eglasie.mepasie.org, 2016-10-07
Trên chuyến bay đưa Đức Giáo hoàng từ Baku, thủ đô của Azerbaidjan về Rôma ngày 2 tháng 10-2016, câu trả lời cho các ký giả về Trung Quốc của ngài đã làm cho người ta nghĩ, liệu một chuyến đi Trung Quốc có sắp được thực hiện “bây giờ” không, các quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc là “tốt”, dấu hiệu của sự ấm lại giữa hai bên là “Chủ tịch Tập Cận Bình đã gởi quà cho Đức Giáo hoàng”. Quan sát kỹ hơn, một số chứng cớ suy đoán cho thấy trên thực tế, Chủ tịch Trung Quốc không gởi quà cho Đức Giáo hoàng.
Đức Giáo hoàng nói gì?
Trả lời câu hỏi của ký giả Jean-Marie Guénois của báo Le Figaro về liệu có một chuyến đi Trung Quốc không, Đức Giáo hoàng trả lời bắt đầu bằng “các ủy ban làm việc” đang làm việc giữa Bắc Kinh và Rôma, ngài tiếp tục cho biết, nói chung là lạc quan, và “dục tốc bất đạt”. Ngài nói thêm: “Một ngày nào đó quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc sẽ được bình thường hóa và chúng tôi nói tiến trình này là chậm, tôi có một sự nễ phục lớn với nước Trung Hoa”. Sau đó ngài cho biết, một phái đoàn Trung Hoa đã tham dự buổi hội thảo do Viện Giáo hoàng về Khoa học tổ chức về Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si. “(…) Một phái đoàn đại diện Chủ tịch đã có mặt. Và Chủ tịch Trung Quốc đã gởi cho tôi một món quà. Các quan hệ thì tốt”, Đức Giáo hoàng tuyên bố.
Phái đoàn Trung Quốc nào nào đã có mặt ở Rôma?
Ngày 28 tháng 9 vừa qua, Viện giáo hoàng Khoa học Xã hội phối hợp với Hội đồng giáo hoàng ‘Công lý và Hòa bình’ tổ chức một buổi hội thảo quốc tế ở Vatican với đề tài “Kết hợp Tham khảo trên Thông điệp Chúc tụng Chúa và Con Đường dẫn đến hội nghị COP 22”, một năm sau lần tổ chức COP 21 ở Paris và vài tuần sắp tới tổ chức COP 22 ở Marrakech. Hồng y người Ghana Peter Turkson, Bộ trưởng một bộ vừa mới được thành lập “Phát triển nhân bản toàn diện” đã tiếp các khách mời của cuộc hội thảo, trong số các khách mời có phái đoàn Trung Quốc này. Đó là một hiệp hội Trung Quốc rất tích cực trong việc bảo vệ môi sinh: Hiệp hội Trung Quốc Bảo vệ Sinh thái và Phát triển Xanh (China Biodiversity Conservation and Green Development Foundation). Và người đại diện phái đoàn Trung Quốc trong cuộc hội thảo này đã tặng Đức Phanxicô một món quà. Đó là hình rập rất nổi tiếng của Bia Nestôriô được giữ ở Viện bảo tàng Tây An, bia này nói lên việc Vua Đường Thái Tông công nhận sự hiện diện của Giáo hội Nostôriô ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 7.
Ai đứng đàng sau Hiệp hội Trung Quốc này?
Hiệp hội Trung Quốc Bảo vệ Sinh thái và Phát triển Xanh mới đầu có tên là Hiệp hội Trung Quốc Milu (China Milu Foundation) là một hiệp hội tích cực trong việc bảo vệ môi sinh. Hiệp hội được ông Lu Zhengcao thành lập, ông là một trong những đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân giải phóng, bây giờ hiệp hội được ông Hồ Đức Bình điều khiển. Ông Hồ Đức Bình là nhà địa chất học, con trai đầu lòng của ông Hồ Diệu Bang (1915-1989), Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc từ năm 1982 đến 1987 và đã bị Đặng Tiểu Bình cách chức vì ông quá gần với các vụ biểu tình của sinh viên đòi dân chủ. Ông Hồ Diệu Bang chết tháng tư năm 1989, ba tuần trước vụ nghiến nát Mùa xuân Bắc Kinh ở Quảng trường Thiên An Môn. Theo báo chí Nhật bản, ông Tập Trọng Huân (thân sinh của Chủ tịch Tập Cận Bình) và ông Hồ Diệu Bang rất thân nhau và sự thân thiết này được tiếp tục nơi thế hệ con cái của họ, điều này giải thích vì sao Tập Cận Bình, dù chủ trương duy trì chế độ độc tài từ khi ông lên nắm chính quyền, năm ngoái ông vẫn để cho xuất bản toàn bộ tác phẩm của ông Hồ Diệu Bang, dấu ấn của một “tinh thần giải phóng” cho đến nay vẫn còn ít ở Trung Quốc.
Dù cho có sự gần gũi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Hồ Đức Bình, nhưng ông Hồ Đức Bình không có mặt trong phái đoàn tham dự hội thảo ngày 28 tháng 9 này ở Vatican. Một tin được Hiệp hội Trung Quốc Bảo vệ Sinh thái và Phát triển Xanh đăng trên trang Weibo (tương đương trang Twitter) ngày 29 tháng 9 cho biết, “tổng thư ký” của hiệp hội đã tặng Đức Giáo hoàng hình rập Bia Nestôriô.
Một bức hình từ màn hình được đăng trên Weibo cho thấy: Đức Hồng y Turkson ở cận cảnh và Đức Giáo hoàng ở giữa nhận hình rập Bia Nestôriô.
Và kết luận?
Về phía Tòa Thánh cũng như về phía Trung Quốc, không có một bình luận nào đưa ra sau khi có tin “Chủ tịch Tập Cận Bình tặng quà cho Đức Giáo hoàng”. Về phía Trung Quốc, tờ báo chính thức như Global Times hay Nhật báo Nhân dân không nói gì về sự việc này. Về phía Tòa Thánh, Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho hãng tin Giáo hội Á châu biết, họ “không có các chi tiết” về sự kiện này. Như thế có thể cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tặng Đức Giáo hoàng quà qua trung gian Hiệp hội này không? Theo các nhà quan sát, giả thuyết mới đầu có thể tin được, nếu đích thân ông Hồ Đức Bình đến Rôma và tự tay tặng Đức Giáo hoàng. Nếu không có sự có mặt của ông Hồ Đức Bình thì không thể có việc tặng quà này, vì về mặt nghi thức thì Chủ tịch Trung Quốc không thể bỏ qua nghi thức để tặng quà Đức Giáo hoàng một cách công khai như vậy.
Ngoài các lời tuyên bố của bên này bên kia về “thiện chí” cải thiện bang giao, nhưng vấn đề này vẫn luôn rất tế nhị. Dù chỉ trên lãnh vực văn hóa, các công việc đang tiến hành vẫn bị bế tắc. Chẳng hạn dự án số hóa 1200 bản thảo cổ Trung Quốc có từ Nhà Minh được lưu trữ ở Thư Viện Vatican. Đại học Bắc Kinh theo lẽ sẽ số hóa các tài liệu quý giá này và năm 2017 họ sẽ tổ chức một buổi triển lãm lưu động ở các thành phố Đại học của Trung Quốc, nhưng dự án này bị ngưng từ sáu tháng nay, phía Trung Quốc không cho một tin tức nào.
Còn về việc Đức Giáo hoàng nhắc đến trên chuyến bay từ Baku về Vatican ngày 2 tháng 10 vừa qua, có một buổi triển lãm của các Viện bảo tàng Vatican được tổ chức tại Trung Quốc, nhưng chúng tôi không nhận được tin tức nào ngoài cuộc triển lãm đã thực hiện từ ngày 5 tháng 2 đến 2 tháng 5 vừa qua. Cuộc triển lãm có tên “Bàn thờ, Đạo Công giáo truyền giáo ở phương Đông, Giáo hoàng và Lịch sử, Tòa Thánh, Năm phụng vụ, các Bí tích” (The Altar, Catholicism Spreads East, The Holy See, The Liturgical Year, The Pope and History, and The Sacraments) và đúng là do Vatican tổ chức; tuy nhiên cuộc triển lãm này không phải tổ chức ở Trung Quốc mà ở Đài Loan.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch