Linh mục Ernest Simoni, người Albania, cựu tử tù, cựu lao động khổ sai và hồng y

528

fr.zenith.org, Anita Bourdin, 2016-10-10

Phỏng vấn tiểu sử gia Mimmo Muolo người Ý của linh mục Ernest Simoni

Ký giả người Ý Mimmo Muolo nhắc lại lời của tân hông y Ernest Simoni: “Tôi chỉ là một linh mục nghèo hèn, gia tài phong phú duy nhất của tôi là Chúa Kitô”. Ký giả Mimmo Muolo là người viết tiểu sử của linh mục Ernest Simoni, anh hùng của Tin Mừng dưới chế độ cộng sản ở Albania, người từng bị lên án tử hình và lao động khổ sai trong gần 30 năm.

Bên cạnh 16 giám mục hoặc tổng giám mục, linh mục Ernest Simoni là linh mục duy nhất trong số 17 tân hồng y Đức Phanxicô sẽ “tấn phong” vào ngày 19 tháng 11 sắp tới. Bị tra tấn, bị bỏ tù trong thời bách hại của chế độ cộng sản, lời chứng của cha đã làm Đức Giáo hoàng xúc động chảy nước mắt trong chuyến đi Tirana, Albania của ngài năm 2014. Vì lớn hơn 80 tuổi, cha sẽ không là hồng y cử tri trong trường hợp có mật nghị. Trong buổi Kinh Truyền Tin chúa nhật 9 tháng 10 ở Quảng trường Thánh Phêrô, khi loan báo tên linh mục, Đức Phanxicô cho biết mình đã chọn linh mục Ernest Simoni vì “cha là linh mục đã nói lên lời chứng kitô bằng xương bằng thịt của mình”.

Ngày 21 tháng 11 năm 2014, trong giờ kinh chiều ở Nhà thờ Chính tòa Thánh Phaolô ở Tirana, Albania, linh mục Simoni – sẽ được 88 tuổi vào ngày 18-10 sắp tới – đã kể việc mình bị bắt năm 1963, 8 năm sau khi chịu chức. Bị đánh, bị tra tấn vì loan báo Chúa Kitô, cha đã bị tù, bị lao động khổ sai cho đến khi chế độ sụp đổ năm 1990. Trong thời gian bị tù, cha là cha thiêng liêng của các tù nhân, cha dâng thánh lễ thuộc lòng bằng tiếng la-tinh, cha trao Mình Thánh Chúa và giải tội lén lút. Cha viết trên tường của phòng giam “Đời tôi là Chúa Giêsu”.

Sau khi nghe lời kể của cha Ernest Simoni và của một nữ tu, Đức Phanxicô nói: “Bây giờ chúng ta đã chạm đến các vị tử đạo. Với tấm lòng đơn sơ, họ đã quá đau khổ về mặt thể xác cũng như tâm lý, với lo âu trong ngờ vực không biết mình sẽ bị bắn hay không, họ sống trong nỗi lo âu này. Chúa đã an ủi họ. Ngài an ủi trong sâu thẳm tâm hồn và bằng quyền năng của Ngài.”

Đức Phanxicô đã gặp lại linh mục Ernest Simoni trong buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô tháng 4 vừa qua: để tỏ lòng cung kính, Ngài đã hôn tay linh mục.

Ký giả Mimmo Muolo trả lời phỏng vấn của báo Zenit.

Zenit: Năm vừa qua ông đã xuất bản quyển tiểu sử của linh mục Dòng Phanxicô người Albania mà Đức Phanxicô đã chọn để tấn phong hồng y trong số 17 tân hồng y (“Linh mục Ernest Simoni. Từ lao động khổ sai đến gặp Đức Giáo hoàng”, Paoline 2016): ông đã có ý nghĩ để viết quyển sách về linh mục Ernest Simoni như thế nào?

Mimmo Muolo: Quyển sách do nhà xuất bản Paolone Libri đề nghị tôi viết sau khi họ đọc bài báo tôi viết về chuyến đi của Đức Giáo hoàng ở Albania, trong đó tôi kể câu chuyện Đức Phanxicô đã khóc khi nghe linh mục Ernest Simoni kể câu chuyện đời mình.

Làm sao ông viết ký ức của linh mục?

Tôi gặp linh mục Ernest Simoni ở Florence, nơi cha hay đến thăm các tín hữu Albania trung thành ở đây, tôi ở lại hai ngày với cha. Cha kể cho tôi nghe cuộc đời của cha và tôi viết lại. Đây là một ân sủng đối với tôi!

Đâu là các giai đoạn chính trong đời sống kinh khủng của linh mục?

Trước hết là ơn gọi của cha, từ thuở thơ bé, cha đã thích “làm” linh mục dâng thánh lễ. Rồi cha được chịu chức giữa muôn vàn nguy hiểm và sứ vụ linh mục đầu tiên của cha. Sau đó cha bị bắt, bị lên án tử hình, ân giảm còn 25 năm lao động khổ sai. Tổng cộng cha bị giam 28 năm, trước hết ở một công trường đá, sau là trong hầm mỏ và cuối cùng là trong ống cống ở Scutari. Một “vị tử đạo” theo chữ Đức Phanxicô dùng.

Một gương mẫu cho Năm Thánh Lòng Thương Xót?

Đúng vậy. Đó là gương mẫu của lòng thương xót vì cha luôn tha thứ cho người hành hạ mình.

Đâu là vai trò có thể có của linh mục Simoni khi cha là hồng y?

Cha Simoni là nhân chứng sống của lòng trung tín với Chúa Kitô. Ngay cả trong những điều kiện cực kỳ cùng khổ. Là hồng y, cha sẽ nhắc cho chúng ta nhớ, không có gì quan trọng hơn Chúa Giêsu.

Lời chúc của ông cho anh hùng của đức tin vừa được phong hồng y này?

Tôi chúc cha tiếp tục rao giảng Tin Mừng hết lòng cho đến giây phút cuối của cha trên cõi đời này. Đó là điều cha đang làm hiện nay dù cha đã ở tuổi 88 với một sức khỏe đã kém.

Ông có câu hỏi nào cho cha Ernest Simoni?

Tôi muốn hỏi cha, có bao giờ cha tưởng tượng cha sẽ là hồng y. Nhưng tôi biết câu trả lời của cha: “Tôi chỉ là một linh mục nghèo hèn, gia tài phong phú duy nhất của tôi là Chúa Kitô”. Đó là câu cha luôn nói với tôi. Và bây giờ cha cũng sẽ vẫn còn nói câu đó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

 

sach-20-4-16-4Hình: Hồng y Simoni và tiểu sử gia Mimmo Muolo gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 20 tháng 4-2016