Kỷ niệm thời niên thiếu của Đức Giáo hoàng Phanxicô

540

aleteia.org, Elisabeth de Baudoüin, 30-1-2014

Một bức thư chưa từng được công bố của Jorge Mario Bergoglio viết về giai đoạn có tính cách quyết định trong đời của ngài vừa được Báo Osservatore Romano đăng. Chúng ta thấy ở đây ảnh hưởng của dòng Salêdiêng, Don Bosco.

Năm 1949 là năm quyết định của Jorge Mario Bergoglio. Năm đó Jorge 13 tuổi, đang theo học tại trường trung học Wilfrid Barón des Saints-Anges ở  Buenos Aires. Một trường do các tu sĩ dòng Salêdiêng đảm trách, dòng rất thân thiết với gia đình của giáo hoàng, vì linh mục Pozzoli bạn của gia đình đã rửa tội cho em bé Jorge Mario ngày 25-12-1936 và sau đó là cha hướng dẫn về mặt thiêng liêng cho Jorge. Linh mục Enrique Poozzoli, người Ý, tu sĩ dòng Salêdiêng.

Năm trang kỷ niệm

Trong một bức thư dài viết năm 1990 và được đăng bằng tiếng Ý trên báo Osservatore Romano ngày 23-12-2013, Tổng giám mục tương lai thành phố Buenos Aires mô tả hình ảnh cao đẹp của linh mục Pozzoli. Nhưng bức thư này thiếu một khúc: năm trang “kỷ niệm salêdiêng,” viết bổ túc để ghi lại – tuy nhiên không giới hạn ở đó – năm quyết định 1949, năm đáng kể của Giáo hoàng tương lai. Lưu trữ trong thư khố của dòng Salêdiêng ở Buenos Aires, bức thư vừa được dịch ra tiếng Ý và được công bố trên báo Osservatore Romano.

Fan của đội bóng San Lorenzo

Đức Phanxicô cho biết tuổi thơ của ngài mang dấu ấn đặc biệt của các dòng theo linh đạo Salêdiêng, ngài hay theo dõi những sự kiện của các dòng này, đặc biệt là của Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, và ngài cũng hay lui tới các hội bảo trợ, những hội này thường đặt bộ môn thể thao vào chương trình giáo dục của họ. Lòng hâm mộ môn đá banh xuất phát từ đây, ngài đã tiết lộ điều này với một giọng văn thật hấp dẫn và chúng ta nên nhớ, người hâm mộ bóng đá cũng rất có thể sẽ thành giáo hoàng trong tương lai: “Cũng bình thường nếu tôi ủng độ đội ‘Saint Laurent.’ Ủng hộ đội đối thủ mới đáng ngạc nhiên! Cho đến gần đây, tôi vẫn còn giữ tài liệu nói về “lịch sử đội San Lorenzo” mà tôi nghĩ là cha Massa viết, cha Massa dòng Salêdiêng, người sáng lập đội banh. Nhưng tôi đã tặng lại cho cha Hugo Chantada, vì cha là fan cuồng nhiệt của đội St Laurent, và bây giờ cha đang giữ tài liệu đó!”

Bị phê bình là tu sĩ Dòng Tên mà thân dòng Salêdiêng!

Lớn lên, tu sĩ Dòng Tên này vẫn còn giữ một chút tâm hồn Salêdiêng trong lòng. Đến mức trong những năm 80, khi cùng với các sinh viên, ngài lo đặc biệt cho các trẻ em nghèo theo bước chân và theo cách của thánh Don Bosco, ngài bị trách là đi hai hàng: “Thế là người ta chỉ trích đây không phải là sứ vụ tông đồ của Dòng Tên; rằng tôi đã “Salêdiêng hóa” (sic!) chương trình đào tạo. Họ chỉ trích tôi là tu sĩ Dòng Tên thân-Salêdiêng!”

Kỷ niệm những “đêm học hỏi” Salêdiêng

Từ năm 1949 trở đi, “thời gian qua như tên bay, nên không có giờ để buồn chán nữa,” chàng học sinh trung học lúc bấy giờ nhớ đặc biệt đến những “đêm học hỏi”: đó là những buổi học tập theo truyền thống Salêdiêng, do cha giám đốc hay một cha khác giảng dạy trước khi đi ngủ. Những giây phút đào tạo ngắn nhưng có tính quyết định, Đức giáo hoàng cho ví dụ như sau: “Tôi còn nhớ như chuyện mới xảy ra hôm nay về một ‘đêm học hỏi ở Mons.’ Lúc đó ông Miguel Raspanti làm giám thị. Đó là đầu tháng 10 năm 1949. Ngày 29-9, mẹ ông mất nên ông về Cordoue làm tang lễ. Khi trở lại trường, ông nói với chúng tôi về cái chết. 54 năm sau, tôi nhận ra suy tư ngắn tối hôm đó đã là điểm quy chiếu về cái chết cho suốt cuộc đời tôi. Tối hôm đó, tôi không thấy sợ chết, tôi cảm nhận rồi có một ngày tôi sẽ chết và đối với tôi, đó là điều tự nhiên nhất.”

Kết hiệp với Mẹ Maria, lòng kính trọng và yêu mến Đức Giáo hoàng!

“Một ‘đêm học hỏi’ khác mang đến cho tôi ấn tượng là đêm mà cha Cantarutti nói về chuyện cần phải cầu nguyện với Đức Mẹ, để hiểu thêm ơn gọi. Tôi còn nhớ đêm hôm đó, tôi sốt sắng cầu nguyện cho đến giờ đi lên phòng ngủ. Và từ buổi tối đó, tôi không bao giờ đi ngủ mà không cầu nguyện với Đức Mẹ. Đó là giây phút tâm lý phù hợp để mang lại ý nghĩa cho ngày làm việc của mình và cho các sự việc.” Với các tu sĩ dòng Salêdiêng, trẻ em được cho thấy người kitô hữu không thể sống mà không có Đức Mẹ, sau này ngài làm chứng như sau: “Cậy nhờ Đức Mẹ là nền tảng của cuộc sống. Cậy nhờ Đức Mẹ bắt đầu bằng việc mình ý thức có một từ mẫu trên trời, luôn săn sóc mình, rồi mình đọc ba kinh Kính Mừng hay lần chuỗi. Đức Mẹ ở trong tâm hồn chúng ta, Đức Mẹ không thể đi ra khỏi tâm hồn chúng ta.”

Và ngài thêm: “Các tu sĩ cũng dạy chúng tôi, phải kính trọng và yêu mến Đức giáo hoàng, điều đó ghi khắc trong tâm hồn chúng tôi.” Hôm nay, giáo hoàng Phanxicô không thể nào đọc lại câu này mà không cười thầm!

Chuẩn bị cho cuộc đời

Jorge Mario Bergoglio hết lòng biết ơn các tu sĩ dòng Salêdiêng. Không phải vì mọi sự hoàn hảo, nhưng ngài nhận thấy các nhà giáo dục này dạy học sinh cách ứng xử như một kitô hữu, ngay cả trong lúc tranh đua, “họ làm cho chúng tôi cảm nhận mình có thể tin tưởng ở họ, họ thương mình. Họ biết lắng nghe, biết cho lời khuyên đúng lúc, đúng thời (…) Họ đã đào tạo chúng tôi ở trường học và ở cuộc đời,” ngài kết luận.

*(Dòng Salêdiêng do thánh Don Bosco thành lập, Don Bosco chọn Phanxicô Salêdiêng làm thánh bổn mạng cho dòng nên dòng được gọi là dòng Salêdiêng; về sau khi Don Bosco được phong thánh năm 1934 thì dòng Salêdiêng đổi qua tên Don Bosco, ghi chú của người dịch.)

Marta An Nguyễn chuyển dịch