Elie Wiesel: “Tôi phản đối sự công chính của Chúa, nhưng tôi không bao giờ chối Ngài”

555

lavie.fr, Charles Wright, 2012-01-25

Elie-Wiesel-in-1985.-Neal-Boenzi-The-New-York-TimesNhà Văn Elie Wiesel qua đời ngày 2 tháng 7-2016, ông thoát khỏi trại tập trung nazi và được Giải Hòa Bình năm 1986. Năm 2012 Báo Đời Sống ghi lại lời chứng về đức tin của ông. Khi còn trẻ con, ông chỉ sống cho Chúa và mơ mình là nhà thông thạo kinh Talmud. Năm 15 tuổi, ông bị vào trại hỏa ngục Auschwitz, rồi Buchenwald, nơi Chúa gần như vắng mặt, dù vậy ông không bao giờ chối đức tin. Năm 2012, báo Đời Sống chúng tôi ghi lại chứng từ đức tin của ông; hôm nay chúng tôi đăng lại để vinh danh ông.

«Tôi 15 tuổi. Trong hoảng hốt, bị mất định hướng, trong bóng mờ giữa các bóng mờ khác, tôi bị tống lên toa dành cho súc vật, hôi thối khủng khiếp. Bị cơn đói hành hạ, tôi tìm khuôn mặt của cha mẹ tôi, tim tôi đập thình thình. Tôi nghe tiếng thở đứt đoạn của em gái Tzipora tôi và tiếng hét cuồng loạn của một bà sau đó bị điên. Sau bốn ngày đường, xe lửa đi chậm lại. Qua cửa sổ nhỏ, tôi thấy hàng rào dây thép gai dài đến vô tận. Chúng tôi đang ở Auschwitz. Tiếng hét của quân nazi dội lên tứ phía. Mẹ tôi nói, «mình phải ở chung với nhau». Chúng tôi nắm chặt tay nhau. Một lệnh ngắn gọn vang lên: Đàn ông ở một bên, đàn bà ở một bên. Tôi ở lại với cha tôi, trong khi mẹ và các em gái đi qua một hướng khác. Tôi còn thấy họ xa dần về hướng các ống khói mênh mông được đốt lên bằng sinh mệnh sống con người, khi đó, tôi không biết là mình sẽ không bao giờ còn thấy được mẹ và em tôi.

Bóng của những con tàu đêm đi qua vùng châu lục bị hoang tàn vẫn còn tiếp tục ám ánh tôi. Chúng tượng trưng cho sự tiến lần đến cái hấp hối, cái chết cay nghiệt của nhiều người Do Thái. Mãi đến bây giờ, mỗi lần tôi nghe tiếng còi xe lửa, có một cái gì trong lòng tôi tê cứng lại.

«Tôi không bao giờ ngưng cầu nguyện»

Tôi lớn lên ở Sighet, một thành phố nhỏ của Transylvania, nơi cha mẹ tôi có một tiệm tạp hóa. Từ nhỏ, tôi học tiếng hêbrơ cổ, tôi đắm mình trong kinh Torah, kinh Talmud và kinh Midrash. Năm tôi 13 tuổi, tôi đã viết các lời chú giải Thánh Kinh. Tôi còn nhớ các lời cầu nguyện xuất thần đầu tiên của tôi, khi cùng với các bạn của lớp yeshiva, các thầy giáo đưa cho chúng tôi các chìa khóa để mở các cánh cửa bí mật của suy niệm thần nghiệm. Vào tuổi đó, tôi mơ được đi dạy và làm sáng tỏ các bản văn thiêng liêng. Nếu tôi không bị vào trại tập trung, chắc chắn đương nhiên tôi sẽ là một nhà thông thạo kinh Talmud. Từ cuộc tỉnh thức của tôi, tôi chỉ sống cho Chúa. Chính Ngài là neo của tôi, Ngài mở và tháo các chuyện, các sự kiện, các con người. Ngài là ý nghĩa của cuộc đời tôi, là biện bạch cho tất cả.

Đoạn tiếp theo, tôi đã kể trong quyển Ban Đêm. Tuy nhiên chữ nghĩa có đủ sức mạnh để tả cái vũ trụ phủ nhận và lạnh lẽo, nơi trẻ con ngơ ngác và người già đến đó để chết không? Và sự ra đi của em tôi, bị giết cùng với mẹ tôi ngay đêm mới đến? Và mùi thịt cháy nhiễm cả không gian? Và trẻ sơ sinh bị ném sống vào các lò lửa nóng cháy? Và những tiếng thở hấp hối như đến từ thế giới bên kia, dội lên từ những cái lán, nơi xác người chất đống không?

Làm sao tôi đã không điên khi ở trong phòng chờ địa ngục này, chìm trong nỗi sợ với những cú đấm, những tiếng hét của lính canh, tiếng chó sủa của họ? Dù sống trong kinh hoàng, tôi không bao giờ ngừng cầu nguyện. Ngày thứ bảy, vừa khiêng đá tt vừa ngân nga các bài thánh vịnh của ngày xa-bát. Có phải vì tôi muốn làm vui lòng cha tôi, để chứng tỏ cho cha tôi thấy, tôi vẫn là người do thái trong vương quốc khốn khổ chỉ muốn mình biến mất? Khi đó tôi không còn sức để đắm mình trong các suy niệm thần học: phần bánh mì mỗi ngày sẽ dày hơn hay mỏng hơn, đó là trọng tâm của các lo lắng của tôi. Cái sợ của những cú đấm thế gian vượt cái sợ của những cú đấm từ trời. Về điểm này, kẻ thù đã thắng: đó là chung quanh những người lính nazi, chứ không phải chung quanh Chúa mà vũ trụ chúng ta theo lệnh.

«Yêu Chúa, chất vấn Chúa, than phiền Chúa…»

Sự phản kháng của tôi đến sau chiến tranh, khi tôi học triết ở Paris. Đối với bạn Primo Levi của tôi, vấn đề của đức tin sau trại tập trung Auschwitz được đặt đơn giản như sau: hoặc Chúa là Chúa, như thế Chúa toàn năng, như thế Chúa có tội trong việc đã để cho các kẻ sát nhân hành động; hoặc sự toàn năng của Ngài có giới hạn, như vậy Chúa không phải là Chúa. Lập luận này chất vấn tôi. Trọn con người tôi phản kháng: vì Chúa ở khắp nơi, vậy Chúa ở đâu khi có nạn diệt chủng người do thái? Khi còn nhỏ, tôi chỉ đặt Chúa duy nhất trong các điều tốt, trong điều thánh thiêng, trong những gì làm con người xứng đáng được cứu rỗi. Sau khi sống sự ác tuyệt đối, tại sao tiếp tục thánh hóa danh Ngài? Vì Ngài đã thiêu hàng ngàn trẻ em trong lò? Vì, trong sự toàn năng của Ngài, Ngài đã tạo nên trại tập trung Auschwitz và bao nhiêu lò giết người khác?

Nếu tôi phản đối sự công chính của Chúa, nhưng tôi không bao giờ chối Chúa. Cơn giận của tôi luôn ở bên trong đức tin. Tuy nhiên, tôi không ngừng tìm để biết vì sao Chúa im lặng. Thần nghiệm do thái cũng nói đến các vắng bóng của Chúa, Ngài rút lui để cho tạo dựng của Ngài khẳng định. Một ngày nọ, một trong các thầy dạy kinh Talmud chỉ cho tôi thấy một viễn cảnh khác: phải yêu Chúa. Chất vấn Chúa và cả than phiền Chúa. Thầy hỏi tôi: «Con có biết nhân vật nào trong Thánh Kinh thê thảm nhất không? Chính Chúa, ông nói, chính Ngài mà các tạo vật của Ngài hay đè bẹp Ngài và làm Ngài thất vọng.” Thầy chỉ cho tôi một đoạn trong kinh Midrash nói về cuộc nội chiến đầu tiên trong lịch sử do thái bắt đầu chỉ bằng một vụ gây gỗ bình thường trong gia đình; và trên cao, Chúa khóc cho dân Ngài, như muốn nói: “Các con đã làm gì với công trình của Ta?” Vậy, đến thời của Treblinka và của Auschwitz thì nước mắt của Chúa phải gấp đôi – và chúng ta có thể cầu khấn Ngài không những chỉ phẫn nộ mà còn cả buồn bã và trắc ẩn. Tất cả những câu hỏi này vẫn còn mở. Nếu có một câu trả lời thì tôi không biết. Hơn nữa: tôi không muốn biết. Sáu triệu con người chết trong trại tập trung, chuyện này mãi mãi vẫn là một câu hỏi!»

Marta An Nguyễn chuyển dịch