuộc chiến khó nhất cho Đức Phanxicô bây giờ, không phải là cuộc chiến chống tham nhũng. Không phải là cuộc chiến chống rửa tiền hay mafia, nhưng là cuộc chiến chống các não trạng. Ngài phải chiến đấu mỗi ngày với những người làm việc không phải cho lợi ích của Giáo hội, của Phúc Âm, nhưng cho chính lợi ích của mình,” ký giả Gianluigi Nuzzi nhận định.

Rất hiếm khi người ta thấy một giáo hoàng được dân chúng mến mộ như vậy. Dù vậy, trong hành lang của guồng máy quản trị Giáo hội, các trận chiến còn gay go. Và đối với Đức Phanxicô, thì những cuộc chiến này còn xa mới thắng được.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch