Ngày mà Joseph Ratzinger tiên đoán tương lai của Giáo hội

753

aleteia.org, Tod Worner, 2016-07-15

Trong lần thâu của đài truyền thanh Đức năm  1969…

Cardinal Ratzinger 20160804

Ngài không bao giờ cho mình có thể đọc được tương lai. Không, sự khôn ngoan của ngài quá lớn để không làm việc này. Tuy nhiên, ngài đã ôn hòa đưa ra các nhận xét đầu tiên như sau: «Chúng ta phải cẩn thận trong những gì chúng ta rao giảng. Thánh Âugutinô luôn đúng: Con người là một hố thẳm. Không một ai có thể biết trước cái gì sẽ đi ra từ những hố thẳm này. Và ai cho rằng Giáo hội không chỉ được xác định duy nhất bởi hố thẳm là Con Người này, mà cố gắng đạt được điều cao cả, vô tận là hố thẳm thần thiêng, người đó sẽ là người đầu tiên nghi ngờ chính những điều tiên đoán riêng của mình, vì ý muốn ngây ngô muốn chắc chắn mình có ly, nóù chỉ là bằng chứng cho một sự thiếu khả năng về mặt lịch sử.»

Nhưng thời của ngài, bị đánh dấu bởi một hiểm nguy hiện sinh, một chủ nghĩa chính trị yếm thế, một tinh thần xuống dốc, thời đó khát khao tìm câu trả lời. Giáo hội công giáo, một cọc tiêu trong dòng nước xoáy, Giáo hội cũng có làm một vài thay đổi, về phần mình, những người «thuận» và những người «chống thay đổi» ai cũng hỏi Giáo hội sẽ đi về đâu.

Chính trong bối cảnh của năm 1969 này mà linh mục Joseph Ratzinger đã có câu trả lời của một suy nghĩ chín chắn trên đài truyền thanh Đức. Sau đây là vài nhận xét của ngài trong phần kết luận.


«Tôi nghĩ, không, tôi chắc chắn, tương lai của Giáo hội sẽ từ những người cắm rễ sâu đậm trong đức tin, họ sống một cách trọn vẹn và một cách thuần túy. Tương lai Giáo hội sẽ không đến từ những người làm cho khớp mà không suy nghĩ thời đang đi qua, hay những người chỉ thích chỉ trích khởi đi từ nguyên tắc của chính họ, những cột mốc họ nghĩ không sai lầm. Tương lai Giáo hội cũng sẽ không đến từ những người chỉ muốn dùng con đường dễ dàng, những người tìm cách tránh đi sự thương khó của đức tin, xem những gì có tính cách hơi đòi hỏi, bị tổn thương hay đòi hỏi hy sinh là sai, là lỗi thời, là bạo chúa, là theo pháp chế. Chúng ta hãy làm một cách tích cực hơn: tương lai của Giáo hội, thêm một lần nữa, sẽ luôn tái dựng lại bằng các thánh, có nghĩa là những người luôn có tinh thần đi tìm những gì vượt lên các khẩu hiệu sơ sài theo thời trang, họ là những người có tầm nhìn rộng lớn hơn người khác, với cuộc sống bao trọn một thực tế rộng lớn hơn của họ. Chỉ có một cách đích thực đạt đến chủ nghĩa vị tha, đó là làm cho con người tự do: qua lòng kiên nhẫn có được, khi mỗi ngày làm những hành vi bất vụ lợi. Qua hành vi quên mình mỗi ngày này, đủ để tỏ rõ cho người khác thấy, đến độ nào họ là nô lệ cho cái ngã của họ, và chỉ duy nhất qua thái độ này, cặp mắt con người mới có thể chầm chậm mở ra. Con người chỉ duy nhất thấy trong chừng mực họ đã trải nghiệm sống và đã đau khổ. Nếu ngày nay, chúng ta khó ý thức được sự hiện diện của Chúa, là vì chúng ta thật quá dễ để đào thoát ra khỏi chính con người mình, sổng ra khỏi sâu thẳm con người mình bằng lạc thú, bằng ma túy vv. Vì thế, các sâu thẳm nội tâm của mình vẫn còn đóng kín. Nếu đúng là con người chỉ nhìn thấy rõ với đôi mắt quả tim, thì chúng ta thật mù quáng biết là chừng nào?

Điều sẽ tồn tại là Giáo hội của Chúa Kitô, Giáo hội tin vào một Thiên Chúa xuống thế làm Người và hứa cho chúng ta sự sống vĩnh cữu

Đâu là tương quan của những điều này với vấn đề của chúng ta? Vậy thì, điều này có nghĩa là những bài diễn văn lớn của những ai chủ trương một Giáo hội không có Chúa và không có đức tin thì đó chỉ là những lời ngoa ngôn không có ý nghĩa. Chúng ta chỉ tạo ra một Giáo hội chủ trương hành động qua các lời cầu nguyện chính trị. Tất cả đều hoàn toàn thừa thãi. Giáo hội này sẽ không đứng vững. Điều tồn tại là Giáo hội của Chúa Kitô, Giáo hội tin vào một Thiên Chúa xuống thế làm Người và hứa cho chúng ta sự sống vĩnh cữu. Một linh mục mà không hơn gì một cán sự xã hội thì có thể thay thế linh mục đó bằng một tâm lý gia hoặc một chuyên gia nào khác. Một linh mục không phải là một chuyên gia, không đứng nhìn, không phát lời khuyên, nhưng linh mục là người nhân danh Thiên Chúa, ở vào địa vị của Con Người, bên cạnh họ lúc vui, lúc buồn, lúc hy vọng, lúc sợ hãi, đúng, các linh mục này, chúng ta cần cho tương lai.

Giáo hội sẽ giảm tầm vóc và gần như sẽ phải khởi đi từ zero

Chúng ta sẽ còn đi xa hơn một chút. Từ cơn khủng hoảng hiện nay sẽ ló ra Giáo hội của ngày mai – một Giáo hội sẽ phải mất mát rất nhiều. Nó sẽ có tầm vóc giảm đi và gần như sẽ phải khởi đi từ zero. Nó sẽ không lấp đầy tất cả các tòa nhà được xây trong thời thịnh vượng. Con số tín hữu sẽ giảm, Giáo hội sẽ mất một số ưu tiên. Ngược với thời gian trước đây, Giáo hội sẽ thật sự được xem như một xã hội của những người tự nguyện, tự nguyện ở trong Giáo hội và do mình quyết định. Dù là một xã hội nhỏ, Giáo hội sẽ được dẫn đưa và thường là theo sáng kiến của các thành viên của mình.

Giáo hội sẽ phong chức cho các tín hữu có khả năng và họ có thể hành một nghề

Chắc chắn, Giáo hội sẽ khám phá các hình thức mới cho sứ vụ và sẽ phong chức cho những người có khả năng và họ có thể hành một nghề. Trong nhiều nhà dòng nhỏ hay trong những nhóm độc lập, đường lối mục vụ có thể sẽ được quản trị theo cách này. Song song vào đó, sứ vụ của linh mục toàn thời gian vẫn là điều cần thiết, như trước đây vẫn là. Nhưng trong tất cả các thay đổi dự đoán này, tinh hoa của Giáo hội sẽ vừa là canh tân, vừa khẳng định trong những gì luôn là điểm cắm neo: đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế Làm Người, vào Thần Khí hiện diện cho đến ngày tận thế. Trong đức tin và trong lời cầu nguyện, Giáo hội xem các bí tích như một sự vinh danh Chúa chứ không phải là chủ đề của những bắt bẻ phụng vụ.

Thời điểm «Giáo hội của những người hiền dịu» sẽ đến

Giáo hội sẽ là một Giáo hội thiêng liêng hơn, không đánh cuộc trên các hợp đồng chính trị, không xua nịnh cánh hữu cũng như cánh tả. Như thế sẽ khó cho Giáo hội vì sẽ tốn rất nhiều năng lực trong giai đoạn thích ứng và làm sáng tỏ này. Điều này sẽ làm cho Giáo hội thành khó nghèo và là Giáo hội của những người hiền dịu. Tiến trình này sẽ gay go, nên cần phải gạt bỏ tinh thần hẹp hòi cục bộ và cái tôi quá thổi phồng. Chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý là những chuyện này cần thời gian. Tiến trình sẽ có thể dài và chán ngắt, giống như con đường dẫn đến khuynh hướng tiến bộ vào thời tiền Cách mạng Pháp – khi một giám mục có thể được xem là tốt khi ông chế giễu các tín điều và ngay cả khi ông nói bóng nói gió về sự hiện hữu của Chúa là tuyệt đối không chắc chắn – cho đến thời canh tân vào thế kỷ 19. Nhưng khi các thử thách của giai đoạn lành mạnh hóa này được vượt lên, thì Giáo hội sẽ đơn giản và phong phú hơn về mặt thiêng liêng, sẽ đi ra một cách vững mạnh và lớn lên. Những người tiến triển trong một thế giới hoàn toàn được hoạch định sẽ cảm thấy mình cực kỳ cô lập, hoàn toàn không còn thấy Chúa, họ thật sự sẽ kinh hoàng cảm thấy cái nghèo của mình. Khi đó họ sẽ nhìn nhóm nhỏ những người có lòng tin với một cặp mắt mới. Họ sẽ thấy đây như một hy vọng cho một cái gì dành cho họ, một câu trả lời mà họ luôn âm thầm đi tìm.

Theo tôi, chắc chắn Giáo hội sẽ chạm trán với những giai đoạn cực kỳ khó khăn. Cơn khủng hoảng đích thực chỉ mới bắt đầu. Cần phải chờ các vụ xáo trộn lớn. Nhưng tôi cũng cũng chắc chắn, cuối cùng vẫn là: một Giáo hội của đức tin, không phải là loại Giáo hội thờ phụng chính trị, vì loại này đã chết. Cũng có khả năng lớn Giáo hội không còn quyền lực thống trị như Giáo hội đã có cho đến bây giờ, nhưng Giáo hội sẽ sống một canh tân và trở nên căn nhà của những người, nơi đó họ sẽ tìm được sự sống và hy vọng vào đời sống vĩnh cữu.»


Giáo hội công giáo sẽ tồn tại mặc cho quý ông quý bà, và không nhất thiết phải nhờ đến họ. Tuy vậy, chúng ta có một vai trò để đóng. Chúng ta phải cầu nguyện và trau dồi một tình yêu cho tha nhân, cho sự quên mình, cho lòng trung tín, cho sự kính mến các bí tích và cho một đời sống đặt trọng tâm vào Chúa Kitô.

Chúng ta có thể đào sâu các vấn đề này và tìm đọc toàn bộ các điều này trong tác phẩm của  Joseph Ratzinger, Đức tin kitô giáo hôm qua và ngày nay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch